Trần Quý Long
Đề nghị trích dẫn: Trần
Quý Long (2017). Trẻ em đi học mẫu giáo và các yếu tố ảnh hưởng. Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, số
3, tr. 70-81.
Tóm tắt:
Nghiên cứu sử dụng số liệu Điều tra đánh giá các mục
tiêu về trẻ em và phụ nữ Việt Nam lần thứ 5 vào năm 2014 (MICS 2014)
nhằm xem xét thực trạng, đặc
điểm và những yếu tố ảnh hưởng đến
việc đi học mẫu giáo của trẻ em 3-5
tuổi. Kết quả phân tích đa biến cho thấy việc đi học mẫu giáo của trẻ em chịu
ảnh hưởng có ý nghĩa thống kê của một
số yếu tố đặc trưng trẻ em và
gia đình. Trẻ em ở nhóm tuổi nhỏ hơn và là dân tộc thiểu số có khả năng
đi học mẫu giáo thấp hơn trẻ em ở nhóm tuổi lớn hơn và trẻ em người Kinh. Người
mẹ có học vấn cao hơn và tham gia làm việc thì trẻ em có xác suất đi học mẫu
giáo cao hơn. Khi gia đình tăng thêm một thành viên thì xác suất đi học mẫu
giáo của trẻ em lại giảm. Gia đình có mức sống cao hơn trẻ em có khả năng được
đi học mẫu giáo cao hơn. So với khu vực thành thị, trẻ em ở khu vực nông thôn
có xác suất đi học mẫu giáo thấp hơn. Trẻ em ở những vùng khó khăn có xác suất
đi học mẫu giáo thấp hơn so với trẻ em ở những vùng khác. Đồng bằng sông Cửu
Long và Tây Nguyên là hai vùng có trẻ em đi học mẫu giáo thấp nhất.
Từ khóa: Trẻ em, Học mẫu giáo, Giáo dục mầm
non.
1. Giới thiệu
Trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo tham gia học đường sẽ được
thúc đẩy sự phát triển tình cảm cũng như các kỹ năng về ngôn ngữ, nhận thức và
thể lực. Chính những kỹ năng tiếp thu được qua các chương trình chăm sóc giáo
dục ở giai đoạn mẫu giáo sẽ là nền tảng cho hoạt động học tập sau này của trẻ
em. Những lợi ích rộng lớn hơn cho xã hội của giáo dục trước tiểu học có thể
còn bao gồm tăng năng suất và thu nhập, cải thiện sức khỏe và các cơ hội bình
đẳng hơn (UNESCO, 2007). Các chương
trình mẫu giáo và giáo dục tiền học đường còn tập trung vào việc hòa nhập trẻ
em vào xã hội và môi trường học tập. Chương trình tiền học đường có mục đích cụ
thể là tạo ra một chương trình chuẩn bị để tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em
vào học tiểu học. Mục đích là làm cho những dịch vụ này phổ biến hơn cho càng
nhiều trẻ em càng tốt và cung cấp các cơ hội bổ sung về phát triển xã hội và
giáo dục ngoài gia đình (Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam, 2003).
Đi học mẫu giáo ở bất kỳ chương trình nào dù chính thức
hay không đều rất quan trọng. Đây là đặc trưng cơ bản nhất biểu hiện của sự
tham gia học đường và nó cũng là chỉ số dễ đo nhất của tiến độ đạt được phổ cập
giáo dục mầm non. Nghiên cứu sử dụng tỷ lệ nhập học đúng tuổi (NER) nhằm xem
xét những trẻ em đang nhập học mẫu giáo ở trong khoảng 3-5 tuổi mà không xét
đến việc trẻ em ít hay nhiều tuổi hơn đi học mẫu giáo. Với tư cách là một
phương tiện đo mức độ trẻ em trong một độ tuổi gắn với một cấp học nhất định,
NER gần như là một chỉ số phản ánh chất lượng học đường.
Sử dụng số liệu Điều tra đánh giá các mục tiêu về trẻ em
và phụ nữ Việt Nam lần thứ 5 vào năm 2014 (MICS 2014), nghiên cứu xem xét thực
trạng đi học mẫu giáo của trẻ em ở Việt Nam trong mối liên hệ với một số yếu tố
của bản thân trẻ em và gia đình và những yếu tố ảnh hưởng đến thực trạng đó.
Trước hết, nghiên cứu trình bày thực trạng đi học mẫu giáo theo các đặc điểm cụ
thể của trẻ em và hộ gia đình. Sau đó, nghiên cứu sử dụng mô hình hồi quy đa
biến để đánh giá xem những đặc điểm này có mối liên hệ hoặc ảnh hưởng như thế
nào đối với việc đi học mẫu giáo của trẻ em.
