Trần Quý Long *
Đề nghị trích dẫn: Trần Quý
Long (2015). Quy mô hộ gia đình ở một số địa phương khu vực Bắc Trung Bộ và
các yếu tố ảnh hưởng. Tạp chí Phát triển
bền vững vùng, số 4, tr. 53-60.
1. Giới thiệu
Một đặc trưng cần
phải đề cập đến khi xem xét cấu trúc hộ gia đình là quy mô (số lượng thành viên
đang sống chung) của hộ gia đình. Quy mô hộ gia đình phản ánh nhiều khía
cạnh khác nhau của đời sống xã hội, dân số và kinh tế cũng như đóng vai trò
quan trọng đối với phúc lợi xã hội của gia đình và cá nhân. Ngoài ra, quy mô hộ
gia đình không chỉ cung cấp thông tin số thành viên ở chung mà còn phản ánh
những khía cạnh về mức sinh, cấu trúc nhân khẩu - lao động, tỷ lệ phụ thuộc và cả
những quan hệ kinh tế, văn hóa - xã hội của hộ gia đình. Theo hiểu biết chung
nhất, quy mô hộ gia đình là một hàm số thể hiện mức độ sinh đẻ và số thành viên
đã trưởng thành cùng ở chung.
Nghiên cứu này
được thực hiện nhằm tìm hiểu các yếu tố có thể ảnh hưởng đến quy mô hộ gia đình
ở một số địa phương thuộc khu vực Bắc Trung bộ. Trước hết, nghiên cứu trình bày
thực trạng số lượng thành viên đang chung sống theo các đặc điểm cụ thể của hộ
gia đình. Sau đó, nghiên cứu sử dụng mô hình hồi quy đa biến để đánh giá xem
những đặc điểm này có mối quan hệ hoặc ảnh hưởng như thế nào đối với số lượng thành
viên đang sống chung với nhau trong hộ gia đình.
2.1. Số liệu
Số liệu cho nghiên cứu được sử dụng từ cuộc khảo sát trong khuôn khổ đề tài
cấp bộ “Các quan hệ gia đình ở khu vực Bắc Trung bộ trong bối cảnh công nghiệp
hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế” của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới,
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Cuộc khảo sát đã được thực hiện tại 4 xã
và 2 phường thuộc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh vào năm 2013 với số lượng 605 hộ
gia đình. Tại tỉnh Nghệ An, phường Lê Mao ở thành phố Vinh và 2 xã Quỳnh Thanh
và Quỳnh Yên của huyện Quỳnh Lưu đã được chọn. Tương tự, các địa phương được
lựa chọn tại tỉnh Hà Tĩnh bao gồm phường Đại Nài ở thành phố Hà Tĩnh và 2 xã
Tùng Ảnh và Đức Lạng thuộc huyện Đức Thọ. Tại mỗi địa bàn xã/phường, 100 hộ gia
đình đã được chọn ngẫu nhiên để khảo sát thông qua người đại diện là chồng hoặc
vợ.
2.2.
Biến số
Biến số phụ thuộc của
nghiên cứu là một biến số có
tính chất định lượng (numeric variabe) thể hiện số thành viên đang sống cùng nhau trong hộ gia đình ở
các địa bàn khảo sát.
Các biến số độc lập (biến số dự báo) đáng quan tâm trong nghiên cứu này
là các biến số nhân khẩu học, kinh tế-xã hội ở cấp độ phân tích hộ gia đình bao gồm khu vực cư trú, mức sống, tôn giáo, loại hình gia
đình và số năm kết hôn của các cặp vợ chồng và cấp độ cá nhân như học vấn và tuổi kết hôn của người vợ.
Khu vực cư trú của hộ gia đình được xác định thông qua
biến số nhị phân với hai giá trị là nông thôn bằng 1 và thành thị bằng 0. Tiếp theo, một biến số được xây dựng
với 2 giá trị là không theo đạo (0) và có theo đạo Thiên chúa (1) nhằm phản ánh
loại hình tôn giáo của hộ gia đình. Tương tự, nếu như một hộ gia đình có từ 3
thế hệ trở lên (còn gọi là gia đình mở rộng) sẽ được mã hóa bằng 1 và ngược lại
sẽ bằng 0. Mức sống của hộ gia đình là một biến số phân loại với 3 loại hình
mức sống theo ý kiến của người trả lời bao gồm: khá, trung bình và dưới trung
bình. Trong kỹ thuật phân tích hồi quy đa biến, một nhóm sẽ không được đưa vào
mô hình mà để dùng so sánh với các nhóm khác. Vì thế, nhóm hộ gia đình có mức
sống dưới trung bình sẽ được dùng để làm nhóm so sánh với hai nhóm có mức sống
cao hơn.
