Wednesday, December 18, 2019

Chăm sóc sức khỏe cho trẻ em và các yếu tố ảnh hưởng

Trần Quý Long

Đề nghị trích dẫn: Trần Quý Long (2012). Chăm sóc sức khỏe cho trẻ em ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, số 3, tr. 15-26.

1. Đặt vấn đề
Tầm quan trọng của sức khỏe trẻ em đối với sự phát triển cá nhân, cộng đồng và quốc gia được phản ánh trong việc thừa nhận nó như một quyền cơ bản của trẻ em. Những nền tảng vững chắc được xây đắp từ thời kỳ mầm non, bao gồm được chăm sóc sức khỏe tốt có thể giúp trẻ em đảm bảo việc sống còn, an toàn và hòa nhập với xã hội, thóat khỏi những thiệt thòi, bất bình đẳng trong tương lai.
Chăm sóc sức khỏe trẻ em là một quá trình liên tục kế tiếp nhau từ khi còn là bào thai tới tuổi vị thành niên. Khoa học hiện đại đã chứng minh sức khỏe thể chất và tinh thần của người mẹ có ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Vì thế, khi nói tới sức khỏe của trẻ em không thể không đề cập đến giai đoạn trẻ em còn đang ở trong bào thai. Việc chăm sóc các bà mẹ đang mang thai chính là chăm sóc đứa con. Công tác chăm sóc bà mẹ khi mang thai là bộ phận quan trọng, không thể tách rời trong chiến lược chăm sóc và nâng cao sức khỏe trẻ em (Nguyễn Thu Nhạn, 1994). Việc chăm sóc bà mẹ tốt hơn trước và sau khi sinh sẽ giải quyết được thách thức của một phần ba số trẻ em tử vong trong những ngày đầu tiên của cuộc đời (Liên hợp quốc, 2006). Những đứa trẻ mới sinh mồ côi mẹ có khả năng tử vong cao hơn từ ba đến mười lần so với những đứa trẻ còn mẹ (UNFPA, 2005). Chăm sóc sức khỏe trẻ em giai đoạn nuôi dưỡng sau sinh có vai trò quan trọng không kém, đây là tiền đề tạo điều kiện cho trẻ em phát triển thể lực toàn diện, giảm khả năng mắc bệnh, tránh được nguy cơ tử vong do bệnh tật. Ngoài ra, chăm sóc sức khỏe trẻ em còn đòi hỏi phải có kiến thức và ý thức sử dụng các cơ sở dịch vụ y tế phù hợp trong quá trình nuôi dưỡng.

Chăm sóc sức khỏe cho trẻ em ở Việt Nam đã đạt những nhiều thành tựu đáng khích lệ trong những năm qua. Hầu hết các chỉ tiêu sức khỏe cơ bản đã đạt và vượt so với mục tiêu quốc gia vào năm 2010 và có triển vọng đạt một số chỉ tiêu của Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) vào năm 2015. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi (IMR), từ 36,7‰ năm 1999 xuống còn 16‰ năm 2009. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi (U5MR) giảm từ 58‰ năm 2001, xuống 27,5‰ năm 2005 và đến năm 2009 còn 25,0‰, đạt mục tiêu đề ra trong Chiến lược bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân giai đoạn 2001-2010. Công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em được đẩy mạnh, với định hướng chăm sóc dinh dưỡng sớm, bắt đầu từ bà mẹ trước khi có thai, trong thời gian có thai, chăm sóc và nuôi dưỡng tốt trẻ ngay từ khi sinh, đã đem lại kết quả tốt, đưa nước ta ra khỏi danh sách 20 nước có tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em cao nhất trên thế giới. Theo kế hoạch, mục tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân ở trẻ em Việt Nam là dưới 20% vào năm 2010, tuy nhiên với sự nỗ lực của ngành y tế, sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương và các b, ngành và sự phát triển về kinh tế - xã hội, chúng ta đã đạt được mức 19,9% ngay trong năm 2008 (vượt trước 2 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X) (Bộ Y tế, 2010).
Mặc dù sức khỏe trẻ em có ý nghĩa rất quan trọng như vậy nhưng không phải tất cả mọi trẻ em đều được chăm sóc chu đáo như nhau trong mỗi cộng đồng và gia đình. Chăm sóc sức khỏe cho trẻ em không chỉ phụ thuộc vào những yếu tố vĩ mô từ phía Nhà nước mà còn phụ thuộc vào những đặc điểm nhân khẩu học - xã hội của gia đình. Nghiên cứu này tập trung phân tích những yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ em ở Việt Nam, từ đó dự báo những xu hướng chăm sóc sức khỏe cho trẻ em ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
2. Những yếu tố ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe trẻ em ở Việt Nam
2.1. Chính sách của Đảng và Nhà nước
Nhận thức được tình hình và thực sự quan tâm đến thế hệ tương lai, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đề ra nhiều chính sách và chiến lược ưu tiên giảm tỷ lệ tử vong mẹ và tử vong trẻ em, bao gồm phát triển nguồn lực con người, cải thiện năng lực quản lý trong ngành y tế, củng cố và phát triển y tế cơ sở, cải thiện chất lượng các dịch vụ. Đáng chú ý là trong việc thực hiện, bảo đảm quyền được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe trẻ em thì việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em đã được coi trọng hết sức và triển khai sâu rộng bằng một hệ thống các văn bản chỉ đạo có ý nghĩa pháp quy, kèm theo đó là những cơ chế bảo đảm cho việc thực thi, từ khâu chăm sóc, hướng dẫn người mẹ lúc mang thai, khi sinh nở đến việc hướng dẫn người mẹ cho trẻ em ăn uống đủ chất, hợp vệ sinh, học hỏi tri thức nuôi dạy con cũng như quy định đối với cha mẹ trong việc cho con đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, tiêm chủng, uống vắcxin theo kế hoạch. Điều 40 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định: “Nhà nước, xã hội, gia đình và công dân có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc bà mẹ và trẻ em”. Điều 46 của Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân ban hành năm 1989 đề cập đến việc bảo vệ sức khỏe trẻ em ghi rõ: “1) Trẻ em được y tế cơ sở quản lý sức khỏe, được tiêm chủng phòng bệnh, phòng dịch, được khám bệnh, chữa bệnh; 2) Ngành y tế có trách nhiệm củng cố và phát triển mạng lưới chăm sóc sức khỏe trẻ em; 3) Cha mẹ, người nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm thực hiện những quy định về kiểm tra sức khỏe và tiêm chủng theo kế hoạch của y tế cơ sở, chăm sóc trẻ em khi đau ốm và thực hiện quyết định của thầy thuốc trong khám bệnh, chữa bệnh đối với trẻ em”.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên của châu Á và là quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em của Liên hợp quốc vào năm 1990. Từ khi phê chuẩn Công ước, Chính phủ Việt Nam đã sửa đổi và ban hành một số luật và chính sách để thực hiện Công ước phù hợp với tình hình đất nước. Các vấn đề về quyền trẻ em đã trở thành một phận của các chương trình hoạt động chính trị ở Việt Nam. Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 1991 tuyên bố rằng tất cả trẻ em dưới 6 tuổi được cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí. Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sửa đổi năm 2004 lần đầu tiên không chỉ xác định rõ quyền của trẻ em dưới 6 tuổi được cung cấp dịch vụ y tế miễn phí mà còn nêu rõ trách nhiệm cụ thể của Nhà nước và các cơ quan y tế trong việc đảm bảo thực hiện các quyền này. Việc ban hành chính sách khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi và cho các hộ gia đình nghèo đánh dấu sự đổi mới trong tư duy về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho trẻ em ở Việt Nam. Chính sách này đã thay đổi nhận thức, hành vi quan tâm đến sức khỏe trẻ em, góp phần giảm tử vong trẻ em thông qua việc đưa trẻ em đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế kịp thời, giúp cho việc chẩn đoán điều trị kịp thời. Ngoài ra, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em còn tạo điều kiện cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ khám chữa bệnh có chất lượng, phụ nữ có thai và trẻ em dưới 5 tuổi đã được hướng dẫn chế độ dinh dưỡng thích hợp. Thực thi chính sách miễn phí chăm sóc sức khỏe cho trẻ dưới 6 tuổi trong đó Chính phủ chịu trách nhiệm cấp phát ngân sách hàng năm. Chính phủ Việt Nam đã đầu tư hàng triệu đô-la vào chương trình này nên đến tháng 6 năm 2006, 8,5 triệu trẻ em dưới 6 tuổi (tương đương với 96% trẻ dưới 6 tuổi trong cả nước) đã được cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí (UNICEF Việt Nam, 2008).