2. Điểm luận
Nghiên cứu về tiếp
cận giáo dục mầm non nói chung và đi học mẫu giáo của trẻ em nói riêng đã được
tiến hành ở Việt Nam trong những năm qua với quy mô và cấp độ khác nhau. Tùy
theo mục đích của các cuộc nghiên cứu mà số liệu thu thập, phân tích về chương
trình hay thực trạng các cơ sở giáo dục trẻ em… Trên phạm vi toàn quốc, không
có sự phân biệt giới đáng kể về khía cạnh cơ hội tiếp cận giáo dục mầm non giữa
trẻ em trai và trẻ em gái ở các nhà trẻ và trường mẫu giáo (Nguyễn Văn Hùng, 2005). Bình đẳng giới trong giáo dục trẻ em không ngừng được
cải thiện. Về cơ bản, trong giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông đã đạt được
bình đẳng giới (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội,
2008).
Trình độ giáo dục của người mẹ có ảnh hưởng đến việc đứa
trẻ tham gia học mầm non trước khi bước vào lớp một (Nguyễn Văn Hùng, 2005). Điều tra nhân khẩu học và sức khỏe năm 2002 cho biết,
phụ nữ có trình độ học vấn cao hơn thường gửi con vào nhà trẻ/mẫu giáo nhiều
hơn phụ nữ có trình độ học vấn thấp hoặc chưa đi học. Phụ nữ học vấn thấp
thường giao cho chị gái, anh trai đứa trẻ hoặc người thân khác trông nom khi
người mẹ đi làm (Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, 2003). Phân bổ quyền lực và khả năng thương lượng của phụ nữ
trong gia đình phụ thuộc rất nhiều vào học vấn của họ. Quyền lực kinh tế tương
đối của phụ nữ và mức bình đẳng giới của người lớn trong gia đình càng lớn thì
phúc lợi của trẻ em càng có khả năng được xem là ưu tiên trong các quyết định
của gia đình, trong đó có quyết định cho con cái ở lứa tuổi mầm non được tiếp
cận giáo dục (Trần Quý Long, 2013).
Liên quan đến các
yếu tố khác của người mẹ, Điều tra nhân khẩu học và sức khỏe năm 2002 cho thấy,
chỉ có 23% trẻ em có mẹ đi làm tham gia các loại hình giáo dục mầm non, trong
đó ở thành thị là 40,9% và ở nông thôn là 19,5%. Kết quả này hàm ý rằng, phụ nữ
không đi làm thì tỷ lệ trẻ em không tham gia các lớp học mầm non còn thấp hơn
nhiều (Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em,
2003).
Trẻ em dân tộc
thiểu số luôn có khả năng đi học mẫu giáo thấp hơn so với trẻ em dân tộc Kinh.
Một khả năng là yếu tố này bao gồm cả các ảnh hưởng địa lý, vì các dân tộc
thiểu số thường sống một cách không cân đối ở các vùng xa xôi và vùng núi. Thêm
vào đó, việc không có một chương trình giáo dục bằng tiếng mẹ đẻ, ít nhất như
một phần của các chương trình học trước của trẻ em ở các lớp mẫu giáo cũng là
một yếu tố khiến trẻ em dân tộc thiểu số không muốn đến trường (Nhóm hành động chống đói nghèo, 2002). Đối với hầu hết trẻ em dân tộc thiểu số, trường mẫu
giáo giống như là môi trường nước ngoài và khó hiểu (UNICEF Việt Nam, 2008).