Một biến số mang đặc trưng của hộ gia đình được đưa vào phân tích là độ
dài hôn nhân của các cặp vợ chồng. Đây là một biến số mang tính chất định lượng
thể hiện số năm chung sống với nhau
của
các cặp vợ chồng kể từ khi kết hôn đến thời điểm khảo sát.
Nghiên cứu sẽ tiến hành phân tích các đặc trưng cá nhân của người vợ (là
bản thân hoặc vợ của người trả lời) để xem xét có mối liên hệ như thế nào với
quy mô hộ gia đình. Hai đặc trưng của người vợ được phân tích bao gồm lớp học
đã hoàn thành và tuổi kết hôn. Trong một chừng mực nhất định học vấn của vợ và chồng thường có mối tương
quan với nhau và khó có thể tách riêng tác động của hai chỉ báo này. Về tính
chất của biến số, học vấn và tuổi kết hôn của người vợ là những biến số định
lượng.
Học vấn của phụ nữ
là một chỉ báo có khả năng dự đoán được triển vọng sống chung của các thành
viên hộ gia đình. Nhiều nghiên cứu cho thấy giáo dục của người phụ nữ là thước đo tốt nhất
phản ánh tình trạng kinh tế xã hội và năng lực của cá nhân, vì thế nó cũng có
thể là yếu tố có nhiều khả năng trong việc quyết định quy mô và loại hình gia
đình.
Quy mô hộ gia đình
không chỉ phụ thuộc vào số sinh được kiểm soát bên trong gia đình mà còn phụ
thuộc vào độ tuổi bước vào hôn nhân. Tuổi kết hôn là một yếu tố quan trọng phản ánh khả năng sinh học và chu
trình sinh sản của người phụ nữ. Tuổi kết hôn cũng quan trọng đối với quy mô hộ
gia đình ở những xã hội khác nhau vì nó có tác động trực tiếp đến sự biến thiên
của mức sinh. Tuổi kết hôn sớm thường dẫn đến việc sinh con sớm. Việc sinh con
sớm không những có ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ và trẻ em mà còn làm cho
thời gian tham gia vào quá trình sinh sản của người mẹ kéo dài hơn và do đó số
con sẽ nhiều hơn (Trần Quý Long, 2014).
2.3.
Kỹ thuật phân tích
Trước hết, nghiên
cứu trình bày thực trạng quy mô hộ gia đình ở các địa bàn thu thập thông tin theo
các đặc trưng cụ thể của hộ gia đình và của cá nhân người vợ. Giá trị trung
bình về quy mô hộ gia đình sẽ được sử dụng để so sánh nhằm tìm kiếm sự khác
biệt giữa các nhóm khác nhau về các đặc điểm hộ gia đình và cá nhân. Sau đó mô
hình hồi quy đa biến sẽ được dùng phân tích ảnh hưởng/mối quan hệ của các biến
số độc lập đối với số lượng nhân khẩu đang sống chung trong hộ gia đình.
Mặc dù phân tích hai chiều cũng làm sáng tỏ khi xem xét ảnh hưởng của các
biến số độc lập đối với số lượng thành viên hộ gia đình nhưng phương pháp này
cũng có nhược điểm quan trọng là các ảnh hưởng đó có thể tương quan với nhau và
do đó không phải tất cả đều thể hiện sự tác động độc lập. Để giải quyết vấn đề
này, cần phải phân tích bằng một mô hình hồi quy đa biến. Với biến số phụ thuộc
mang tính chất định lượng, kỹ thuật hồi
quy tuyến tính được nghiên cứu sử dụng để phân tích. Hồi quy tuyến tính là một
phương pháp cố gắng quy các điểm rời rạc của dữ liệu về một đường thẳng theo
phương pháp bình phương nhỏ nhất thông thường (OLS).
3. Kết quả nghiên cứu
3.1. Một số đặc trưng mẫu phân tích
Trong số 605 hộ gia đình
được khảo sát ở 6 xã/phường của
hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, có 65,8% hộ gia đình sống ở khu vực nông thôn,
ngược lại hộ gia đình sống ở khu vực thành thị là 24,2%. Tỷ lệ hộ gia đình trong
mẫu khảo sát theo đạo Thiên chúa là 24,8%, số còn lại là không theo bất cứ tôn
giáo nào hoặc theo đạo Phật nhưng với số lượng rất ít.
