Sunday, December 15, 2019

Tác động của các yếu tố đối với tiếp cận giáo dục trung học của trẻ em Việt Nam

Trần Quý Long(*) 


Đề nghị trích dẫn: Trần Quý Long (2018). Tác động của các yếu tố đối với tiếp cận giáo dục trung học của trẻ em Việt Nam. Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội, số 9.2018, tr. 22-30.

Tóm tắt: Mức độ tiếp cận giáo dục trung học của trẻ em Việt Nam đã gia tăng đáng kể trong những năm qua. Tuy nhiên có sự không bình đẳng trong tiếp cận giáo dục trung học giữa những nhóm trẻ em có đặc điểm khác nhau về các đặc trưng cá nhân và gia đình. Nhóm trẻ em nam, trẻ em dân tộc thiểu số, cha mẹ có học vấn thấp và nghề nghiệp giản đơn, gia đình nhiều thành viên, mức sống thấp, cư trú ở khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa có khả năng tiếp cận giáo dục trung học thấp hơn các nhóm khác. Bất bình đẳng trong cơ hội đi học và trình độ học vấn sẽ dẫn đến những bất bình đẳng về thu nhập, cơ hội nghề nghiệp và điều kiện an sinh của trẻ em trong tương lai. Bài viết tập trung phân tích sự khác biệt cũng như xác định mối liên hệ giữa những yếu tố cá nhân, đặc trưng của hộ gia đình với vấn đề tiếp cận giáo dục của trẻ em trong độ tuổi trung học. 
Từ khóa: Trẻ em, Giáo dục trung học, Tiếp cận giáo dục 

Abstract: The level of access to high school education of Vietnamese children has increased significantly in recent years. There is, however, an inequality in access to high school education among groups of children with diff erent characteristics of individual and family characteristics. Male, ethnic minority, parents with low education and simple occupations, big families, low living standard, live in rural and remote areas have lower access to high school education than other groups. Inequality in school attendance and educational attainment will lead to inequalities in income, occupational opportunities, and well-being of children in the future. The article focuses on the differences as well as the relationship between individual factors, household characteristics and the access to education for children in high school age. 
Keywords: Children, High school education, Access to education


1. Mở đầu
Giáo dục trung học là một trong những yếu tố nền tảng ảnh hưởng đến mức thu nhập của cá nhân khi trưởng thành. Đối với một nước nghèo và chưa phát triển thì đầu tư của nhà nước cho giáo dục trung học sẽ đem lại lợi ích to lớn hơn nhiều so với đầu tư vào giáo dục đại học. Hầu hết các chính phủ đều xem việc mở rộng giáo dục bắt buộc từ tiểu học lên trung học cơ cở (THCS) là mục tiêu chính sách quan trọng. Trên toàn thế giới cứ bốn nước thì có ba nước đưa THCS vào chương trình giáo dục bắt buộc (UNESCO, 2008). Trẻ em cần học hết lớp cuối cùng của bậc trung học phổ thông (THPT) bởi giáo dục trung học có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển và an sinh của đối tượng này. Để có thể giải quyết các vấn đề và ứng phó được với các nguy cơ đối với sự phát triển và các quyền của mình, trẻ em cần được trang bị nhiều kiến thức và kỹ năng thiết yếu, trong đó có kỹ năng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, giao tiếp hiệu quả, tìm hiểu và đánh giá thông tin một cách có tư duy (UNICEF, 2011).
Giáo dục trung học ở Việt Nam bao gồm 2 bậc học là THCS và THPT, tương ứng với độ tuổi từ 11-17. Trẻ em trong độ tuổi trung học là nhóm dân số đang ở giai đoạn đặc biệt, định hình phát triển. Nhóm trẻ em này luôn sẵn sàng tiếp thu kiến thức, học hỏi kỹ năng và tiếp nhận những giá trị mới. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó mà trẻ em không được đi học thì thực sự là cơ hội đã bị bỏ lỡ (Trần Quý Long, 2018).  
Trên cơ sở phân tích các số liệu khảo sát quốc gia và một số nghiên cứu gần đây, chúng tôi làm rõ những yếu tố ảnh hưởng đến việc tiếp cận giáo dục trung học của trẻ em Việt Nam. 

