1. Giới thiệu
Cấu
trúc hộ gia đình phản ánh nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội,
dân số và kinh tế cũng như đóng vai trò quan trọng đối với phúc lợi xã hội của
gia đình và cá nhân. Xu hướng của cơ cấu gia đình Việt Nam là thu nhỏ về quy mô và hạt
nhân hóa nhằm phù hợp với xu hướng của hiện đại hóa. Tuy nhiên, tốc độ của sự
biến đổi diễn ra khác nhau ở từng thành phần của cấu trúc gia đình (Vũ Tuấn Huy 2006). Theo sự phát triển của nền
kinh tế-xã hội, cấu trúc gia đình cũng trở nên đa dạng hơn về hình thức tổ chức
(Lê Ngọc Văn 2011, Vũ
Tuấn Huy 2006).
Theo kết quả Tổng điều tra dân
số và nhà ở năm 2009, số lượng hộ gia đình ở Việt Nam năm 2009 là 22.628.167
hộ, tăng gần 6 triệu hộ so với năm 1999. Quy mô hộ gia đình ở Việt Nam đã giảm
khá nhanh từ 5,22 người/hộ gia đình năm 1979 xuống 4,82 và 4,51 ở hai năm 1989
năm 1999. Đến năm 2009, số người bình quân/hộ là 3,78 người, giảm khoảng 0,8
người so với năm 1999. Quy mô hộ gia đình trung bình năm 2009 là 3,66 ở thành
thị và 3,84 ở nông thôn. Quy mô gia đình nhỏ (hộ có từ 4 người trở xuống) là
hiện tượng phổ biến ở Việt Nam
(72%), nhất là ở khu vực thành thị (76%). Nếu phân chia theo vùng kinh tế-xã
hội thì có thể thấy là các vùng có mức độ phát triển kinh tế thấp hơn thường có
quy mô hộ gia đình lớn hơn. Hai khu vực được xem có mức sống thấp nhất là Trung
du và miền múi phía Bắc và Tây Nguyên có quy mô hộ trung bình lần lượt là 4,0
và 4,1 so với mức trung bình của toàn quốc là 3,8. Ngược lại, Đồng bằng sông
Hồng có số người bình quân một hộ thấp nhất trong cả nước (3,5 người). Tuy
nhiên, sự khác biệt giữa các vùng còn lại không theo quy luật này một cách rõ
ràng, chẳng hạn như Đông Nam Bộ và Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có mức độ
phát triển kinh tế khá khác nhau nhưng đều có quy mô hộ trung bình là 3,8 (Ban chỉ đạo Tổng điều
tra dân số và nhà ở trung ương 2010).
Khác biệt về quy mô hộ trung
bình của thành thị và nông thôn là không đáng kể, tương ứng là 3,7 và 3,8
người. Quan sát theo nơi cư trú của dân cư, ở khu vực thành thị, Trung du và
miền núi phía Bắc có số người bình quân một hộ thấp nhất (3,2 người). Vùng có
số người bình quân một hộ cao nhất ở khu vực thành thị là Đồng bằng sông Cửu
Long (3,9 người). Điều này chứng minh rằng, mô hình gia đình nhỏ là phổ biến ở
thành thị trong tất cả các vùng (Ban chỉ đạo Tổng điều
tra dân số và nhà ở trung ương 2010).
Kết quả Tổng điều tra dân số và
nhà ở năm 2009 còn cho thấy có sự khác biệt về quy mô gia đình của 6 dân tộc có
dân số từ 1 triệu người trở lên, số người trung bình một hộ gia đình của người
Kinh là thấp nhất, 4,3 người. Trong khi đó, quy mô hộ gia đình ở các nhóm dân
tộc khác đều cao hơn người Kinh và cao nhất ở nhóm dân tộc Mông, 5,3 người (Ban chỉ đạo Tổng điều
tra dân số và nhà ở trung ương 2010).
Tổng tỷ suất sinh (TFR) là một trong
những thước đo chính phản ánh mức sinh và trực tiếp tác động đến quy mô hộ gia
đình của dân số. TFR đã giảm mạnh từ 2,33 con/phụ nữ năm 1999 xuống còn 2,03
con/phụ nữ năm 2009. Với tỷ suất sinh 2,03 con tính trung bình cho một phụ nữ,
Việt Nam đã đạt được mức sinh thay thế và duy trì liên tục từ năm 2006 đến nay (Ban
chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương 2010).
Trong 20 năm qua ở cả nông thôn
và thành thị, tỷ lệ hộ gia đình không có người trong độ tuổi phụ thuộc (<15
và 65 tuổi trở lên) đã tăng mạnh. Nếu như năm 1989 chỉ có 14,3% số hộ không có
người trong độ tuổi phụ thuộc thì đến năm 2009, tỷ lệ này lên đến 30,8%, tức là
hơn gấp đôi. Cũng trong 2 thập kỷ qua, do mức sinh xuống thấp, tỷ lệ hộ có trẻ
em dưới 5 tuổi đã giảm đi khá nhanh, từ 53,9% năm 1989 xuống còn 39,5% năm 1999
và 27,5% năm 2009. Tương tự, tỷ lệ hộ có trẻ em dưới 15 tuổi đã giảm từ 85,9%
năm 1989 xuống còn 58,0% năm 2009. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ có người cao tuổi (trên
60 hay trên 65 tuổi) lại không thay đổi đáng kể. Điều này cũng không mâu thuẫn
với tình trạng già hóa dân số ở Việt Nam bởi tỷ lệ người cao tuổi và
người trong độ tuổi lao động đều tăng theo thời gian (TCTK 2011b).
