Trần Quý Long *
Đề nghị trích dẫn: Trần Quý Long (2015). Thực trạng và những yếu tố ảnh hưởng đến việc đạt được chỉ số phát triển trẻ thơ của trẻ em Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Con người, số 1, 2015, tr. 39-49.
Giới thiệu
Những năm đầu đời đóng vai trò vô
cùng quan trọng trong việc hình thành nhân cách và phát triển năng lực của trẻ em. Mặc dù trẻ em lúc bẩm sinh đã có khả năng
tiếp thu học tập, não bộ đã được lập trình để tiếp nhận các thông tin cảm quan
để hình thành hiểu biết và giao tiếp với thế giới, nhưng thiên hướng học tập của
trẻ em có thể bị hạn chế bởi nhiều yếu tố
như thể chất, nhận thức và tình cảm xã hội. Một số kết quả nghiên cứu đều cùng
chỉ ra là chất lượng những trải nghiệm đầu đời của trẻ em có liên quan đến hầu
như mọi khía cạnh phát triển của chúng. Trẻ nhỏ được chăm sóc, quan tâm tốt và
được khích lệ trong 3 năm đầu đời thường thể hiện khả năng ngôn ngữ và nhận thức
tốt hơn và cũng có những tương tác xã hội tích cực hơn những trẻ em không được
như vậy (UNESCO, 2007). Những đầu tư thời kỳ
thơ ấu đem lại nhiều lợi ích quan trọng, và có thể làm giảm bớt việc chuyển tải
sự bất bình đẳng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Rất nhiều trẻ em ở các nước
đang phát triển phải chịu đựng tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng về dinh dưỡng,
sức khỏe, sự phát triển về nhận thức và tình cảm xã hội từ rất sớm, với những hậu
quả ảnh hưởng suốt đời về thành tích giáo dục, việc làm và thu nhập (Ngân hàng
thế giới, 2007).
Việc được hưởng sự chăm sóc và
phát triển tốt trong giai đoạn trẻ thơ sẽ góp phần tạo nên một nền móng vững chắc
cho sự phát triển trong tương lai của trẻ em. Chương trình “Một thế giới phù hợp
dành cho trẻ em” đưa ra mục tiêu là “trẻ em cần phải được khỏe mạnh về thể chất,
lanh lợi về trí tuệ, an tâm về mặt tình cảm, có đủ năng lực về mặt xã hội và sẵn
sàng để học tập”. Mục tiêu này được thiết lập trên cơ sở sự phát triển nhanh
chóng của bộ não trẻ em từ ba đến bốn năm đầu tiên của cuộc sống và tầm quan trọng
của việc các em tham gia các hoạt động nhằm khuyến khích sự phát triển đầy đủ của
các em từ khi còn nhỏ tuổi (Tổng cục Thống kê, 2006).
Phát triển thể chất, kỹ năng đọc viết và tính
toán, phát triển cảm xúc xã hội và chuẩn bị sẵn sàng cho việc học là những lĩnh
vực quan trọng trong sự phát triển của trẻ thơ, tạo cơ sở cho sự phát triển
chung của con người. Mục đích của nghiên cứu này nhằm xem xét thực trạng phát
triển trẻ thơ của trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam trong mối liên hệ với một số yếu
tố của gia đình và của bản thân trẻ em như thế nào, và những yếu tố nào ảnh hưởng
đến thực trạng đó. Trước hết, nghiên cứu trình bày thực trạng phát triển trẻ
thơ theo các đặc điểm cụ thể của trẻ
em và hộ gia đình. Sau đó, nghiên cứu sử dụng mô hình hồi quy đa biến để đánh
giá xem những đặc điểm này có mối liên hệ hoặc ảnh hưởng như thế nào đối với khả
năng đạt được chỉ số phát triển trẻ thơ của trẻ em.
1.1. Số liệu
Sử dụng số liệu từ cuộc Điều tra
đánh giá các mục tiêu về trẻ em và phụ nữ Việt Nam lần thứ 4 vào năm 2011 (MICS
4), nghiên cứu sẽ lựa chọn các yếu tố để đưa vào mô hình ước lượng hồi quy dựa
trên những phân tích bảng hai chiều ban đầu cũng như mức độ sẵn có của số liệu.
MICS 4 đã chọn 12.000 hộ gia đình dựa trên các địa bàn của Tổng điều tra dân số
và nhà ở năm 2009 để tiến hành khảo sát. Trong số những hộ gia đình được chọn,
11.614 hộ gia đình đã được phỏng vấn thành công. Trẻ em dưới 5 tuổi được liệt
kê trong bảng câu hỏi hộ gia đình và 3.678 trường hợp đã được phỏng vấn thành
công thông qua người mẹ hoặc người chăm sóc chính với tỉ lệ tương ứng là 98,6% (Tổng cục Thống kê, 2006). Từ bộ số liệu này có thể phân tích được tình trạng trẻ
em theo các lĩnh vực nghiên cứu, trong đó bao gồm mối liên hệ giữa các yếu tố
cá nhân và hộ gia đình với thực trạng đạt được chỉ số phát triển trẻ thơ của trẻ
em.
