TRẦN QÚY LONG *
Đề nghị trích dẫn: Trần Quý Long (2019). Các yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng lao động trẻ em Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Con người, số 2, tr. 32-43.
Từ khóa: trẻ
em, lao động trẻ em, trẻ em làm việc, phát triển trẻ em, trẻ em yếu thế.
Ngày
nhận bài: 27/02/2019; ngày gửi phản biện: 28/02/2019; ngày duyệt đăng bài:
22/04/2019.
Đặt vấn đề
Trẻ em làm việc phù hợp
với độ tuổi và thể chất có nghĩa là giúp cha mẹ làm việc nhà, tham gia hoạt động
kinh tế của gia đình hoặc kiếm tiền tiêu vặt bằng cách làm thêm ngoài giờ học,
trong kì nghỉ góp phần vào sự phát triển của trẻ em cũng như kinh tế của gia
đình, giúp cho trẻ có được một số kĩ năng và kinh nghiệm, đồng thời chuẩn bị
cho trẻ trở thành những thành viên có ích cho xã hội khi trưởng thành (Quỹ Nhi đồng Liên hợp
quốc - UNICEF, 2010). Tham gia làm các
công việc nhà hoặc đóng góp thu nhập cho gia đình của trẻ em Việt Nam là biểu
hiện chuẩn mực của lòng hiếu thảo, là một phương thức gia tăng giá trị nhân
cách, phản ánh sức mạnh của truyền thống đã bắt rễ sâu xa trong một nền văn hóa
phương Đông (Trần Quý Long, 2009).
Kết quả các cuộc điều
tra hoặc nghiên cứu đều cho thấy, trẻ em Việt Nam bắt đầu tham gia lao động từ
khi còn nhỏ tuổi. Công việc của trẻ em thường là đóng góp một phần trong chiến
lược sinh kế hộ gia đình nhằm đối phó với rủi ro và giảm thiểu khả năng dễ bị tổn
thương, đồng thời cũng là để tăng cơ hội cho gia đình. Tuy nhiên, nếu trẻ em
tham gia hoạt động kinh tế hoặc làm việc nhà cho gia đình quá số thời gian quy
định so với tuổi thì lại sẽ gây ra những tổn thương, bất bình đẳng, hạn chế khả
năng phát triển nguồn vốn con người của trẻ em. Một nghiên cứu được tiến hành ở
Việt Nam cho rằng, nếu trẻ em từ 8 - 13 tuổi phải làm việc khi đang đi học sẽ
làm giảm tỉ lệ thi đỗ và thành tích học tập trong vòng 5 năm tiếp theo (Ngân hàng Thế
giới, 2007).
Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm xem xét thực trạng lao động trẻ em ở Việt Nam trong mối liên hệ với một số yếu tố của gia đình, cộng đồng và đặc trưng cá nhân của trẻ em như thế nào và những yếu tố nào ảnh hưởng đến thực trạng đó. Trước hết, nghiên cứu trình bày thực trạng lao động trẻ em theo các đặc điểm cụ thể của trẻ em và hộ gia đình, cộng đồng. Sau đó, nghiên cứu sử dụng mô hình hồi quy đa biến để đánh giá xem những đặc điểm này có mối liên hệ hoặc ảnh hưởng như thế nào đối với một số trẻ em có khả năng thuộc vào nhóm lao động trẻ em.
Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm xem xét thực trạng lao động trẻ em ở Việt Nam trong mối liên hệ với một số yếu tố của gia đình, cộng đồng và đặc trưng cá nhân của trẻ em như thế nào và những yếu tố nào ảnh hưởng đến thực trạng đó. Trước hết, nghiên cứu trình bày thực trạng lao động trẻ em theo các đặc điểm cụ thể của trẻ em và hộ gia đình, cộng đồng. Sau đó, nghiên cứu sử dụng mô hình hồi quy đa biến để đánh giá xem những đặc điểm này có mối liên hệ hoặc ảnh hưởng như thế nào đối với một số trẻ em có khả năng thuộc vào nhóm lao động trẻ em.
Theo kết quả các cuộc
khảo sát gần đây, có sự khác biệt giới tính trong lĩnh vực lao động trẻ em. Điều
tra quốc gia về lao động trẻ em Việt Nam năm 2012 cho thấy, tỉ lệ lao động trẻ
em ở nhóm trẻ em gái khoảng 60% và nhóm trẻ em trai là 40,2%. Điều tra đánh giá
các mục tiêu trẻ em và phụ nữ (MICS) năm 2011 cũng cho thấy kết quả tương tự (Tổng cục Thống
kê, 2011).
Tuổi của trẻ em lớn hơn thì tỉ lệ
tham gia lao động đóng góp thu nhập cho gia đình cao hơn (Trần Quý Long, 2009). Theo Điều tra quốc gia về lao động trẻ em Việt Nam năm 2012, lao động trẻ
em tập trung nhiều chủ yếu ở nhóm tuổi lớn hơn. Gần 58% trẻ em trong nhóm từ 15
- 17 tuổi tham gia lao động, sau đó là nhóm từ 12 - 14 tuổi với tỉ lệ gần 27%;
đáng chú ý là có 15% lao động trẻ em thuộc nhóm từ 5 - 11 tuổi (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, Tổ chức Lao động
quốc tế - ILO, 2014).