Có thể nói, cùng với sự tăng
trưởng về số lượng là sự chuyển đổi dần của cấu trúc hộ gia đình. Trong ba thập
kỷ qua, cấu trúc hộ gia đình ở Việt Nam đã có nhiều biến đổi, quy mô hộ
trung bình đã giảm khá nhanh. Tỷ lệ hộ gia đình có trẻ em dưới 15 tuổi cũng
giảm đi khá nhanh, ngược lại tỷ lệ hộ gia đình có người cao tuổi lại không thay
đổi đáng kể. Trong khi đó, tỷ lệ hộ gia đình không có người trong độ tuổi phụ
thuộc (<15 tuổi và 65 tuổi trở lên) lại tăng lên hơn gấp đôi. Đây là đặc
điểm phổ biến của hộ gia đình ở những tập hợp dân số đã hoàn thành quá trình
quá độ (TCTK 2011b).
2. Biến đổi cấu trúc hộ gia đình Việt Nam và những yếu tố ảnh hưởng
2.1. Những biến đổi trong hôn nhôn
Mức độ kết hôn
Cấu trúc hộ gia đình ở Việt Nam có
sự biến đổi song hành với sự biến đổi của hôn nhân. Hôn nhân đã từng là một
hiện tượng khá phổ biến ở Việt Nam .
Tuy nhiên, ngày càng nhiều người trong nhóm dân số trẻ trì hoãn việc kết hôn và
sinh đẻ muộn hơn. Điều này dẫn đến sự thay đổi lớn trong cấu trúc gia đình so
với các thế hệ trước và được xem là phù hợp với xu hướng của quá trình hiện đại
hóa. Việc chuyển đổi ý nghĩa hôn nhân biểu hiện ở chỗ giảm vai trò của cha mẹ,
họ hàng và tăng cường vai trò của cá nhân trong việc quyết định hôn nhân (Vũ Tuấn Huy 2006). Một nghiên cứu gần đây nhận
xét, sự không chắc chắn về tình trạng muốn làm cha mẹ không phải là nguyên nhân
duy nhất cho việc hoãn kết hôn mà còn bị ảnh hưởng bởi lối sống và tiêu dùng (Lary L. Bumpass và
Karen O. Mason 2006).
Bảng 1. Tỷ lệ dân số chưa kết hôn
theo nhóm tuổi, giới tính, 1989-2009
Nhóm tuổi
|
Nữ
|
|||||
1989
|
1999
|
2009
|
1989
|
1999
|
2009
|
|
20-24
|
59,34
|
67,75
|
75,61
|
43,13
|
45,32
|
50,80
|
25-29
|
22,14
|
28,31
|
35,82
|
19,99
|
17,26
|
18,24
|
30-34
|
6,98
|
9,31
|
12,12
|
11,07
|
9,73
|
8,01
|
35-39
|
3,20
|
3,77
|
5,93
|
8,85
|
7,28
|
6,13
|
40-44
|
1,96
|
1,93
|
3,29
|
6,08
|
6,52
|
5,72
|
45-49
|
1,54
|
1,14
|
2,07
|
3,52
|
5,79
|
5,59
|
50-54
|
1,12
|
0,89
|
1,32
|
2,30
|
4,62
|
4,49
|
55-59
|
0,92
|
0,78
|
0,95
|
1,79
|
2,44
|
5,13
|
60-64
|
0,92
|
0,39
|
0,68
|
1,59
|
1,56
|
3,97
|
Nguồn: (TCTK 2011b)
So sánh tỷ lệ chưa kết hôn của
nam và nữ qua ba cuộc Tổng điều tra dân số cho thấy rõ hơn sự biến đổi theo thời
gian. Từ năm 1989 đến 1999 và 2009, tỷ lệ chưa kết hôn của nam giới ở các nhóm
tuổi đều tăng dần, chứng tỏ tuổi kết hôn lần đầu của nam giới tăng lên. Cũng
trong khoảng thời gian này, tỷ lệ chưa kết hôn của nữ tăng khá rõ ở nhóm 20-24
tuổi, tăng từ 43% năm 1989 lên 45% năm 1999 và đạt khoảng 51% vào năm 2009
(Bảng 1). Kết quả này cho thấy phụ nữ ngày nay kết hôn muộn hơn nhưng khả năng
kết hôn trước 40 tuổi cao hơn so với cách đây hai thập kỷ (TCTK 2011b). Ngoài ra, tỷ lệ chưa từng
kết hôn của nhóm dân số độ tuổi từ 35 đến 54 đã tăng lên đáng kể từ 1989 đến
1999 và 2009. Điều đó có nghĩa là người dân có xu hướng kết hôn muộn hơn và
tuổi kết hôn lần đầu ngày càng cao. Nếu như năm 1989 chỉ có rất ít phụ nữ ở độ
tuổi từ 50 trở lên chưa kết hôn thì đến năm 2009, tình trạng này đã gia tăng
khá rõ.
Tuổi kết hôn
lần đầu
Cấu trúc hộ gia đình không chỉ
phụ thuộc vào số sinh được kiểm soát bên trong gia đình mà còn phụ thuộc vào độ
tuổi bước vào hôn nhân. Tuổi kết hôn lần đầu là một yếu tố quan trọng phản ánh
khả năng sinh học và chu trình sinh sản của người phụ nữ. Tuổi kết hôn cũng
quan trọng đối với cấu trúc hộ gia đình ở những xã hội khác nhau vì nó có tác
động trực tiếp đến sự biến thiên của mức sinh. Tuổi kết hôn lần đầu sớm thường
dẫn đến việc sinh con sớm. Việc sinh con sớm không những có ảnh hưởng đến sức
khỏe của người mẹ và trẻ em mà còn làm cho thời gian tham gia vào quá trình
sinh sản của người mẹ kéo dài hơn và do đó số con sẽ nhiều hơn.