2. Những yếu tố ảnh hưởng đến việc tiếp cận giáo dục trung học của trẻ em Việt Nam 
2.1. Giới tính 
Các cuộc khảo sát quốc gia đều cho thấy thành tựu rõ rệt trong tiếp cận giáo dục ở bậc trung học của trẻ em, trẻ em gái được đi học ở cấp học này cao hơn trẻ em trai. Phân tích số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009 theo chỉ tiêu bình đẳng giới cho thấy, cấp học càng cao thì tỷ lệ trẻ em gái đi học đúng tuổi càng có xu hướng cao hơn trẻ em trai. Tỷ số gái/trai đang học THCS là 0,95; THPT là 1,01 (Tổng cục Thống kê, 2011). Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, International Labour Organization (2014), tỷ lệ trẻ em gái đi học cao hơn so với trẻ em trai ở tất cả các cấp học phổ thông trên phạm vi cả nước, các vùng địa lý, các nhóm tuổi. Kết quả phân tích số liệu Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ (MICS) ở Việt Nam năm 2014 đã chỉ ra tỷ lệ nhập học đúng tuổi (độ tuổi từ 15-17) bậc THPT ở trẻ em trai là 67,1% so với 74,3% trẻ em gái. Khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2016 cho thấy, tỷ lệ đi học đúng tuổi của trẻ em gái ở bậc THCS cao hơn 2,3 điểm phần trăm so với trẻ em trai. Khoảng cách này tăng lên khoảng 10 điểm phần trăm ở bậc THPT, 73,6% so với 63,7%. Điều này được lý giải là do độ tuổi THPT cũng là độ tuổi lao động, dân số nam ở độ tuổi này có xu hướng tham gia thị trường lao động nhiều hơn nữ (Tổng cục Thống kê, 2018).

Báo cáo phân tích về tình hình trẻ em và phụ nữ tỉnh Kon Tum chỉ ra rằng, một tỉnh nghèo và có nhiều người dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Nguyên như Kon Tum cũng có tỷ lệ đi học đúng độ tuổi của trẻ em gái nhiều hơn trẻ em trai ở các bậc THCS và THPT. Điều đó phản ánh những tiến bộ trong vấn đề bình đẳng giới và giáo dục cho trẻ em gái trong thời gian vừa qua (UBND tỉnh Kon Tum và UNICEF Việt Nam, 2015). 

2.2. Độ tuổi 
Theo ước tính từ cuộc điều tra quốc gia về lao động trẻ em năm 2012 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, International Labour Organization (2014), tỷ lệ đi học trung học và tuổi của trẻ em có mối quan hệ nghịch đảo với nhau, nghĩa là tỷ lệ đi học của trẻ em giảm xuống khi tuổi tăng lên. Tỷ lệ đi học của trẻ em ở nhóm tuổi 6-11 là 98,3%, tỷ lệ này giảm xuống 92,6% ở nhóm tuổi 12-14 và 73,5% ở nhóm tuổi 15-17. Phân tích số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009 cho thấy, trong cùng điều kiện xác định bởi các biến số độc lập khác trong mô hình, khi tăng thêm một tuổi thì xác suất đi học của trẻ em lại giảm xuống. Tương tự, Trần Quý Long (2018) chỉ ra xác suất đi học của trẻ em trong độ tuổi học trung học giảm xuống khi ở độ tuổi lớn hơn. 