Việt Nam đã cam kết thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, trong đó có 2 mục tiêu liên quan đến sức khỏe trẻ em. Việc cam kết thực hiện các MDG có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội mà còn quan trọng đối với hoạt động chăm sóc sức khỏe trẻ em. Việt Nam đạt được một số mục tiêu quan trọng về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em khi thực hiện MDG, được quốc tế đánh giá cao.
Hưởng ứng cam kết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về xây dựng Một thế giới phù hợp với trẻ em, Việt Nam đã xây dựng các môi trường gia đình, nhà trường, cộng đồng và xã hội thân thiện với trẻ em. 100% tỉnh, thành phố trong cả nước đã triển khai xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em; khoảng 21% xã, phường của Việt Nam đạt chỉ tiêu phù hợp với trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, 2008).
2.2. Các đặc trưng nhân khẩu học xã hội của gia đình
Các yếu tố của hộ gia đình Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành hành vi đầu tư và tích lũy vốn nhân lực cho trẻ em, trong đó có vấn đề sức khỏe. Chính các hộ gia đình đã tính toán để đưa ra các quyết định có ảnh hưởng sâu sắc đến tình trạng sức khỏe và giáo dục của các thành viên trong gia đình. Nhìn chung, các hộ gia đình coi cả hai loại dịch vụ này đều là “cơ bản”. Rất nhiều hộ gia đình sẵn sàng sử dụng phần lớn thu nhập cho y tế và giáo dục cho con cái mình. Ví dụ, ở Việt Nam các hộ gia đình dành trung bình 20% tổng chi phí ngoài lương thực thực phẩm cho y tế và giáo dục (Indu Bhushan và cộng sự, 2001).
Chăm sóc sức khỏe là công việc đòi hỏi không chỉ tình thương yêu, lòng tận tụy mà điều quan trọng là phải có những hiểu biết cần thiết cho việc xử lý vấn đề trong quá trình phòng ngừa chăm sóc, chữa trị cho các thành viên gia đình khi ốm đau. Từ việc phân tích số liệu Điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam (VLSS) 1998, Indu Bhushan và cộng sự (2001) cho thấy, trình độ học vấn và kiến thức của các thành viên hộ gia đình có vai trò quan trọng đối với việc sử dụng các dịch vụ y tế. Nếu những người lớn trong gia đình được hưởng sự giáo dục tốt, họ có khả năng am hiểu tốt hơn về cách thức tận dụng các dịch vụ y tế (Indu Bhushan và cộng sự, 2001). Các nghiên cứu khác đều nhận xét, nâng cao trình độ học vấn của bố mẹ góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng của con cái (Dominique Houghton và Jonathan Houghton, 1999) hay học vấn của người mẹ càng cao thì đứa trẻ càng được chăm sóc bảo vệ tốt hơn (Đặng Nguyên Anh, 2000).
Một nghiên cứu chăm sóc sức khỏe ở nông thôn đồng bằng sông Hồng cho rằng kiến thức của bà mẹ có ảnh hưởng trực tiếp nhất đến kết quả chăm sóc sức khỏe gia đình. Học vấn giúp hiểu biết các phương pháp hữu hiệu để phòng bệnh, phát hiện các dấu hiệu bệnh tật và xử lý các tình huống trong việc chăm sóc chữa trị bệnh, cũng như cung cấp kiến thức chung về sức khỏe và chăm sóc sức khỏe (Trịnh Hòa Bình, 1998). Tài liệu của Nhóm hành động chống đói nghèo (2002) nhận định, những phụ nữ có học vấn cao có nhiều khả năng được chăm sóc trước khi đẻ hơn, trong đó có tiêm phòng vắcxin uốn ván. Những phụ nữ ít học có nguy cơ tử vong cao hơn bởi lẽ họ thường mang thai sớm hơn, có nhiều con hơn và đẻ dày hơn (Nhóm hành động chống đói nghèo, 2002). Cuộc khảo sát Dân số sức khỏe (DHS) năm 2002 cũng cho thấy kết quả tương tự, khi trình độ học vấn của phụ nữ tăng lên, tỷ lệ phụ nữ không được khám thai giảm đi rất nhanh. Các bà mẹ có trình độ học vấn cao hơn đi tiêm phòng uốn ván nhiều hơn và tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng cao hơn (VNDHS, 2003).
Kết quả khảo sát mức sống của Việt Nam năm 1997-1998 cho thấy, trình độ học vấn của người mẹ có ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế của trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái. T lệ trẻ em gái bị ốm được tiếp cận dịch vụ y tế tăng lên 88% khi số năm đi học của người mẹ mới chỉ tăng từ 1 đến 4 năm (FAO và UNDP, 2002). Sự khác nhau trong tuổi thọ và tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi cũng được thấy rõ theo trình độ học vấn của người mẹ. Trẻ em có mẹ chưa đi học có k vọng sống 65,8 năm so với k vọng sống 75 năm đối với trẻ em có mẹ có trình độ trên trung học phổ thông. Tỷ suất chết dưới 1 tuổi của trẻ em có mẹ chưa đi học là 45 trên 1.000 so với 17 trên 1.000 trẻ sinh ra sống đối với mẹ có trình độ trên trung học phổ thông (Bộ Y tế, 2006).