Trẻ em dân tộc thiểu
số được nhìn nhận là có tỉ lệ lao động trẻ em cao hơn trẻ em người Kinh. Sự
khác nhau này đã làm nổi bật sự bất lợi của trẻ em trong các nhóm dân tộc thiểu
số khi so sánh với nhóm dân tộc Kinh (Trần Quý
Long, 2009). Theo số liệu
khảo sát MICS 2011, tỉ lệ lao động trẻ em từ 5 - 14 tuổi trong nhóm dân tộc thiểu
số cao gấp 3 lần so với nhóm dân tộc Kinh/Hoa (Tổng cục Thống
kê, 2011). Báo cáo
phân tích tình hình trẻ em tỉnh An Giang cho biết, nhiều trẻ em người Khơ me phải
phụ giúp bố mẹ trong các công việc nông nghiệp, làm thuê lấy tiền. Một số em bắt
đầu phải làm việc từ lúc mới 6 hoặc 7 tuổi. Các công việc thường là gặt lúa hoặc
chăn thả gia súc. Một số em bán vé số ở các khu thị trấn, thị tứ, các khu chợ gần
trung tâm. Một số em tham gia buôn bán hàng hóa qua biên giới và rất dễ bị tổn
thương trước nhiều loại tệ nạn (UBND tỉnh An
Giang và UNICEF Việt Nam, 2012).
Do đời sống kinh tế
còn thấp, nhu cầu lao động trong gia đình lại cao nên trẻ em người dân tộc thiểu
số có xu hướng phải tham gia công việc gia đình rất sớm. Ngoài giờ học ở trường,
các em phải dành nhiều thời gian giúp đỡ gia đình. Sự phân công lao động mang
tính tự nhiên, phù hợp với giới tính và lứa tuổi (Lâm Bá Nam
và Nguyễn Hồng Quang, 2001). Hầu hết các
dân tộc thiểu số sinh sống ở những vùng nông thôn tương đối sâu và xa, rất ít
người tìm được việc làm trong các ngành công nghiệp và ở vùng đô thị. Rất nhiều
bậc cha mẹ không thấy được giá trị của giáo dục trên mức biết đọc và biết viết
nên trẻ em phải tham gia vào những công việc đồng áng để đủ sống về cơ bản (Geoffrey B.
Hainsworth, 2001).
Mức sống của hộ
gia đình có ảnh hưởng tới việc trẻ em tham gia lao động, với tỉ lệ lao động trẻ
em cao nhất trong nhóm các hộ nghèo nhất và thấp nhất trong nhóm các hộ giàu nhất
(Tổng cục Thống
kê, 2011). Trẻ
em thuộc các gia đình nghèo có nhiều khả năng phải lao động hơn các em thuộc
gia đình không nghèo (Young Lives,
2011). Những
hộ gia đình nghèo cần trẻ em làm việc để phát sinh thu nhập, do đó chi phí cơ hội
cho trẻ em đến trường thường thấp hơn những hộ gia đình tương đối khá giả (Trần Quý Long,
2009). Các hộ
gia đình nghèo, đông con thường chọn cách cho đứa lớn nghỉ học để đi làm giúp đỡ
gia đình còn những đứa nhỏ được đi học (UBND tỉnh Điện
Biên và UNICEF Việt Nam, 2010; UBND tỉnh Ninh Thuận và UNICEF Việt Nam, 2012). Những tầng
lớp xã hội rất nghèo là những tầng lớp thiếu công cụ sản xuất và chỉ có sức lao
động của chính mình để đảm bảo thu nhập, ưu tiên của các thành viên trong nhóm
này là kiếm sống hàng ngày chứ không phải là vấn đề đi học của con em mình (Nolwen Henaff và
Jean - Yves Martin, 2001).
Tỉ lệ lao động trẻ
em có sự khác biệt giữa hai khu vực thành thị và nông thôn. Theo các cuộc khảo
sát, khu vực nông thôn có tỉ lệ lao động trẻ em cao hơn so với khu vực thành thị
(Tổng cục
Thống kê, 2011; Young Lives, 2011). Trẻ
em nông thôn đóng vai trò quan trọng trong kinh tế gia đình và khi thời gian của
một đứa trẻ có ý nghĩa quan trọng đối với gia đình mà việc đi học của trẻ em lại
phát sinh thêm “chi phí cơ hội” thì việc đi học của trẻ em sẽ được thay thế bằng
việc tham gia vào lực lượng lao động (Indu Bhushan và cộng sự, 2001; Nguyễn Đức
Truyến và Trần Thị Thái Hà, 2014; Trần Quý Long, 2018). Theo Điều tra quốc gia về lao động trẻ
em Việt Nam năm 2012, trong tổng số lao động trẻ em thì có gần 85% sinh sống ở
khu vực nông thôn và 15% sinh sống ở khu vực thành thị. Tình trạng này có thể là
do thu nhập hộ gia đình ở khu vực nông thôn thấp hơn khu vực thành thị nên trẻ
em nông thôn phải tham gia các hoạt động kinh tế để phụ giúp nhằm nâng cao thu
nhập hộ gia đình; hơn nữa, kinh tế nông thôn chủ yếu là các hình thức kinh tế hộ
gia đình, khu vực kinh tế nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp là hình thức và
khu vực mà trẻ em dễ dàng tham gia (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng
cục Thống kê, ILO, 2014). Báo cáo phân tích tình hình trẻ em tỉnh
Ninh Thuận cho biết, tại các khu vực nông thôn vùng đồng bằng,
thông thường vào các thời điểm thu hoạch mùa màng (lúa, rau, hoa quả), trẻ em
phải nghỉ học để phụ giúp gia đình. Trên các khu vực vùng cao như vùng của người
Raglay, trẻ em nam thường được giao việc trông nom gia súc trong khi đó các em
nữ được giao đi lấy nước, kiếm củi hoặc phụ giúp việc nhà. Do các xã, thôn miền
núi không có các lớp nhà trẻ nên các em gái thường phải ở nhà trông em (UBND tỉnh Ninh
Thuận và UNICEF Việt Nam, 2012).