Khả năng kinh tế của gia đình có mối liên hệ với việc tiếp cận giáo dục mầm
non của trẻ em. Tỷ lệ tham gia vào các
chương trình trước tiểu học của trẻ em thuộc các gia đình khá giả cao hơn so
với trẻ em ở các gia đình nghèo. Thay vì đến trường, trẻ em trong những
gia đình có mức sống nghèo hơn phải ở nhà do người lớn hoặc những đứa trẻ lớn
tuổi hơn trông nom. Mặc dù chính sách xã hội hóa giáo dục có một số lợi ích,
nhưng nhiều gia đình nghèo thường không đủ khả năng trang trải phí tổn học
đường, ngay cả khi con em họ được miễn học phí (Nhóm hành động chống đói nghèo,
2002). Những khác biệt lớn nhất về tỷ lệ tham dự giữa những trẻ em thuộc các gia
đình giàu và nghèo
có thể thấy ở Cộng hòa Đôminica, Mônđôva, và Việt Nam. Các chi phí trực tiếp và gián tiếp
của các hộ gia đình bao gồm cả việc trẻ em phải lao động để phụ thêm thu nhập cho
gia đình và học phí ở các cơ sở chăm sóc giáo dục mầm non vẫn là một trở ngại
chính đối với việc tiếp cận học sớm và các chương trình học tiếp theo của trẻ
em nghèo ở nhiều quốc gia (UNESCO, 2007). Khác biệt về mức sống trong tiếp
cận giáo dục mầm non của trẻ em còn cho thấy, chi phí cơ hội tìm kiếm các dịch
vụ là rất cao đối với người nghèo và là rào cản lớn trong việc sử dụng dịch vụ
giáo dục mầm non của trẻ em. Người nghèo thường làm việc trong các khu vực
không chính thức - khu vực được biết đến là thu nhập thấp, tốn nhiều công sức -
vì thế gây khó khăn cho người nghèo khi bỏ thời gian đầu tư giáo dục mầm non
cho trẻ em, ví dụ: đưa đón trẻ em đi học, họp phụ huynh… (Trần Quý Long, 2013).
Mặc dù Chính phủ đã
đạt được thành công lớn trong việc tăng tỷ lệ trẻ 5 tuổi tham gia giáo dục mầm
non, song có sự chênh lệch giữa các tỉnh và vùng, đặc biệt tỷ lệ này rất thấp ở
các tỉnh, vùng khó khăn và đối với trẻ em 5 tuổi chuẩn bị bước vào lớp 1. Phạm
vi bao quát lớn nhất là ở vùng thành thị và vùng có điều kiện kinh tế khá và
thấp nhất là đối với trẻ em vùng khó khăn, đáng chú ý là ở đồng bằng sông Cửu
Long, Tây Nguyên (Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 2003).
Sự khác biệt về tỷ
lệ đi học mẫu giáo giữa các vùng là vấn đề khá phức tạp. ‘Thái độ kỷ luật’
là đặc trưng của đa số những người sinh sống ở một số vùng, cả nông thôn lẫn
thành thị. Loại thái độ này cho thấy mối quan tâm của họ tới tương lai như thế
nào - người dân nghĩ tới tương lai của con em ngay từ khi còn ở tuổi ấu thơ -
và tính kỷ luật được duy trì trong suốt hành trình học vấn. Đối với một số gia
đình, tính kỷ luật học đường thể hiện trước tiên bằng việc ghi danh vào học
đường được đánh dấu bằng một thời kỳ trước tiểu học. Kỷ luật học đường được thể
hiện bằng cách cho trẻ em được tiếp cận với giáo dục sớm, đảm bảo duy trì hành
trình học đường của trẻ em. Những vùng có thái độ ‘kỷ luật’ là những vùng đã
đạt những thành công trong thời kỳ xã hội chủ nghĩa, các tư tưởng tập thể và
các giá trị của giáo dục đi vào nội tâm ở mức tối đa và thái độ với học đường
là những nét đặc trưng, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Hồng (Nolwen Henaff và Jean Yves Martin,
2001).
3. Số liệu
Nghiên cứu này sử
dụng số liệu từ cuộc Điều tra đánh giá các mục tiêu về trẻ em và phụ nữ Việt
Nam lần thứ 5 vào năm 2014 (MICS 2014). Mục đích của cuộc điều tra là cung cấp
các thông tin cập nhật nhằm đánh giá thực trạng trẻ em và phụ nữ Việt Nam; Cung
cấp các dữ liệu cần thiết cho tiến trình giám sát các mục tiêu được đề ra trong
Tuyên ngôn Thiên niên kỷ và các mục tiêu quốc tế đã cam kết, các mục tiêu trong
Chương trình Hành động Quốc gia vì Trẻ em, Một thế giới phù hợp với trẻ em.
Mẫu điều tra MICS 2014 được thiết kế nhằm đưa ra các ước lượng cho một
số lượng lớn các chỉ tiêu phản ánh thực trạng của trẻ em và phụ nữ ở cấp quốc
gia, theo khu vực thành thị và nông thôn, cũng như theo 6 vùng. Có 3.346 trẻ em dưới 5 tuổi đã được liệt kê trong phiếu
hỏi hộ gia đình và 3.316 phiếu trẻ em được phỏng vấn thành công. Tuy nhiên, chỉ
tiêu MICS xác định tỷ lệ trẻ em đi học mẫu giáo là phần trăm trẻ em từ 36-59
tháng tuổi tham gia chương trình giáo dục mầm non. Do đó, số lượng mẫu phân
tích của nghiên cứu bao gồm 1.197 trẻ em 36-59 tháng tuổi (Tổng cục Thống kê và UNICEF, 2015).