Sự chấm dứt chế độ bao cấp về y tế, sự cạnh tranh trong kinh tế thị trường với hậu quả phân hóa ngày càng gay gắt về thu nhập và mức sống đã tạo ra sự cách biệt ngày càng lớn trong khả năng chăm sóc sức khỏe của mỗi gia đình (Trịnh Hòa Bình, 1998). Vẫn còn tồn tại những khác biệt quan trọng giữa người giàu và người nghèo về sự tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Phụ nữ thuộc tầng lớp thu nhập thấp nhất được chăm sóc trước khi sinh ít hơn so với các tầng lớp trung bình trở lên (Nhóm hành động chống đói nghèo, 2002). Điều tra mức sống dân cư 1992-1993 và 1997-1998 cho biết, khi thu nhập tăng lên, việc sử dụng các dịch vụ chăm sóc trước khi sinh cũng tăng lên theo. Lẽ ra nhóm phụ nữ nghèo nhất cần phải tăng số lần khám thai lên nhiều nhất để làm giảm khoảng cách với nhóm phụ nữ giàu hơn, thì trên thực tế số lần khám trung bình của người nghèo chỉ tăng lên ở mức giới hạn. Khoảng cách về chất lượng và số lượng chăm sóc trước khi sinh đang tăng lên do bất công bằng trong chi tiêu. Về tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em, nhóm nghèo vẫn đứng sau nhóm không nghèo và mặc dù tỷ lệ được tiêm phòng đầy đủ của nhóm nghèo đã tăng lên thì cũng không thể bằng kịp với nhóm chi tiêu giàu nhất (Indu Bhushan và cộng sự, 2001).
Mức sống còn ảnh hưởng nhiều đến việc sử dụng dịch vụ y tế (Trịnh Hòa Bình và Nguyễn Đức Chính, 2001). Người nghèo ít có khả năng đầu tư vào vốn nhân lực hơn so với người giàu. Thu nhập khiêm tốn của họ thậm chí không đủ khả năng để duy trì những bữa ăn nghèo dinh dưỡng, nên càng không thể đủ tiền chăm sóc sức khỏe cho con cái. Khả năng chi trả có thể là một trong những nguyên nhân chủ yếu ngăn cản người nghèo đến với các dịch vụ y tế (Indu Bhushan và cộng sự, 2001). Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho trẻ em trong khám chữa bệnh, nhưng ảnh hưởng của yếu tố kinh tế lên việc sử dụng dịch vụ y tế của trẻ em vẫn khá rõ ràng. Chỉ khoảng một phần ba số trẻ em dưới 6 tuổi thuộc nhóm gia đình giàu không điều trị hoặc tự điều trị khi bị ốm, so với khoảng một nửa số trẻ của gia đình có thu nhập trung bình và hai phần ba của nhóm trẻ em nghèo không điều trị hoặc tự điều trị. Trẻ em thuộc nhóm giàu có khả năng được điều trị ở tuyến trên cao hơn nhiều lần so với trẻ em thuộc nhóm có điều kiện kinh tế kém hơn (Bộ Y tế, 2006). Những gia đình giàu có hơn thường quan tâm hơn trong việc tìm sự giúp đỡ về y tế cho con khi bị ốm (Bùi Thị Thanh Hà và Phạm Thị Quỳnh Hương, 1999). Tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi của nhóm nghèo cao hơn gấp hai lần so với nhóm giàu và gần như không thay đổi qua các năm, trong khi tỷ suất này có sự thay đổi đáng kể ở các nhóm khác. Trong nhóm nghèo, 16,5% trẻ em chết trước khi đến 6 tuổi so với chỉ 3,6% trong nhóm giàu (Bộ Y tế, 2006).
Người dân tộc thiểu số phải đối mặt với các hạn chế đáng kể về tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế liên quan đến sức khỏe trẻ em (Nhóm hành động chống đói nghèo, 2002). Một nghiên cứu tổng quan cho thấy phụ nữ dân tộc thiểu số hiếm có hành vi chăm sóc sức khỏe cho trẻ em hơn so với phụ nữ người Kinh (Julia Samueison và cộng sự, 1995). Dựa trên kết quả điều tra phụ nữ 15-49 tuổi tại 6 xã nghèo ở tỉnh Hòa Bình, một nghiên cứu cho rằng, những hạn chế trong nhận thức và hành vi chăm sóc sức khỏe của một bộ phận dân cư miền núi lý giải vì sao tỷ lệ trẻ em chết sơ sinh ở miền núi luôn luôn cao hơn những khu vực khác (Nguyễn Hữu Minh và Lê Phượng, 2001). Khảo sát thanh thiếu niên Việt Nam (SAVY) trong độ tuổi 14-25 năm 2003 chỉ ra rằng, nữ thanh niên các dân tộc thiểu số ít được tiếp cận các dịch vụ và các biện pháp can thiệp cụ thể như bổ sung viên sắt và tiêm phòng uốn ván so với nhóm nữ thanh niên nông thôn và càng ít hơn nhiều so với nữ thanh niên thành thị. So với nhóm thanh thiếu niên người Kinh, nhóm nữ thanh niên dân tộc thiểu số thường không sử dụng dịch vụ y tế công trừ trường hợp trầm trọng (Bộ Y tế, Tổng cục Thống kê, Unicef, WHO, 2005). Trẻ em là người Kinh được tiêm chủng đầy đủ hơn trẻ em người dân tộc thiểu số đã được phát hiện ở một số nghiên cứu khác (Đặng Nguyên Anh, 2000; Nguyen Minh Thang et al, 2007). Sử dụng số liệu Khảo sát y tế Việt Nam năm 2001-2002, Bussarawan T. và James F. Philips (2007) kết luận rằng bố mẹ của trẻ em dân tộc thiểu số ở những vùng xa ít quan tâm hơn đến việc chăm sóc sức khỏe cho con cái cho dù là tự điều trị hay nhờ giúp đỡ của các dịch vụ về y tế, kể cả hai nhóm mức sống nghèo và không nghèo (Bussarawan T. and James F. Philips, 2007).
Có sự khác biệt khá rõ trong việc tiếp nhận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trẻ em giữa khu vực thành thị và nông thôn. Khảo sát mức sống 1997-1998 phát hiện rằng, 62% phụ nữ nông thôn được chăm sóc tiền sản so với 81% phụ nữ thành thị (FAO và UNDP, 2002). Khảo sát DHS 2002 cho biết, tỷ lệ phụ nữ được tiêm phòng uốn ván 2 mũi trở lên ở khu vực thành thị là 81,6% còn ở khu vực nông thôn là 68,1%. Có thể yếu tố tập quán, thói quen tâm lý đã hình thành trong điều kiện dân trí thấp và đời sống khó khăn vẫn còn bảo lưu. Người dân nông thôn vẫn còn quan niệm thai nghén là hiện tượng tự nhiên, việc chăm sóc trước khi sinh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cổ truyền, lời khuyên của người thân trong gia đình và cộng đồng, và theo các phương pháp đơn giản tại nhà (Trịnh Hòa Bình, 1998; UNICEF, 1994). Ngoài ra, ở thành thị các cơ sở y tế hiện đại hơn với đội ngũ nhân viên y tế lành nghề hoặc là do các dịch vụ y tế tư nhân phát triển hơn với những ưu thế nổi trội, vì thế phụ nữ đã sử dụng dịch vụ chất lượng cao của y tế công hoặc tiếp cận các cơ sở y tế tư nhân nhiều hơn. Indu Bhushan và cộng sự (2001) nhận xét, công cuộc Đổi mới đã làm tăng các lựa chọn chăm sóc trước khi sinh nhưng nó cũng làm suy yếu hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại tuyến cơ sở.