1.2. Biến số phụ thuộc và biến số độc lập
Biến số phụ thuộc: MICS 4 sử dụng
một mô-đun thu thập thông tin gồm 10 mục để tính toán chỉ số phát triển trẻ
thơ. Mỗi một tiểu mục trong 10 mục được chia ra theo 4 lĩnh vực để xác định xem
trẻ em từ 3 - 5 tuổi có phát triển phù hợp với độ tuổi trong lĩnh vực đó hay
không. Các lĩnh vực bao gồm:
·
Đọc, viết và tính
toán: Trẻ em được coi là đang phát triển phù hợp với độ tuổi phụ thuộc vào việc
có thể nhận biết hoặc đọc được tối thiểu 10 chữ cái trong bảng chữ cái; có thể
đọc tối thiểu 4 từ đơn giản; và biết tên, nhận ra ký tự của các số từ 1 đến 10.
Nếu ít nhất 2 trong số các khả năng nói trên thực hiện đúng, thì trẻ em đó được
coi là phát triển phù hợp với tuổi.
·
Phát triển thể chất:
Nếu trẻ em có thể cầm một vật nhỏ bằng 2 ngón tay, như cái gậy hoặc hòn đá từ
dưới đất lên và người mẹ/người chăm sóc không nhận xét rằng trẻ quá ốm yếu nên
không chơi được, thì đứa trẻ đó được coi là đang phát triển phù hợp với độ tuổi
về thể chất.
·
Phát triển cảm
xúc xã hội: Trẻ em được coi là phát triển phù hợp với độ tuổi nếu 2 trong số
các yếu tố sau đây là đúng: Nếu đứa trẻ chơi được với trẻ em khác, nếu đứa trẻ
không đánh, cắn hoặc đá trẻ em khác; và nếu đứa trẻ không dễ bị đãng trí.
·
Học tập: Nếu trẻ
em theo đúng các chỉ dẫn đơn giản về cách làm một điều gì đó, hoặc khi được đưa
việc gì đó để làm mà có thể làm độc lập, thì trẻ em đó được coi là phát triển
phù hợp với độ tuổi trong lĩnh vực học tập.
Chỉ số phát triển trẻ thơ (ECDI)
được tính bằng phần trăm trẻ em phát triển phù hợp với độ tuổi đối với ít nhất
3 trên 4 lĩnh vực trên (Tổng cục Thống kê, 2011), và đây cũng là biến số phụ thuộc được sử dụng trong
nghiên cứu này. Biến số phụ thuộc được xây dựng thành một biến số nhị nguyên,
có giá trị bằng 1 nếu trẻ em đạt được chỉ số phát triển trẻ thơ, và bằng 0
trong trường hợp ngược lại.
Biến số độc lập:
Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến khả năng một trẻ em có đạt được chỉ số phát
triển trẻ thơ hay không bao gồm các đặc điểm của chính cá nhân trẻ em và đặc điểm
hộ gia đình. Các thông tin về đặc điểm của trẻ em bao gồm tuổi, giới tính,
thành phần dân tộc, và tình trạng đi học mẫu giáo. Tuổi của trẻ em được tính bằng
tháng tại thời điểm khảo sát và được chia thành hai nhóm từ 36 - 47 tháng và từ
48 - 59 tháng. Thành phần dân tộc của trẻ em được chia thành hai nhóm bao gồm
dân tộc Kinh/Hoa và dân tộc thiểu số. Tình trạng đi học mẫu giáo của trẻ em được
thể hiện qua biến số lưỡng phân “có” hoặc “không”. Giáo dục mầm non được cho là có khả năng chuẩn bị cho trẻ em những kỹ năng như tự lập, sự kiềm chế, khả năng diễn đạt
rõ ràng, đồng thời hình thành sự hứng thú đối với việc đến
trường tiểu học, tăng khả năng sẵn sàng để bước vào giai đoạn giáo dục phổ
thông.