4. Các
yếu tố ảnh hưởng đến đi học mẫu giáo của trẻ em
Phân tích hai biến
Kết quả phân tích
từ số liệu MICS 2014 cho thấy, khoảng hai phần ba (71,3%) trẻ em 3-5 tuổi đi
học mẫu giáo tại thời điểm khảo sát. Không có sự khác biệt giữa trẻ em trai và
trẻ em gái trong tỷ lệ đi học mẫu giáo, tỷ lệ lần lượt là 73,6% và 69%. Tỷ lệ
đi học mẫu giáo của trẻ em ở nhóm tuổi lớn hơn (48-59 tháng) cao hơn 25,7 điểm
phần trăm so với nhóm nhỏ tuổi hơn (36-47 tháng), 82,8% so với 57,1% và sự khác
biệt này rất có ý nghĩa thống kê. Nhóm trẻ em là người dân tộc thiểu số có tỷ
lệ đi học mẫu giáo thấp hơn chỉ 6 điểm phần trăm so với nhóm trẻ em người Kinh,
66,4% so với 72,4% và sự khác biệt ở mức ý nghĩa thống kê (p=0,076).
Tình trạng làm việc của người mẹ có mối quan hệ rất có ý
nghĩa thống kê với tỷ lệ đi học mẫu giáo của trẻ em. Trẻ em ở nhóm người mẹ
không làm việc trong vòng 12 tháng trước cuộc khảo sát có tỷ lệ đi học mẫu giáo
là 46%, trong khi tỷ lệ này ở nhóm người mẹ làm việc cao hơn 29 điểm phần trăm.
Học vấn của người mẹ và tỷ lệ đi học mẫu giáo của trẻ em có mối quan hệ đồng
biến, nghĩa là người mẹ ở nhóm có học vấn cao hơn thì tỷ lệ đi học mẫu giáo của
trẻ em cao hơn. Nếu như có khoảng 50% trẻ em ở nhóm người mẹ có trình độ học
vấn từ tiểu học trở xuống đi học mẫu giáo thì tỷ lệ này là 72,7%
ở nhóm có mẹ với trình độ học vấn cơ sở và là 84,9% ở nhóm có mẹ với trình độ
học vấn từ trung học phổ thông trở lên.
Biểu
đồ 1: Bất bình đẳng trong đi học mẫu giáo theo học vấn mẹ
Biểu đồ 1 trình bày sự phân bố tỷ lệ đi học mẫu giáo của
trẻ em theo học vấn người mẹ qua sử dụng đường cong Lorenz. Đây là một loại đồ
thị dùng để biểu diễn mức độ thiếu đồng đều hoặc bất bình đẳng của một phân
phối nào đó. Đường cong Lorenz càng lõm thì sự bất bình đẳng càng cao và ngược
lại. Nếu tất cả trẻ em ở các nhóm theo học vấn người mẹ có tỷ đi học mẫu giáo
bằng nhau, khi đó đường cong Lorenz sẽ trùng với đường chéo thẳng được gọi là
đường bình đẳng (ĐBĐ) tuyệt đối. Kết quả phân tích ở biểu đồ 1 thể hiện sự bất
bình đẳng trong tỷ lệ đi học mẫu giáo của trẻ em theo học vấn người mẹ và trẻ em
ở nhóm có mẹ với học vấn từ tiểu học trở xuống gặp nhiều bất lợi hơn trong việc được
tiếp cận với loại hình giáo này.
Trẻ em ở gia đình có nhiều số thành viên hơn có tỷ
lệ đi học mẫu giáo thấp hơn. Mức sống của hộ gia đình và tỷ lệ đi học mẫu giáo
của trẻ em có mối quan hệ đồng biến và rất có ý nghĩa thống kê. Trẻ em ở nhóm
gia đình có mức sống thấp nhất có tỷ lệ đi học mẫu giáo là 53,3%, tỷ lệ này
tăng lên đạt mức 73,8% ở nhóm có mức sống trung bình và đạt mức 85,5% ở nhóm có
mức sống khá giả nhất.