Có sự khác biệt giữa
các vùng trong lĩnh vực lao động trẻ em. Theo MICS 2011, vùng Trung du và miền
núi phía Bắc có tỉ lệ lao động trẻ em cao nhất, và thấp nhất là vùng Đồng bằng
sông Hồng (Tổng cục
Thống kê, 2011).
2. Số
liệu và phương pháp phân tích
Nghiên cứu này sử
dụng số liệu từ MICS Việt Nam năm 2014. MICS năm 2014 cung
cấp những số liệu có chất lượng cao với phạm vi rộng liên quan đến các chỉ báo
về lao động trẻ em và các đặc trưng cá nhân và gia đình. MICS 2014 được triển
khai trên phạm vi cả nước với mẫu khảo sát là mẫu phân tầng theo vùng, thành
thị và nông thôn và không phải là mẫu tự gia quyền. MICS 2014 đã
thực hiện việc thu thập thông tin thông qua người trả lời là đại diện hộ
gia đình về lao động trẻ em đối với nhóm trẻ em trong độ tuổi từ 5 - 17. Các câu hỏi
bao gồm về loại công việc và thời gian làm việc của trẻ em. Số liệu đã được thu
thập đối với các hoạt động kinh tế (làm công việc được trả công hoặc không được
trả công cho người ngoài hộ, làm nông nghiệp hoặc sản xuất, kinh doanh của hộ)
và làm việc nhà (nấu ăn, dọn dẹp hoặc trông em, kiếm củi hoặc lấy nước) (Tổng cục Thống
kê và UNICEF, 2015). Tại cuộc điều
tra năm 2014, có 8.578 trẻ em trong độ tuổi từ 5 - 17 là thành viên của 9.979 hộ
gia đình đã được thu thập thông tin, đây cũng là số lượng mẫu phân tích chỉ
tiêu lao động trẻ em trong nghiên cứu này.
Lao động trẻ em trong
nghiên cứu này là biến số được xây dựng từ việc kết hợp nhóm trẻ em tham gia hoạt
động kinh tế và làm việc nhà với thời gian bằng hoặc trên ngưỡng thời gian tương
ứng với độ tuổi, với trẻ em làm việc trong điều kiện nguy hiểm. Phương pháp luận
của chỉ tiêu MICS về lao động trẻ em là sử dụng ba ngưỡng số giờ tham gia hoạt
động kinh tế hoặc làm việc nhà tương ứng với ba nhóm tuổi. Một trẻ em tham gia
các hoạt động kinh tế hoặc làm việc nhà trong tuần trước điều tra nhiều hơn số
giờ tương ứng với tuổi thì được xếp vào nhóm lao động trẻ em. Cụ thể: tham gia
hoạt động kinh tế 1 giờ trở lên hoặc làm việc nhà 28 giờ trở lên đối với nhóm từ
5 - 11 tuổi; tham gia hoạt động kinh tế 14 giờ trở lên hoặc làm việc nhà 28 giờ
trở lên đối với nhóm từ 12 - 14 tuổi; và tham gia hoạt động kinh tế hoặc làm việc
nhà 43 giờ trở lên đối với nhóm từ 15 - 17 tuổi (Tổng cục Thống
kê và UNICEF, 2015).
Thực trạng lao động trẻ em
theo các đặc điểm cụ thể của cá nhân và hộ gia đình sẽ được phân tích trước hết
bằng tương quan hai biến. Cùng với đó là phân tích biểu đồ và hệ số bất bình đẳng.
Biểu đồ bất bình đẳng là một loại đồ thị dùng để biểu diễn mức độ thiếu đồng đều
hoặc bất bình đẳng của một phân phối nào đó. Đường phân bố (ĐPB) của biểu đồ
càng cong thì sự bất bình đẳng càng cao và ngược lại. Hệ số bất bình đẳng tương
tự hệ số GINI nhưng nó có cả số âm và được tính bằng 2 lần diện tích giữa đường bình đẳng (ĐBĐ) với
đường cong bất bình đẳng. Sau khi phân tích hai biến, nghiên cứu sử dụng mô
hình hồi quy đa biến để đánh giá những đặc trưng cá nhân và gia đình có ảnh hưởng
như thế nào đối với việc một trẻ em được xác định là lao động trẻ em trong khi
tính đến ảnh hưởng của những yếu tố khác.
