Tuesday, December 17, 2019

Trẻ em trong độ tuổi mầm non và việc tiếp nhận các hoạt động hỗ trợ phát triển từ gia đình

Trần Quý Long

Đề nghị trích dẫn: Trần Quý Long (2019). Trẻ em trong độ tuổi mầm non và việc tiếp nhận các hoạt động hỗ trợ phát triển từ gia đình. Trần Quý Long, Những nghiên cứu xã hội học về trẻ em Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.

1. Giới thiệu
Những năm tháng ở tuổi mầm non là giai đoạn có tiềm năng to lớn cho đứa trẻ và cũng là giai đoạn rất dễ bị tổn thương. Việc đảm bảo trẻ em có được những kinh nghiệm tích cực; quyền của trẻ em được đảm bảo và các nhu cầu về y tế, khích lệ và hỗ trợ được đáp ứng thỏa đáng là vấn đề vô cùng quan trọng đối với phúc lợi và sự phát triển của trẻ em. Trong thời gian đó, sự bảo vệ, chăm sóc và kích thích/ khích lệ đầy đủ là rất cần thiết để tạo nền tảng cho sự phát triển và hạnh phúc của một đứa trẻ (UNESCO, 2007). Những đầu tư đầu thời kỳ thơ ấu đem lại nhiều lợi ích quan trọng, và có thể làm giảm bớt việc chuyển tải sự bất bình đẳng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Rất nhiều trẻ em ở các nước đang phát triển phải chịu đựng tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng về dinh dưỡng, sức khỏe, sự phát triển về nhận thức và tình cảm xã hội từ rất sớm, với những hậu quả ảnh hưởng suốt đời về thành tích giáo dục, việc làm và thu nhập (Ngân hàng Thế giới, 2007).