2.3. Thành phần dân tộc 
Mặc dù gần đây các vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam đã có nhiều cải thiện về điều kiện kinh tế - xã hội song vẫn là nhóm dân số có sự biệt lập trong việc tiếp cận với giáo dục trung học của trẻ em. Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009 đánh giá dân tộc Kinh có tỷ lệ nhập học đúng tuổi cao nhất, tiếp theo là dân tộc Tày và Mường. Khmer và H’mông là hai dân tộc có các tỷ lệ nhập học đúng tuổi thấp nhất ở các cấp học này. Phân tích số liệu của MICS năm 2014 cho thấy, gần 60% trẻ em dân tộc thiểu số trong độ tuổi 15-17 không đi học THPT đúng tuổi, trong khi tỷ lệ này ở nhóm trẻ em người Kinh là 23,7% (Tổng cục Thống kê, UNICEF, 2015). Nghiên cứu của Trần Quý Long (2017) chỉ ra rằng, tỷ lệ đi học đúng tuổi ở cấp THCS và THPT của trẻ em người Kinh cao hơn gần 30 và 50,7 điểm phần trăm so với trẻ em người H’mông. So với người Kinh, tỷ lệ đi học đúng tuổi của trẻ em người Khmer thấp hơn 1,5 lần ở bậc THCS và 2,9 lần ở bậc THPT. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (2018), tỷ lệ đi học đúng tuổi ở bậc THCS là 79,3% của trẻ em dân tộc thiểu số và 93,2% ở nhóm trẻ em người Kinh. Đối với bậc THPT, tỷ lệ đi học đúng tuổi của trẻ em dân tộc thiểu số thấp hơn đáng kể so với trẻ em người Kinh, 40,5% so với 75,2%.

Tình trạng bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục của trẻ em dân tộc thiểu số so với trẻ em người Kinh gia tăng là do kết hợp cả yếu tố thành phần dân tộc và điều kiện địa lý tự nhiên, địa bàn cư trú ở vùng sâu vùng xa, giao thông và phương tiện đi lại khó khăn. Việc người dân tộc thiểu số sống tập trung ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa khiến trẻ em gặp phải những khó khăn đặc thù riêng ở những vùng này (Dẫn theo: Nhóm hành động chống đói nghèo, 2002). Kết quả phân tích số liệu điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2015 cho thấy, trung bình một học sinh THPT cần di chuyển qua quãng đường 17,6 km để có thể đến trường. Khoảng cách trung bình gần nhất dưới 9,6 km trong khi khoảng cách xa nhất trung bình trên 23,3 km (Ủy ban Dân tộc, UNDP, Irish Aid, 2017). Lào Cai là một ví dụ điển hình: Theo Báo cáo Phân tích tình hình trẻ em tỉnh Lào Cai, những yếu tố như dân cư thưa thớt, khoảng cách tới trường xa, đường sá đi lại khó khăn và điều kiện tự nhiên khắc nghiệt cũng là rào cản đối với trẻ em ở đây. Khó khăn này tác động tiêu cực đến việc huy động học sinh đến trường, ngay cả đối với thành phố Lào Cai, nơi có số xã khó khăn ít nhất trong tỉnh (UBND tỉnh Lào Cai và UNICEF Việt Nam, 2016). 

2.4. Học vấn của cha mẹ 
Số liệu của các cuộc khảo sát quốc gia cho thấy, học vấn của cha hoặc mẹ có mối quan hệ với tỷ lệ đi học trung học của trẻ em. Theo kết quả phân tích số liệu của MICS năm 2014, chỉ có 65,3% trẻ em ở nhóm mẹ không có bằng cấp được nhập học THCS, lần lượt gần 20 và 33 điểm điểm phần trăm so với nhóm có mẹ có trình độ tiểu học và trung học chuyên nghiệp trở lên. Trẻ em ở nhóm mẹ không có bằng cấp có tỷ lệ đi học đúng tuổi THPT là 24,6%, tỷ lệ này tăng lên đạt các mức 57,1%, 80,8%, 92,1% ở các nhóm có mẹ có học vấn tiểu học, THCS, THPT và 96,9% ở nhóm có mẹ có học vấn trung học chuyên nghiệp trở lên. Kết quả điều tra vòng 3 của dự án “Những cuộc đời trẻ thơ” cho thấy, trẻ em trong độ tuổi 15 có nhiều khả năng được đi học hơn khi cha mẹ có trình độ học vấn cao hơn (Young Lives, 2011). Theo Trần Quý Long (2017), học vấn của cha cao hơn thì trẻ em có xác suất đi học đúng tuổi cao hơn và tác động này rất có ý nghĩa thống kê. Điều này khẳng định, mối quan hệ giữa học vấn của người cha và khả năng đi học của trẻ em vẫn là mối quan hệ trực tiếp và nhân quả mặc dù có tính đến ảnh hưởng của các biến số khác có trong mô hình. 