Biểu đồ 1. Tuổi kết hôn trung
bình lần đầu (SMAM) chia theo thành phần dân tộc và giới tính
Nguồn: (UNFPA 2011b)
Số liệu Tổng điều tra Dân số và
nhà ở Việt Nam
năm 2009 không cho phép ước lượng trực tiếp tuổi kết hôn trung bình lần đầu do
không có thông tin về thời gian hay độ tuổi khi kết hôn. Vì vậy, tuổi kết hôn
trung bình lần đầu được ước lượng gián tiếp từ tỷ lệ chưa từng kết hôn của các
nhóm tuổi từ 15-19 đến 45-49 (hoặc 50-54). Kết quả ước lượng gián tiếp như vậy
được gọi là SMAM (singulate mean age at marriage). Nói cách khác, SMAM là số
năm sống trung bình trước khi kết hôn lần đầu của những người kết hôn trước
tuổi 50.
So sánh theo khu vùng kinh tế -
xã hội, SMAM của nam và nữ thấp nhất ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc (24,2
và 21,3) và Tây Nguyên (25,2 và 21,8). SMAM thấp dường như có mối liên hệ với
quy mô hộ trung bình lớn ở hai vùng này. Có thể kết hôn sớm tạo ra nhu cầu cư
trú cùng với gia đình bố mẹ trong một khoảng thời gian nhất định trong chu kỳ
sống của các cặp hôn nhân.
Mỗi dân tộc thường có văn hóa
riêng mà tập quán hôn nhân cũng là một khía cạnh của văn hóa nên tuổi kết hôn
trung bình lần đầu có thể khá khác biệt giữa các dân tộc (UNFPA 2011b). Kết quả ước lượng SMAM của một
số nhóm dân tộc lớn ở Việt Nam
cũng phản ánh mối quan hệ giữa yếu tố này với quy mô hộ gia đình (Biểu đồ 1).
Kết quả phân tích cho thấy, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của người Kinh cao
nhất (26,6 cho nam và 23,1 cho nữ), và đây cũng là nhóm dân tộc có quy mô hộ
trung bình nhỏ nhất (4,3 người). Ngược lại, SMAM thấp nhất ở dân tộc Mông (19,9
cho nam và 18,8 cho nữ). Điều này phản ánh thực tế là tình trạng tảo hôn ở dân
tộc Mông vẫn còn khá phổ biến và dẫn đến quy mô hộ gia đình ở nhóm dân tộc này
lớn nhất (5,3 người). Mối liên hệ giữa SMAM và quy mô hộ gia đình cũng được
phản ánh đối với nhóm dân tộc Thái. SMAM của nhóm dân tộc Thái thấp thứ hai sau
nhóm dân tộc Mông (22,8 cho nam và 20,8). Vì thế, quy mô hộ gia đình ở nhóm dân
tộc Thái cũng đứng thứ hai sau nhóm dân tộc Mông (5,1 người).
Kết hôn tuổi vị thành niên
Hiển nhiên là tuổi kết hôn càng
sớm thì mức sinh càng cao, vì khả năng sinh sản của người phụ nữ biểu lộ cao
nhất vào cuối thời kỳ thanh xuân và vào đầu những năm 20 tuổi. Cũng như Tổng
điều tra dân số và nhà ở năm 1999 và các cuộc điều tra mẫu biến động dân số
hằng năm, số liệu của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 cho thấy có hiện
tượng kết hôn ở tuổi vị thành niên. Với cả nam và nữ, tỷ trọng kết hôn vị thành
niên nhóm dân số 15-19 tuổi của nông thôn cao hơn gần ba lần so với của thành
thị. Phần trăm đã từng kết hôn của nữ vào tuổi 18 ở nông thôn là 15%, con số đó
đã tăng gần gấp đôi ở độ tuổi 19 (27%). Các tỷ lệ tương ứng của khu vực thành
thị là 7% và 11%.
Mức kết hôn của dân số tuổi
15-19 có sự khác biệt đáng kể theo vùng. Tỷ trọng đã từng kết hôn thấp nhất của
nam giới ở nhóm tuổi 15-19 thuộc về Đồng bằng sông Hồng (dưới 1%), tỷ trọng đó
của nữ là khoảng 6%. Ngược lại, tỷ trọng đã từng kết hôn của cả nam và nữ ở
Trung du và miền núi phía Bắc là cao nhất, tiếp sau là Tây Nguyên. Đối với nhóm
dân số 19 tuổi, tỷ trọng nam giới ở Trung du và miền núi phía Bắc đã từng kết
hôn chiếm tỷ trọng cao nhất, 15%, con số này ở nữ giới cao hơn hai lần, đạt 37%.
Tỷ trọng này là 10% đối với nam và 32,1% đối với nữ ở khu vực Tây Nguyên. Hơn
nữa, ở hai vùng này mức độ công nghiệp hóa chậm hơn và kinh tế kém phát triển
hơn so với các vùng khác, nên điều đó có thể là nguyên nhân dẫn đến mức kết hôn
ở tuổi vị thành niên cao. Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của vị thành niên
cũng là thấp nhất ở Trung du và miền núi phía Bắc, 18,6 năm đối với nam và 18,3
năm đối với nữ (Ban chỉ đạo Tổng điều
tra dân số và nhà ở trung ương 2010).
Sự tan rã của hôn nhân
Nếu như kết hôn là một hiện
tượng phổ quát của tình trạng hôn nhân ở Việt Nam thì sự đứt đoạn trong đời sống
các cặp quan hệ giới tính cũng là điều cần phải được đề cập tới khi tìm hiểu về
sự biến đổi của cấu trúc hộ gia đình. Sự phá vỡ hôn nhân là một trong những yếu
tố quyết định chính của tỷ lệ trung bình những năm tháng tái sinh sản của người
phụ nữ trong đời sống hôn nhân.
Những biến đổi xã hội trong
những năm khi Việt Nam
chuyển sang nền kinh tế thị trường cũng có những tác động nhiều mặt đến đời sống
gia đình. Gia đình rơi vào khủng hoảng do nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến ly
hôn tăng lên (Vũ Tuấn Huy 2006). Khi một cuộc hôn nhân bị
chấm dứt điều đó cũng có nghĩa là về mặt pháp lý cuộc hôn nhân không còn giá
trị nữa, do đó mỗi người lại trở về tình trạng hôn nhân trước đây và trong hầu
hết các trường hợp là trở lại thành người độc thân. Tỷ lệ ly hôn của các gia
đình Việt Nam
có xu hướng tăng nhanh trong những năm qua, có thể do sự độc lập về điều kiện
kinh tế ở khu vực đô thị nên nên việc ly hôn được dễ tiến hành hơn. Sự tăng lên
tỷ lệ ly hôn của các cặp vợ chồng sẽ làm tăng tỷ lệ những gia đình khuyết thiếu
chỉ có bố hoặc mẹ nuôi con.