Tuổi mầm non là thời kỳ mà con người phụ thuộc nhiều nhất vào các mối quan hệ an toàn, tương tác với những người khác trong gia đình để đảm bảo không những cho sự sống còn mà còn cho sự an toàn về tình cảm, hòa nhập với xã hội và các kỹ năng nhận thức của trẻ em. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc đầu tư ít ỏi cho những năm đầu tiên của trẻ em sẽ dẫn đến năng lực làm việc bị giảm sút, trí tuệ phát triển chậm hơn và kỹ năng cũng như động lực xã hội bị hạn chế (UNICEF Việt Nam, 2008). Trong giai đoạn này, điều quan trọng là trẻ em phải được sự hỗ trợ về các mặt: bảo vệ, sức khỏe tốt, dinh dưỡng thích hợp, khích lệ, phát triển ngôn ngữ và quan trọng hơn cả là tương tác và gắn bó với những người chăm sóc chúng (Judith L. Evans, 2006). Tần suất (số lần) đọc sách cho trẻ em của người chăm sóc trẻ và số sách có ở gia đình đã giúp quyết định sự phát triển ngôn ngữ, kết quả về môn đọc và thành công ở nhà trường. Những kích thích phát triển tích cực ở nhà rất có lợi cho sự phát triển về ngôn ngữ của trẻ em. Một số nghiên cứu phát hiện rằng trẻ em có những kích thích ở gia đình có các năng lực học tập khi vào học tiểu học cao hơn. Một nghiên cứu ở Mỹ thực hiện với 700 học sinh lớp một cho thấy sự khích lệ và chăm sóc ở gia đình dẫn đến kết quả là học sinh chú ý hơn và có trí nhớ tốt hơn kết quả của những tương tác tương tự trong môi trường chăm sóc trẻ em ở các cơ sở từ thiện (UNESCO, 2007).
Giai đoạn phát triển nhanh nhất và quan trọng nhất của trẻ em được công nhận là khoảng thời gian 3-4 năm đầu đời và chất lượng chăm sóc tại gia đình là yếu tố chủ đạo quyết định sự phát triển của trẻ em. Tất cả các lĩnh vực liên quan đến sống còn, tăng trưởng và phát triển có quan hệ mật thiết và hỗ trợ lẫn nhau. Thiếu bất cứ sự đầu tư ở một lĩnh vực nào cũng sẽ làm giảm khả năng phát triển của trẻ ở các lĩnh vực khác (Tổng cục Thống kê, 2006). Lý thuyết về sự tước đoạt văn hóa nhấn mạnh không phải những khác biệt bẩm sinh trong khả năng trí tuệ mà là sự ảnh hưởng của các giá trị và thái độ tiếp thu được thông qua sự xã hội hóa. Lý thuyết này xác định rằng các nhóm xã hội về mặt giáo dục kém hơn các nhóm khác là do thiếu các kiểu dạy dỗ. Ngoài ra, gia đình có thể không cung cấp cho trẻ em những kinh nghiệm văn hóa (biết trò chuyện, biết nhiều hình thức giải trí, đọc sách báo) giúp nuôi dưỡng khả năng ngôn ngữ, kích thích sự tò mò và làm cơ sở cho khả năng học tập. Về mặt kinh nghiệm và giá trị do văn hóa của chúng được cung cấp, trẻ em xuất thân từ những nhóm yếu thế được coi là “bị tước đoạt về mặt văn hóa” (Tony Bilton và cộng sự, 1993).
Điều tra đánh giá các mục tiêu về trẻ em và phụ nữ Việt Nam lần thứ 4 vào năm 2011 (MICS 4) đã tiến hành thu thập thông tin về những chỉ tiêu phản ánh chất lượng chăm sóc trẻ em tại gia đình, trong đó có chỉ tiêu các hoạt động giúp cho sự phát triển mà trẻ em nhận được từ các thành viên người lớn trong hộ gia đình trong vòng 3 ngày trước cuộc khảo sát. Mục đích của nghiên cứu là tập trung vào việc xem xét những yếu tố ảnh hưởng đến số lượng các hoạt động hỗ trợ phát triển dành cho trẻ em dưới 5 tuổi từ các thành viên là người lớn trong hộ gia đình thông qua sử dụng số liệu MICS 4. Có thể có nhiều yếu tố kết hợp với nhau ảnh hưởng đến số lượng hoạt động hỗ trợ phát triển mà trẻ em nhận được từ các thành viên gia đình, nên việc khống chế ảnh hưởng đồng thời của các yếu tố là việc làm cần thiết. Vì thế, mô hình phân tích hồi quy đa biến sẽ được sử dụng.
2. Số liệu, biến số, kỹ thuật phân tích
2.1. Số liệu
Nghiên cứu sử dụng số liệu từ cuộc Điều tra đánh giá các mục tiêu về trẻ em và phụ nữ Việt Nam lần thứ 4 vào năm 2011 (MICS 4). Cuộc điều tra này được thiết kế nhằm cung cấp các ước lượng tin cậy cho nhiều chỉ tiêu phản ánh tình hình trẻ em và phụ nữ ở cấp quốc gia, thành thị và nông thôn và 6 vùng ở Việt Nam (Tổng cục Thống kê, 2011b). Có 3 loại bảng câu hỏi được sử dụng trong cuộc điều tra: 1) Bảng câu hỏi hộ gia đình được sử dụng để thu thập thông tin chung về hộ gia đình và tất cả các thành viên thường trú; 2) Bảng câu hỏi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 15-49 tuổi; và 3) Bảng câu hỏi dành cho các bà mẹ hoặc người chăm sóc chính nhằm thu thập thông tin về trẻ em dưới 5 tuổi trong các hộ gia đình.
Mẫu điều tra bao gồm 12.000 hộ gia đình đã được chọn dựa trên các địa bàn của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009. Trong số những hộ gia đình được chọn, 11.642 hộ gia đình đã có mặt trong thời gian điều tra và 11.614 hộ gia đình đã được phỏng vấn thành công, đạt tỷ lệ hộ trả lời 99,8%. Trong số những hộ gia đình được phỏng vấn có 12.115 phụ nữ có độ tuổi từ 15-49, trong đó 11.663 phụ nữ được phỏng vấn thành công. Có 3.729 trẻ em dưới 5 tuổi được liệt kê trong bảng câu hỏi hộ gia đình và 3.678 trường hợp đã được phỏng vấn thành công thông qua người mẹ hoặc người chăm sóc chính với tỷ lệ tương ứng là 98,6%.
2.2. Biến số phụ thuộc