Một số nghiên cứu đã lý giải về tác động từ học vấn của cha mẹ đến khả năng đi học của con cái là, các bậc cha mẹ được hưởng sự giáo dục tốt thì họ cũng có khả năng am hiểu tốt hơn về cách thức tận dụng các dịch vụ giáo dục. Về bản chất, vốn nhân lực được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác (Indu Bhushan và cộng sự, 2001). Cha mẹ có trình độ cao hơn sẽ đánh giá cao giáo dục hơn dù họ có khả năng chi trả hay không (Ngân hàng Thế giới và các cơ quan khác, 2011). Học vấn của cha mẹ tác động đến tình trạng giáo dục của con cái thông qua các yếu tố trung gian như sự quan tâm đến việc học của con, cho học thêm; thái độ và hành vi hướng nghiệp, tham gia công việc sản xuất đối với con, mức chi tiêu cho giáo dục (Nguyễn Đức Vinh, 2009). Báo cáo Phân tích tình hình trẻ em tỉnh An Giang của tỉnh An Giang và UNICEF Việt Nam (2012) cũng nêu rõ một phần của thực trạng này. Theo đó, một số cha mẹ có trình độ học vấn thấp nên không nhận thức được giá trị lâu dài của giáo dục, do đó không muốn cho con đi học bất chấp các nỗ lực động viên của chính quyền và nhà trường. Dọc theo tuyến biên giới, nhiều bậc cha mẹ đã lớn lên trong thời gian chiến tranh Khmer Đỏ cuối thập niên 1970 và không có điều kiện đi học, từ đó dẫn tới bản thân họ không đánh giá cao giá trị của việc học hành.

2.5. Nghề nghiệp của cha mẹ 
Nghề nghiệp của cha mẹ có ảnh hưởng đến khả năng đi học của trẻ em. Theo phân tích số liệu Điều tra quốc gia về Vị thành niên và Thanh niên Việt Nam (Survey Assessment of Vietnamese Youth - SAVY) lần thứ hai, so với nhóm thanh thiếu niên có cha mẹ có loại hình nghề nghiệp khác, nhóm có cha mẹ với nghề nghiệp giản đơn có nguy cơ thôi học cao hơn 15% (Xem: Trần Quý Long, 2013). Kết quả phân tích đa biến từ số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009 cho thấy, trẻ em ở trong gia đình có cha làm nghề lao động giản đơn có xác suất đi học thấp hơn 0,2 đơn vị so với nhóm trẻ em có cha không làm nghề lao động giản đơn (Xem: Trần Quý Long, 2014). Điều này cho thấy, nguyện vọng mong muốn con cái có học vấn cao hơn được đan xen với hy vọng về sự di động xã hội đi lên để có một cuộc sống chất lượng hơn. Ngoài việc là những người giáo dục đầu tiên của con cái, các bậc cha mẹ với nghề nghiệp có thứ bậc cao trong xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc định ra nhu cầu và tinh thần trách nhiệm tiếp cận giáo dục cho trẻ em, họ cũng có khả năng hơn trong việc đầu tư học hành cho con cái. 

2.6. Cấu trúc hộ gia đình 
Số lượng thành viên hộ gia đình có mối quan hệ với khả năng được đi học của trẻ em. Một số trẻ em phải nhường quyền lợi đến trường của mình cho những đứa trẻ khác ở những gia đình có nhiều con trong độ tuổi đến trường (Dẫn theo: Nhóm hành động chống đói nghèo, 2002). Báo cáo Phân tích tình hình trẻ em tỉnh Điện Biên của tỉnh Điện Biên và UNICEF Việt Nam (2010) cho thấy, công việc của trẻ em đóng góp một phần trong chiến lược sinh kế hộ gia đình nhằm đối phó với rủi ro và giảm thiểu khả năng dễ bị tổn thương, đồng thời cũng để tăng cơ hội cho gia đình. Các hộ gia đình nông thôn đông con có thể sử dụng chiến lược cho đứa lớn đi làm thêm để hỗ trợ gia đình, còn những đứa bé vẫn tiếp tục đi học. Quy mô gia đình ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận giáo dục của trẻ em ở khía cạnh: do tình trạng đông người, hộ gia đình cần phải cắt giảm chi phí học tập và huy động trẻ em tham gia làm việc nhằm kiếm thêm thu nhập. 