2.2. Những thay đổi trong loại hình gia đình
Quy mô hộ gia đình là một hàm
số phản ánh mức độ sinh đẻ và số người đã trưởng thành cùng ở chung (Charles Hirschman và Vũ
Mạnh Lợi 1994).
Trong xã hội Việt Nam
truyền thống, gia đình gia trưởng tương đối có sự đồng nhất bởi đặc trưng của
phương thức sản xuất nông nghiệp. Khuôn mẫu nơi ở sau khi kết hôn của các cặp
vợ chồng mới cưới thường được xác định là ở bên nhà chồng, đây là mô hình sắp
xếp nơi ở phổ biến và là cơ sở hình thành nên những gia đình lớn, nhiều thế hệ (Nguyễn Hữu Minh và
Charles Hirschman 2000).
Nếu người chồng là con trai cả thì sự khuyến khích hoặc thúc giục của cha mẹ
chồng và những người họ hàng khác bên chồng nhằm vào việc sinh con của người vợ
anh ta luôn được phát huy. Thậm chí quyền quyết định sinh con đôi khi không
thuộc về các cặp vợ chồng mà đó lại là của bố mẹ, họ hàng thân tộc. Do đó giao
hợp giới tính được thúc đẩy bởi nhiệm vụ sẽ thường xuyên hơn, và việc gia tăng
áp lực của cha mẹ chồng được sử dụng nhiều hơn khi họ không nhìn thấy có triệu
chứng tích cực nào cho việc sinh con từ phía người con dâu vài tháng sau khi
cưới (Trần Quý Long 2007). Có thể nói, loại hình gia
đình mở rộng là một đơn vị xã hội và kinh tế được duy trì và có sức sống mãnh
liệt dựa trên sức mạnh kinh tế và chính trị nhờ có đông thành viên. Cấu trúc
gia đình mở rộng thường khuyến khích và thưởng công cho việc tái sinh sản bởi
vì có con trai như là sự nối dõi làm cho dòng họ, gia đình trường tồn. Sâu xa
hơn, nhiều con cái sẽ làm tăng sức mạnh bằng chính số lượng các thành viên của
gia đình mở rộng được tổ chức theo hình thức phụ hệ.
Tuy
nhiên, cấu trúc hộ gia đình Việt Nam có sự biến đổi trong thời gian qua bởi vì
tỷ lệ gia đình nhiều thế hệ có xu hướng ngày càng suy giảm do phần lớn các cặp
vợ chồng sau khi kết hôn chỉ chung sống với bố mẹ chồng hoặc bố mẹ vợ một thời
gian ngắn sau đó tách riêng để tạo lập nên những hộ gia đình mới (Nguyễn Hữu Minh 2008a). Sự biến đổi này là do phát triển công nghiệp đã làm xói mòn
những nghĩa vụ thiêng liêng truyền thống của cá nhân đối với gia đình, thay thế
chúng bằng hệ tư tưởng thế tục nhấn mạnh đến các cá nhân hơn nhóm gia đình (Lary L. Bumpass và
Karen O. Mason 2006).
Theo Điều tra Gia đình Việt Nam 2006, hiện nay loại gia đình hai thế hệ (gồm
cha mẹ và con cái) khá phổ biến với tỷ lệ 63,4%. Loại hộ gia đình này có xu
hướng phổ biến hơn ở các khu vực Đông Bắc (67,2%), Tây Bắc (70,3%), Tây Nguyên
(76,4%) và ở nông thôn cao hơn thành thị (64,5% so với 60,6%). .
Tách
hộ nhằm trở thành một phương tiện để tăng sở hữu đất đai là một trong những nguyên
nhân thúc đẩy sự biến đổi cơ cấu hộ gia đình (Vũ Tuấn Huy 2006). Nhờ những những chính sách
cấp đất, vườn cho các cặp vợ chồng ra ở riêng mà quá trình hạt nhân hóa gia
đình vốn đã tồn tại từ trước càng được củng cố thêm. Mô hình các gia đình ít
con với phương thức phân công lao động thích hợp với điều kiện ruộng đất và
phát triển kinh tế sẽ có tác động điều chỉnh chuẩn mực số con trong các gia
đình (Nguyễn Hữu Minh 1991).
Cùng
với xu thế biến đổi xã hội theo hướng hiện đại hóa, cấu trúc gia đình cũng trở
nên đa dạng hơn về hình thức tổ chức, không chỉ có gia đình hạt nhân và gia
đình mở rộng. Những thay đổi trong quan niệm về hôn nhân, những điều kiện đặc
thù của cấu trúc tuổi và giới tính trong dân số dẫn đến khẳng định quyền sinh
sản của phụ nữ và xuất hiện loại gia đình khuyết thiếu (Vũ Tuấn Huy 2006). Theo kết quả Tổng điều tra
dân số và nhà ở 2009, tỷ lệ hộ độc thân ở Việt Nam đã giảm từ 5% năm 1989 xuống
4,4% năm 1999 và lại tăng lên tới 7,3% năm 2009. Đa số người sống độc thân là
nữ, mặc dù tỷ lệ người sống độc thân là nữ đã giảm từ 72,9% năm 1989 xuống
68,7% năm 1999 và 67%. Điều này có thể là do nữ có tỷ lệ không kết hôn cao hơn
và cũng có tuổi thọ cao hơn nam giới hoặc là khả năng tái hôn sau khi ly hôn
hoặc góa thấp hơn nam giới. Tỷ lệ phụ nữ góa chồng tăng lên nhanh chóng theo độ
tuổi và theo cả thời gian (qua 3 cuộc TĐTDS) nên đến năm 2009, hơn 50% phụ nữ
Việt Nam trên 60 tuổi phải sống ngoài hôn nhân, trong khi với nam giới thì hiện
tượng này chỉ xảy ra ở độ tuổi trên 85 (UNFPA 2011a).