Các chỉ số đầu ra về chăm sóc sức khỏe trẻ em được phản ánh trong sự khác nhau giữa các vùng địa lý của Việt Nam. Mặc dù tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm ở hầu hết các vùng khó khăn (Tây Bắc, Tây Nguyên), nhưng vẫn còn sự chênh lệch lớn so với các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển hơn (Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Hồng). Chênh lệch giữa vùng Tây Bắc và vùng Đông Nam Bộ có xu hướng giảm: từ 3 lần năm 2005 (33,9‰ và 10,6‰) xuống còn khoảng 2,5 lần năm 2008 (21‰ và 8‰), nhưng mức chênh lệch còn rất lớn. Mức chênh lệch giữa các vùng miền cũng được thể hiện ở tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở các vùng Tây Nguyên, Tây Bắc là cao nhất nước, 28,5% và 24,6% so với tỷ lệ chung cả nước là 18,9% (Bộ Y tế, 2010).
Kết quả phân tích số liệu DHS năm 2002 chỉ ra rằng, việc sử dụng các dịch vụ thai sản cao nhất ở đồng bằng sông Hồng. Tây Nguyên và miền núi trung du Bắc Bộ là những vùng mà người mẹ tiếp cận dịch vụ ít nhất, với khoảng một phần tư người mẹ không đi khám thai. Tương tự, trong lĩnh vực tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ mang thai, Tây Nguyên và vùng cao phía Bắc có sự tụt lại xa so với các vùng khác (VNDHS, 2003). Có lẽ do các tín ngưỡng văn hóa ngự trị trong việc chăm sóc khi mang thai và sinh đẻ đã góp phần tạo ra những khác biệt này (Nhóm hành động chống đói nghèo, 2002).
Một nghiên cứu sử dụng số liệu Điều tra mức sống dân cư 1999 cho biết, trẻ em ốm đau ít được đi khám nhất ở vùng Bắc Trung Bộ và miền núi phía Bắc (Bùi Thị Thanh Hà và Phạm Thị Quỳnh Hương, 1999). Sử dụng kết quả khảo sát DHS 1997, nghiên cứu của Đặng Nguyên Anh cho thấy, ảnh hưởng của khu vực địa lý là rất mạnh đến chăm sóc sức khỏe cho trẻ em. Trẻ em ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng có điều kiện phòng chống bệnh tật tốt nhất, trong khi trẻ ở Đông Nam Bộ được khám chữa bệnh khi ốm đau cao nhất. So với hai khu vực này, các vùng địa lý khác đều yếu kém hơn trong chăm sóc sức khỏe trẻ em (Đặng Nguyên Anh, 2000). Cuộc khảo sát DHS 2002 cũng cho kết quả tương tự, những khác biệt lớn nhất về số phần trăm trẻ em được tiêm chủng đầy đủ là theo vùng cư trú, tỷ lệ tiêm chủng cao nhất ở đồng bằng sông Hồng và thấp nhất ở miền núi - Trung du Bắc bộ (VNDHS, 2003). Một nghiên cứu khác nhận xét, trẻ em ở những vùng miền núi không được người lớn đáp ứng nhu cầu được quan tâm chăm sóc, nhiều trẻ bệnh đã tới hồi nguy kịch mới được gia đình đưa đến cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước (Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em Việt Nam, 2000). Có thể nói, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em bị tác động bởi nhân tố tập quán chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em của từng địa phương (UNICEF, 1994).

3. Xu hướng về chăm sóc sức khỏe trẻ em ở Việt Nam
Về cơ bản, mô hình bệnh tật và tử vong của trẻ em Việt Nam vẫn là mô hình của các nước đang phát triển, các bệnh nhiễm khuẩn và suy dinh dưỡng chiếm tỷ lệ cao. Mặc dù tỷ lệ mắc và chết vì các bệnh viêm phổi, tiêu chảy, nhiễm khuẩn đã giảm rõ rệt so với trước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của công nghiệp phát triển, đô thị hóa, ô nhiễm môi trường đã làm xuất hiện những thay đổi trong mô hình bệnh tật như rối loạn tâm thần, trầm cảm, dị tật bẩm sinh, nhiễm độc và một số bệnh nhiễm khuẩn chưa được khống chế bằng chương trình tiêm chủng mở rộng như viêm gan, viêm não, HIV. Những yếu tố đó sẽ làm hạn chế phần nào khả năng chăm sóc sức khỏe trẻ em trong điều kiện quá độ dịch bệnh học mới. Một nghiên cứu cho thấy, tử vong sơ sinh vẫn còn là vấn đề nghiêm trọng. Đến nay, Việt Nam vẫn chưa thóat khỏi quy luật 2/3 (số tử vong trẻ em dưới 1 tuổi bằng 2/3 số tử vong trẻ em <5 tuổi, số tử vong sơ sinh lại chiếm 2/3 số tử vong trẻ em <1 tuổi). Như vậy, với tỷ suất tử vong trẻ em <1 tuổi là 16‰, thì số tử vong sơ sinh ước khoảng trên 10‰ (Bộ Y tế, 2006).
Chăm sóc sức khỏe trẻ em luôn gắn với ảnh hưởng của những chính sách và hành động của Đảng và Nhà nước. Quyết định số 2565/QĐ-BYT ngày 17 tháng 7 năm 2009 của Bộ Y tế về việc phê duyệt “Kế hoạch hành động vì sự sống còn trẻ em giai đoạn 2009-2015” đề ra một số chỉ tiêu chăm sóc sức khỏe trẻ em đến năm 2015 như sau: Giảm U5MR xuống <18‰, giảm IMR xuống <15‰; tăng tỷ lệ trẻ từ 6-36 tháng tuổi được uống vitamin A một năm 2 lần lên 90%; tăng tỷ lệ trẻ được tiêm chủng đầy đủ trong năm đầu lên 90% (vùng núi: 80%; đồng bằng: 95%); tăng tỷ lệ bà mẹ mang thai được tiêm phòng uốn ván đầy đủ lên 95% (vùng núi: 80%; đồng bằng: 98%).
Mục tiêu 4 của Quyết định số 2565/QĐ-BYT còn yêu cầu tăng cường nhận thức và sự tham gia của cộng đồng về các can thiệp vì sự sống còn trẻ em đồng thời khuyến khích thực hiện các thực hành tốt về chăm sóc trẻ em và trẻ sơ sinh tại gia đình và cộng đồng. Chỉ tiêu đến năm 2015 của mục tiêu này như sau: 80% số xã ở vùng nông thôn và miền núi có đủ trang thiết bị truyền thông và tài liệu về chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em; 80% số bà mẹ, người chăm sóc trẻ biết về các thực hành chăm sóc trẻ tại nhà và biết ít nhất 2 dấu hiệu nguy hiểm cần đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế; 95% số trẻ từ 0-59 tháng tuổi bị tiêu chảy được điều trị bằng Oresol và 80% được điều trị kẽm; 90% số trẻ từ 0-59 tháng tuổi bị nghi ngờ viêm phổi được đưa đến cơ sở y tế để điều trị.