Trẻ em ở khu vực
nông thôn có tỷ lệ đi học mẫu giáo thấp hơn trẻ em ở khu vực thành thị khoảng 12 điểm phần trăm. Có sự khác biệt giữa các vùng trong tỷ lệ đi học mẫu
giáo của trẻ em. Trong đó, vùng có tỷ lệ trẻ em đi học mẫu giáo thấp nhất là đồng bằng sông Cửu Long, 39%. Ngược lại, trẻ em ở đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ đi học mẫu giáo cao nhất,
85,5%. Chênh lệch trong tỷ lệ đi học mẫu giáo của trẻ em ở hai vùng này lên đến
gần 50 điểm phần trăm.
Biểu đồ 2: Bất bình đẳng
trong đi học mẫu giáo theo vùng
Phân tích bằng
biểu đồ đường cong Lorenz khẳng định hơn về sự bất bình đẳng giữa các vùng
trong tỷ lệ đi học mẫu giáo của trẻ em (Biểu đồ 2). Đường cong ở bên dưới đường
bình đẳng biểu thị sự phân bố bất công bằng và bất lợi hơn cho vùng có tỷ lệ
trẻ em đi học mẫu giáo thấp hơn. Trên đồ thị, hai đoạn đường cong đầu tiên thể
hiện tỷ lệ đi học mẫu giáo của trẻ em ở đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.
Qua đó cho thấy, đây là hai địa bàn mà trẻ em gặp nhiều bất lợi nhất trong tiếp
cận giáo dục tiền học đường. Năm 2014, dân số trẻ em trong độ tuổi học mẫu giáo
của hai vùng này trong mẫu khảo sát là 25% nhưng tỷ lệ đi học chỉ là 19%. Ngược
lại, trẻ em ở đồng bằng sông Hồng được bình đẳng nhất trong tỷ lệ đi học mẫu
giáo. Đoạn cuối cùng trên đường phân phối biểu thị vùng này có số lượng dân số
trẻ em 24,5% trong mẫu khảo sát nhưng tỷ lệ đi học mẫu giáo lại là 28%.
Phân tích đa biến
Bảng 1 trình bày kết quả ước lượng mô hình hồi quy logistic nhằm tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến sự chênh
lệch trong xác suất đi học mẫu giáo của trẻ em. Hệ số chênh lệch về xác suất đi
học mẫu giáo giữa các nhóm/phân tổ nghiên cứu so với nhóm so sánh được thể hiện
ở cột Exp(B) và 95% khoảng tin cậy (C.I) của Exp(B) thể hiện ở hai cột tiếp
theo với giá trị cận trên và cận dưới.
Bảng 1: Mô hình hồi quy logistic về xác suất đi học mẫu giáo của
trẻ em 3-5 tuổi (MICS 2014)
|
|||||
Đặc trưng
|
Exp(B)
|
95% C.I
|
N
|
||
Giới
tính
|
Nữ
|
0,97
|
0,72
|
1,31
|
613
|
Tuổi
|
36-47 tháng (nhóm so sánh)
|
1
|
548
|
||
48-59 tháng
|
5,08***
|
3,74
|
7,07
|
659
|
|
Dân tộc
|
DTTS (nhóm so sánh)
|
1
|
293
|
||
Kinh
|
1,59*
|
1,00
|
2,55
|
914
|
|
Trình
độ
|
=< TH (nhóm so sánh)
|
1
|
320
|
||
học vấn
|
Trung học cơ sở
|
2,25***
|
1,55
|
3,26
|
449
|
của mẹ
|
>= THPT
|
3,24***
|
2,06
|
5,07
|
438
|
Tình trạng làm việc
|
Có (nhóm so sánh)
|
1
|
1.091
|
||
của mẹ
|
Không
|
0,53**
|
0,33
|
0,87
|
116
|
Quy mô gia đình
|
0,90**
|
0,83
|
0,97
|
1.207
|
|
Mức sống
|
Không nghèo
|
1,58**
|
1,05
|
2,36
|
682
|
Khu vực
|
Nông thôn
|
0,68**
|
0,48
|
0,97
|
745
|
Vùng
|
ĐBSCL (nhóm so sánh)
|
1
|
189
|
||
ĐBSH
|
7,38***
|
4,07
|
13,38
|
236
|
|
TD&MNPB
|
16,75***
|
8,95
|
31,36
|
180
|
|
BTB và DHMT
|
4,60***
|
2,71
|
7,82
|
258
|
|
Tây Nguyên
|
4,15***
|
2,45
|
7,03
|
171
|
|
Đông Nam Bộ
|
3,99***
|
2,36
|
6,75
|
173
|
Ghi chú: Mức ý nghĩa thống
kê: *p<0,1, **p<0,05, ***p<0,001.