2.7. Mức sống
Mức sống hộ gia đình luôn có mối quan hệ thuận chiều với tỷ lệ đi học trung học của trẻ em. Theo phân tích của Indu Bhushan và cộng sự (2001), người nghèo có ít khả năng đầu tư vào vốn nhân lực hơn so với người giàu, thậm chí việc duy trì những bữa ăn nghèo dinh dưỡng từ thu nhập khiêm tốn của họ cũng đã rất khó khăn chứ chưa nói đến việc đầu tư và duy trì giáo dục cho con cái. Tác động thuận chiều của yếu tố mức sống đối với xác suất đi học của trẻ em cũng được khẳng định qua phân tích hồi quy đa biến kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009 (Tổng cục Thống kê, 2011). Kết quả điều tra của MICS năm 2014 cho thấy, tỷ lệ đi học đúng tuổi của trẻ em tuổi trung học tăng theo mức sống hộ gia đình: trẻ em tuổi THCS đi học đúng tuổi ở nhóm mức sống nghèo nhất là 75,1%, tỷ lệ này ở nhóm mức sống giàu nhất là 97,8%. Tương tự, trẻ em tuổi THPT đi học đúng tuổi ở nhóm mức sống nghèo nhất là 40,4%, thấp hơn đến gần 53 điểm phần trăm so với trẻ em ở nhóm mức sống giàu nhất. Số liệu của Tổng cục Thống kê (2018) chỉ ra sự chênh lệch trong tỷ lệ đi học đúng tuổi ở bậc THCS của trẻ em giữa hai nhóm mức sống cao nhất và thấp nhất là 15,2 điểm phần trăm. Đối với bậc THPT, khoảng cách giữa hai nhóm mức sống trong tỷ lệ đi học đúng tuổi là 31,9 điểm phần trăm, 50,7% ở nhóm ngũ phân vị nghèo nhất và ở nhóm ngũ phân vị giàu nhất là 82,6% (Biểu đồ 1). 

So sánh giữa các tỉnh, mối quan hệ giữa tỷ lệ đi học đúng tuổi của trẻ em ở hai bậc THCS và THPT với tình trạng nghèo của tỉnh cũng rất rõ ràng. Theo Trần Quý Long (2017), những tỉnh có tỷ lệ nghèo cao hơn thì tỷ lệ trẻ em đi học trung học đúng tuổi thấp hơn. Việc không được đi học của trẻ em có thể được xem là một trong những biểu hiện quan trọng của tình trạng nghèo khổ. Các chi phí dịch vụ cao có thể đẩy các gia đình đến chỗ nghèo hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói. Do vậy, các khoản chi phí là rào cản khi các gia đình muốn sử dụng dịch vụ giáo dục cũng như cải thiện tình trạng học vấn cho trẻ em. 

2.8. Khu vực nông thôn/thành thị
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê qua các năm, tỷ lệ đi học trung học của trẻ em tuy ở mức khá cao nhưng sự chênh lệch giữa hai khu vực nông thôn và thành thị vẫn còn khá lớn trong khả năng tiếp cận giáo dục trung học của trẻ em, đặc biệt là ở cấp THPT. Số liệu MICS năm 2014 chỉ ra tỷ lệ trẻ em thành thị đi học ở cả hai bậc học trung học luôn cao hơn trẻ em nông thôn. Trẻ em thành thị đi học đúng tuổi ở bậc THCS cao hơn 6,2 điểm phần trăm so với trẻ em nông thôn, 94,8% so với 88,6%. Đối với bậc THPT, trẻ em ở khu vực thành thị đi học đúng tuổi cao hơn trẻ em khu vực nông thôn 11,7 điểm phần trăm, 79,1% so với 67,4% (Tổng cục Thống kê, UNICEF, 2015). Kết quả chủ yếu Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thời điểm 1/4/2016 cho thấy, trình độ càng cao thì khoảng cách chênh lệch về phổ cập giáo dục giữa thành thị và nông thôn càng lớn. Cụ thể, mức chênh lệch giữa thành thị và nông thôn ở cấp THCS là 2,6 điểm phần trăm; ở cấp THPT là 14,3 điểm phần trăm (Tổng cục Thống kê, 2017). Theo kết quả Khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2016, trẻ em thành thị đi học đúng tuổi ở bậc THPT cao hơn 15,1 điểm phần trăm so với trẻ em nông thôn, 79,6% so với 64,5%. Khoảng cách này được nới rộng ở bậc THPT, trẻ em ở khu vực thành thị đi học đúng tuổi cao hơn trẻ em khu vực nông thôn là 15,6 điểm phần trăm, 68,4% so với 52,8% (Tổng cục Thống kê, 2018). 