Các biến số độc lập thuộc về yếu tố gia đình bao gồm học
vấn của người mẹ, tình trạng kinh tế hộ gia đình, và khu vực cư trú. Học vấn là một yếu tố quan trọng của vốn con
người và là sự thể hiện địa vị đạt được của cá nhân. Trình độ học vấn của phụ nữ
phản ánh khả năng, quyền tự quyết và sự hiểu biết của họ trong gia đình. Tác
động học vấn của người mẹ đối với việc đạt được chỉ số phát triển trẻ thơ của
trẻ em không phải là một kết luận có sẵn trong những nghiên cứu ở Việt Nam. Vì lí do đó, biến số học vấn của người mẹ được
đưa vào trong nghiên cứu để xem xét. Biến số này phản ánh các tình huống
học vấn mà người mẹ đã đạt được: Không có bằng cấp, Tiểu học, Trung học cơ sở,
Trung học phổ thông và Trung học chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng trở
lên. Trong phân tích đa biến, học vấn của người mẹ được gộp lại thành 3 nhóm: Thấp hơn hoặc bằng Tiểu học, Trung học
cơ sở, và Trung học phổ thông trở lên.
Tình trạng kinh tế hộ gia đình được đo lường gián tiếp
qua thông tin về sở hữu vật dụng lâu bền, đặc điểm nhà ở, nước và vệ sinh và những
đặc trưng khác liên quan đến mức độ giàu nghèo của hộ gia đình để gán quyền số
cho mỗi loại tài sản của hộ. Sau khi tính toán, biến số tình trạng kinh tế hộ
gia đình được xếp loại thành 5 nhóm (ngũ vị phân) theo thứ tự từ nhóm 20% nghèo
nhất đến nhóm 20% giàu nhất (Tổng cục Thống kê, 2011). Nghiên cứu chờ đợi rằng trẻ em trong những gia đình
có tình trạng kinh tế khá giả hơn có khả năng đạt được chỉ số phát triển trẻ
thơ cao hơn do được tiếp cận với nhiều điều kiện chăm sóc, đầu tư hơn.
Thái độ, mối quan tâm cũng như chất lượng chăm sóc trẻ
em để đạt được kết quả cao trong chỉ số phát triển trẻ thơ có thể khác nhau giữa
các khu vực cư trú của hộ gia đình. Vì thế hai biến số được xác định là thành
thị hay nông thôn và 6 vùng địa lý của đất nước được đưa vào phân tích trong mô
hình để xem xét tác động có thể có của chúng đối với khả năng đạt được chỉ số
phát triển trẻ thơ của trẻ em dưới 5 tuổi.
1.3.
Kỹ thuật phân tích
Sự đạt được chỉ số
phát triển trẻ thơ của trẻ em có thể được phân tích dưới dạng một hàm số gồm các thước đo về hoàn cảnh gia đình cũng như những yếu tố liên quan
đến trẻ em. Khả năng xem xét nhiều đặc điểm cùng một lúc là một đặc tính được
xác định của kỹ thuật phân tích đa biến. Bởi vì biến số phụ thuộc của nghiên cứu
là một biến nhị phân với hai giá trị là trẻ em đạt được hoặc không đạt được về
chỉ tiêu phát triển trẻ thơ cho nên mô hình phân tích hồi quy đa biến với kĩ
thuật logistic là phù hợp.
Các thanh ngang trên Biểu đồ 2 thể hiện tỉ số chênh lệch
(Odds Ratio=OR) giữa xác suất đạt được chỉ số phát triển trẻ thơ do tác động của
đặc điểm (cá nhân, hộ gia đình,...) đang xem xét so với đặc điểm đối chứng phân
loại trong cùng một yếu tố nào đó. Tỉ số chênh lệch cho loại đặc điểm của nhóm
đối chứng luôn luôn nhận giá trị bằng 1. Nếu tỉ số chênh lệch của một loại đặc
trưng nào đó lớn hơn 1, điều đó có nghĩa là nhóm trẻ mang đặc điểm đó có nhiều
khả năng đạt được chỉ số phát triển hơn so với nhóm trẻ em mang đặc điểm đối chứng.
Ngược lại, nếu tỉ số chênh lệch đó nhỏ hơn 1 thì nhóm trẻ em mang đặc điểm đó
có ít khả năng đạt được chỉ số phát triển trẻ thơ hơn nhóm trẻ em mang đặc điểm
đối chứng. Các dấu sao (*, **, ***) ghi bên cạnh các đặc trưng cho thấy tác động
của yếu tố đó có ý nghĩa về mặt thống kê hay không. Một đặc trưng nào đó được
kèm theo nhiều dấu sao thì tác động của nó cho thấy càng mạnh. Ngược lại, không
kèm theo dấu sao bên cạnh có nghĩa là không có bằng chứng để khẳng định rằng
tác động của yếu tố đang xem xét có ý nghĩa về mặt thống kê.