3. Đặc điểm và các yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng lao động trẻ em
3.1. Phân tích hai biến
Kết quả phân tích số liệu MICS 2014 cho thấy, khoảng
16,4% trẻ em trong độ tuổi từ 5 - 17 thuộc nhóm lao động trẻ em (tham gia các
hoạt động kinh tế hoặc làm các công việc nhà cho gia đình vượt quá ngưỡng phù hợp
với độ tuổi).
Không có sự khác biệt giới tính trong vấn đề lao động trẻ
em. Tuổi có mối quan hệ đồng biến với tỉ lệ tham gia hoạt động kinh tế của trẻ
em. Cụ thể, tỉ lệ lao động trẻ em ở nhóm tuổi nhỏ nhất (từ 5 - 11 tuổi) là
15,4%, tỉ lệ này cao hơn 1,6 điểm phần trăm ở nhóm tuổi lớn hơn (từ 12 - 14 tuổi).
Nhóm trẻ em lớn tuổi nhất (từ 15 - 17 tuổi) có tỉ lệ lao động trẻ em cao nhất,
18,7%. Mặc dù tỉ lệ lao động trẻ em ở nhóm nhỏ tuổi nhất là thấp nhất nhưng nó
cũng cho thấy vấn đề đáng quan ngại và thách thức do nhóm tuổi này còn nhỏ và
đang trong độ tuổi đi học ở bậc tiểu học - bậc học bắt buộc phổ cập theo Luật
Giáo dục.
Hộ gia đình người dân tộc thiểu số có tỉ lệ lao động trẻ
em cao hơn khoảng 28 điểm phần trăm so với hộ gia đình người Kinh, 39,5% so với
11,7% và sự khác biệt này rất có ý nghĩa thống kê.
Việc đi học có mối liên hệ chặt chẽ với lao động trẻ em,
nếu như có khoảng một nửa (50,1%) trẻ em không đi học thuộc nhóm lao động trẻ
em thì tỉ lệ này ở nhóm có đi học chỉ là 13,6%. Kết quả này cho thấy, tình trạng
đi học của trẻ em được dự báo là sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc làm giảm nguy
cơ lao động trẻ em.
Học vấn của người mẹ
và tỉ lệ lao động trẻ em có mối quan hệ nghịch biến. Nghĩa là trẻ em ở nhóm người
mẹ có học vấn cao hơn thì có tỉ lệ lao động trẻ em thấp hơn. Nếu như có 27,9% ở
nhóm người mẹ có trình độ học vấn từ tiểu học trở xuống có lao động trẻ em thì
tỉ lệ này giảm xuống mức 14% ở nhóm người mẹ có trình độ học vấn trung học cơ sở
và chỉ còn 5,4% ở nhóm người mẹ có trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở
lên.
Mức sống của hộ gia đình có
mối quan hệ nghịch biến rất có ý nghĩa thống kê với tỉ lệ lao động trẻ em. Hộ
gia đình có mức sống cao hơn có tỉ lệ lao động trẻ em thấp hơn. Theo đó, tỉ lệ
lao động trẻ em ở nhóm gia đình có mức sống thấp nhất là 33,9%, tỉ lệ này giảm
xuống mức 13,2% ở nhóm có mức sống trung bình và tiếp tục giảm xuống mức 4% ở
nhóm có mức sống cao nhất. Qua đó cho thấy, các hộ gia đình có mức sống nghèo thường ít có khả năng tạo ra nguồn lực cho chính
mình, vì vậy lại làm tăng khả năng huy động trẻ em tham gia lao động.
Biểu đồ 1 phân tích sự bất bình đẳng bằng đường cong về tỉ lệ lao động trẻ
em theo mức sống hộ gia đình. Trên đồ thị, đoạn đường cong đầu tiên của đường
phân bố thể hiện tỉ lệ lao động trẻ em ở nhóm hộ gia đình có mức sống nghèo nhất.
Tại thời điểm khảo sát, dân số trẻ em ở nhóm hộ gia đình nghèo nhất là 23,1%
nhưng tỉ lệ lao động trẻ em của nhóm hộ gia đình này lại là 46,3%. Ngược lại, số
lượng trẻ em ở hộ gia đình có mức sống giàu nhất là 21% nhưng tỉ lệ lao động trẻ
em chỉ là 5,5%. Hệ số bất bình đẳng trong tỉ lệ lao động trẻ em giữa các nhóm mức
sống trong mẫu phân tích được tính toán là -0,37.
Biểu đồ 1: Bất bình đẳng
theo mức sống trong tỉ lệ lao động trẻ em
Kết quả
phân tích cho thấy, khu vực nông thôn có tỉ lệ lao
động trẻ em cao gấp đôi khu vực thành thị, 19,4% so với 9,7%. Giữa các vùng có sự khác biệt trong tỉ lệ
lao động trẻ em. Trong đó, vùng có tỉ lệ lao động trẻ em thấp nhất là Đồng bằng
sông Hồng (4,2%). Ngược lại, Trung du và miền núi phía Bắc là vùng có tỉ lệ lao
động trẻ em cao nhất cả nước (36,3%), thứ hai là Tây Nguyên với 25,6%.