Một số nghiên cứu đã phân tích sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn trong việc tiếp cận giáo dục của trẻ em và có những lý giải khác nhau. Indu Bhushan và cộng sự (2001) cho rằng, đặc điểm của cộng đồng và môi trường có ảnh hưởng tới nhu cầu về dịch vụ xã hội. Những hoạt động của cộng đồng như các phong trào mang tính xã hội có thể là nguồn thông tin quan trọng trong hành vi giáo dục. Con người thường học qua việc quan sát các hành động của người khác và điều này có thể là một yếu tố kích thích hành động trong việc đầu tư cho giáo dục. Nghiên cứu này cũng chỉ ra “ưu thế thành thị” với những đặc trưng như sự sẵn có và đa dạng của các cơ sở giáo dục, cơ sở vật chất được đầu tư tốt hơn và đặc biệt là không khí học tập luôn được đề cao ở khu vực này. Trịnh Duy Luân (2005) lập luận rằng, nhóm thanh niên ở các đô thị là bộ phận có những điều kiện tốt hơn, thuận lợi hơn so với nhóm thanh niên nông thôn để phát triển và hội nhập với đời sống và lối sống hiện đại. Rõ ràng họ có tính độc lập cao hơn, năng động hơn để “lập thân, lập nghiệp”. Bên cạnh đó, giữa khu vực đô thị và nông thôn đang tồn tại một khoảng cách chênh lệch khá nhiều về cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục. Điều này có nghĩa là người dân ở nông thôn vẫn đang có ít cơ hội hơn người dân đô thị trong việc tiếp cận với các cơ sở giáo dục. Số liệu của Tổng cục Thống kê (2015) cho thấy, do điều kiện sống và cơ hội tiếp cận giáo dục ở thành thị là cao hơn và thuận lợi hơn, mạng lưới trường học các cấp cũng dày đặc hơn với cơ sở vật chất tốt hơn và chất lượng giáo dục đồng đều, và đặc biệt là nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục của các bậc cha mẹ thành thị là tốt hơn so với nông thôn nên tỷ lệ đi học của trẻ em ở thành thị cao hơn so với nông thôn. 

Đối với trẻ em ở vùng nông thôn, không được tiếp cận giáo dục ở những độ tuổi lớn hơn ngoài lý do không được đi học từ đầu còn có thể là do phải chấm dứt việc học hành để giúp đỡ gia đình tìm kiếm thêm thu nhập, hoặc gia đình không đủ tài chính cung cấp cho các em tiếp tục học do lưu ban. Nhiều lao động trẻ em ở nông thôn phải nghỉ học tạm thời tại trường trong mùa cao điểm nông nghiệp, và có thể dẫn tới việc nghỉ học vĩnh viễn. Theo Francois Houtart & Genevieve Lemercinier (2001), chừng nào các điều kiện vật chất của đời sống nông dân còn ít biến đổi hoặc nếu việc đến trường học chỉ đưa lại ít khả năng vươn lên trong xã hội thì người nông dân còn ít quan tâm đến việc cho con em đi học, thậm chí còn coi việc đến trường của con em họ là mất thời gian, nhất là khi con em họ lại có thể là một lực lượng lao động. Bên cạnh chi phí cho giáo dục được xác định bằng tiền, đi học còn bao hàm chi phí đáng kể về thời gian. Indu Bhushan và cộng sự (2001) cho rằng, trẻ em ở vùng nông thôn thường có những đóng góp tích cực cho gia đình bằng việc lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Rất có thể, chi phí về thời gian (tiền công và thu nhập thêm bị mất vì không làm việc để đi học) sẽ vượt quá chi phí bằng tiền cho việc đi học. 2.9. Vùng địa lý Sự khác nhau giữa các vùng địa lý, kinh tế - xã hội đối với tỷ lệ đi học trung học của trẻ em được phản ánh trong một số khảo sát quốc gia. Số liệu MICS năm 2014 cho thấy, tỷ lệ trẻ em từ 11-14 tuổi đi học đúng tuổi thấp nhất ở hai vùng Tây Nguyên (81,6%) và đồng bằng sông Cửu Long (84,4%). Tương tự, tỷ lệ trẻ em từ 15-17 tuổi đi học đúng tuổi ở bậc THPT thấp nhất ở hai vùng này (51,1% và 58,8%), đây cũng là hai vùng có tỷ lệ trẻ em độ tuổi THPT ngoài nhà trường cao nhất (41% và 32,9%). Tương tự, kết quả Khảo sát mức sống dân cư năm 2016 cho thấy, tỷ lệ đi học THPT đúng tuổi của trẻ em ở Tây Nguyên là thấp nhất (55,2%). Ngược lại, đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ trẻ em đi học THPT đúng tuổi cao nhất (84%) (Biểu đồ 2). 