Kết quả phân tích cho thấy, không có sự chênh lệch theo
giới tính nhưng lại có sự chênh lệch giữa hai nhóm tuổi của trẻ em trong xác
suất đi học mẫu giáo. Trẻ em ở nhóm 48-59 tháng tuổi có xác suất đi học mẫu
giáo cao hơn xác suất đi học của trẻ em ở nhóm 36-47 tháng tuổi khoảng 5,1 lần
và sự chênh lệch này rất có ý nghĩa thống kê (Exp(B)=5,08, 95% CI: 3,74-7,07,
p<0,001). Hệ số hồi quy cũng khẳng định, trong cùng điều kiện xác định bởi
các biến số độc lập khác có trong mô hình, hệ số chênh lệch giữa xác suất đi
học mẫu giáo của trẻ em người Kinh và trẻ em dân tộc thiểu số là 1,59 lần và
mối quan hệ này có ý nghĩa thống kê ở mức p<0,05. Về mặt lý luận, trẻ em ở
những nhóm yếu thế chắc chắn sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ chương trình giáo
dục mẫu giáo, tuy nhiên kết quả nghiên cứu cho thấy trẻ em dân tộc thiểu số lại
ít có khả năng tiếp cận chương trình này hơn. Đây là một vấn đề cần chú ý trong
việc xác định những giải pháp mang tính chiều sâu để nâng cao hiệu quả của việc
đầu tư, chăm sóc phát triển trẻ thơ ở các gia đình dân tộc thiểu số trong thời
gian tới.
Học vấn và tình trạng làm việc của người mẹ có ảnh hưởng
đến khả năng đi học mẫu giáo của trẻ em. Hệ số hồi quy cho thấy, trẻ em có mẹ
với học vấn từ trung học phổ thông (THPT) trở lên có xác suất đi học cao hơn xác suất đi học của
trẻ em ở nhóm có mẹ với học vấn từ tiểu học (TH) trở xuống (nhóm so sánh) 3,24 lần (Exp(B)=3,24; 95% C.I:
2,06-5,07; p< 0,001). Tương tự, hệ số chênh lệch giữa hai nhóm trẻ em có mẹ
với học vấn trung
học cơ sở và trẻ em ở nhóm so sánh là 2,25 lần. Xác suất đi học mẫu giáo của
trẻ em ở nhóm mẹ không làm việc thấp hơn so với trẻ em ở nhóm mẹ làm việc trong
12 tháng trước thời điểm khảo sát. Hệ số chênh lệch trong xác suất đi học mẫu
giáo giữa hai nhóm trẻ em là 0,53. Có nhiều khả năng là những người mẹ không đi
làm việc đã đảm nhiệm luôn việc chăm sóc con cái nên trẻ em ở nhóm này không
phải đến trường.Quy mô và điều kiện sống của gia đình cũng có mối quan hệ với
khả năng được đi học mẫu giáo của trẻ em. Xác suất đi học của trẻ em giảm xuống
khi gia đình có thêm một thành viên. So với gia đình có mức sống nghèo, xác
suất đi học mẫu giáo của trẻ em ở gia đình không nghèo cao hơn 1,58 lần
(Exp(B)=1,58; 95% C.I: 1,05-2,36; p< 0,05). Nguyên lý cơ bản để giải thích
tỷ lệ trẻ em đi học ở mẫu giáo không đồng đều dựa vào yếu tố mức sống là một số
gia đình có khả năng chi trả nhiều hơn cho việc đi học của con cái so với các
gia đình khác.
Tương tự với kết quả phân tích nhị biến, phân tích hồi
quy đa biến cho thấy trẻ em ở khu vực nông thôn có xác suất đi học mẫu giáo
thấp hơn so với trẻ em ở khu vực thành thị trong điều kiện được xác định bởi
các biến số độc lập khác có trong mô hình (Exp(B)=0,68; 95% C.I: 0,48-0,97;
p< 0,05). Xác suất đi học mẫu giáo của trẻ em ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) luôn thấp hơn khi so sánh với trẻ em ở những vùng khác.
Ngay cả vùng khó khăn như Tây Nguyên, xác suất đi học mẫu giáo của trẻ em ở
vùng này vẫn cao hơn xác suất đi học mẫu giáo của trẻ em ở đồng bằng sông Cửu Long với hệ số chênh lệch là 4,15 (Exp(B)=4,15;
95% CI: 2,45-7,03; p<0,001).
4.