2. Thực trạng phát triển trẻ thơ ở Việt
Nam
Tỉ lệ trẻ em đạt được chỉ số phát
triển trẻ thơ theo từng lĩnh vực được trình bày ở Biểu đồ 1. Có thể thấy, tỉ lệ
trẻ em đạt được chỉ số phát triển ở lĩnh vực thể chất là cao nhất và lên đến
97,7%. Tuy nhiên, ở lĩnh vực đọc, viết và tính toán có thể coi là những vấn đề
đáng quan tâm trong phát triển trẻ thơ vì tỉ lệ đạt được của trẻ em là thấp nhất,
24,1%.
Biểu đồ 1.
Tỉ lệ trẻ em đạt được chỉ số phát triển
trẻ thơ theo từng lĩnh vực
Nguồn: Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ
nữ, 2011.
Số liệu thống kê mô tả
cho biết thông tin về ảnh hưởng có thể có của những đặc điểm cá nhân và gia
đình đối với tỉ lệ đạt được chỉ số phát triển trẻ thơ của trẻ em được trình bày
ở Bảng 1. Số liệu ở hai cột cuối cùng thể hiện tổng số trẻ em trong một nhóm
theo từng tiêu chí và tỉ lệ trẻ em đạt được chỉ số phát triển trẻ thơ trong tổng
số trẻ em thuộc tiêu chí đó. Nếu có sự khác biệt lớn về tỉ lệ đạt được chỉ số
phát triển trẻ thơ của trẻ em giữa các nhóm của cùng một biến số thì có thể coi
biến số này đóng vai trò quan trọng trong việc ảnh hưởng đến khả năng đạt được
chỉ tiêu phát triển trẻ thơ của trẻ em. Kết quả phân tích từ số liệu của MICS 4
cho thấy, có 82,8% trẻ em từ 36 - 59 tháng tuổi đạt được chỉ tiêu về phát triển
trẻ thơ.
Bảng 1. Tỉ
lệ trẻ em đạt được chỉ số phát triển trẻ thơ
chia theo một số
đặc trưng
|
|||
Biến số
|
Giá trị
|
%
|
Số trẻ em
|
Giới tính trẻ
|
Nam
|
83,6
|
726
|
Nữ
|
82,1
|
733
|
|
Tuổi
|
36 - 47
|
78,5
|
764
|
(theo tháng)
|
48 - 59
|
87,6
|
695
|
Dân tộc
|
Kinh + Hoa
|
85,4
|
1275
|
Dân tộc thiểu số
|
64,8
|
184
|
|
Đi học mẫu giáo
|
Có
|
86,2
|
1049
|
Không
|
74,3
|
409
|
|
Trình độ
|
Không bằng cấp
|
62,9
|
97
|
Học vấn người mẹ
|
Tiểu học
|
74,8
|
292
|
Trung học cơ sở
|
86,3
|
606
|
|
Trung học phổ thông
|
87,1
|
242
|
|
Trung học chuyên nghiệp, Trung cấp nghề, Cao đẳng trở
lên
|
88,1
|
222
|
|
Mức sống
|
Nghèo nhất
|
75,2
|
336
|
Nghèo
|
82,8
|
272
|
|
Trung bình
|
81,8
|
274
|
|
Giàu
|
85,2
|
315
|
|
Giàu nhất
|
90,7
|
263
|
|
Khu vực
|
Thành thị
|
88,3
|
387
|
Nông thôn
|
80,9
|
1072
|
|
Vùng
|
Đồng bằng sông Hồng
|
86,5
|
301
|
Trung du và Miền núi phía Bắc
|
81,8
|
266
|
|
Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung
|
84,5
|
296
|
|
Tây Nguyên
|
68,2
|
89
|
|
Đông Nam Bộ
|
86,3
|
233
|
|
Đồng bằng sông Cửu Long
|
79,8
|
274
|
|
Chung
|
82,8
|
1459
|
Nguồn: Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ,
2011.
Tỉ lệ
đạt được chỉ số phát triển trẻ thơ không khác nhau nhiều giữa trẻ em trai và trẻ
em gái, 83,6% và 82,1%, qua đó thể hiện rằng giới tính không phải là một yếu tố
quyết định tình trạng phát triển trẻ thơ của trẻ em. Tuy nhiên, tuổi của trẻ em
theo tháng lại có vẻ như có tác động đến khả năng đạt được chỉ số phát triển trẻ
thơ. Nhóm trẻ em từ 48 - 59 tháng tuổi có tỉ lệ đạt được chỉ số phát triển trẻ
thơ là 87,6%, cao hơn một chút so với nhóm trẻ em 36 - 47 tháng tuổi (78,5%).