Hộ gia đình mở rộng
bao gồm từ 3 thế hệ trở lên chiếm 23,1% trong toàn bộ mẫu khảo sát, số còn lại
là gia đình hạt nhân 2 thế hệ. Mức sống của các hộ gia đình tham gia khảo sát
chủ yếu là trung bình với tỷ lệ là 65,3%, một phần năm hộ gia đình có mức sống
dưới trung bình và chỉ có 13,7% hộ gia đình có mức sống khá.
Số năm kết hôn
trung bình của các cặp vợ chồng trong số các hộ gia đình được thu thập thông tin là 18 năm
với độ lệch chuẩn là 7,76 và có khoảng cách từ 1 đến 38 năm. Có 18% và 61,8% số
cặp vợ chồng đã kết hôn từ 10 năm trở xuống và từ 20 năm trở xuống.
Đối với các đặc
trưng người vợ trong hộ gia đình, số lớp học đã hoàn thành trung bình là 9,38.
Tỷ lệ người vợ đã học xong lớp 12 chiếm tỷ lệ cao nhất, 28,6%, những người đã học
xong lớp 9 chiếm số lượng cao thứ hai với tỷ lệ 25,1%. Chỉ có khoảng một phần mười
(10,8%) người vợ có học vấn từ cao đẳng, đại học trở lên. Độ tuổi kết hôn trung
bình của người vợ trong hộ gia đình là 22. Có 13,5% số người vợ kết hôn từ 18
tuổi trở xuống và tính chung có 78,4% đã kết hôn dưới 25 tuổi.
3.2. Kết quả phân tích
Theo kết quả phân
tích số liệu, số lượng thành viên hộ gia đình đang sống chung trung bình tại các địa bàn khảo sát là 5,09
người với độ lệch chuẩn là 1,82 và có sự phân bố từ 3 đến 13 người. Trong đó, hộ
gia đình có 4 người chiếm tỷ lệ cao nhất, 34,9%, tiếp theo là hộ gia đình có 5
người với tỷ lệ 25,3%. Hộ gia đình có 3 người và 6 người chiếm tỷ lệ tương
đương nhau với khoảng 12%. Số phần trăm còn lại bao gồm những hộ gia đình có số
thành viên từ 7 đến 13 người.
Biểu đồ 1 trình
bày phân tích đơn biến về mối quan hệ giữa các biến số độc lập và số thành viên
trong hộ gia đình. Xét về khu vực cư trú thành thị hay nông thôn, kết quả phân
tích cho thấy số thành viên cùng chung sống trong hộ gia đình ở khu vực thành
thị thấp hơn so với hộ gia đình ở khu vực nông thôn (4,53 so với 5,38). Có sự
khác biệt khá lớn về số thành viên trung bình giữa hộ gia đình theo và không theo
đạo Thiên chúa (7,0 so với 4,55) và sự khác biệt này rất có ý nghĩa thống kê. Một
yếu tố cơ bản góp phần làm cho số thành viên nhiều hơn ở hộ gia đình theo đạo
Thiên chúa là nhóm xã hội này có mức sinh cao hơn. Theo kết quả phân tích, số
con trung bình của hộ gia đình theo đạo Thiên chúa là 4,7 con, cao hơn gấp đôi
so với hộ gia đình không theo đạo (2,0 con). Một điểm đáng lưu ý là số con của
các hộ gia đình được khảo sát chưa phản ánh hết tổng tỷ suất sinh bởi vì những
người con đã lập gia đình ở riêng hoặc đi làm ăn xa lâu ngày không được tính là
thành viên của hộ gia đình. Qua đó cho thấy có sự khác biệt về văn hóa nói
chung và về quy mô nhân khẩu của hộ gia đình nói riêng giữa hai nhóm hộ gia
đình theo đạo hoặc không theo đạo Thiên chúa.
Biểu đồ 1. Số thành viên
trung bình chia theo đặc trưng hộ gia đình
Có sự khác nhau
về giá trị trung bình và khoảng tin cậy đối với quy mô hộ gia đình chia theo
loại hình hộ gia đình là mở rộng hay hạt nhân. Hộ gia đình có 3 thế hệ trở lên
cùng chung sống có số thành viên trung bình nhiều hơn gia đình hạt nhân 1
người. Như vậy, có cơ sở để khẳng định những hộ gia đình mở rộng có quy mô lớn
hơn hộ gia đình hạt nhân.