Biến số phụ thuộc của nghiên cứu là một biến số định lượng (numeric variabe) thể hiện số lượng hoạt động hỗ trợ phát triển mà các thành viên gia đình là người lớn dành cho trẻ em trong độ tuổi từ 36-59 tháng trong vòng 3 ngày trước thời điểm khảo sát ở MICS 4. Các hoạt động hỗ trợ phát triển của các thành viên gia đình là người lớn dành cho trẻ em được MICS 4 thu thập bao gồm: 1) đọc sách, xem truyện tranh với trẻ; 2) kể chuyện; 3) hát hoặc cùng hát; 4) đưa đi chơi ngoài trời; 5) chơi cùng; và 6) tập nói, tập đếm hoặc cùng vẽ. Biến số phụ thuộc được mã hóa từ 1 đến 6 để chỉ số hoạt động hỗ trợ phát triển mà trẻ em nhận được từ các thành viên là người lớn trong gia đình.
2.3. Biến số độc lập
Các biến số dự báo (biến số độc lập) đáng quan tâm trong nghiên cứu này là các biến số nhân khẩu học, kinh tế-xã hội ở cấp độ cá nhân trẻ em và hộ gia đình. Các yếu tố nhân khẩu học của trẻ em bao gồm tuổi, giới tính. Tuổi của trẻ em được phân chia thành hai nhóm tương ứng với 36-47 và 48-59 tháng tuổi. Giới tính được xây dựng thành một biến nhị phân với giá trị 1 là tương ứng với trẻ em trai và 0 tương ứng với trẻ em gái.
Học vấn của người mẹ và người bố là hai biến số thuộc về yếu tố gia đình, được xây dựng thành biến lưỡng phân với giá trị 1 là bố hoặc mẹ có học vấn từ trung học phổ thông trở lên và bằng 0 là ngược lại. Thành phần dân tộc của chủ hộ cũng là biến số lưỡng phân được chia thành hai nhóm bao gồm dân tộc Kinh và dân tộc thiểu số. Nhìn chung, biến số thành phần dân tộc của chủ hộ gần như phản ánh chính xác thành phần dân tộc của các thành viên hộ gia đình.
Mức sống của hộ gia đình được đo lường gián tiếp qua việc xây dựng một chỉ số về những vật dụng, tài sản mang tính bền vững, có giá trị của hộ gia đình. Mỗi loại tài sản được gán quyền số và đồng thời tính điểm giàu nghèo cho mỗi hộ gia đình trong mẫu khảo sát. Sau đó mỗi gia đình được gia quyền theo số thành viên, chia thành 5 nhóm có tỷ lệ bằng nhau và được xếp loại từ nhóm 20% nghèo nhất tới nhóm 20% giàu nhất dựa trên điểm giàu nghèo của từng gia đình. Chỉ số giàu nghèo không nhằm cung cấp thông tin về nghèo đói tuyệt đối, thu nhập hoặc mức chi tiêu tại thời điểm khảo sát của gia đình (Tổng cục Thống kê, 2011b). Trong mô hình phân tích đa biến, hai nhóm mức sống nghèo nhất và nghèo (từ 40% trở xuống) của hộ gia đình được gộp lại thành một nhóm và được dùng để so sánh với các nhóm mức sống cao hơn.
Ba biến số bao gồm tuổi người mẹ, số phụ nữ trong độ tuổi 15-49 và tỷ lệ phụ thuộc được đưa vào phân tích với tính chất là biến số định lượng. Tỷ lệ phụ thuộc là một chỉ số nhân khẩu học quen thuộc và quan trọng thường được áp dụng trong giác độ nghiên cứu gia đình. Biến số này cho phép đo lường tương đối cấu trúc tuổi của gia đình và hơn thế nó còn phản ánh gián tiếp số thế hệ cùng chung sống trong gia đình. Ngoài ra, có thể giả định rằng tỷ lệ phụ thuộc ảnh hưởng tới số lượng hoạt động chăm sóc hỗ trợ phát triển cho trẻ em trong gia đình do tình trạng đông người. Về ý nghĩa của biến số, tỷ số càng nhỏ thì gánh nặng người phụ thuộc mà hộ gia đình phải chăm lo càng ít. Tỷ lệ phụ thuộc được thiết lập bằng tổng số những người dưới 15 tuổi và trên 64 tuổi chia cho tổng số người trong độ tuổi lao động từ 15 đến 64 tuổi của mỗi hộ gia đình.
Cuối cùng, yếu tố khu vực cư trú được xác định thông qua biến số nhị phân với hai giá trị là nông thôn bằng 1 và thành thị bằng 0 và biến số vùng với 6 giá trị đại diện cho 6 vùng địa lý của đất nước. Vùng đồng bằng sông Hồng sẽ được loại ra để làm vùng tham khảo trong mô hình phân tích hồi quy đa biến.
2.4. Kỹ thuật phân tích
Mặc dù phân tích hai chiều cũng làm sáng tỏ khi xem xét các tác động đối với số lượng hoạt động hỗ trợ phát triển mà trẻ em nhận được từ phía gia đình nhưng phương pháp này cũng có nhược điểm quan trọng là các tác động đó có thể tương quan với nhau và do đó, không phải tất cả đều thể hiện các tác động độc lập. Để giải quyết vấn đề này, cần phải phân tích bằng một mô hình hồi quy đa biến.
Với biến số phụ thuộc đã cho mang tính chất định lượng, mô hình hồi quy tuyến tính được nghiên cứu sử dụng để phân tích đa biến. Hồi quy tuyến tính là một phương pháp cố gắng quy các điểm rời rạc của số liệu về một đường thẳng. Trong mô hình hồi quy tuyến tính, nghiên cứu áp dụng phương pháp bình phương nhỏ nhất thông thường (OLS).
3. Nội dung nghiên cứu
3.1. Một số đặc điểm của mẫu phân tích
Trong tổng số 1.463 trẻ em từ 3 đến 4 tuổi được khảo sát, có 52,4% ở nhóm 36-47 tháng tuổi và 47,6% ở nhóm 48-59 tháng tuổi (bảng 1). Tỷ lệ giới tính của trẻ gần như tương đương nhau với 49,7% trẻ em trai và 50,3% trẻ em gái. Thành phần dân tộc của trẻ em hầu hết là người Kinh với tỷ lệ 82% và chỉ có 18% là người dân tộc thiểu số (DTTS). Đối với các đặc điểm của gia đình, người mẹ và người bố có học vấn từ bậc trung học phổ thông trở lên (THPT+) có sự khác biệt khá lớn với 31% người bố đã tốt nghiệp bậc học này trong khi đó người mẹ có tỷ lệ thấp hơn một nửa, 16%.
Bảng 1: Phân bố đặc trưng mẫu phân tích theo các yếu tố