3.2. Phân tích đa biến
Kết quả phân tích đa biến bằng
hồi quy logistic về ảnh hưởng của các yếu tố đối với xác suất trở thành lao động
trẻ em được trình bày ở bảng 1. Các biến số độc lập đưa vào mô hình giải thích được 23% sự biến thiên của biến số phụ
thuộc là tỉ lệ lao động trẻ em. Hệ số chênh lệch về xác suất lao động trẻ em giữa
các nhóm/phân tổ nghiên cứu so với nhóm so sánh được thể hiện ở cột Exp(B). Khoảng
tin cậy (C.I) 95% của Exp (B) thể hiện ở hai cột tiếp theo với giá trị cận trên
và cận dưới và cột cuối cùng (N) thể hiện số lượng mẫu của từng nhóm được đưa
vào phân tích. Các phân tích sau đây đánh giá tương quan/ảnh hưởng của từng biến
số độc lập đến xác suất trẻ em được tính vào nhóm lao động trẻ em với nguyên tắc
là các biến số độc lập khác trong mô hình hồi quy được giữ nguyên không đổi.
Phù hợp với kết quả phân tích hai biến, biến số giới tính
không ảnh hưởng đến việc trẻ em tham gia lực lượng lao động trẻ em. Điều này cho thấy trong tất cả các loại hình
công việc từ hoạt động kinh tế đến làm việc nhà đều có sự tham gia của trẻ em
trai và trẻ em gái. Bên cạnh đó, quy mô hộ gia đình ở Việt Nam ngày càng thu
hẹp hơn, do đó trẻ em phải lao động làm việc nhà hoặc lao động tìm kiếm thu
nhập cùng với gia đình cho dù bất luận giới tính của mình là gì.
Tuổi tác động có ý nghĩa
thống kê đến xác suất thuộc vào nhóm lao động trẻ em. Khi tăng thêm một tuổi
thì xác suất thuộc vào nhóm lao động trẻ em của trẻ em tăng lên 5% (Exp
(B)=1,05; 95% C.I: 1,02-1,07; p< 0,001). Kết quả phân tích này cho thấy tầm
quan trọng của biến số tuổi trong vấn đề lao động trẻ em, một mặt phản ánh khả
năng tham gia lao động của trẻ em, mặt khác làm nổi bật trẻ em là nguồn cung
cấp lao động riêng cho hộ gia đình khi tuổi lớn hơn. Tuy nhiên, vấn đề lao động
trẻ em sẽ có tác hại to lớn hơn đến kết quả học tập vì tập trung vào lao động
sẽ khiến trẻ em không học được gì nhiều ở nhà trường. Lao động trẻ em sẽ dẫn
đến bỏ học quá sớm và phải trả giá đắt bằng năng suất sau này. Thu nhập bị mất
và thiếu tích lũy kĩ năng sẽ làm cho một cá nhân khó có thể thoát nghèo đói khi
trưởng thành (Ngân hàng Thế giới, 2007).
Hệ số hồi quy từ mô hình
phân tích cho thấy, trong cùng điều kiện xác định ảnh hưởng bởi các biến số độc
lập khác trong mô hình, xác suất trở thành một lao động trẻ em của nhóm trẻ em
không đi học cao hơn đến 4 lần so với nhóm trẻ em đi học (Exp (B)=4,04; 95%
C.I: 3,13-5,21; p< 0,001). Thực tế này cho thấy, mặc dù chi phí cơ hội bị mất
do trẻ em không lao động mà đi học nhưng gia đình và bản thân các em vẫn nhận
thức được giáo dục là một sự đầu tư có hiệu quả, là một phương thức giảm nghèo
vì thế đã tích cực đầu tư vào nguồn vốn nhân lực cho trẻ em. Đi học đem lại cho
trẻ em nhiều hoạt động và vai trò mới sẽ chiếm nhiều thời gian hơn nên dẫn đến
việc tham gia lao động ít hơn. Ngoài ra, các nguyện vọng mong muốn con cái có học
vấn cao hơn được đan xen với các hi vọng về sự di động xã hội đi lên để có một
cuộc sống ổn định hơn có vẻ là một sự giải thích cho việc trẻ em đang đi học ít
tham gia lao động (Trần Quý
Long, 2009). Kết quả khảo
sát cho thấy một số trẻ em đang đi học nhưng cũng tham gia lực lượng lao động
trẻ em. Rõ ràng đây là một vấn đề rất đáng lưu ý. Thời gian và năng lượng cần
thiết cho công việc ảnh hưởng đến khả năng trẻ em thu nhận được lợi ích giáo dục
trong thời gian ở trường học cũng như thời gian tự học tập ngoài giờ học. Việc
trẻ em tham gia lao động có xu hướng đạt kết quả học tập kém và dễ bị tụt hậu
so với các bạn đồng trang lứa không phải làm việc trong quá trình học tập (ILO, 2017).