Một số nghiên cứu nhận định rằng, những vùng có tỷ lệ trẻ em đi học thấp là do dân cư sống rải rác và ít trường học nên các gia đình và trẻ em cảm thấy làm việc nhà và việc nông nghiệp còn dễ chịu hơn so với việc đi học. Đối với trẻ em sống ở những vùng miền núi, vùng sâu vùng xa gặp nhiều thiệt thòi, một phần là do khoảng cách từ nhà đến ngôi trường gần nhất còn xa. Tại mỗi huyện của Việt Nam, chỉ có một vài trường THPT, mỗi trường chỉ có thể nhận số học sinh vào học ít hơn so với tổng số học sinh đang theo học ở các trường THCS. Một bộ phận lớn các em không tiếp tục đi học sau khi học xong THCS, điều này có nghĩa là nhiều trẻ em bỏ học khi ở độ tuổi 14, thường là sau khi thi trượt kỳ thi vào THPT. Đối với trẻ em khu vực miền núi, các cơ sở giáo dục - đặc biệt là trường THPT - thường rất xa nhà, do vậy, quyết định cho trẻ em đi học ở bậc THPT cần phải cân nhắc kỹ đến yếu tố kinh tế cũng như học lực và điểm của học sinh. Tuy nhiên, đối với trẻ em vùng đồng bằng và thành thị, hầu hết đều học tiếp lên THPT sau khi thi đỗ kỳ thi chuyển cấp (Young Lives, 2011). Báo cáo Phân tích tình hình trẻ em tỉnh Lào Cai  của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai và UNICEF Việt Nam (2016) đánh giá mạng lưới trường, nhất là lớp ở bậc THCS phân bố không được như tiểu học. Bình quân 1 xã chỉ có 1,1 trường (so với 1,5 của tiểu học) và 9,6 lớp, thấp hơn gần 3 lần so với tiểu học (24,1 lớp trên 1 xã). Đối với THPT, bình quân 1 xã chỉ có 0,2 trường (so với 1,1 của tiểu học) và đặc biệt số lớp bình quân 1 xã chỉ có 3,1 lớp, thấp hơn gần 3 lần so với THCS (9,6 lớp trên 1 xã). Điều này chứng tỏ mạng lưới lớp trung học không phân bố rộng rãi, đồng nghĩa với việc trẻ em phải đi học xa hơn. Đây là một khó khăn đối với các huyện của Lào Cai với địa hình núi cao, chia cắt. Hệ thống trường, lớp bán trú tuy là một giải pháp tốt nhưng không thể đáp ứng hết nhu cầu của học sinh. Ngoài ra, theo chúng tôi, tác động của yếu tố vùng đến khả năng tiếp cận giáo dục của trẻ em không chỉ phản ánh các điều kiện địa lý - tự nhiên, mà còn phản ánh cơ cấu kinh tế - xã hội, hệ thống giáo dục và thái độ đối với việc đi học của trẻ em. 