Yếu tố
Đặc trưng
N
Mean
Std.dev
Tuổi của trẻ em
36-47
770
,53
,499
(theo tháng)
48-59
693
,47
,499
Giới tính
Nam
735
,50
,500

Nữ
728
,50
,500
Dân tộc chủ hộ
Kinh
1.199
,82
,385

DTTS
624
,18
,385
Học vấn mẹ
THPT+
237
,16
,369
Học vấn bố
THPT+
459
,31
,464
Tuổi mẹ

1.463
32,81
7,907
Tỷ lệ phụ thuộc

1.462
,98
,600
Số phụ nữ 15-49

1.460
1,20
,622
Mức sống
Nghèo nhất
382
,26
,439

Cận nghèo
243
,17
,372

Trung bình
247
,17
,375

Giàu
302
,21
,405

Giàu nhất
289
,20
,398
Khu vực
Thành thị
550
,38
,485

Nông thôn
913
,62
,485
Vùng địa lý
Đồng bằng sông Hồng
201
,14
,344

Trung du và MNPB
278
,19
,392

Bắc Trung Bộ và DHMT
226
,15
,362

Tây Nguyên
284
,19
,396

Đông Nam Bộ
237
,16
,369

Đồng bằng sông Cửu Long
237
,16
,369
Tỷ lệ phụ thuộc (TLPT) trung bình hộ gia đình của mẫu nghiên cứu là 0,98 cho thấy gần như một người trong độ tuổi lao động (15-64) phải nuôi một người trong độ tuổi phụ thuộc (0-14 và 65 tuổi trở lên), giá trị của biến số tỷ lệ phụ thuộc có khoảng cách phân phối từ 0 đến 5. Số tuổi trung bình của người mẹ là 32,8 và có khoảng 1,2 số phụ nữ 15-49 tuổi trong hộ gia đình trong số lượng mẫu được dùng để phân tích.
Xác suất phân bố về năm nhóm mức sống trong mẫu nghiên cứu có sự khác biệt một chút so với xác suất phân bố trong mẫu tổng thể, trong đó đáng chú ý là xác suất hộ nghèo nhất tăng lên 26% so với 20% ban đầu. Hai nhóm hộ gia đình có mức sống giàu và giàu nhất gần như giữ nguyên tỷ lệ trong khi hai nhóm hộ gia đình có mức sống trung bình và nghèo giảm xuống còn 17% so với mẫu tổng thể ban đầu. Khoảng hai phần năm (38%) số hộ gia đình trong mẫu nghiên cứu cư trú ở khu vực thành thị, số còn lại là cư trú ở khu vực nông thôn.
Sự phân bố mẫu phân tích theo vùng cho thấy, trung du và miền núi phía Bắc (MNPB) và Tây Nguyên là hai vùng có tỷ lệ cao nhất với gần 20%, tiếp theo là 3 vùng Bắc Trung B(BTB) duyên hải miền Trung (DHMT), Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ tương đương nhau khoảng 16% và thấp nhất là vùng đồng bằng sông Hồng với tỷ lệ 14%.
3.2. Kết quả phân tích
Bảng 2 trình bày tỷ lệ các thành viên gia đình tham gia từng hoạt động nhằm hỗ trợ sự phát triển cho trẻ em. Nhìn chung, so với người bố và người khác trong gia đình, trẻ em tiếp nhận từng hoạt động từ phía người mẹ chiếm tỷ lệ cao nhất. Hoạt động hát cho trẻ nghe hoặc hát cùng với trẻ chiếm tỷ lệ cao nhất trong 6 hoạt động của người mẹ, 62,3% và thấp nhất là ở hoạt động đọc sách, xem truyện tranh cùng với trẻ, 31%.     
Bảng 2: Tỷ lệ trẻ em tiếp nhận các hoạt động hỗ trợ phát triển từ những thành viên gia đình
Hoạt động
Mẹ
Bố
Người khác
Không có ai
Đọc sách, xem truyện tranh
31,0
14,4
17,1
54,0
Kể chuyện
46,4
18,3
22,9
32,9
Hát, hát cùng
62,3
17,6
29,9
17,6
Dẫn đi chơi
55,7
41,7
35,4
14,1
Chơi cùng
60,8
37,6
49,6
9,7
Tập đếm, vẽ cùng
60,7
28,9
30,1
19,9
Nguồn: Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ, 2011.