Bảng 1: Mô hình hồi quy logistic về xác suất trở thành lao động trẻ em
|
|||||
Đặc trưng
|
Exp(B)
|
95% C.I
|
N
|
||
Giới tính
|
Nam (nhóm so sánh)
|
1
|
2.539
|
||
Nữ
|
0,90
|
0,76
|
1,07
|
2.218
|
|
Tuổi
|
1,05***
|
1,02
|
1,07
|
4.757
|
|
Thành phần
|
Kinh (nhóm so sánh)
|
1
|
3.870
|
||
dân tộc
|
Dân tộc thiểu số
|
1,65***
|
1,29
|
2,12
|
887
|
Đi học
|
Có (nhóm so sánh)
|
1
|
4.373
|
||
Không
|
4,04***
|
3,13
|
5,21
|
384
|
|
Trình độ học
|
Tiểu học (nhóm so sánh)
|
1
|
1.493
|
||
vấn của mẹ
|
Trung học cơ sở
|
0,81*
|
0,66
|
0,99
|
1.920
|
>= Trung học phổ thông
|
0,53***
|
0,39
|
0,72
|
1.344
|
|
Mức sống
|
Nghèo nhất (nhóm so sánh)
|
1
|
1.095
|
||
Nghèo
|
0,82
|
0,64
|
1,06
|
831
|
|
Trung bình
|
0,77***
|
0,58
|
1,02
|
847
|
|
Khá giả
|
0,52***
|
0,37
|
0,72
|
976
|
|
Giàu
|
0,37***
|
0,24
|
0,58
|
1.008
|
|
Khu vực
|
Thành thị (nhóm so sánh)
|
1
|
1.924
|
||
Nông thôn
|
1,28*
|
1,03
|
1,58
|
2.833
|
|
Vùng
|
Trung du và Miền núi phía Bắc (nhóm so
sánh)
|
1
|
787
|
||
Đồng bằng sông Hồng
|
0,23***
|
0,15
|
0,36
|
680
|
|
Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung
|
0,64**
|
0,48
|
0,85
|
741
|
|
Tây Nguyên
|
0,59***
|
0,46
|
0,76
|
921
|
|
Đông Nam Bộ
|
0,45***
|
0,32
|
0,63
|
794
|
|
Đồng bằng sông Cửu Long
|
0,55***
|
0,41
|
0,74
|
834
|
Ghi chú: Mức ý nghĩa thống kê: * p <
0,05; ** p < 0,01; *** p < 0,001.
Khi các yếu tố khác được
tính đến, ảnh hưởng của biến số “dân tộc thiểu số” đến tình trạng lao động trẻ
em vẫn có ý nghĩa thống kê. Theo kết quả phân tích, trẻ em là người dân tộc
thiểu số có xác suất rơi vào nhóm lao động trẻ em cao hơn trẻ em dân tộc Kinh
1,65 lần (Exp (B)=1,65; 95% C.I: 1,29-2,12; p< 0,001). Kết quả này một lần nữa cho thấy sự bất lợi của trẻ em ở gia
đình người dân tộc thiểu số là thường gặp những khó khăn về kinh tế và bị dồn
đẩy vào sự tham gia lao động nhiều hơn. Hệ quả này có thể xuất phát từ những
khác biệt trong văn hóa, phong tục tập quán và thái độ giữa hai nhóm dân tộc về
việc đóng góp lao động của trẻ em. Ngoài ra, những rào cản khác mang tính chất
đặc thù và được tích hợp trong đặc trưng của trẻ em dân tộc thiểu số cũng cần
phải được nhắc đến trong vấn đề lao động trẻ em như nghèo đói, nhận thức và cấu
trúc xã hội. Đây là một trong những vấn đề cần chú ý trong việc xác định những
giải pháp để nâng cao hiệu quả của việc đầu tư vào nguồn vốn nhân lực, chăm sóc
phát triển trẻ em ở các vùng dân tộc thiểu số trong thời gian tới.
Khi người mẹ có học vấn cao hơn thì xác suất thuộc vào
nhóm lao động trẻ em của con cái lại giảm và tác động này rất có ý nghĩa thống
kê. So với nhóm có mẹ với học vấn từ tiểu học trở xuống, xác suất trẻ em thuộc
nhóm lao động trẻ em ở nhóm có mẹ với học vấn trung học cơ sở cao hơn 2,67 lần
và ở nhóm có mẹ với học vấn từ trung học phổ thông trở lên cao hơn 8,56 lần. Điều
này khẳng định, mối quan hệ giữa học vấn người mẹ và khả năng trẻ em thuộc vào
nhóm lao động trẻ em vẫn là mối quan hệ trực tiếp và nhân quả mặc dù có tính đến
ảnh hưởng của các biến số khác có trong mô hình. Ngoài việc là những
nhà giáo dục đầu tiên, các bậc cha mẹ có học vấn cao hơn đóng vai trò quan trọng
trong việc định hướng nhu cầu và tinh thần trách nhiệm trong cuộc sống cho con
cái, họ cũng có khả năng hơn trong việc đầu tư học hành và giới hạn lao động trẻ
em ở con cái.
Mức sống của hộ gia đình có ảnh hưởng với mức ý nghĩa thống kê cao đến xác suất trẻ
em thuộc vào nhóm lao động trẻ em. So với hộ gia đình có mức sống nghèo nhất, trẻ
em trong hộ gia đình có mức sống cao nhất có xác suất lao động trẻ em thấp hơn
0,63 lần (Exp (B)=0,37; 95% C.I: 0,24-0,58; p< 0,001). Mặc dù thực tế có một
bộ phận trẻ em thuộc các hộ khá giả cũng rơi vào tình trạng lao động trẻ em
nhưng số liệu phân tích chỉ ra rằng, trẻ em có mức sống càng cao thì càng ít phải
tham gia lao động đóng góp thu nhập và làm các công việc nhà cho gia đình vượt
quá ngưỡng quy định theo tuổi. Những hộ gia đình nghèo nhất không thể đáp ứng
những nhu cầu tiêu dùng hiện tại nếu không có nguồn thu nhập do lao động trẻ em
mang lại, vì vậy học vấn của trẻ em và triển vọng thoát nghèo phải nhường chỗ
cho sự tồn tại trước mắt (Ngân hàng Thế
giới, 2007).