Kế hoạch hành động vì sự sống còn của trẻ em giai đoạn 2009-2015 của Bộ Y tế còn đề xuất giải pháp nâng cao sự tham gia của gia đình và cộng đồng đối với các can thiệp vì sự sống còn trẻ em. Kế hoạch này nêu rõ, “tăng cường sự tham gia của gia đình và cộng đồng; nâng cao nhận thức và cải thiện các thực hành chăm sóc trẻ nhằm thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, phát hiện và xử trí bệnh sớm, góp phần quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe và giảm tử vong trẻ em”. Nếu kế hoạch này thành công thì có cơ sở để đảm bảo Việt Nam đạt được nhiều thành tựu khả quan hơn trong việc chăm sóc sức khỏe trẻ em.
Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em là văn bản có giá trị nhân văn và pháp lý cao, là nhân tố quan trọng làm thay đổi quan niệm truyền thống của gia đình về quyền trẻ em, trong đó có quyền được chăm sóc sức khỏe. Với sự tham gia Công ước vào năm 1989, Việt Nam đồng ý đảm bảo tất cả trẻ em, không phân biệt đối xử, đều có quyền được “chăm sóc sức khỏe ở mức cao nhất có thể được” bằng cách sử dụng mọi nguồn lực sẵn có và cố gắng đảm bảo rằng “không trẻ em nào bị tước quyền tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe”. Điều này có nghĩa là tất cả trẻ em đều được quyền tiếp cận các cơ sở chăm sóc sức khỏe bất kể đứa trẻ đó sống ở thành thị, nông thôn hay vùng sâu, vùng xa và cần chú ý đặc biệt tới nhóm trẻ bị thiệt thòi, ví dụ trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em di cư và trẻ em lang thang.
Tại Hội nghị Quốc tề về Dân số và phát triển năm 1994, Việt Nam là một trong 179 quốc gia đã cam kết sẽ thực hiện chăm sóc sức khỏe sinh sản trên phạm vi toàn cầu “càng sớm càng tốt và không muộn hơn năm 2015”. Từ sau hội nghị đó Việt Nam đã cố gắng thực hiện quyền sinh sản như là trung tâm của các vấn đề về quyền con người, phát triển bền vững, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Việt Nam đã tham gia cam kết thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và nhận thức rằng chỉ có thể đạt được các chỉ tiêu đề ra khi dành nhiều nỗ lực và nguồn lực hơn nữa cho sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Dự án Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc kết luận rằng sức khỏe sinh sản là “đặc biệt quan trọng đối với thành công tổng thể trong tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo” và là một trong những “yếu tố chủ chốt của nguồn vốn con người đầy đủ” (UNFPA, 2005). Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu về MDG, trong đó có giảm IMR và U5MR. So với các quốc gia có mức thu nhập tương tự, tỷ suất chết trẻ em của Việt Nam thuộc loại thấp nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương (IMR và U5MR của Việt Nam chỉ bằng 50%). Theo các số liệu của Chính phủ, tử vong bà mẹ đã giảm 50% trong khoảng thời gian 1990-2000. Nếu tỷ lệ này được duy trì cho 15 năm tiếp theo thì rõ ràng là Việt Nam có thể đạt được mục tiêu của mình. Xu hướng tiếp tục cải thiện chất lượng và khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc trước sinh là có lý để khẳng định Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu quốc tế vào năm 2015 (Nhóm hành động chống đói nghèo, 2002). Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ kêu gọi giảm 2/3 tỷ lệ IMR và U5MR và 3/4 tỷ lệ tử vong mẹ trong khoảng thời gian từ 1990 đến 2015, do đó các mục tiêu cần đạt được vào năm 2015 cho các chỉ số này ở Việt Nam là 14,8‰, 19,3‰, và 58,3‰.
Tuyên bố Thiên niên kỷ cũng kêu gọi các quốc gia chú ý đối với quyền của các dân tộc thiểu số. Nếu Việt Nam tích cực thực hiện các tuyên bố này thì hy vọng rằng, những cải thiện lớn về sức khỏe trẻ em có thể thực hiện ở ngay những vùng nghèo đói, xa xôi, và có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống.
Gia đình là một đơn vị cơ bản ở xã hội Việt Nam. Thiết chế gia đình quy định cha mẹ phải có trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc chăm sóc sức khỏe cho các thành viên gia đình nói chung và cho trẻ em nói riêng (Ủy ban Dân số gia đình và trẻ em Việt Nam, 2004). Vì thế trẻ em luôn được gia đình chú trọng chăm sóc sức khỏe nhằm đảm bảo những cá nhân khỏe mạnh trong tương lai. Ngày nay và cả trong tương lai, cho dù hệ thống dịch vụ y tế và xã hội có phát triển đến đâu thì nó vẫn không thể thay thế hoàn toàn vài trò của gia đình trong việc chăm sóc sức khỏe trẻ em. Lý do để khẳng định vai trò không thể thiếu của gia đình trong việc chăm sóc sức khỏe trẻ em là vai trò đó được xác lập trên nền tảng xã hội là quan hệ huyết thống. Trong truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam, huyết thống là mối quan hệ thiêng liêng, là nền tảng tình cảm và đạo đức của các hành vi ứng xử, trong đó có việc chăm sóc sức khỏe trẻ em.
Cùng với việc giảm mức sinh, giảm quy mô gia đình, chất lượng đứa con sẽ là vấn đề càng được quan tâm của các gia đình trong thời gian tới. J. Cadwell gọi dòng chảy của những nguồn lực bên trong gia đình là các dòng của cải và sự biến đổi định hướng những ưu tiên nguồn lực cho trẻ em là sự đổi chiều của các luồng của cải giữa các thế hệ theo chiều hướng đi xuống (John C. Caldwell, 1994). Theo đó, trẻ em bây giờ và sau này sẽ là chủ thể của sự quan tâm và chú ý hàng đầu của gia đình ở các khía cạnh nhu cầu phát triển nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng. Vì thế, các gia đình sẵn sàng sử dụng sự cố gắng và mọi nguồn lực lớn hơn vào việc chăm sóc sức khỏe trẻ em.
Tuy nhiên gia đình Việt Nam ngày càng có xu hướng chuyển đổi từ cấu trúc mở rộng sang loại hình hạt nhân hai thế hệ. Trong tương lai gia đình Việt Nam sẽ có quy mô nhỏ hơn, ít con hơn, song trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho trẻ em lại nặng gánh hơn. Gánh nặng phụ thuộc đó không thể đặt lên vai những người trưởng thành ngày càng mang tính di động cao, thóat ly gia đình thông qua di dân. Trong bối cảnh đó sự hỗ trợ của bố mẹ đối với con cháu cũng sẽ là điều không dễ dàng thực hiện (Đặng Nguyên Anh, 2000). Những biến đổi đó sẽ dẫn đến xu hướng gia đình sẽ chuyển hướng chăm sóc sức khỏe trẻ em cho các thiết chế xã hội khác. Hành vi chăm sóc sức khỏe trẻ em bằng hình thức tự chẩn đoán và điều trị sẽ dần chuyển sang hành vi sử dụng dịch vụ y tế ngoài gia đình do các cơ sở y tế có chất lượng cung cấp.