Người bố có tỷ lệ tham gia từng hoạt động hỗ trợ con cái phát triển ở giai đoạn trẻ thơ thấp hơn nhiều so với người mẹ. Nếu như người mẹ tham gia hoạt động tập đếm, tập vẽ cùng con là 60,7% thì tỷ lệ này ở người bố chỉ là 28,9%; chênh lệch tỷ lệ tham gia hoạt động này giữa người mẹ và người bố là 31,8 điểm phần trăm. Người bố cũng có tỷ lệ tham gia từng hoạt động hỗ trợ con cái phát triển thấp hơn so với người khác (ngoại trừ hoạt động dẫn đi chơi). Qua số liệu này cho thấy, những kỳ vọng về giới có thể kìm hãm nam giới làm phong phú cuộc sống của con cái họ và của chính bản thân họ. Những chuẩn mực xã hội và quan niệm truyền thống cho rằng, phụ nữ chịu trách nhiệm chính về tình trạng sung mãn cũng như phải chăm sóc con cái có thể hạn chế nam giới tham gia hỗ trợ phụ nữ trong việc tham gia các hoạt động hỗ trợ sự phát triển cho con cái.
Sự tham gia các hoạt động nhằm giúp trẻ em phát triển của các thành viên khác trong gia đình có tỷ lệ cao nhất ở hoạt động ‘chơi cùng’, khoảng 50% và thấp nhất ở hoạt động đọc sách, xem truyện tranh (17,1%). Kết quả khảo sát còn cho thấy khoảng một nửa trẻ em trong mẫu khảo sát (54%) đã không được thành viên gia đình nào tham gia hoạt động đọc sách, xem truyện tranh cùng trong vòng 3 ngày trước thời điểm khảo sát. Hoạt động không được người lớn là thành viên gia đình tham gia hỗ trợ trẻ em phát triển trong 3 ngày trước khảo sát cao thứ hai là ‘kể chuyện’, khoảng 33%. ‘Chơi cùng’ là hoạt động không có thành viên gia đình nào tham gia cùng với trẻ em chiếm tỷ lệ thấp nhất, chỉ có khoảng 10%.
Phân tích đơn biến
Tổng hợp về số lượng các hoạt động hỗ trợ cho sự phát triển mà các thành viên gia đình dành cho trẻ em được trình bày ở biểu đồ 1. Kết quả phân tích cho thấy có 3,3% trẻ em dưới 6 tuổi không nhận được bất kỳ một hoạt động hỗ trợ nào cho sự phát triển từ gia đình trong vòng 3 ngày trước thời điểm khảo sát. Số hoạt động hỗ trợ cho sự phát triển trẻ em nhận được tăng dần từ 3,2% cho 1 hoạt động cho đến 35% cho cả 6 hoạt động. Tính trung bình số hoạt động cùng tham gia của các thành viên gia đình hỗ trợ cho sự phát triển mà trẻ em nhận được là 4,48. 

B
ảng 3: Mối quan hệ giữa các đặc trưng và số lượng trung bình các hoạt động hỗ trợ phát triển trẻ em nhận được từ gia đình

Đặc trưng

N

Mean

Std.dev
Tuổi của trẻ                       (theo tháng)



36-47
770
4,53
1,537
48-59
693
4,41
1,680
Giới tính



Nam
735
4,46
1,589
Nữ
728
4,50
1,624
Thành phần dân tộc***



Kinh
1.199
4,70
1,484
Dân tộc thiểu số
264
3,48
1,757
Học vấn mẹ***



Trung học cơ sở trở xuống
1226
4,35
1,638
Trung học phổ thông trở lên
237
5,15
1,233
Học vấn bố***



Trung học cơ sở trở xuống
1.004
4,19
1,645
Trung học phổ thông trở lên
459
5,10
1,323
Mức sống***



Nghèo nhất
382
3,72
1,666
Cận nghèo
243
4,14
1,668
Trung bình
247
4,62
1,536
Giàu
302
4,77
1,465
Giàu nhất
289
5,33
1,067
Khu vực***



Thành thị
550
4,91
1,372
Nông thôn
913
4,22
1,681
Vùng***



Đồng bằng sông Hồng
201
4,97
1,241
Trung du và miền núi phía Bắc
278
4,20
1,752
Bắc Trung Bộ và DHMT
226
4,42
1,554
Tây Nguyên
284
4,26
1,720
Đông Nam Bộ
237
4,65
1,657
Đồng bằng sông Cửu Long
237
4,51
1,449
Chung
1.463
4,48
1,606

Ghi chú: Mức ý nghĩa thống kê: *** p<0,001.

Nguồn: Tính toán từ Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ, 2011.