Khác biệt
giữa thành thị và nông thôn trong vấn đề lao động trẻ em được khẳng định qua
phân tích số liệu MICS năm 2014 khi tính đến ảnh hưởng của các biến số khác
trong mô hình. Trẻ em cư trú ở thành thị có xu hướng thuộc vào tình trạng lao động
trẻ em ít hơn so với trẻ em ở khu vực nông thôn. Điều này hàm ý rằng trẻ em ở
khu vực thành thị thường được yêu cầu tập trung cho việc học tập hơn, mặt khác
nó thể hiện sự sẵn có việc làm ở khu vực nông thôn hơn. Kinh tế hộ gia đình đã
tồn tại từ rất lâu ở nông thôn Việt Nam. Trước đây, chức năng sản xuất của gia
đình chỉ thuần túy là sản xuất nhỏ lẻ mang bản chất tự cung tự cấp là chính.
Ngày nay với việc phát triển của kinh tế thị trường, việc sản xuất ở hộ gia
đình không còn mang tính tự cung tự cấp mà sản xuất nhằm hướng đến thị trường,
do đó yêu cầu một lực lượng đông đảo người lao động tham gia, trong đó có trẻ
em (Trần Quý Long, 2009).
Cuối cùng,
xác suất trẻ em thuộc nhóm lao động trẻ em ở các vùng đều thấp hơn so với vùng
so sánh là Trung du và miền núi phía Bắc, trong đó vùng Đồng bằng sông Hồng là
vùng có xác suất thấp hơn đến 77% (Exp (B)=0,23; 95% C.I: 0,15-0,36; p<
0,001). Tác động của yếu tố vùng đến khả năng trẻ em tham gia lực lượng lao động
không chỉ phản ánh các điều kiện địa lí - tự nhiên, mà còn phản ánh cơ cấu kinh tế - xã hội,
sự sẵn có của việc làm và thái độ đối
với việc tham gia lao động của trẻ em.
Vùng Trung du và miền núi phía Bắc có xác suất lao động trẻ em cao nhất cho thấy
những khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội cũng như thái độ đối với lao động
trẻ em nổi bật ở vùng này.
Kết luận
Phân tích kết quả Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em
và phụ nữ Việt Nam năm 2014 cho thấy, vấn đề trẻ em
tham gia hoạt động đóng góp thu nhập hoặc làm việc nhà cho gia đình với số thời
gian vượt quá so với tuổi là một thực tế. Mục đích của nghiên cứu là kiểm nghiệm
những yếu tố có thể ảnh hưởng đến vấn đề lao động trẻ em và kết quả phân tích
cho thấy tầm quan trọng của các yếu tố đó. Toàn bộ kết quả nghiên cứu cho thấy
rằng, không chỉ đặc trưng nhân khẩu học xã hội của cá nhân có ảnh hưởng đến vấn
đề lao động trẻ em mà đặc trưng của hộ gia đình và các yếu tố cộng đồng cũng là
những yếu tố quan trọng. Nhìn chung, trẻ em ở nhóm tuổi lớn hơn,
là dân tộc thiểu số, không đi học, mẹ có học vấn thấp, mức sống gia
đình thấp, cư trú ở khu vực nông thôn, vùng Trung du và miền núi phía Bắc có khả
năng trở thành lao động trẻ em cao hơn so với trẻ em khác.
Kết quả phân tích cho thấy,
yếu tố không đi học có ảnh hưởng mạnh nhất đến khả năng trở thành lao động trẻ
em. Qua đó có thể thấy rằng, những trẻ em không đi học phải tham gia vào thị
trường lao động sớm hoặc phải làm các công việc nhà nhiều thờ gian hơn so với tuổi. Nếu một cá nhân với trình độ học
vấn cao hơn thì có thể giúp thay đổi cuộc sống bằng cách giảm nghèo, cải thiện
kết quả sức khỏe, tiến bộ trong việc áp dụng công nghệ và gia tăng sự gắn kết
xã hội. Những trẻ em mà không được đi học và phải lao động quá với thời gian
quy định so với tuổi thì đây thực sự là một cơ hội bị bỏ lỡ và phải chịu “gánh
nặng kép” trong tương lai. “Gánh nặng kép” này là do nguồn vốn con người vừa bị
hạn chế (học vấn, kĩ năng thấp; sức khỏe bị ảnh hưởng, sự sung mãn tinh thần
kém do phải lao động) vừa không thể đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và
chỉ làm những công việc lao động giản đơn, không có kĩ năng với thu nhập thấp.