Sự phân tầng xã hội và phân hóa giàu nghèo do tác động của cơ chế thị trường vẫn tiếp tục dẫn đến những bất bình đẳng trong việc chăm sóc sức khỏe trẻ em ở Việt Nam. Tony Bilton và những người khác (1993) cho rằng, sự phân tầng xã hội là một cơ cấu bất bình đẳng ổn định giữa các nhóm xã hội bền vững qua các thế hệ. Còn Davis và Moore thì nhận định: sự bất bình đẳng là một nét nổi bật của các xã hội loài người trong quá khứ và tiếp tục cứ như thế trong các xã hội hiện nay của phương Đông và phương Tây (Tony Bilton và cộng sự, 1993). Việc đạt các mục tiêu về tỷ lệ tử vong trẻ em ở Việt Nam sẽ phụ thuộc chủ yếu vào tiến bộ trong việc giảm nghèo đói và khả năng của Chính phủ trong việc mở rộng dịch vụ và chất lượng dịch vụ y tế ở các vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa. Có khả năng là vấn đề tử vong ở trẻ em sẽ ngày càng được chú ý trong những người nghèo. Với sự chú trọng thích đáng đến các vùng nghèo đói và các gia đình sống ở vùng sâu, vùng xa như vậy, Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu về IMR và U5MR. Phân tích của Nhóm hành động chống đói nghèo (2002) cho biết, việc giảm nghèo khổ ở Việt Nam có khả năng mang lại kết quả khả quan trong việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi. Mục tiêu của Việt Nam là giảm một nửa số người nghèo đói vào năm 2015 (từ 38% năm 1998 xuống còn 18% vào năm 2015) có khả năng làm giảm IMR khoảng 8 điểm và dẫn đến mức giảm U5MR tương ứng. Nếu xóa bỏ hoàn toàn nghèo đói, chúng ta có thể trông đợi khoảng một nửa mức giảm cần thiết về tỷ lệ tử vong trẻ em (Nhóm hành động chống đói nghèo, 2002).
Mô hình chăm sóc sức khỏe trẻ em trong gia đình vẫn là do người mẹ đảm nhận là chủ yếu vì người mẹ trực tiếp sản sinh và nuôi dưỡng trẻ em. Đây vừa là chuẩn mực vừa là sự phân công lao động truyền thống ở Việt Nam, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Học vấn của người mẹ là một yếu tố quan trọng quyết định đến hành vi chăm sóc sức khỏe trẻ em trong gia đình. Trình độ học vấn, tỷ lệ biết chữ giai đoạn 2001-2005 của Việt Nam đã được nâng lên rõ rệt, và không có sự chênh lệch về giới trong hưởng thụ giáo dục. Tỷ lệ biết chữ của Việt Nam thuộc loại cao, theo Kết quả khảo sát mức sống hộ gia đình năm 2008, dân số từ 10 tuổi trở lên biết chữ trong hai năm 2006 và 2008 là 93% (Tổng cục Thống kê, 2010). Do đó, chăm sóc sức khỏe trẻ em sẽ được nâng cao cùng với học vấn của dân cư, trong đó có học vấn của phụ nữ. Tuy nhiên, vẫn có sự chênh lệch giữa các vùng trong nước và giữa các tầng lớp giàu, nghèo trong xã hội. Đối với người dân tộc thiểu số, vấn đề không biết tiếng phổ thông vẫn còn là một trở ngại cho việc nâng cao trình độ học vấn của phụ nữ.
Ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ suy dinh dưỡng, mắc bệnh ở trẻ em cao hơn ở miền xuôi. Tỷ suất tử vong trẻ em không đồng đều giữa các vùng và còn cao ở những vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên. Mức độ tiếp cận và chất lượng dịch vụ ở các vùng nghèo và vùng xa xôi vẫn gặp những cản trở do đó việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ em trong những vùng này vẫn còn những hạn chế nhất định. Việc khắc phục sự khác biệt này khó đạt được trong thời gian ngắn.
4. Thảo luận và kết luận
Đảng và Nhà nước Việt Nam quan niệm rằng, việc coi trọng hàng đầu sự nghiệp bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em không chỉ là thể hiện tình cảm đạo đức, đạo lý của dân tộc đối với thế hệ đang lớn lên mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn xã hội, của tất cả các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, gia đình và mỗi cá nhân. Có thể nói, trẻ em Việt Nam đã được hưởng nhiều lợi ích từ những thành tựu phát triển kinh tế của đất nước. Trong những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ em đã được cải thiện rõ rệt. Độ bao phủ và chất lượng của các dịch vụ y tế đã được cải thiện ngày một phù hợp hơn cho trẻ em, góp phần thu hẹp khoảng cách trong việc hưởng thụ các dịch vụ y tế. Tuy nhiên, cơ sở vật chất và trang thiết bị chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em ở tuyến cơ sở còn hạn chế. Trẻ em miền núi, nông thôn chưa được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản. Vẫn tồn tại sự khác biệt lớn về sức khỏe trẻ em giữa các vùng địa lý. Việc thiếu đầu tư tài chính dẫn đến không cung cấp đủ các dịch vụ cần thiết và có chất lượng cho trẻ em (Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 2007).
Với chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em ngày nay không chỉ là bổn phận của từng gia đình mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội, tuy nhiên trong mối tương quan đó, gia đình vẫn là yếu tố trụ cột. Gia đình được coi là môi trường đầu tiên và nhỏ nhất thực hiện chức năng bảo vệ và chăm sóc sức khỏe trẻ em. Gia đình cũng là mạng lưới đầu tiên kết nối các hoạt động chăm sóc với người bệnh dài ngày, các thành viên trong gia đình không chỉ là những người chăm sóc người đau ốm, chi trả chi phí khám chữa bệnh mà còn là những nhân tố quan trọng trong việc cung cấp kiến thức cũng như là mắt xích quan trọng trong quan hệ giữa người bệnh và các cơ sở y tế. Vai trò chăm sóc sức khỏe gia đình không chỉ thực hiện chức năng cơ bản của gia đình mà còn dựa trên mối quan hệ huyết thống, tình cảm. Trong truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam, huyết thống là mối quan hệ thiêng liêng, là nền tảng tình cảm và đạo đức của các hành vi ứng xử, trong đó có chăm sóc sức khỏe trẻ em. Các thành viên trong gia đình, đặc biệt là cha mẹ và những người chăm sóc khác như ông bà đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe trẻ em. Họ là những người chăm sóc đầu tiên cho bà mẹ và trẻ em ở tuyến hộ gia đình và cộng đồng. Kiến thức và kỹ năng thực hành của họ rất quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe và sự phát triển của trẻ em.
Tiềm lực kinh tế và địa vị xã hội của gia đình là quan trọng. Nghiên cứu này cho thấy đầu tư chăm sóc sức khỏe trẻ em trong gia đình là không bình đẳng, trong khi lĩnh vực này rất quan trọng để đảm bảo tăng trưởng kinh tế và phúc lợi cho cá nhân. Trẻ em là người dân tộc thiểu số, trong những gia đình nghèo và sinh sống ở vùng sâu vùng xa gặp nhiều bất lợi hơn trong việc được chăm sóc sức khỏe so với những trẻ em khác. Người nghèo và người dễ bị tổn thương thường không có quyền lực và địa vị trong cộng đồng xã hội. Nếu họ là người duy nhất sử dụng những dịch vụ xã hội công thì chất lượng những dịch vụ đó sẽ bị xuống cấp bởi vì chúng không được những người có địa vị hay có quyền lực quan tâm đến. Nhiều kết quả nghiên cứu ở nước ta cho thấy trẻ em dân tộc thiểu số có tỷ lệ suy dinh dưỡng, bệnh tật, tử vong cao hơn trẻ em người Kinh là xuất phát từ những khác biệt này (Trần Quý Long, 2009).