2.3. Di chuyển dân số
Quá trình phi nông nghiệp hóa
nông thôn dưới tác động của công nghiệp hóa và đô thị hóa sẽ làm thay đổi nơi
ở, nơi làm việc và nghề nghiệp của người dân nông thôn tạo nên tính cơ động xã
hội – nghề nghiệp cao với cư dân nông thôn. Những cơ hội nghề nghiệp không được
phấn bố đều về mặt địa lý và thay đổi cùng với sự chuyển đổi của nền kinh tế.
Vì thế, di động về mặt địa lý do đòi hỏi của nền kinh tế công nghiệp đã làm xói
mòn những khuôn mẫu gia đình truyền thống (Lary L. Bumpass và
Karen O. Mason 2006).
Dưới tác động của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, các dòng di dân từ
nông thôn tới đô thị và các khu công nghiệp nhằm tìm kiếm việc làm, cải thiện
thu nhập diễn ra rất mạnh mẽ trong những năm vừa qua ở Việt Nam. Di dân có
những đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế, giải quyết tình trạng thiếu việc
làm ở nông thôn, thiếu lao động ở các khu đô thị và khu công nghiệp và là một
lối thoát nghèo (Đặng Nguyên Anh 2006).
Những thành viên gia đình ra đi
tới những thị trường lao động khác biệt về mặt địa lý là một biểu hiện cho chiến
lược đa dạng hóa và làm giảm những sự rủi ro cho thu nhập của hộ gia đình. Sự
phân tán về mặt địa lý và chuyển đổi của những cơ hội kinh tế có xu hướng không
chỉ ảnh hưởng đến quan hệ giữa các thế hệ mà còn tạo ra những dạng đặc biệt của
gia đình (gia đình chỉ có hai vợ chồng, gia đình một người…). Trên thực tế, cơ
cấu gia đình ở khu vực nông thôn thu nhỏ là do người vợ hoặc người chồng thường
xuyên làm việc xa nhà (Vũ Tuấn Huy 2006).
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở
Việt Nam còn làm tăng tỷ lệ thanh niên, các cá nhân chưa kết hôn rời bỏ gia
đình nông thôn của họ và di cư tới các khu đô thị để kiếm công ăn việc làm.
Ngược lại, thế hệ nhiều tuổi hơn phải ở lại phía sau cho nên dẫn đến sự cách
biệt nơi ở giữa người cao tuổi và con cái trưởng thành của họ. Di cư cũng có
thể làm giảm việc chăm sóc người cao tuổi của con cái do quyền lực của cha mẹ bị
suy giảm, làm tăng sự tham gia lực lượng lao động của các người vợ, làm giảm số
trẻ em trưởng thành cho mỗi gia đình và làm cách biệt sự hội cư giữa các thế
hệ, do đó tạo nên sự thay đổi trong cấu trúc hộ gia đình.
Di dân ra thành phố còn là một
cơ chế thông qua đó người di chuyển hạn chế mức sinh đẻ của mình. Nó còn phản
ánh tính chọn lọc của quá trình di cư, người di chuyển không phải là đối tượng
có mức sinh cao ở nông thôn. Cùng với sự gia tăng tiếp xúc với lối sống và
thang giá trị mới ở thành thị, tâm thế sinh sản của dân số di chuyển đã biến
đổi theo thời gian theo xu hướng chấp nhận dễ dàng hơn với chuẩn mực gia đình
nhỏ của người dân thành phố. Quá trình di chuyển tự nó đã gây ra sự gián đoạn
trong đời sống sinh đẻ của các cặp vợ chồng, mặc dù họ có thể ‘sinh đẻ bù’ cho
những năm bị mất do di cư (Đặng Nguyên Anh &
Nguyễn Đức Vinh 2009).
Theo số liệu Tổng điều tra dân
số và nhà ở năm 2009, tổng tỷ suất sinh hầu như không có sự khác biệt giữa
người di cư và không di cư trên phạm vi cả nước (1,97 và 2,04 con/phụ nữ). Tuy
nhiên, xét theo khu vực di cư đến, tổng tỷ suất sinh của người không di cư lớn
hơn 0,29 con/phụ nữ so với người di cư ở khu vực thành thị, ngược lại ở nông
thôn con số đó của người di cư lại lớn hơn 0,41 con/phụ nữ so với người không
di cư. Kết quả này có thể là do, đa số phụ nữ di cư ngoại tỉnh đến khu vực
thành thị là trẻ và họ di chuyển đến nơi ở mới để tìm việc làm, thường phải đối
mặt với nhiều khó khăn, nếu như sinh con sẽ có ít cơ hội tìm kiếm việc làm hay
họ cần phải học tập để nâng cao khả năng của mình, chính vì vậy họ quyết định
trì hoãn hoặc sinh ít con hơn so với phụ nữ đã ở thành thị từ trước (TCTK 2011a).
2.4. Thay đổi giá trị con cái
Các cặp vợ chồng trong xã hội
ngày nay thường định hướng vào các gia đình nhỏ vì họ phán đoán rằng những lợi
ích có được về sau từ việc trông đợi vào số con nhiều sẽ không xứng đáng bằng
sự khó nhọc để nuôi chúng khôn lớn. Về nguyên tắc, có nhiều con sẽ làm cho bản
thân bố mẹ dễ chịu khi về già, nhưng khi chúng còn nhỏ thì sẽ vất vả cho các
bậc bố mẹ trong việc nuôi dạy. Với những chi phí của việc nuôi dưỡng con cái
cao và những lợi ích của nhiều con cái thấp và bấp bênh cho nên không có gì
đáng ngạc nhiên là quy mô gia đình được ưa chuộng là nhỏ. Một phân tích cho
thấy, động cơ sinh con ở các gia đình nông dân đang trải qua những thay đổi
đáng kể. Niềm hạnh phúc gia đình đông con nhiều cháu từng là lý tưởng của thời
đại cũ dường như không còn được số đông đề cao nữa trong khi con cái như là một
nguồn an sinh tuổi già cũng đang trải qua những thách thức có tính thời đại (Nguyễn Văn Chính 1999).