Thảo luận và kết
luận
Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ trong việc mở rộng
và cải thiện mức độ tiếp cận giáo dục cho trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo. Thực tế số
lượng trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được tiếp cận với giáo dục ngày một tăng
trong những thập niên qua cho thấy, Nhà nước và gia đình có vai trò to lớn
trong lĩnh vực giáo dục này. Nhà nước đã chứng tỏ khả năng lãnh đạo và quyết
tâm về mặt chính trị và đạt được những thành tựu to lớn trong lĩnh vực giáo dục
mầm non. Nhà nước và bản thân các hộ gia đình đã nhận thức được rằng, việc cung
cấp một loạt các hoạt động và cơ hội học tập cho trẻ em trong độ tuổi trước
tiểu học sẽ đổi lại sự cải thiện trong việc sẵn sàng đi học; làm cho việc tuyển
sinh vào lớp đầu cấp tiểu học có nhiều khả năng hơn; giảm số học sinh nhập học
muộn, bỏ học và lưu ban cũng như để có được những cá nhân phát triển ngôn ngữ,
kỹ năng xã hội, có năng lực và ý chí.
Kết quả phân tích đa biến cho thấy, không có sự khác biệt
giới tính nhưng những đặc trưng cá nhân của trẻ em như nhóm tuổi, thành phần
dân tộc có mối liên hệ có ý nghĩa thống kê với xác suất đi học mẫu giáo của trẻ
em. Trẻ em ở nhóm tuổi lớn hơn có khả năng đi học mẫu giáo cao hơn trẻ em ở
nhóm tuổi nhỏ hơn. Trẻ em dân tộc thiểu số được cho thấy là có xác suất thấp
hơn trẻ em dân tộc Kinh trong tỷ lệ đi học mẫu giáo. Số lượng thành viên hộ gia
đình có ảnh hưởng đến việc đi học mẫu giáo của trẻ em theo tính chất nghịch
biến, khi tăng lên 1 đơn vị ở số thành viên hộ gia đình thì xác suất đi học mẫu
giáo của trẻ em lại giảm xuống.
Mối quan hệ chặt chẽ giữa tỷ lệ đi học mẫu giáo của trẻ
em với trình độ học vấn và tình trạng làm việc của người mẹ cho thấy những
người mẹ có học vấn sẵn sàng cho con cái đi học mẫu giáo hơn những người mẹ có
trình độ học vấn hạn chế và họ cũng hiểu rõ tầm quan trọng của việc tiếp cận
giáo dục mầm non hơn. Các mô hình lịch
sử trên thế giới cho thấy những người mẹ làm việc trong khu vực không chính
thức hoặc nắm ít quyền lực kinh tế đều phải dựa vào người thân chăm sóc hoặc
trông nom hộ con cái trong khi tham gia làm việc. Ngược lại những bà mẹ có việc
làm trong khu vực chính quy có nhiều khả năng biết và sử dụng nhiều lựa chọn để
đảm bảo phúc lợi cho các con nhỏ của họ. Họ cũng có nhiều khả năng sử dụng dịch
vụ giáo dục mầm non được cấu trúc hóa và đối xử bình đẳng với con trai và con
gái (UNESCO, 2007).
Việc đơn giản là có đưa con cái của mình đến trường hay
không, sau đó có duy trì việc con cái tiếp tục đến trường và cả việc kéo dài
hành trình học đường hay không đều phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh kinh tế-xã
hội của gia đình. Mặc dù ngân sách công cho giáo dục mầm non tăng lên, nhưng
hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non vẫn dựa vào sự đóng góp của người dân
là chính. Do đó, những thách thức mà trẻ em nghèo phải vượt qua để được tiếp
cận giáo dục mầm non vẫn lớn hơn so với trẻ em xuất thân từ gia đình khá giả.
Trong khi giáo dục tiểu học được miễn phí thì trẻ em tại các cơ sở mẫu giáo
công lập vẫn phải đóng học phí và những khoản chi phí gián tiếp khác. Mặc dù
Nhà nước đã thực hiện những chính sách nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho
việc học hành của trẻ em nhưng thực tế các hộ gia đình vẫn phải đóng góp đáng
kể cho giáo dục của con cái và vì thế hạn chế khả năng tiếp cận bậc học mẫu
giáo của trẻ em ở những hộ gia đình nghèo nhất. Với những gia đình có mức sống
thấp thì chi phí đi học mẫu giáo của trẻ em có thể là một trở ngại lớn mặc dù
đây là giai đoạn tiền đề quan trọng cho việc sẵn sàng đi học phổ thông (Trần Quý Long, 2013). Việc đạt được các mục tiêu quốc gia rõ ràng sẽ phụ
thuộc vào năng lực của Nhà nước trong việc làm giảm những bất bình đẳng về khả
năng tiếp cận các dịch vụ giáo dục mẫu giáo của trẻ em, đặc biệt là phải đến
được với trẻ em nghèo.
Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên-xã hội của từng vùng
là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc tiếp cận giáo dục mẫu giáo
của trẻ em có sự chênh lệch giữa các vùng. Có lẽ nó không chỉ phản ánh các điều
kiện địa lý, cơ cấu kinh tế-xã hội, thái độ đối với việc đi học của người dân ở
các cộng đồng khác nhau mà còn phản ánh thực trạng của hệ thống cơ sở giáo dục.
Việc nhập học mẫu giáo có sự chênh lệch giữa các vùng còn cho thấy dịch vụ này
có chất lượng thấp ở những vùng khó khăn. Vấn đề đạt được các mục tiêu về tỷ lệ đi học mẫu giáo của trẻ em ở Việt
Nam sẽ phụ thuộc chủ yếu vào khả năng của Nhà nước trong việc mở rộng và nâng
cao chất lượng dịch vụ của loại hình giáo dục này ở các vùng nông thôn và vùng
sâu, vùng xa.
Các chương trình giáo dục mầm non nói chung và mẫu giáo
nói riêng cung cấp cho trẻ em những kinh nghiệm hoàn toàn khác với những phương
thức chăm sóc tại gia đình và cộng đồng. Đặc biệt, chương trình tiền học đường
có mục đích cụ thể là tạo ra một môi trường thuận lợi cho trẻ em chuẩn bị bước
vào quá trình học phổ thông. Mặc dù đã đạt được những thành tích cao về số nhập
học, nhiều trẻ em vẫn chưa được nhập học mẫu giáo, con số này ước tính khoảng
30% số trẻ em trong độ tuổi 3-5 ở MICS 2014. Đó là những trẻ em khó tiếp cận
nhất xét ở các khía cạnh cả về kinh tế, xã hội, thành phần dân tộc cũng như
khoảng cách địa lý. Vì vậy, cần có những biện pháp đặc biệt mang tính trọng tâm
và cũng có thể là tốn kém hơn nhằm cung cấp cho những trẻ
em này cơ hội công bằng để có thể bắt đầu và hoàn thành đầy đủ quy trình giáo
dục mầm non.
Tài
liệu tham khảo
1. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội
(2008), Báo
cáo quốc gia lần thứ ba và lần thứ tư: Việt Nam thực hiện công ước quốc tế
quyền trẻ em giai đoạn 2002-2007, Hà Nội.
2. Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam (2003), Kế hoạch hành động quốc gia
giáo dục cho mọi người 2003-2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội.
3. Nguyễn Văn Hùng
(2005), Báo
cáo tổng quan tình hình giáo dục và chăm sóc trẻ thơ, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Việt Nam và Ngân hàng Phát triển châu Á, Hà Nội.
4. Nhóm hành động
chống đói nghèo (2002), Cung cấp giáo dục cơ bản có
chất lượng cho mọi người, Báo cáo chung của các nhà tài trợ, Hà Nội.
5. Nolwen Henaff
và Jean Yves Martin (2001), Tổ chức lại nền kinh
tế và cơ cấu lại xã hội. Nolwen Henaff và Jean Yves
Martin (Chủ biên), Lao động, việc làm và nguồn
nhân lực ở Việt Nam 15 năm Đổi mới, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
6. Tổng cục Thống
kê và UNICEF (2015), Điều tra đánh giá các mục tiêu
trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2014, Báo cáo cuối cùng, Hà Nội.
7. Trần Quý Long
(2013), Tiếp
cận giáo dục mầm non của trẻ em Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Báo cáo tổng hợp đề tài cấp cơ sở, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Hà Nội.
8. Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (2008), Thực
trạng và nhu cầu gửi trẻ dưới 36 tháng tuổi-Một số gợi ý chính sách, Hà Nội.
9. UNESCO (2007), Báo
cáo giám sát toàn cầu về giáo dục cho mọi người: Nền tảng vững chắc - Chăm sóc
và giáo dục mầm non, UNESCO, Paris.
10. UNICEF Việt Nam
(2008), Phân
tích tình hình trẻ em ở Việt Nam sử dụng cách tiếp cận dựa vào quyền, Hà Nội.
11. Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em (2003). Điều tra nhân khẩu học và Sức khỏe 2002, Nxb. Thống kê, Hà Nội.
Bài viết hay lắm ạ
ReplyDelete