Lao động trẻ em có
thể gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ em, do
đó cần phải loại bỏ. Để hạn chế và loại bỏ lao động trẻ em, cần phải thực hiện
nghiêm túc các yếu tố bảo vệ trẻ em từ cấp quốc gia, cộng đồng, nhà trường, hộ
gia đình cho đến cấp cá nhân. Đối với cấp quốc gia, việc thực hiện nghiêm chỉnh
các văn bản pháp luật liên quan đến vấn đề lao động trẻ em cần phải đặt lên
hàng đầu. Các cộng đồng cần phải thay đổi quan niệm, thái độ, phong tục tập
quán về vấn đề lao động trẻ em. Nhà trường cần trang bị những kiến thức về nguy
cơ trẻ em phải lao động quá số giờ phù hợp với tuổi, tăng cường các giải pháp
huy động trẻ em đến trường học. Giáo dục miễn phí và bắt buộc có chất lượng tốt
đối với trẻ em trong độ tuổi đi học là một yếu tố quan trọng nhằm chấm dứt lao
động trẻ em (ILO,
2017). Cuối cùng là hộ
gia đình và bản thân trẻ em cũng phải thay đổi nhận thức và hành vi về vấn đề
lao động trẻ em. Việc tạo điều kiện cho trẻ em tiếp cận giáo dục, tham gia học
tập cần phải được cha mẹ ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển nguồn vốn
nhân lực của gia đình. Nếu vấn đề lao động trẻ em không được loại trừ ở những
gia đình yếu thế như dân tộc thiểu số, nghèo, học vấn của bố mẹ thấp, sống ở nông
thôn và vùng sâu, vùng xa thì đặc trưng yếu thế lại được tái cấu trúc trong
tương lai ở thế hệ tiếp theo.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, ILO. 2014. Điều tra quốc gia về
lao động trẻ em 2012 - Các kết quả chính. Hà Nội.
2. Geoffrey B. Hainsworth. 2001. "Phát triển
nguồn nhân lực". In
trong: Nolwen Henaff và Jean-Yves Martin (chủ biên). Lao động, việc làm và nguồn nhân lực ở Việt Nam 15 năm Đổi mới. Hà
Nội: Nxb. Thế giới.
3. ILO.
2017. Global estimates of child labour:
Results and trends, 2012 - 2016. International Labour Organization, Geneva.
4. Indu
Bhushan, Erik Bloom, Nguyễn Minh Thắng và Nguyễn Hải Hữu. 2001. Vốn nhân lực của người nghèo ở Việt Nam:
Tình hình và các lựa chọn về chính sách. Hà Nội: Nxb. Lao động - Xã hội.
5. Lâm
Bá Nam và Nguyễn Hồng Quang. 2001. Trẻ em
và gia đình các dân tộc thiểu số ở Việt Nam - Thực trạng và nhu cầu trợ giúp
(Nghiên cứu trường hợp 10 nhóm dân tộc thiểu số). DRCC, CEMMA và UNICEF. Hà
Nội.
6. Ngân hàng Thế giới. 2007. Báo cáo phát triển thế giới 2007: Phát triển và thế hệ kế cận. Hà
Nội: Nxb. Văn hóa Thông tin.
7. Nguyễn
Đức Truyến và Trần Thị Thái Hà. 2014. "Xu hướng biến đổi giáo dục của hộ
gia đình nông thôn trong thời kì đổi mới". Tạp chí Xã hội học, số 2, tr. 38 - 48.
8. Nolwen Henaff và Jean-Yves Martin. 2001. "Tổ
chức lại nền kinh tế và cơ cấu lại xã hội". In trong: Nolwen Henaff
và Jean Yves Martin (chủ biên). Lao động,
việc làm và nguồn nhân lực ở Việt Nam 15 năm Đổi mới. Hà Nội: Nxb. Thế giới.
9. Tổng
cục Thống kê. 2011. Việt Nam - Điều tra
đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ. Hà Nội: Nxb. Thống kê.
10. Tổng
cục Thống kê và UNICEF. 2015. Điều tra
đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2014. Báo cáo cuối cùng. Hà
Nội.
11. Trần Quý Long. 2009. "Trẻ em và sự tham gia
lao động đóng góp thu nhập cho gia đình". Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, số 4, tr.
44 - 55.
12. Trần
Quý Long. 2018. "Việc đi học của trẻ em trong độ tuổi trung học và những yếu
tố ảnh hưởng". Tạp chí Nghiên cứu Gia
đình và Giới, số 1, tr. 82 - 90.
13. UBND
tỉnh An Giang và UNICEF Việt Nam. 2012. Báo
cáo phân tích tình hình trẻ em tỉnh An Giang.
14.
UBND tỉnh Ninh Thuận và UNICEF Việt
Nam. 2012. Báo cáo phân tích tình hình trẻ
em tỉnh Ninh Thuận.
15. UBND
tỉnh Điện Biên và UNICEF Việt Nam. 2010. Báo
cáo phân tích tình hình trẻ em tỉnh
Điện Biên.
16.
UNICEF. 2010. Báo cáo phân tích
tình hình trẻ em tại Việt Nam. Hà Nội.
17. Young Lives. 2011. Báo cáo điều tra vòng 3: Trẻ em lớn lên như thế nào trong thiên niên kỉ
mới? Những kết quả ban đầu của Việt Nam. Chương trình những cuộc đời trẻ
thơ. Hà Nội.
* ThS.; Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn
lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Bài viết hay lắm ạ. Rất mong nhiều nghiên cứu như thế này.
ReplyDelete