Có sự khác biệt giữa nhóm trẻ em cư trú ở khu vực thành thị và nông thôn cũng như giữa các vùng về số lượng trung bình các hoạt động hỗ phát triển nhận được từ gia đình. Sự khác biệt này tuy không phải là quá lớn nhưng vẫn thể hiện có ý nghĩa về mặt thống kê.

Nghiên cứu đã tiến hành phân tích tương quan hai biến (bivariate correlation) giữa các biến số mang tính chất định lượng như tuổi người mẹ, số lượng phụ nữ 15-49 tuổi và tỷ lệ phụ thuộc của hộ gia đình với số lượng hoạt động hỗ trợ phát triển trung bình mà trẻ em nhận được từ phía gia đình (bảng 4). Nhìn chung, tuổi của người mẹ và tỷ lệ phụ thuộc có sự tương quan ngược chiều với số lượng hoạt động hỗ trợ phát triển mà các thành viên gia đình dành cho trẻ em; ngược lại số lượng phụ nữ trong độ tuổi 15-49 trong gia đình có mối quan hệ thuận chiều với số lượng hoạt động hỗ trợ phát triển mà trẻ em nhận được.
Bảng 4: Hệ số tương quan giữa số lượng hoạt động hỗ trợ phát triển dành cho trẻ em và một số yếu tố


Số hoạt động
Tuổi mẹ
Tỷ lệ phụ thuộc
Số phụ nữ
15 - 49 tuổi
Số hoạt động
1



Tuổi mẹ
-,077**
1


Tỷ lệ phụ thuộc
-,166***
,145
1

Số phụ nữ 15-49 tuổi
,059*
-,145
-,258
1

Ghi chú: Mức ý nghĩa * p<0,05, **p<0,01, ***p<0,001.

Nguồn: Tính toán từ Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ, 2011.

Phân tích số liệu thống kê hai biến cung cấp cái nhìn ban đầu về những yếu tố có thể tác động đến số lượng hoạt động hỗ trợ phát triển mà trẻ em nhận được từ phía các thành viên gia đình. Có thể dự đoán rằng tuổi và giới tính của trẻ em không có ảnh hưởng đến số hoạt động hỗ trợ phát triển nhận được từ gia đình. Tuy nhiên, sự khác biệt về số liệu ước lượng theo học vấn của người bố và người mẹ, tuổi người mẹ, số phụ nữ 15-49 tuổi, tỷ lệ phụ thuộc và mức sống gia đình, nơi cư trú thành thị-nông thôn, vùng lại cho thấy đây là những yếu tố quan trọng trong việc xác định khả năng trẻ em nhận được số hoạt động hỗ trợ phát triển từ các thành viên gia đình.

Phân tích đa biến

Để đánh giá vai trò của các yếu tố nhân khẩu học, kinh tế-xã hội đối với số lượng hoạt động hỗ trợ phát triển mà trẻ em dưới 5 tuổi nhận được từ các thành viên là người lớn của hộ gia đình trong vòng 3 ngày trước khảo sát trong điều kiện có tác động của nhiều yếu tố khác nhau, mô hình phân tích đa biến được thực hiện với các biến số độc lập sau: giới tính, tuổi của trẻ em; học vấn của người mẹ và người bố; số phụ nữ 15-49 tuổi, thành phần dân tộc, tỷ lệ phụ thuộc và mức sống của hộ gia đình; khu vực (thành thị/nông thôn) và vùng địa lý.

Tương đồng với kết quả phân tích nhị biến ban đầu, hai biến số không có ảnh hưởng vì không mang tính chất có ý nghĩa thống kê đối với số lượng hoạt động hỗ trợ phát triển của gia đình dành cho trẻ em, đó là tuổi và giới tính của trẻ em. Nói cách khác, dù trẻ em có độ tuổi như thế nào hoặc giới tính là nam hay nữ thì số lượng hoạt động hỗ trợ phát triển của các thành viên gia đình dành cho trẻ em là như nhau.

Biểu đồ 2: Mô hình hồi quy về tác động của những yếu tố đến số lượng hoạt động hỗ trợ phát triển trẻ em tiếp nhận từ các thành viên gia đình (thủ tục OLS)



Ghi chú: Mức ý nghĩa thống kê: * p<0,05; ** p<0,01; *** p<0,001.
Các nhóm so sánh bao gồm: Trẻ em gái; Dân tộc Kinh; Học vấn bố và mẹ từ trung học cơ sở trở xuống; Mức sống gia đình nghèo và nghèo nhất; Thành thị; và vùng đồng bằng sông Hồng.
Nguồn: Tính toán từ Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ, 2011.