Sự khác biệt rõ nét nhiều hơn khi
xét theo thành phần dân tộc, tỉ lệ đạt được chỉ số phát triển trẻ thơ của trẻ
em dân tộc Kinh/Hoa là 85,4% trong khi tỉ lệ này ở nhóm trẻ em thuộc các dân tộc
khác là 64,8%. Trẻ em được đi học mẫu giáo hay không có mối liên hệ với tỉ lệ đạt
được chỉ số phát triển trẻ thơ, tỉ lệ này ở nhóm trẻ em đi học mẫu giáo là
86,2% và ở nhóm trẻ em không đi học mẫu giáo là 74,3%.
Về trình độ học vấn của người mẹ,
có thể thấy rằng tỉ lệ phát triển phù hợp với độ tuổi của trẻ em tăng dần khi
trình độ học vấn của người mẹ tăng lên. Chỉ số phát triển trẻ thơ của trẻ em dưới
5 tuổi đạt được 62,9% ở trong nhóm mẹ không có bằng cấp, thấp hơn so với nhóm
người mẹ có bằng Trung học chuyên nghiệp, cao đẳng trở lên (88,1%). Do vậy,
trình độ học vấn của người mẹ được dự báo là sẽ làm giảm nguy cơ phát triển
không phù hợp của trẻ em.
Khu vực sinh sống của trẻ em là
nông thôn hay thành thị có vẻ như có tác động đến khả năng đạt được chỉ số phát
triển trẻ thơ của trẻ em, khoảng 88% số trẻ em sống ở khu vực thành thị có tỉ lệ
đạt được chỉ số phát triển trẻ thơ cao hơn so với 81% trẻ em sống ở khu vực
nông thôn. Trẻ em sống ở Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ có tỉ lệ đạt được
chỉ số phát triển trẻ thơ tương đương nhau và ở vị trí cao nhất, 86,5%, ngược lại
chỉ số phát triển trẻ thơ ở vùng Tây Nguyên thấp nhất với tỉ lệ 68,2%.
Mặc dù những phân tích ở trên có
thể xác định được những tác động của các yếu tố đến khả năng đạt được chỉ số
phát triển trẻ thơ của trẻ em dưới 5 tuổi, tuy nhiên cũng cần thiết phải tiến
hành bước tiếp theo là xác định các tác động này một cách đồng thời. Bởi vì các
biến số độc lập có thể có mối quan hệ lẫn nhau, ví dụ trẻ em cư trú ở khu vực
thành thị có tỉ lệ đạt được chỉ số phát triển trẻ thơ cao hơn khu vực nông thôn
là do đơn thuần sống ở khu vực thành thị hay vì ở thành thị là nơi tập trung
nhiều người mẹ có học vấn cao hơn. Nghiên cứu cố gắng xem xét những ảnh hưởng
riêng biệt của từng biến số độc lập trong trường hợp xét đến sự tác động của
các yếu tố khác có trong mô hình phân tích ở phần tiếp theo.
3. Những yếu
tố ảnh hưởng đến thực trạng phát triển trẻ thơ
Để đánh giá vai trò của các yếu tố
đối với khả năng đạt được chỉ số phát triển trẻ thơ trong điều kiện có tác động
của nhiều yếu tố khác nhau, mô hình phân tích đa biến đã được thực hiện. Điều cần
đặc biệt lưu ý là chỉ số phát triển trẻ thơ là một khái niệm đa chiều cho nên
tuy gọi là các biến số độc lập và biến số phụ thuộc nhưng mô hình hồi quy này
không nhất thiết phản ánh mối quan hệ nhân quả. Các phân tích sau đây đánh giá
tương quan/ảnh hưởng của từng biến số độc lập đến khả năng đạt được chỉ số phát
triển trẻ thơ của trẻ em với giả thiết là các biến số độc lập khác trong mô
hình hồi quy được giữ nguyên không đổi.
Biểu đồ 2. Mô hình hồi quy về xác suất đạt được chỉ
số phát triển trẻ thơ
của trẻ em (thủ tục logistic)
Ghi chú: Mức ý nghĩa thống kê: *p<0,1,
**p<0,05, ***p<0,01
Nguồn: Tính toán từ Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ, 2011.
Kết quả phân tích hồi quy đa biến
bằng kỹ thuật logistic được trình bày ở Biểu đồ 2 dựa vào mẫu lớn nhất mà số liệu
sẵn có cho tất các các biến số. Thủ tục phân tích theo trình tự là ban đầu đưa
vào tất cả các biến số thích hợp, sau đó bỏ đi các biến số với mức ý nghĩa thống
kê có giá trị p>0,5 và ước lượng lại mô hình để có kết quả trình bày ở đây.
Nghiên cứu dự đoán giới tính và khu vực có khả năng ảnh hưởng đến việc đạt được
chỉ số phát triển trẻ thơ của trẻ em, nhưng hai biến số đó lại trở nên không có
ý nghĩa thống kê trong mô hình phân tích đa biến, vì thế được bỏ ra khỏi kết quả
trình bày ở Biểu đồ 2.