Quy mô hộ gia
đình dường như không chỉ có mối quan hệ với đặc điểm nơi cư trú, tôn giáo cũng
như loại hình gia đình mà còn có mối quan hệ với mức sống. Với sự khác biệt giá
trị trung bình về số lượng thành viên cùng chung sống của các hộ gia đình có
mức sống khá, trung bình và nghèo cho thấy có sự khác nhau về quy mô hộ gia
đình khi chia theo nhóm mức sống. Thêm vào đó, số thành viên đang sống chung
trong hộ gia đình có xu hướng giảm đi khi mức sống tăng lên. Điều đó có nghĩa
là những hộ gia đình có mức sống nghèo cũng chính là những hộ gia đình có trung
bình số thành viên cùng chung sống với nhau cao nhất so với các nhóm hộ gia
đình có mức sống trung bình và khá (6,16 người so với 4,87 và 4,48 người).
Nghiên cứu đã tiến hành phân tích tương quan hai biến (bivariate correlation) giữa các biến số
mang tính chất định lượng như số năm kết hôn
của các cặp vợ chồng, học vấn và tuổi kết hôn của người vợ với số lượng nhân khẩu của hộ
gia đình. Kết quả phân tích cho thấy, giữa 3 đặc trưng vừa nêu có mối quan hệ với số thành viên đang chung sống của hộ gia
đình. Theo đó, số năm kết hôn của các cặp vợ chồng có mối quan hệ thuận chiều với số nhân khẩu
trong hộ gia đình với hệ số tương quan là 0,255. Ngược lại, học vấn và tuổi kết
hôn của người vợ có mối quan hệ ngược chiều (thể hiện ở hệ số tương quan mang dấu âm) với số thành viên đang
chung sống trong hộ gia đình. Hệ số tương quan lần lượt của 2 đặc trưng này với
quy mô hộ gia đình là -0,531 và -0,256 và đều có ý nghĩa thống kê ở mức nhỏ hơn
0,001.
Phân tích đa biến
Trong phần trước, nghiên cứu đã tiến hành phân tích hai chiều về một số yếu tố có mối liên hệ với số lượng thành
viên đang cùng cư trú trong hộ gia đình. Tiếp theo, nghiên cứu xem xét khả năng và tầm
quan trọng về tác động của các yếu tố này khi tính đến sự ảnh hưởng của các yếu
tố khác có trong mô hình. Kết quả phân tích hồi quy đa biến được trình bày ở bảng
1 với biến số phụ thuộc là số lượng
thành viên đang sống cùng nhau trong hộ gia đình.
Bảng 1 trình bày
kết quả ước lượng mô hình hồi quy tuyến tính bằng kỹ thuật OLS nhằm tìm hiểu
các yếu tố ảnh hưởng đến số lượng nhân khẩu đang sống cùng nhau trong hộ gia
đình được khảo sát. Các yếu
tố tiềm năng có thể ảnh hưởng đến quy mô hộ gia đình được thể hiện ở cột thứ
nhất. Cột thứ hai của bảng thể hiện các hệ số hồi quy (Coef.) thu được thông qua quá trình tính
toán. Hệ số hồi quy được dùng để so sánh về số thành viên hộ gia đình giữa nhóm
nghiên cứu với nhóm được dùng làm tham khảo của mỗi biến số độc lập trong điều
kiện tính đến sự ảnh hưởng của các biến số độc lập khác có trong mô hình. Nếu
hệ số mang dấu âm (-) cho biết nhóm hộ gia đình với đặc trưng đang xem xét có
quy mô nhỏ hơn so với nhóm so sánh. Ngược lại giá trị của hệ số không có dấu âm
cho biết rằng nhóm hộ gia đình với đặc trưng đang xem xét có quy mô lớn hơn so
với nhóm so sánh. Những cột tiếp theo thể hiện sai số chuẩn, giá trị t và mức ý
nghĩa thống kê (P> | t |). Các mức ý nghĩa thống kê được xem xét là 95%, 99%
và 99,9% độ tin cậy. Hai cột cuối cùng của bảng thể hiện giá trị cận trên và
cận dưới của khoảng tin cậy 95%.
Thủ tục phân tích
theo trình tự là ban đầu đưa vào tất cả các biến số thích hợp, sau đó bỏ đi các
biến số với mức ý nghĩa thống kê có giá trị lớn hơn 0,1 và ước lượng lại mô
hình để có kết quả trình bày ở đây. Kết quả phân tích được trình bày ở
bảng 1 cho thấy, các hệ số hồi quy
trong mô hình đều có ý nghĩa thống kê cao và phương trình khá phù hợp với số
liệu với R điều chỉnh bình phương (Adj R-squared
) bằng 0,542. Qua đó cho thấy sự biến thiên trong quy mô hộ gia đình được giải
thích bởi 54,2% từ những biến số độc lập đang có trong mô hình hồi quy đa biến.