Chi phí gia tăng của việc nuôi
dưỡng con cái được nhìn nhận như là bộ phận quan trọng ảnh hưởng đến quan niệm
về một cuộc sống thoải mái. Do vậy, nuôi dạy con cái trong giai đoạn hiện nay
được xem như là một gánh nặng kinh tế lớn hơn nhiều so với quá khứ. Vì thế,
việc giới hạn quy mô gia đình được được nhìn nhận như là phương tiện quan trọng
để các cặp vợ chồng trẻ kiểm soát những chi phí bên trong của ranh giới hợp lý.
Sự suy giảm mức tử vong trẻ sơ
sinh và trẻ em được nêu ra ở đây như là một yếu tố quyết định ảnh hưởng tới sự
cảm nhận của các bậc cha mẹ về mong muốn của quy mô gia đình. Việt Nam là
một quốc gia có bước tiến bộ rất nhanh trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ban đầu
và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em. Tỷ lệ tử vong trẻ em qua các số liệu điều tra
cho thấy đều giảm hàng năm. Vì thế, suy nghĩ của các cặp vợ chồng về việc đẻ
nhiều con để có thể thay thế cho những đứa con sẽ chết đã bị loại trừ.
2.5. Biến đổi trong vai trò giới
Phụ nữ có mối quan hệ đặc biệt
đối với việc kiểm soát sinh và quy mô hộ gia đình. Trong những xã hội mà ở đó
địa vị của người phụ nữ thấp, ít học và chịu sự phân biệt nặng nề thì họ ít có
hy vọng đạt được những quyền lợi tối thiểu hoặc những tư tưởng mới. Mức độ tự
trị ngày một tăng lên của phụ nữ Việt Nam đã đóng góp và sự thay đổi của
mức sinh. Sự khẳng định quyền bình đẳng với nam giới trong những quyết định
liên quan đến cuộc sống gia đình sẽ có tác động đáng kể đến sự thay đổi chuẩn
mực số con trong các gia đình (Nguyễn Hữu Minh 1991). Đối với các thế hệ trước,
quy mô gia đình nói chung không được đề cập tới như việc phải lựa chọn mà nó là
sản phẩm của quá trình tự nhiên. Tình hình này đã thay đổi rất nhiều đối với
những cặp vợ chồng trẻ trong giai đoạn hiện nay, xem xét số con được sinh ra
như là một việc phải lựa chọn cẩn thận. Những cặp vợ chồng trẻ tuổi dường như đã
khởi đầu cuộc sống vợ chồng với ý tưởng chỉ muốn một gia đình nhỏ, việc cho
phép quy mô gia đình như là kết quả của việc sinh đẻ tự nhiên đối với họ là một
ý tưởng xa lạ.
Ngoài ra, sự tham gia lực lượng
lao động bên ngoài gia đình của phụ nữ đã kết hôn dường như thúc đẩy khả năng
hình thành một hộ gia đình với quy mô nhỏ hơn. Các ngành công nghiệp, dịch vụ
hoặc phi nông nghiệp khác đã thu hút một số lượng lớn phụ nữ làm công ăn lương,
sự thay đổi này khiến cho phụ nữ có thể cho phép mình tính toán một cách có
hiệu quả về quyền lợi khi mang thai và nuôi nấng con cái. Sự thống trị tăng lên
của vai trò nghề nghiệp như là một nguồn xác định địa vị xã hội và sự ràng buộc
tăng lên đối với công việc cũng có thể là nguyên nhân cho việc hoãn kết hôn và
những biến đổi khác trong gia đình (Lary L. Bumpass và
Karen O. Mason 2006).
3. Thảo luận và Kết
luận
Quá trình biến đổi cấu trúc hộ
gia đình Việt Nam
là một thực tế và trước hết là chịu sự tác động do sự biến đổi kinh tế-xã hội
mang lại. John Knodel và những người khác (1994) cho rằng, hành vi đổi mới
trong việc hạn chế quy mô gia đình cho phép mức sinh điều chỉnh với hoàn cảnh
kinh tế xã hội đang thịnh hành (John Knodel và nnk
1994).
Những chuyển biến nhanh chóng của hệ thống kinh tế-xã hội mấy thập kỷ qua dường
như có tác động quan trọng dẫn đến tỷ lệ sinh giảm đi (Nguyễn Văn Chính 1999).
Mức sinh ở Việt Nam
đang có xu hướng giảm dần, nghĩa là đã hạ thấp số trẻ em trung bình được sinh
ra bởi một người phụ nữ trong dân số và đạt được mức sinh thay thế. Giảm tỷ lệ
sinh đẻ sẽ đi kèm với việc giảm số người trong gia đình, giảm tỷ lệ phụ thuộc
của dân số trẻ và gia tăng tỷ lệ phụ thuộc của người già. Trong hầu hết các
trường hợp, những thay đổi trong mức sinh có vẻ phản ánh hoàn toàn những thay
đổi đang diễn ra trong cấu trúc hộ gia đình ở Việt Nam .