Phù hợp với kết quả phân tích nhị biến, trẻ em người dân tộc thiểu số nhận được số lượng hoạt động tham gia từ các thành viên gia đình nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển ít hơn trẻ em người Kinh/Hoa vì hệ số hồi quy của biến số này mang dấu âm (-) và có ý nghĩa thống kê ở mức p<0,001.
Tác động của học vấn mẹ và bố rất rõ ràng và có ý nghĩa thống kê. Một khi kiểm soát được tác động của các biến số khác trong mô hình, số lượng hoạt động hỗ trợ phát triển trẻ em nhận được khi mẹ và bố có học vấn trung học phổ thông trở lên lần lượt là 0,40 và 0,36 so với nhóm trẻ em với người mẹ và bố có học vấn từ trung học cơ sở trở xuống. Kết quả này cho thấy, khi có trình độ học vấn cao hơn thì người bố và người mẹ có hiểu biết và thực hành tốt hơn về vai trò của họ trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ em, đặc biệt là người bố dường như ít có cái nhìn phân biệt giới khi tham gia chăm sóc trẻ em. Với học vấn cao hơn, các bậc bố mẹ cũng có thể có tiếng nói và thuyết phục được các thành viên lớn tuổi khác trong gia đình tham gia vào các hoạt động hỗ trợ phát triển cho trẻ em.
Tỷ lệ phụ thuộc của gia đình có ảnh hưởng đến số lượng hoạt động của các thành viên gia đình nhằm hỗ trợ sự phát triển cho trẻ em dưới 5 tuổi khi tính đến sự tác động đồng thời của các biến số khác có trong mô hình. Khi tỷ lệ phụ thuộc của gia đình tăng lên 1 đơn vị thì trẻ em nhận được sự tham gia các hoạt động hỗ trợ phát triển từ phía các thành viên gia đình lại giảm xuống 0,16 đơn vị với mức ý nghĩa thống kê p<0,05. Điều này cho thấy, gia đình với tỷ lệ phụ thuộc cao hơn có khả năng là trẻ em dưới 5 tuổi nhận được các hoạt động hỗ trợ phát triển ít hơn do các thành viên người lớn phải chia sẻ hoạt động chăm sóc và nuôi dưỡng cho những trẻ em khác và người cao tuổi. Tương tự như vậy, tuổi của người mẹ cao hơn thì số lượng hoạt động hỗ trợ phát triển mà trẻ em nhận được từ các thành viên gia đình ít hơn. Điều này có khả năng là khi người mẹ lớn tuổi hơn thì con cái cũng lớn tuổi hơn nên nhận được các hoạt động tham gia hỗ trợ phát triển từ bản thân người mẹ và các thành viên khác trong gia đình ít hơn.
Khi tính đến sự tác động của các biến số khác có trong mô hình, kết quả phân tích hồi quy đa biến cho thấy, những gia đình có nhiều phụ nữ trong độ tuổi 15-49 hơn thì số lượng hoạt động hỗ trợ phát triển trẻ em dưới 5 tuổi nhận được nhiều hơn so với trẻ em khác. Kết quả này khá hợp lý, bởi vì phụ nữ thường tham gia các hoạt động chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em nhiều hơn nam giới. Qua đó cho thấy, các bậc bố mẹ không phải chịu đựng sự căng thẳng đặc biệt khi những phiền toái và vất vả của việc chăm sóc con cái không đè nặng lên vai một mình họ.
So với nhóm trẻ em trong gia đình có tình trạng kinh tế ở nhóm phân vị từ 40% trở xuống, trẻ em trong những gia đình có mức sống cao hơn có xu hướng nhận số lượng các hoạt động hỗ trợ phát triển từ các thành viên gia đình nhiều hơn. Cụ thể, so với nhóm mức sống được dùng làm tham chiếu (cận nghèo trở xuống), số lượng hoạt động trẻ em trong gia đình có mức sống trung bình nhận được là 0,33, trong khi đó trẻ em trong gia đình ở nhóm khá giàu và nhóm giàu nhất nhận được 0,44 và 0,86 hoạt động với mức ý nghĩa thống kê p<0,001. Điều này khẳng định mặc dù trẻ em tương đồng với nhau về tuổi và giới tính, thành phần dân tộc, và tỷ lệ phụ thuộc của gia đình nhưng mức sống vẫn là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng trẻ em tiếp nhận các hoạt động tạo điều kiện cho sự phát triển từ các thành viên gia đình. Có thể thấy rõ một nguyên nhân trực tiếp trong việc hạn chế sự tham gia vào các hoạt động hỗ trợ phát triển cho trẻ em từ phía người lớn trong các hộ gia đình nghèo hơn là do thiếu nguồn lực kinh tế. Nhìn chung, các thành viên trong hộ gia đình nghèo thường mất phần lớn thời gian và làm việc thêm giờ để kiếm sống do đó phần nào đã làm hạn chế khả năng tham gia vào các hoạt động hỗ trợ phát triển cho trẻ em.