Bảng 1. Mô hình hồi quy đa biến về tác động của các
yếu tố đối với quy mô hộ gia đình (thủ tục OLS)
|
||||||
Các
yếu tố
|
Coef.
|
Std.
Err.
|
t
|
P> | t |
|
||
Nơi cư trú
(nông thôn=1)
|
-0,097
|
0,117
|
-0,830
|
0,409
|
-0,326
|
0,133
|
Đạo thiên
chúa (có=1)
|
1,928
|
0,149
|
12,900
|
0,000
|
1,634
|
2,221
|
Gia đình mở
rộng (có=1)
|
1,438
|
0,122
|
11,830
|
0,000
|
1,199
|
1,676
|
Mức sống
gia đình
|
||||||
Thấp
(nhóm s/sánh)
|
||||||
Trung
bình
|
-0,406
|
0,136
|
-2,980
|
0,003
|
-0,673
|
-0,138
|
Cao
|
-0,392
|
0,189
|
-2,070
|
0,038
|
-0,762
|
-0,021
|
Số năm kết
hôn
|
0,034
|
0,007
|
4,670
|
0,000
|
0,020
|
0,048
|
Học vấn của
vợ
|
-0,116
|
0,022
|
-5,310
|
0,000
|
-0,160
|
-0,073
|
Tuổi kết
hôn của vợ
|
-0,050
|
0,014
|
-3,490
|
0,001
|
-0,078
|
-0,022
|
Number
of obs = 605, Adj R-squared = 0,542
|
Theo kết quả phân tích, trong cùng điều kiện xác định bởi
các biến số độc lập khác có trong mô hình, không có sự khác biệt về quy mô gữa
hộ gia đình cư trú ở khu vực nông thôn và khu vực thành thị. Bởi vì tác động của
biến số ‘nông thôn’ đối với biến số phụ thuộc là quy mô hộ gia đình không có ý
nghĩa thống kê. Kết quả này không được phát hiện nếu
không phân tích bằng mô hình hồi quy đa biến, vì cách phân tích nhị biến đơn
giản ban đầu cho thấy khu vực thành thị có số lượng thành viên gia đình ít hơn so với
khu vực nông thôn nhưng rõ ràng là nó đã bao hàm các tác động của các biến số
phù hợp khác, ví dụ như học vấn của người vợ hay mức sống của hộ gia đình.
Phù hợp với kết quả phân tích nhị biến, khi tính đến ảnh hưởng của các biến số khác trong mô hình, những hộ gia
đình theo đạo Thiên chúa vẫn có số thành viên gia đình lớn hơn so với hộ gia đình không theo đạo vì hệ
số hồi quy của biến số này mang dấu dương và được khẳng định ở mức ý nghĩa thống kê (P> | t |) nhỏ hơn 0,001. Điều này khẳng định, mặc dù các hộ gia đình
tương đồng với nhau về nơi cư trú, số thế hệ, mức sống, độ dài hôn nhân, học
vấn và độ tuổi kết hôn của người vợ nhưng việc theo đạo Thiên chúa vẫn là một
yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến độ lớn của hộ gia đình.
Số lượng thành viên hộ gia đình lớn hơn nếu như hộ gia
đình đó có ba thế hệ trở lên chung sống với nhau. Kết quả này tiếp tục khẳng định
mối quan hệ giữa đặc trưng và số thành viên hộ gia đình như phân tích nhị biến
ban đầu. Hệ số hồi quy về tác động của biến số gia đình mở rộng đối với quy mô
hộ gia đình là 1,438 và nó rất có ý nghĩa thống kê (P> | t | = 0,000). Ngoài
ra, kết quả phân tích còn cho thấy tác động của biến số gia đình mở rộng đối với
quy mô hộ gia đình là mạnh nhất so với các biến số độc lập khác trong mô hình. Có thể nói, loại hình gia đình mở
rộng là một đơn vị xã hội và kinh tế được duy trì và có sức sống mãnh liệt dựa
trên sức mạnh kinh tế và chính trị nhờ có đông thành viên. Cấu trúc gia đình mở
rộng thường khuyến khích và thưởng công cho việc tái sinh sản bởi vì có con
trai như là sự nối dõi làm cho dòng họ, gia đình trường tồn. Sâu xa hơn, nhiều
con cháu sẽ làm tăng sức mạnh bằng chính số lượng các thành viên của gia đình
mở rộng được tổ chức theo hình thức phụ hệ.