Những nhu cầu mới về nâng cao
trình độ học vấn và có được cơ hội nghề nghiệp mới ngoài phạm vi nông nghiệp do
biến đổi kinh tế-xã hội mang lại đã góp phần khuyến khích những người trẻ tuổi
lùi lại việc xây dựng gia đình, hạn chế số con, và làm giảm khả năng sống chung
giữa các thế hệ. Trình độ học vấn tăng lên tạo điều kiện thuận lợi cho việc
truyền bá những quan niệm mới về hôn nhân và gia đình trong những người trẻ
tuổi (Nguyễn Hữu Minh 2010). Kết quả Tổng điều tra dân số
và nhà ở năm 2009 cho thấy giữa trình độ học vấn và mức sinh có quan hệ tỷ lệ
nghịch với nhau. Phụ nữ chưa bao giờ đi học có mức sinh cao nhất, ngược lại phụ
nữ có trình độ học vấn cao nhất có TFR thấp nhất (TCTK 2011b). Với phụ nữ trong độ tuổi
sinh đẻ đang hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp thì việc tăng thêm thành
viên gia đình sẽ làm tăng gấp đôi gánh nặng vai trò của họ. Vì thế giới hạn quy
mô gia đình thông qua hành vi tái sinh sản là một phương án tối ưu của người
phụ nữ.
Thứ hai, tác động trực tiếp của
các biến đổi kinh tế-xã hội có được trong sự liên kết với ảnh hưởng của các yếu
tố văn hóa, lối sống thực sự thúc đẩy quá trình biến đổi cấu trúc hộ gia đình ở
Việt Nam .
Với tác động của biến đổi xã hội theo xu hướng hiện đại hóa, ý nghĩa hôn nhân
và gia đình Việt Nam
đang trong quá trình biến đổi theo xu hướng chú ý đến cá nhân. Hoãn kết hôn có
thể phản ánh nhu cầu không muốn trở thành bố mẹ vì những khuôn mẫu tiêu dùng và
lối sống. Khung cảnh văn hóa Việt Nam đương đại là yếu tố tương đối
thuận lợi cho việc chấp nhận một sự điều tiết cẩn thận mức sinh và thay đổi cấu
trúc gia đình như là cách thức thích ứng đối với các tình huống đang thay đổi. Hôn
nhân về cơ bản không còn mục đích phục vụ dòng họ và gia đình, thay vào đó, hôn
nhân ngày càng chú trọng hơn tới sự hòa hợp tâm lý, tình cảm, tình dục của các
cặp vợ chồng. Việc sinh con không còn là mục đích trước tiên và quan trọng nhất
của hôn nhân (Ủy ban Dân số Gia đình
và Trẻ em 2004).
Những động cơ giảm quy mô gia đình sẽ nảy sinh và sự suy giảm mức sinh của các
cặp vợ chồng sẽ tự thân vận động.
Cùng
với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, các giá trị và chuẩn mực truyền
thống trong gia đình cũng đã thay đổi theo. Trong xã hội hiện đại, khi sự phụ
thuộc vào cộng đồng họ hàng suy giảm và tự do cá nhân được chú trọng hơn, thì
ly hôn/ly thân dễ xảy ra hơn so với xã hội truyền thống (Tony Bilton và nnk
1993).
Đối với việc sống chung với nhà chồng sau khi kết hôn, song song với sự duy trì
khuôn mẫu này, độ dài của thời gian sống chung ngày càng rút ngắn hơn. Qua đó,
phản ánh sự mong muốn được nhanh chóng tách ra để phát triển kinh tế gia đình
và có cuộc sống tự do, được tự quyết theo ý mình của các đôi vợ chồng trẻ (Nguyễn Hữu Minh 2008b).
Giá trị của con cái trong gia
đình đã có sự thay đổi trong khung cảnh văn hóa hiện tại ở Việt Nam, đây là
trào lưu mới cùng với sự thay đổi xã hội nhằm phù hợp với bản chất của cấu trúc
gia đình. Định hướng quy mô gia đình nhỏ hơn có thể do các cặp vợ chồng tin
tưởng rằng mối quan hệ giữa số lượng con cái và sự trợ giúp kinh tế đã thay
đổi, nghĩa là mối quan hệ song hành đơn giản giữa nhiều con và sự đảm bảo kinh
tế cho họ lúc về già không còn tồn tại. J. Cadwell gọi dòng chảy của những
nguồn lực bên trong gia đình là các dòng của cải và sự biến đổi định hướng
những ưu tiên nguồn lực cho trẻ em là sự đảo chiều của luồng của cải giữa các
thế hệ theo chiều hướng từ cha mẹ sang con cái (John C. Caldwell 1994). Chính các ràng buộc văn hóa
và giá trị xã hội của trẻ em là nguyên nhân cơ bản của tình trạng mức sinh cao (Nguyễn Văn Chính 1999).
Việc
tiếp nhận các giá trị văn hóa mới có tác động đến sự thay đổi cán cân quyền lực
giữa các thế hệ và giữa phụ nữ và nam giới trong gia đình. Sự độc lập và tăng
cường vai trò giới của phụ nữ Việt Nam được thể hiện qua sự tham gia ngày càng
nhiều vào dòng người di cư, tích cực hoạt động nghề nghiệp ở bên ngoài gia
đình, gia tăng về khả năng kiểm soát mức sinh cũng như sự mong muốn về giới hạn
của quy mô gia đình đã phản ánh sự biến đổi cán cân quyền lực giữa hai giới và
góp phần vào sự thay đổi của cấu trúc của hộ gia đình.