Trước hết là về biến số tuổi, trẻ
em ở nhóm 48 - 59 tháng tuổi có khả năng đạt được chỉ số phát triển trẻ thơ cao
hơn 0,53 lần so với nhóm trẻ em 36 - 47 tháng tuổi (OR=1,53; p<0,001). Hệ số
hồi quy cũng khẳng định, trong cùng điều kiện xác định bởi các biến số độc lập
khác có trong mô hình, xác suất đạt được chỉ số phát triển trẻ thơ của trẻ em
người Kinh/Hoa cao hơn 1,58 lần so với trẻ em người dân tộc thiểu số và mối
quan hệ này rất có ý nghĩa thống kê (p<0,001). Để lý giải sự chênh lệch này
cần chú ý tới sự khác nhau về các chỉ số thành phần của chỉ số phát triển trẻ
thơ theo hai nhóm thành phần dân tộc. Tình trạng phát triển trẻ thơ của trẻ em
dân tộc thiểu số chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của chỉ số đặc thù về đọc, viết và tính
toán. Điều này có thể thấy rằng, trẻ em dân tộc thiểu số thường sống ở những
vùng kém phát triển về kinh tế - xã hội, các bậc cha mẹ thường thiếu kiến thức
và kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ em cũng như chưa nhận thức được tầm quan trọng
của giáo dục mầm non nên ảnh hưởng phần nào đến tình trạng phát triển trẻ thơ của
con cái. Đây cũng là một trong những vấn đề cần chú ý trong việc xác định những
giải pháp để nâng cao hiệu quả của việc đầu tư, chăm sóc phát triển trẻ thơ ở
các gia đình dân tộc thiểu số trong thời gian tới.
Trẻ em được đi học ở bậc học mẫu
giáo có khả năng đạt được chỉ số phát triển trẻ thơ cao hơn trẻ em không được
đi học mẫu giáo và sự tác động này rất có ý nghĩa thống kê. Nói một cách khác, trong
cùng điều kiện xác định bởi các biến số độc lập khác có trong mô hình, trẻ em
đi học mẫu giáo có xác suất phát triển phù hợp với độ tuổi cao hơn trẻ em không
được đi học mẫu giáo gần 0,7 lần (OR=0,68; p<0,001). Kết quả này có tính hợp
lý của nó, bởi vì các chương trình chăm sóc giáo dục mầm non có vai trò nâng
cao sức khỏe thể chất, kỹ năng nhận thức, sự phát triển về xã hội và cảm xúc của
trẻ em. Tác động của những chương trình như vậy đối với sự tham gia giáo dục tiểu
học và các cấp học cao hơn đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu.
Học vấn của người mẹ hoặc người
chăm sóc chính có ảnh hưởng đến khả năng trẻ em trong độ tuổi mầm non đạt được
chỉ số phát triển trẻ thơ. Hệ số hồi quy cho thấy, trẻ em có mẹ với học vấn tốt
nghiệp trung học cơ sở có khả năng đạt được chỉ số phát triển trẻ thơ cao hơn
1,43 lần so với trẻ em có mẹ với học vấn từ tiểu học trở xuống (nhóm tham khảo).
Tương tự, hệ số hồi quy của nhóm trẻ em có mẹ với học vấn từ trung học phổ
thông trở lên cao hơn 1,64 lần. Tác động của hai nhóm cao hơn trong biến số học
vấn người mẹ đều đạt ý nghĩa thống kê ở mức p<0,05.
Điều kiện kinh tế hộ gia đình cao
hơn có xu hướng có mối liên hệ với xác suất đạt được chỉ số phát triển trẻ thơ
của trẻ em. So với hộ gia đình có mức sống từ trung bình trở xuống, trẻ em
trong hộ gia đình có điều kiện sống cao nhất có xác suất đạt được chỉ số phát
triển trẻ thơ cao hơn 0,7 lần với mức ý nghĩa thống kê p<0,05. Qua đó cho thấy,
các hộ gia đình nghèo thường ít có khả năng tạo ra nguồn lực của chính mình, vì
vậy lại làm giảm hơn nữa khả năng của gia đình trong việc cung cấp các nguồn lực
thích hợp cho lĩnh vực phát triển trẻ thơ.
Cuối cùng là về yếu tố nơi cư trú
thành thị - nông thôn của trẻ em được khảo sát. Tương tự với kết quả phân tích
nhị biến, phân tích hồi quy đa biến cho thấy trẻ em ở khu vực nông thôn có xu
hướng đạt được chỉ số phát triển trẻ thơ thấp hơn so với trẻ em sinh sống ở khu
vực thành thị trong điều kiện được xác định bởi các biến số độc lập khác có
trong mô hình (OR=0,72; p<0,01).