Mức sống và số thành viên hộ gia đình có mối quan hệ nghịch
biến với nhau. Nghĩa là, khi tính đến tác động của các yếu tố khác ở trong mô
hình, hộ gia đình có mức sống cao hơn có số lượng thành viên ít hơn. Theo số liệu
phân tích, so với nhóm hộ gia đình có mức sống nghèo (nhóm so sánh), số lượng
thành viên ở hộ gia đình có mức sống trung bình và mức sống cao lần lượt thấp
hơn -0,406 và -0,392 đơn vị với mức ý nghĩa thống kê (P> | t |) nhỏ hơn 0,05.
Chỉ báo cuối cùng của yếu tố hộ gia đình được xét đến là
độ dài hôn nhân của các cặp vợ chồng. Nếu giữ nguyên ảnh hưởng của các biến số
độc lập khác có trong mô hình thì tác động của biến số độ dài hôn nhân của các
cặp vợ chồng vẫn được duy trì đối với quy mô hộ gia đình và sự tác động này là
đồng biến. Nói cách khác, trong cùng một điều kiện được xác định bởi các biến số
độc lập khác có trong mô hình, số năm kết hôn của các cặp vợ chồng càng lớn
(không phải kết hôn trong những năm gần đây) thì số lượng thành viên hộ gia
đình càng lớn và rất có ý nghĩa thống kê (Coef. = 0,034; P> | t | = 0,000;
95% CI: 0,020-0,048).
Cuối cùng, hai biến số phản ánh đặc trưng của người vợ cũng
được nhìn nhận là có mối quan hệ với số lượng thành viên trung bình của hộ gia
đình. Kết quả phân tích cho thấy, học vấn của người vợ có ảnh hưởng đến quy mô
hộ gia đình theo chiều hướng nghịch biến. Nghĩa là học vấn của người vợ càng
cao thì số lượng thành viên trong hộ gia đình càng nhỏ. Đây là điều cần chú ý để
có những khuyến nghị, giải pháp phù hợp nhằm tăng cường vai trò giáo dục của phụ
nữ trong vấn để kiểm soát mức sinh nhằm giới hạn quy mô hộ gia đình ở mức độ
phù hợp. Tác động của tuổi kết hôn người vợ với quy mô hộ gia đình cũng có hình
thái tương tự. Theo đó, số thành viên hộ gia đình giảm xuống khi tuổi kết hôn của
người vợ tăng lên.
3. Kết luận và Thảo luận
Quy mô hộ gia đình là một yếu tố cấu thành quan trọng và
phản ánh khá đầy đủ các tính chất của cấu trúc hộ gia đình. Số nhân khẩu trung
bình cùng chung sống trong hộ gia đình của một số địa phương được khảo sát ở
khu vực Bắc Trung bộ là 5,06 cho thấy rằng các giá trị nối dõi tông đường, mô
hình sống chung nhiều thế hệ, tăng cường sự liên kết trong hoạt động sản xuất
kinh doanh vẫn có sự ảnh hưởng đến hành vi tái tạo và duy trì quy mô ở mức độ tương
đối lớn của các hộ gia đình được khảo sát.
Mục đích của nghiên cứu là kiểm nghiệm những yếu tố có thể ảnh hưởng đến quy
mô hộ gia đình và kết quả phân tích cho thấy tầm quan trọng của các yếu tố đó. Toàn bộ kết
quả nghiên cứu cho thấy rằng không chỉ đặc điểm và những chiều cạnh khác nhau của
hộ gia đình có ảnh hưởng trong việc quyết định đến số lượng thành viên cùng
chung sống trong hộ gia đình mà đặc trưng học vấn và tuổi kết hôn của người vợ cũng
là những yếu tố quan trọng.
Nơi cư trú
là nông thôn hay thành thị không có sự ảnh hưởng đến số lượng thành viên hộ gia
đình đang sống chung, thậm chí quy mô hộ gia đình ở khu vực nông thôn có xu
hướng nhỏ hơn mặc dù chưa được khẳng định bằng ý nghĩa thống kê. Trong thực
tế, quy mô hộ gia đình ở khu vực nông thôn ngày càng thu nhỏ do
người vợ hoặc người chồng thường xuyên đi làm ăn xa. Bên cạnh đó, việc tách hộ nhằm trở thành một phương
tiện để tăng sở hữu đất đai cũng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy sự
biến đổi cơ cấu hộ gia đình ở khu vực nông thôn (Vũ Tuấn Huy, 2006). Nhờ những những chính sách cấp đất, vườn cho
các cặp vợ chồng ra ở riêng mà quá trình hạt nhân hóa gia đình vốn đã tồn tại
từ trước càng được củng cố thêm. Mô hình các gia đình ít con với phương thức
phân công lao động thích hợp với điều kiện ruộng đất và phát triển kinh tế sẽ
có tác động điều chỉnh chuẩn mực số con trong các gia đình (Nguyễn Hữu Minh, 1991). Ngược lại, quy mô hộ gia đình tại khu vực
thành thị lớn hơn nông thôn có thể là do những khó khăn về nhà ở. Đây là một trong
những nguyên nhân của tình trạng con cái khi xây dựng gia đình không thể tách hộ ra ở
riêng.