Khi các yếu tố khác được giữ nguyên thì không có sự khác biệt giữa những gia đình cư trú ở thành thị và nông thôn đối với sự tham gia các hoạt động của các thành viên gia đình nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của trẻ em vì tác động của biến số ‘nông thôn’ không có ý nghĩa thống kê. Kết quả này không được phát hiện nếu không có mô hình hồi quy đa biến, vì cách phân tích nhị biến đơn giản cho thấy biến số thành thị có tác động đến việc hỗ trợ phát triển cho trẻ em, nhưng rõ ràng là nó đã bao hàm các tác động của các biến số phù hợp khác, ví dụ như sự khác biệt về học vấn của người mẹ hay mức sống của gia đình. Tương tự, tác động của yếu tố vùng đối với số lượng hoạt động hỗ trợ phát triển mà trẻ em nhận được từ các thành viên đã trưởng thành trong gia đình không có ý nghĩa thống kê. Nghĩa là, cùng với sự tác động của các yếu tố khác có trong mô hình, số lượng hoạt động hỗ trợ cho sự phát triển trẻ em nhận được từ các thành viên gia đình không có sự khác biệt giữa các vùng.
4. Kết luận và thảo luận
Mặc dù tuổi mầm non là một giai đoạn đầy tiềm năng cho sự tăng trưởng và phát triển của con người, song nó cũng là một thời kỳ đặc biệt mong manh, non nớt và dễ bị tổn thương đối với trẻ em. Từ những năm tháng sớm nhất, sự phát triển và học tập của trẻ em cần phải được được ấp ủ, nuôi dưỡng qua các mối quan hệ tương tác của chúng với người chăm sóc trong những môi trường an toàn và khích lệ. Một đứa trẻ được chăm sóc rất tồi sẽ có thể phải chịu những khiếm khuyết về sự phát triển, và những ảnh hưởng của nó sẽ làm cho những năm đầu đời - là thời kỳ quyết định kéo dài và là một cửa sổ của cơ hội cho sự phát triển trẻ em - sẽ bị khép lại trong giai đoạn tuổi mầm non (UNESCO, 2007).
Điều tra đa mục tiêu quốc gia về phụ nữ và trẻ em năm 2011 cho thấy rằng, trẻ em dưới 5 tuổi được các thành viên gia đình cùng tham gia trung bình 4,5 hoạt động nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển. Kết quả phân tích cho thấy, số lượng hoạt động hỗ trợ phát triển mà trẻ em nhận được từ các thành viên gia đình không chịu sự tác động của các yếu tố tuổi, giới tính. Điều này hàm ý rằng, việc chăm sóc và thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển trẻ em chủ yếu phụ thuộc vào các đặc trưng của gia đình.
Việc trẻ em tiếp nhận số lượng hoạt động hỗ trợ phát triển từ các thành viên gia đình có sự khác nhau theo thành phần dân tộc, tuổi người mẹ, học vấn của người mẹ và người bố, số phụ nữ 15-49 tuổi, tỷ lệ phụ thuộc, và mức sống cho thấy rằng hộ gia đình là một đơn vị phức tạp và có tính hội nhập, phản ánh những mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau có thể có giữa các thành viên trong gia đình. Với cách nhìn gần hơn, những thay đổi trong nhận thức, phân bổ thời gian của các thành viên trong gia đình sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến phúc lợi và sự phát triển của trẻ em. Do quá trình xã hội hóa của một người từ những năm tháng đầu tiên của cuộc đời có ảnh hưởng quyết định tới những thái độ và hành vi khi lớn lên, cho nên gia đình rõ ràng là một môi trường xã hội hóa có tầm quan trọng chính yếu (Tony Bilton và cộng sự, 1993).

Tài liệu tham khảo

1.  Ngân hàng Thế giới (2007), Báo cáo phát triển thế giới 2007: Phát triển và thế hệ kế cận, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

2.  Tổng cục Thống kê (2006), Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2006 (MICS 3), Nxb. Thống kê, Hà Nội.

3.  Tổng cục Thống kê (2011), Việt Nam-Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ, Nxb. Thống kê, Hà Nội.

4.  Tony Bilton, Kenvin Bonnett, Philip Jones, Michelle Stanworth, Ken Shear và Andrew Webster (1993), Nhập môn xã hội học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

5.  UNESCO (2007), Báo cáo giám sát toàn cầu về giáo dục cho mọi người: Nền tảng vững chắc - Chăm sóc và giáo dục mầm non, UNESCO, Paris.

6.  UNICEF Việt Nam (2008), Phân tích tình hình trẻ em ở Việt Nam sử dụng cách tiếp cận dựa vào quyền, Hà Nội.

7.  Judith L. Evans (2006), Parenting programmes: an important ECD intervention strategy. Background paper prepared for the Education for All Global Monitoring Report 2007: Strong foundations: early childhood care and education. 2007/ED/EFA/MRT/PI/12, UNESCO.

No comments:

Post a Comment