4. Thảo luận
và Kết luận
Những năm tháng đầu tiên trong cuộc
đời của trẻ em cần phải được coi trọng một cách nghiêm túc bởi vì đây là giai
đoạn trí não dần trưởng thành, cũng là lúc trẻ em bắt đầu học cách đi đứng và
chuyện trò, sự tự chủ cũng dần hình thành và những quan hệ xã hội đầu tiên được
thiết lập. Một số nghiên cứu cho thấy rằng, nhiều biến đổi liên tiếp xảy ra
xung quanh sự phát triển thể chất, tinh thần, nhận thức và cảm xúc xã hội từ
lúc sơ sinh đến độ tuổi bắt đầu đi học. Những biến đổi này đánh dấu sự thu nhận
các kỹ năng và khả năng, cách liên hệ, giao tiếp, học tập và vui chơi của trẻ
em (UNESCO, 2007). Những trẻ em mà các nhu cầu cơ bản về sức khỏe, dinh dưỡng
và tâm lý xã hội được đáp ứng sẽ phát triển và học tập tốt hơn so với những trẻ
em khác kém may mắn. Cũng là điều dễ thấy khi một trẻ em được phát triển về thể
chất, tâm lý, xã hội và tình cảm trong những năm đầu đời thường dễ trở thành một
thành viên xã hội có cuộc sống hạnh phúc và hữu ích hơn so với một trẻ em khác
không có may mắn như vậy (UNESCO, 2005).
Phát triển trẻ thơ là một khái niệm
đa chiều cạnh. Trong khuôn khổ của nghiên cứu này, tỉ lệ đạt được chỉ số phát
triển trẻ thơ được phân tích trong mối quan hệ với các đặc trưng nhân khẩu học
của trẻ em dưới 5 tuổi và các đặc điểm của hộ gia đình nhằm cung cấp thông tin
về các yếu tố dự báo liên quan đến tình trạng phát triển trẻ thơ của trẻ em. Kết
quả phân tích đa biến cho thấy, không có sự khác biệt giữa trẻ em nam và trẻ em
nữ trong xác suất đạt được chỉ tiêu phát triển trẻ thơ bởi vì hệ số hồi quy của
biến số giới tính nam không khác biệt so với nhóm nữ và mối quan hệ này không
có ý nghĩa thống kê. Điều này nói lên rằng, việc chăm sóc giáo dục trẻ em ở
giai đoạn trẻ thơ là như nhau giữa hai nhóm trẻ em nam và trẻ em nữ. Tuy nhiên,
vẫn có thể nói phát triển trẻ thơ được tái tạo lại và có những khác biệt tùy
thuộc vào vị trí xã hội và giới, dân tộc và hoàn cảnh kinh tế.
Những đặc trưng cá nhân khác của
trẻ em như nhóm tuổi, thành phần dân tộc và tình trạng đi học mẫu giáo có mối
liên hệ có ý nghĩa thống kê với xác suất đạt được chỉ số phát triển trẻ thơ của
trẻ em ở tỉ lệ 82,8%. Nhìn chung, trẻ em ở nhóm tuổi lớn hơn khả năng đạt được
chỉ số phát triển trẻ thơ cao hơn trẻ em ở nhóm tuổi nhỏ hơn. Điều này rõ ràng
là thể hiện sự trưởng thành về mặt sinh học của trẻ em trong các kỹ năng phát
triển. Thành phần dân tộc đóng vai trò rất quan trọng trong việc quyết định
nguy cơ đạt hay không đạt được chỉ số phát triển trẻ thơ của trẻ em. Đây là yếu
tố quan trọng nhất trong số những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển trẻ thơ của
trẻ em bởi vì hệ số hồi quy cao và rất có ý nghĩa thống kê ở trong mô hình phân
tích. Một trẻ em thuộc dân tộc Kinh/Hoa được cho thấy là có xác suất cao hơn trẻ
em dân tộc thiểu số trong việc đạt được chỉ số phát triển trẻ thơ.