Sức khỏe được hiểu theo nghĩa rộng là những tài sản phục vụ sản xuất của cá nhân và là kết quả của một quá trình đầu tư lâu dài. Bất bình đẳng trong thu nhập có thể khắc phục được trong một thời gian tương đối ngắn, trong khi đó những bất công bằng về chăm sóc sức khỏe có thể để lại hậu quả nghiêm trọng qua nhiều thế hệ. Đầu tư vào chăm sóc sức khỏe cho trẻ em là giải pháp cơ bản để phá vỡ vòng luẩn quẩn của sự nghèo đói. Nhìn chung những gia đình có mức sống cao hơn thì trẻ em được chăm sóc sức khỏe nhiều hơn. Khái quát này hoàn toàn phù hợp với những quan sát trong thực tế đời sống hàng ngày và phù hợp với nhiều nghiên cứu trước đó. Một trong những hạn chế chính bên cạnh nhu cầu về sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe trẻ em đối với hộ nghèo là khả năng chi trả cho các dịch vụ. Phân tầng xã hội về mức sống không chỉ phản ánh sự bất bình đẳng trong phân phối thu nhập mà còn thể hiện ở tình trạng sức khỏe và giáo dục, những chỉ số này lại có xu hướng tương quan với nhau. Báo cáo phát triển thế giới 2006 nhận xét rằng, người giàu xem ra vừa có sức khỏe vừa có trình độ học vấn tốt hơn những người khác. Người nghèo nhất trong nhóm nghèo dường như có số năm đi học ít nhất và chỉ số về sức khỏe cũng kém nhất (Ngân hàng Thế giới, 2006). Phải hợp lý hóa cơ cấu tài chính y tế và làm cho nó công bằng hơn là một đòi hỏi cấp thiết và chính đáng. Xét theo quan điểm tầm vĩ mô, sẽ là hiệu quả hơn nếu tất cả trẻ em trong mọi gia đình đều có khả năng và đều được tăng cường sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật như nhau.
Vẫn có sự khác biệt giữa các vùng địa lý đối với chăm sóc sức khỏe trẻ em, phần nào phản ánh các điều kiện địa lý, cơ cấu kinh tế - xã hội, hệ thống y tế và thái độ đối với hành vi tìm kiếm sức khỏe cho trẻ em. Cần phải có chú ý đặc biệt đối với những vùng kém phát triển để phát hiện hành vi tìm kiếm sức khỏe cho trẻ em thấp là do thói quen, phong tục tập quán hay là do nhận thức. Nhà nước vẫn phải tiếp tục đầu tư cho công tác tuyên truyền giáo dục về hành vi tìm kiếm sức khỏe cho trẻ em trong các gia đình, đặc biệt là phụ nữ cũng như cung cấp các nguồn lực về cơ sở hạ tầng, thuốc men, đội ngũ nhân viên y tế cho những vùng sâu, vùng xa, vùng kém phát triển. Trên phương diện quốc gia, những nỗ lực nhằm nâng cao tỷ lệ chăm sóc sức khỏe trẻ em giai đoạn thai sản và giai đoạn nuôi dưỡng, đặc biệt đối với trẻ em dân tộc thiểu số, ở vùng sâu vùng xa… chắc chắn sẽ góp phần hạ thấp tỷ lệ tai biến, bệnh tật và tử vong trẻ em ở Việt Nam. Cần cung cấp cho cộng đồng những thông tin đầy đủ, hỗ trợ cho các gia đình và những người chăm sóc trẻ những phương thức xử lý đúng lúc và kịp thời (Trần Quý Long, 2009).
Chăm sóc sức khỏe là sự kiện kết nối các thành viên gia đình nhưng việc thực hiện hầu hết là do người phụ nữ. Vai trò chăm sóc sức khỏe trẻ em của người mẹ được xây dựng thông qua mạng lưới của các quan hệ xã hội và kinh tế, trong phạm vi gia đình và nơi làm việc. Vai trò của người phụ nữ đặc biệt quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe trẻ em trong suốt chu trình mang thai, sinh đẻ, nuôi nấng chăm sóc tới lúc trưởng thành. Người mẹ được coi là nhân tố quan trọng nhất trong việc tiếp xúc trực tiếp đối với nhân viên y tế cũng như các cơ sở y tế, là tác nhân tham gia vào quá trình nối dài thêm các quan hệ mạng lưới chăm sóc sức khỏe trong gia đình tới những mạng lưới của các thiết chế y tế. Nhằm hoàn thành tốt nhất sự chăm sóc cho bản thân và trẻ em, phụ nữ cần có kiến thức đúng đắn và phù hợp, kỹ năng và sự giúp đỡ. Nhóm phụ nữ học vấn thấp thường ít có nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và chăm sóc sức khỏe trẻ em. Như một nghiên cứu đã đề cập (Ngân hàng Thế giới, 2001), người mẹ quyết định việc khuyến khích sự thông minh và sự phát triển về thể lực trong những năm đầu của đứa trẻ. Học vấn kém và phụ thuộc vào những người khác của người mẹ sẽ lấy đi sự hiểu biết và tự tin, làm suy yếu khả năng chăm sóc, tìm kiếm sức khỏe cho con cái của họ.
Đối với những phụ nữ được học hành chu đáo về sức khỏe và chăm sóc trẻ em, thì trở ngại lớn nhất đối với họ là thời gian. Những gánh nặng công việc trong và ngoài gia đình có thể cản trở phụ nữ chăm sóc con cái đầy đủ. Becker (1991) nhận định rằng, thực tế việc tăng đầu tư về thời gian của người mẹ là một trong những cách chủ yếu để các gia đình cân bằng giữa số lượng hoặc chất lượng của những đứa con của họ (Indu Bhushan và cộng sự, 2001). Điều quan trọng là tiếp tục cung cấp giáo dục và thông tin để trang bị cho các bà mẹ khả năng nhận thức và thay đổi hành vi trong việc tìm kiếm sức khỏe cho trẻ em. Cần phải tiến hành các hoạt động truyền thông có trọng điểm và thích hợp về văn hóa để làm thay đổi thói quen nhằm gia tăng nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ em (Nhóm hành động chống đói nghèo, 2002). Cùng với việc tăng cường quyền năng cho người phụ nữ, các chương trình tuyên truyền giáo dục cần phải cuốn hút nam giới và chú ý đến họ trong các chiến dịch nhằm làm thay đổi nhận thức và hành vi, ứng xử trong việc chăm sóc sức khỏe trẻ em.