Kết quả phân
tích cho thấy số lượng thành viên trung bình cao trong những hộ gia đình theo
đạo Thiên chúa là một điều đáng quan tâm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến
sự khác biệt này là do số con của những hộ gia đình theo đạo Thiên chúa đông
hơn. Theo quan điểm xã hội học, thì việc có nhiều số con ở những hộ gia đình
theo đạo Thiên chúa là yếu tố chắc chắn nhất đảm bảo cho việc tái sản xuất và
bảo vệ được bản sắc của nhóm xã hội này. Do đó bất cứ chính sách nào nhằm ảnh
hưởng đến hành vi tái sản xuất của nhóm xã hội theo đạo Thiên chúa không chỉ
nhằm mục tiêu vào những lĩnh vực có ảnh hưởng trực tiếp đến mức sinh mà còn
phải chú ý đến những quan hệ lẫn nhau có thể có giữa các thành viên của hộ gia
đình và giữa các hộ gia đình của nhóm xã hội này.
Trong xã hội Việt
Nam truyền thống, gia đình gia trưởng tương đối có sự đồng nhất bởi đặc trưng
của phương thức sản xuất nông nghiệp. Khuôn mẫu nơi ở sau khi kết hôn của các
cặp vợ chồng mới cưới thường được xác định là ở bên nhà chồng, đây là mô hình
sắp xếp nơi ở phổ biến và là cơ sở hình thành nên những gia đình lớn, nhiều thế
hệ (Nguyễn Hữu Minh và Charles Hirschman, 2000). Theo kết quả
phân tích nhị biến và đa biến, hộ gia đình với đặc trưng có 3 thế hệ trở lên có
số lượng thành viên nhiều hơn so với gia đình hạt nhân cho thấy rằng hộ gia
đình là một đơn vị có tính hội nhập và phức tạp. Trong gia đình mà nguyên tắc
cư trú theo nhà chồng chiếm ưu thế thì việc quyết định sinh con ngay sau khi
cưới hay trì hoãn để không vướng bận vào việc nuôi dưỡng con cái sớm đôi khi
không thuộc về những đôi vợ chồng trẻ mà nó chịu tác động của gia đình, dòng họ
và những quan hệ thân tộc khác bên nhà chồng, đặc biệt là bố mẹ chồng. Đối với
các bậc bố mẹ thì mô hình sống chung tạo điều kiện dễ dàng lan truyền những ý
muốn của họ và bảo đảm cho việc áp dụng các phương thức ép buộc để có một hộ
gia đình với quy mô lớn. Hơn nữa, với hộ gia đình có mô hình cư trú với ba thế
hệ hoặc nhiều hơn cùng tồn tại và liên kết về kinh tế thì chi phí cho việc nuôi
dưỡng đứa con không chỉ từ thu nhập của các cặp vợ chồng trẻ mà nó từ quỹ
chung. Ngược lại, sự cư trú tách biệt khỏi bố mẹ của con cái đã kết hôn có thể
làm giảm sự hỗ trợ trong việc nuôi dưỡng con cái, mà khía cạnh này thường có xu
hướng làm gia tăng quy mô của hộ gia đình.
Kết quả phân tích cho thấy mức sống và số thành viên hộ
gia đình có mối quan hệ với nhau và có thể nói đó là mối quan hệ mang tính chất
tương hỗ. Những gia đình với mức sống cao hơn có số lượng thành viên ít hơn do
linh hoạt và có điều kiện trong vấn đề tách hộ. Ngược lại, hộ gia đình với quy
mô nhỏ hơn có thuận lợi hơn trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình cũng như
không chịu ảnh hưởng nhiều bởi gánh nặng phụ thuộc.