Cuối cùng, Nhà
nước đã trở thành một chủ thể chính trong việc ảnh hưởng đến sự biến đổi cấu
trúc hộ gia đình ở Việt Nam . Với vai trò là một bộ phận của hệ thống
xã hội, cấu trúc hộ gia đình chịu ảnh hưởng và bị chi phối rất mạnh mẽ bởi
đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước (Lê Ngọc Văn 2010). Tác động của giảm mức sinh
đến quy mô hộ gia đình thể hiện rõ sau năm 1980 khi chương trình Dân số và Kế
hoạch hóa gia đình hoạt động mạnh (Vũ Tuấn Huy 2006). Sự thành công của chương
trình này cho thấy xuất phát từ việc mở rộng cấu trúc tổ chức và tầm hoạt động
của nó. Các chính sách của Nhà nước về hôn nhân và gia đình có ảnh hưởng mạnh
hơn đối với những người làm việc trong khu vực nhà nước (Nguyễn Hữu Minh 2010), chính quyền có thể dùng
những biện pháp hành chính và kinh tế để kiểm soát viên chức của mình trong
hành vi tái sinh sản. Ngoài ra, Nhà nước còn có sự ảnh hưởng đến sự biến đổi
cấu trúc hộ gia đình ở Việt Nam
một cách không chủ ý thông qua hành động ban hành các chính sách kinh tế-xã hội
vĩ mô khác. Vũ Tuấn Huy (2006) cho rằng, sự biến đổi cơ cấu gia đình ở nông
thôn theo hướng thu nhỏ quy mô không chỉ là kết quả của việc giảm mức sinh, mà
còn là kết quả của chính sách đất đai.
Tài liệu tham khảo
1. Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và
nhà ở trung ương (2010), Tổng điều tra
dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009: Các kết quả chủ yếu, Nhà xuất bản Thống
kê, Hà Nội.
2. Charles Hirschman và
Vũ Mạnh Lợi (1994), Gia đình và cơ cấu hộ gia đình Việt Nam - Vài nét đại cương
từ một cuộc khảo sát xã hội học dân số gần đây, Tạp chí Xã hội học, (số 3), tr. 14-28.
3. Đặng Nguyên Anh
(2006), Biến đổi dân số trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa
đất nước, Tạp chí Xã hội học, (số 3),
tr. 3-13.
4. Đặng Nguyên Anh &
Nguyễn Đức Vinh (2009), Di dân trong mối
liên hệ với mức sinh và kế hoạch hóa gia đình ở Việt Nam, Nguyễn Hữu Minh
và nnk (cb), Dân số Việt Nam qua các nghiên cứu xã hội học (Tuyển tập một số
công trình nghiên cứu gần đây) - Tập 2, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
5. John C. Caldwell
(1994), Những nhân tố xã hội và văn hóa
ảnh hưởng mức chết ở các nước đang phát triển, John Knodel và nnk (cb),
Tuyển tập các công trình chọn lọc trong dân số học xã hội, Nhà xuất bản Khoa
học xã hội, Hà Nội.
6. John Knodel và nnk
(1994), Quá độ sinh đẻ ở Thái Lan: Một sự
phân tích định tính, John Knodel và nnk (cb), Tuyển tập các công trình chọn
lọc trong dân số học xã hội, Nhà xuất bản khoa học xã hội, Hà Nội.
7. Lary L. Bumpass và
Karen O. Mason (2006), Các quá trình gia đình và những gợi ý cho tương lai, Tạp chí Xã hội học, (số 2), tr. 103-114.
8. Lê Ngọc Văn (2010),
Nhà nước và biến đổi gia đình, Tạp chí
Nghiên cứu Gia đình và Giới, (số 1), tr. 3-14.
9. Lê Ngọc Văn (2011), Gia đình và biến đổi gia đình ở Việt Nam,
Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
10. Nguyễn Hữu Minh (1991),
Biến đổi kinh tế-xã hội và khả năng giảm chuẩn mực số con trong các gia đình
nông dân Bắc Bộ, Tạp chí Xã hội học,
(số 4), tr. 38-46.
11. Nguyễn Hữu Minh
(2008a), Khuôn mẫu nơi cư trú sau hôn nhân ở nông thôn Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, (số
2), tr. 3-14.
12. Nguyễn Hữu Minh
(2008b), Phong tục luân chuyển nơi ở sau khi kết hôn: truyền thống và thực
trạng ở nông thôn Việt Nam, Tạp chí
Nghiên cứu Gia đình và Giới, (số 4), tr. 3-13.
13. Nguyễn Hữu Minh (2010),
Tuổi kết hôn ở Việt Nam và các yếu tố tác động, Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, (số 5), tr. 3-15.
14. Nguyễn Hữu Minh và
Charles Hirschman (2000), Mô hình sống chung với gia đình chồng sau khi kết hôn
ở đồng bằng sông Hồng và các nhân tố tác động, Tạp chí Xã hội học, (số 1).
15. Nguyễn Văn Chính
(1999), Cấu trúc trọng nam trong gia đình và tập quán sinh đẻ của người Việt, Tạp chí Xã hội học, (số 3&4), tr.
85-96.
16. TCTK (2011a), Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm
2009-Mức sinh và mức chết ở Việt Nam: Thực trạng, xu hướng và những khác biệt,
Tổng cục Thống kê và Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, Hà Nội.
17. TCTK (2011b), Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm
2009: Cấu trúc tuổi-giới tính và tình trạng hôn nhân của dân số Việt Nam,
Tổng cục thống kê và Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, Hà Nội.
18. Tony Bilton và nnk
(1993), Nhập môn xã hội học, Nhà xuất
bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
19. Trần Quý Long (2007), Quá trình hình thành gia đình ở một xã đồng bằng
sông Cửu Long, Dự án VS-RDE-05 (cb), Kết quả nghiên cứu khảo sát tại Tiền
Giang năm 2005, Nhà xuất bản khoa học xã hội, Hà Nội.
20. UNFPA (2011a), Tóm tắt một số chỉ số phân tích theo giới
tính từ số liệu của Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009, Quỹ
Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, Hà Nội.
21. UNFPA (2011b), Các dân tộc ở Việt Nam: Phân tích các chỉ
tiêu chính từ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, Quỹ Dân số Liên hợp
quốc tại Việt Nam, Hà Nội.
22. Ủy ban Dân số Gia đình
và Trẻ em (2004), Thực trạng và những vấn
đề đặt ra đối với gia đình Việt Nam hiện nay, Hà Nội.
23. Vũ Tuấn Huy (2006),
Những vấn đề của gia đình Việt Nam trong quá trình biến đổi xã hội theo xu
hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa, Xã
hội học, (số 2), tr. 13-20.
No comments:
Post a Comment