Như vậy, có thể thấy vấn đề chăm sóc sức khỏe trẻ em không chỉ phụ thuộc vào những yếu tố vĩ mô từ các chính sách của Đảng và Nhà nước mà còn bị chi phối trực tiếp từ các đặc trưng kinh tế - xã hội của từng hộ gia đình, trong đó nổi lên vai trò đặc biệt quan trọng của người mẹ. Trong thập niên qua, công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em ở Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt, khoảng cách trong việc hưởng thụ dịch vụ chăm sóc y tế cho trẻ em giữa các vùng miền và hộ gia đình đã thu hẹp đáng kể. Tuy nhiên, những khó khăn trong chăm sóc sức khỏe trẻ em ở nhóm hộ gia đình có mức sống thấp, là người dân tộc thiểu số, sống vùng sâu vùng xa cho thấy các chiến dịch tuyên truyền giáo dục về y tế cộng đồng không chỉ hướng tới đối tượng ph nữ, mà cần thu hút sự tham gia của nam giới nhằm tăng khả năng nhận thức và hành vi ứng xử trong chăm sóc sức khỏe trẻ em ở cấp hộ gia đình. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có sự ưu tiên đầu tư tài chính để hoàn thiện hệ thống dịch vụ y tế dành cho trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn và dân tộc thiểu số nhằm thu hẹp khoảng cách trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hướng tới mục tiêu đảm bảo mọi trẻ em đều có quyền được chăm sóc và hưởng thụ các dịch vụ y tế một cách công bằng.

Tài liệu tham khảo
1.   Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (2008), Báo cáo quốc gia lần thứ ba và lần thứ tư: Việt Nam thực hiện công ước quốc tế quyền trẻ em giai đoạn 2002-2007, Hà Nội.
2.   Bộ Y tế (2006), Báo cáo y tế Việt Nam 2006: Công bằng, hiệu quả, phát triển trong tình hình mới, Nxb. Y học, Hà Nội.
3.   Bộ Y tế (2010), Báo cáo chung tổng quan ngành y tế Việt Nam 2010: Hệ thống y tế Việt Nam trước thềm 5 năm 2011-2015, Hà Nội.
4.   Bộ Y tế, Tổng cục Thống kê, Unicef, WHO (2005), Điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam, Hà Nội.
5.   Bùi Thị Thanh Hà và Phạm Thị Quỳnh Hương (1999), Sức khỏe trẻ em, Dominique Haughton, Jonathan Haughton, Sarah Bales, Trương Thị Kim Chuyên, Nguyễn Nguyệt Nga và Hoàng Văn Kình (Chủ biên), Hộ gia đình Việt Nam nhìn qua phân tích định lượng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
6.   Bussarawan T. and James F. Philips (2007), Ethnic Differential in Parental Health Seeking for Childhood Illness in Vietnam, Population Council, New York.
7.   Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2007), Báo cáo quốc gia kiểm điểm giữa kỳ tình hình thực hiện văn kiện "Một thế giới phù hợp với trẻ em" của Liên hợp quốc, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, Hà Nội.
8.   Đặng Nguyên Anh (2000), "Cấu trúc hộ gia đình và sức khỏe trẻ em: những phát hiện qua khảo sát nhân khẩu học và sức khỏe 1997", Tạp chí Xã hội học, số 4, tr. 61-74.
9.   Dominique Houghton và Jonathan Houghton (1999), Sở thích con trai, Dominique Haughton, Jonathan Haughton, Sarah Bales, Trương Thị Kim Chuyên, Nguyễn Nguyệt Nga và Hoàng Văn Kình (Chủ biên), Hộ gia đình Việt Nam nhìn qua phân tích định lượng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
10. FAO và UNDP (2002), Khác biệt giới trong nền kinh tế chuyển đổi ở Việt Nam.
11. Indu Bhushan, Erik Bloom, Nguyễn Minh Thắng và Nguyễn Hải Hữu (2001), Vốn nhân lực của người nghèo ở Việt Nam: Tình hình và các lựa chọn về chính sách, Nxb. Lao động - Xã hội, Hà Nội.
12. John C. Caldwell (1994), Những nhân tố xã hội và văn hóa ảnh hưởng mức chết ở các nước đang phát triển, John Knodel, Phạm Bích San, Peter Donaldson và Charles Hirschman (Chủ biên), Tuyển tập các công trình chọn lọc trong dân số học xã hội, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
13. Julia Samueison và cộng sự (1995), Tình trạng sức khỏe phụ nữ ở Việt Nam, Uỷ ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ và Quỹ Dân số Liên hợp quốc, Hà Nội.
14. Liên hợp quốc (2006), "Báo cáo các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ 2005", Dân số và Phát triển, số 2, tr. 5-11.
15. Ngân hàng Thế giới (2006), Báo cáo phát triển thế giới 2006: Công bằng và phát triển, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
16. Ngân hàng Thế giới (2001), Đưa vấn đề giới vào phát triển, Nxb. Văn hóa-Thông tin, Hà Nội.
17. Nguyễn Hữu Minh và Lê Phượng (2001), "Về thực trạng và nhận thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ ở các xã nghèo miền núi phía Bắc", Tạp chí Khoa học về phụ nữ, số 2, tr. 50-56.
18. Nguyen Minh Thang et al (2007), Child imunization in Vietnam: Situation and barriers to coverage, Journal of Biosoc.Sci., (39), tr. 41-58.
19. Nguyễn Thu Nhạn (1994), Tình hình sức khỏe và bệnh tật - khái niệm và nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em, Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe trẻ em tại cộng đồng, Nxb. Y học, Hà Nội.
20. Nhóm hành động chống đói nghèo (2002), Cải thiện tình trạng sức khỏe và giảm bớt những bất bình đẳng, Báo cáo chung của các nhà tài trợ, Hà Nội.
21. Tổng cục Thống kê (2010), Kết quả khảo sát mức sống hộ gia đình 2008, Nxb. Thống kê, Hà Nội.
22. Tony Bilton, Kenvin Bonnett, Philip Jones, Michelle Stanworth, Ken Shear và Andrew Webster (1993), Nhập môn xã hội học, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
23. Trần Quý Long (2009), "Hành vi chăm sóc sức khỏe cho trẻ em trong gia đình hiện nay", Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, số 1, tr. 67-79.
24. Trịnh Hòa Bình (1998), Gia đình nông thôn và vấn đề chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
25. Trịnh Hòa Bình và Nguyễn Đức Chính (2001), "Mấy vấn đề cần quan tâm hiện nay của hệ thống chăm sóc sức khỏe", Tạp chí Xã hội học, số 2, tr. 49-57.
26. UNFPA (2005), Tình trạng dân số thế giới 2005-Lời hứa về công bằng, bình đẳng giới, sức khỏe sinh sản và các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.
27. UNICEF (1994), Phân tích tình hình phụ nữ và trẻ em, Hà Nội.
28. UNICEF Việt Nam (2008), Phân tích tình hình trẻ em ở Việt Nam sử dụng cách tiếp cận dựa vào quyền, Hà Nội.
29. Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em Việt Nam (2000), Nghiên cứu đặc điểm nhu cầu phát triển của trẻ em Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, Hà Nội.
30. Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Việt Nam (2004), Thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với gia đình Việt Nam hiện nay, Hà Nội.
31. VNDHS (2003), Điều tra nhân khẩu học và Sức khỏe 2002, Nxb. Thống kê, Hà Nội.


No comments:

Post a Comment