Những cặp vợ chồng có số năm kết hôn càng nhiều thì quy
mô hộ gia đình càng lớn. Ngược lại quy mô hộ gia đình được nhìn nhận là giảm dần
đối với những cặp mới kết hôn trong những năm gần đây. Đối với các thế hệ trước, quy mô hộ gia đình nói
chung không được đề cập tới như công việc phải lựa chọn mà nó là sản phẩm của
quá trình tự nhiên. Tình hình này đã thay đổi rất nhiều đối với những cặp vợ
chồng trẻ trong giai đoạn hiện nay, xem xét số con được sinh ra như là một việc
phải lựa chọn cẩn thận. Những cặp vợ chồng trẻ tuổi dường như đã khởi đầu cuộc
sống vợ chồng với ý tưởng chỉ muốn một gia đình nhỏ, việc cho phép quy mô gia
đình như là kết quả của việc sinh đẻ tự nhiên đối với họ là một ý tưởng xa lạ (Trần Quý Long, 2014).
Quy mô hộ gia đình được là phụ thuộc vào độ tuổi bắt đầu hôn nhân của người phụ nữ.
Tuổi
kết hôn của vợ là một yếu tố có mối liên hệ nghịch đảo với số lượng thành viên trong
hộ gia đình. Tuổi kết hôn của người vợ cao hơn dẫn đến số lượng thành viên hộ
gia đình ít hơn. Một điều rõ ràng là
tuổi kết hôn càng sớm thì mức sinh càng cao, vì khả năng sinh sản của người phụ
nữ biểu hiện cao nhất vào đầu những năm 20 tuổi và kéo dài cho đến cuối thời kỳ
tuổi thanh xuân. Vì thế, ngoài việc
tránh mang thai khi còn rất trẻ, có số lần mang thai không định trước ít hơn và
đặt khoảng cách phù hợp giữa các lần sinh sẽ hạn chế được phần nào độ lớn của
quy mô hộ gia đình. Với
phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thì việc
tăng thêm thành viên gia đình sẽ làm tăng gấp đôi gánh nặng vai trò của họ. Do
đó, giới hạn quy mô hộ gia đình thông qua hành vi tái sinh sản là một phương án
tối ưu đối với người phụ nữ nông thôn.
Giả thuyết ban đầu
của nghiên cứu này cho rằng yếu tố học vấn của người vợ có thể ảnh hưởng đến quy
mô hộ gia đình theo cách thức khi học vấn cao hơn người vợ thường có tính độc
lập hơn trong vấn đề quyết định mức sinh hoặc mô hình chung sống. Trình độ học
vấn tăng lên tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền bá những quan niệm mới về
hôn nhân và gia đình trong những người trẻ tuổi (Nguyễn Hữu Minh, 2010). Kết quả phân tích số liệu khảo sát cho thấy tác
động của yếu tố học vấn người vợ đối với quy mô hộ gia đình đã khẳng định giả
thuyết đó. Cụ thể là số lượng thành viên hộ gia đình giảm đi khi số lớp học của
người vợ tăng lên. Có thể nói công tác tuyên truyền, giáo dục đã góp phần đem
lại nhận thức tích cực của nhóm phụ nữ có học vấn cao hơn đối với vấn đề hạn
chế mức sinh trong giai đoạn hiện nay. Trong thời gian tới, những nhu cầu mới
về nâng cao trình độ học vấn và có được cơ hội nghề nghiệp mới ngoài phạm vi
nông nghiệp do biến đổi kinh tế-xã hội mang lại sẽ góp phần khuyến khích những phụ
nữ trẻ tuổi đẩy lùi việc xây dựng gia đình, hạn chế số con, và làm giảm khả
năng sống chung giữa các thế hệ.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Hữu Minh (1991). Biến đổi kinh tế-xã hội và khả năng
giảm chuẩn mực số con trong các gia đình nông dân Bắc Bộ. Tạp chí Xã hội học, (số 4), tr. 38-46.
2. Nguyễn
Hữu Minh (2010). Tuổi kết hôn ở Việt Nam và các yếu tố tác động. Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, (số
5), tr. 3-15.
3. Nguyễn
Hữu Minh và Charles Hirschman (2000). Mô hình sống chung với gia đình chồng sau
khi kết hôn ở đồng bằng sông Hồng và các nhân tố tác động. Tạp chí Xã hội học, (số 1), tr. 41-54.
4. Trần
Quý Long (2014). Biến đổi cấu trúc hộ gia
đình Việt Nam và mối liên hệ với các yếu tố nhân khẩu học - xã hội. Nguyễn
Hữu Minh (Chủ biên). Gia đình Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện
đại hóa và hội nhập từ cách tiếp cận so sánh. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà
Nội.
5. Vũ
Tuấn Huy (2006). Những vấn đề của gia đình Việt Nam trong quá trình biến đổi xã
hội theo xu hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa. Tạp chí Xã hội học, (số 2), tr. 13-20.
No comments:
Post a Comment