Kết quả phân tích cho thấy, trẻ
em đi học mẫu giáo có khả năng đạt được chỉ số phát triển trẻ thơ cao hơn so với
trẻ em không được đi học mẫu giáo. Giáo dục mầm non thường là linh hoạt, chú trọng
vào người học và việc học tại các cơ sở giáo dục mầm non thường mang tính chất
hoạt động vui chơi. Đôi khi môi trường giáo dục ở trường mầm non có tính kích
thích phát triển bù trừ cho các tác động không mong muốn của một môi trường gia
đình có tính kích thích phát triển ít hơn và thậm chí cũng cần thiết cho những
trẻ em có môi trường gia đình có tính kích thích phát triển cao. Các nghiên cứu
cho thấy, trẻ em đã từng học mầm non thường tự cảm thấy yên tâm hơn, có năng lực
hơn và có động lực thúc đẩy phát triển mạnh hơn. Chúng là những học viên khao
khát học tập hơn, chúng nhanh chóng nắm bắt những kỹ năng và thông tin mới, đồng
thời chúng có nhiều kỹ năng xã hội hơn (UNESCO, 2003/2004). Ngoài ra, khi tham gia học đường ở bậc giáo dục mầm non,
trẻ em không chỉ tiếp thu các kiến thức của các môn học truyền thống mà còn tiếp
thu cả những quy tắc và những cách thức quy định hành vi. Vì thế, việc huy động
trẻ em trong độ tuổi mầm non đến trường là việc làm vô cùng có ý nghĩa đối với
vấn đề phát triển trẻ thơ.
Phát triển trẻ thơ là một quá
trình xã hội, trẻ em học cách tư duy, suy nghĩ, giao tiếp và hành động bằng
cách tương tác với những thành viên gia đình trong các điều kiện, hoàn cảnh cụ
thể. Điều này được thể hiện trong mối liên hệ với học vấn của người mẹ. Có khả
năng người mẹ có học vấn cao hơn có nhận thức tốt hơn về sự phát triển trẻ thơ
cho nên có xu hướng nghiêng về cách nuôi dạy con bằng biện pháp khích lệ hơn
cũng như chú trọng hơn trong việc đầu tư chăm sóc phát triển cho trẻ em.
Từ những
năm tháng sớm nhất, sự phát triển và học tập của trẻ em đã được ấp ủ, nuôi dưỡng
thông qua các mối quan hệ tương tác của chúng với người chăm sóc trong những
môi trường an toàn và đầy tính khích lệ. Những kinh nghiệm của trẻ nhỏ trong những
năm đầu đời đã tạo ra một nền tảng cho việc học tập sau này. Mặc dù tuổi mầm
non là một giai đoạn đầy tiềm năng cho sự tăng trưởng và phát triển của con người,
song nó cũng là một thời kỳ mà trẻ em đặc biệt mong manh, non nớt và dễ bị tổn
thương. Hộ
gia đình là đơn vị đầu tiên tổ chức việc nuôi dạy và chăm sóc các con nhỏ của họ,
vì thế gia đình là một tác nhân rất quan trọng trong sự phát triển trẻ thơ, tuy
nhiên chỉ có tình yêu thương con cái bằng những kinh nghiệm chăm sóc trẻ em rời
rạc thì chưa đủ. Do đó, những người tham gia chăm sóc trẻ em cần phải hiểu biết
về quá trình phát triển tâm lý, cảm xúc cũng như những hành vi, nhu cầu của trẻ
em trong điều kiện của cuộc sống xã hội. Phương pháp chăm sóc, giáo dục của gia
đình cũng không thể rập khuôn máy móc theo một khuôn mẫu nhất định mà phải vận
dụng linh hoạt vào từng hoàn cảnh gia đình cụ thể và phù hợp với từng đặc điểm
của từng trẻ em. “Làm cha mẹ” có ý
nghĩa là bao hàm sự che chở và xã hội hóa. Vì thế, sự an toàn và tình cảm qua lại
- rõ ràng là một hoạt động cần thiết cho sự phát triển thể chất, tinh thần,
tình cảm và trí tuệ của bất cứ đứa trẻ nào (Tony Bilton
và các cộng sự, 1993).
Tài liệu
tham khảo
1. Ngân hàng Thế giới (2007), Báo
cáo phát triển thế giới 2007: Phát triển và thế hệ kế cận, Nxb. Văn hóa
Thông tin, Hà Nội.
2. Tổng cục Thống kê (2006), Điều
tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2006 (MICS 3), Nxb.
Thống kê, Hà Nội.
3. Tổng cục Thống kê (2011), Việt
Nam - Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ, Nxb. Thống kê, Hà
Nội.
4. Tony Bilton và các cộng sự (1993), Nhập môn xã hội học, Nxb. Khoa học Xã
hội, Hà Nội.
5. UNESCO (2003/2004), Báo cáo
giám sát toàn cầu về giáo dục cho mọi người: Giới và giáo dục cho mọi người - Bước
nhảy vọt tới sự bình đẳng.
6. UNESCO (2005), Báo cáo giám
sát toàn cầu về giáo dục cho mọi người: Giáo dục cho mọi người - Yêu cầu khẩn
thiết về chất lượng.
7. UNESCO (2007), Báo cáo giám
sát toàn cầu về giáo dục cho mọi người: Nền tảng vững chắc - Chăm sóc và giáo
dục mầm non, Paris.
|
No comments:
Post a Comment