3. Kết luận 
Trong những năm qua, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ trong việc cải thiện mức sống. Ngoài sự tăng lên về thu nhập và tiêu dùng cũng có sự tăng cường đáng kể mức độ tiếp cận giáo dục của trẻ em. Thực tế là, số lượng trẻ em được tiếp cận với giáo dục ngày một tăng đồng nghĩa với việc các hộ gia đình và bản thân các em đã nhận thức được giáo dục là một kênh đầu tư có hiệu quả cũng như là một phương thức để giảm nghèo đói (Indu Bhushan và cộng sự, 2001). Tuy nhiên, theo chúng tôi, tiếp cận giáo dục trung học của trẻ em là không bình đẳng giữa những nhóm có đặc điểm khác nhau về các đặc trưng cá nhân và gia đình. Có thể nói, một phần của sự khác biệt này là do sự phân phối hiếm hoi về nghề nghiệp, kỹ năng, nhu cầu xây dựng một xã hội công nghiệp thấp trong những khu vực kém phát triển, nghèo, dân tộc thiểu số. Điều này đã khiến gia đình và cá nhân không chú trọng đầu tư thời gian và tiền bạc cho hoạt động tiếp cận giáo dục trung học của trẻ em. 

Một số nghiên cứu đồng tình với nhận định cho rằng, sự bất bình đẳng trong giáo dục sẽ là một yếu tố làm trầm trọng thêm những khoảng cách xã hội ở Việt Nam. Bất bình đẳng trong đăng ký nhập học và thành tựu học tập sẽ biến thành những bất bình đẳng về thu nhập và các cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. Đối với hộ gia đình, giáo dục là một trong những tài sản quan trọng trong thị trường lao động và nhiều nghiên cứu đã cho thấy những người lao động được giáo dục tốt hơn có thu nhập cao hơn. Đối với một quốc gia, trình độ giáo dục cao hơn thường đi kèm với mức tăng trưởng kinh tế cao hơn và bền vững hơn. Vì vậy, đầu tư cho trẻ em được tiếp cận với giáo dục trung học là điều kiện tiên quyết trong chiến lược phát triển của quốc gia nói chung và mỗi khu vực nói riêng 

Tài liệu tham khảo
1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, International Labour Organization (2014), Điều tra quốc gia về lao động trẻ em 2012 - Các kết quả chính, Hà Nội. 
2. Francois Houtart, Genevieve Lemercinier (2001), Xã hội học về một xã ở Việt Nam: Tham gia xã hội, các mô hình văn hóa, gia đình, tôn giáo ở xã Hải Vân, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 
3. Indu Bhushan, Erik Bloom, Nguyễn Minh Thắng, Nguyễn Hải Hữu (2001), Vốn nhân lực của người nghèo ở Việt Nam: Tình hình và các lựa chọn về chính sách, Nxb. Lao động - Xã hội, Hà Nội.
4. Trần Quý Long (2013), “Các yếu tố gia đình ảnh hưởng đến tuổi thôi học của thanh thiếu niên Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, số 2. 
5. Trần Quý Long (2014), “Tiếp cận giáo dục của trẻ em Việt Nam và các yếu tố ảnh hưởng”, Tạp chí Nghiên cứu Con người, số 4. 
6. Trần Quý Long (2017), Khác biệt xã hội trong tiếp cận giáo dục của trẻ em, Đề tài cấp cơ sở, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Hà Nội. 
7. Trần Quý Long (2018), “Việc đi học của trẻ em trong độ tuổi trung học và những yếu tố ảnh hưởng”, Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, số 1.
8. Trịnh Duy Luân (2005), “Một số vấn đề xã hội trong giáo dục phổ thông ở đô thị hiện nay (Qua khảo sát tại Đà Nẵng, Nam Định và Hải Phòng)”, Tạp chí Xã hội học, số 3, tr. 52-62.
9. Ngân hàng Thế giới và các cơ quan khác (2011), “Việt Nam: Nâng cao chất lượng giáo dục cho mọi người đến năm 2020”, tập II, Báo cáo phân tích.
10. Nhóm hành động chống đói nghèo (2002), Cung cấp giáo dục cơ bản có chất lượng cho mọi người, Báo cáo chung của các nhà tài trợ, Hà Nội. 
11. Tỉnh An Giang và UNICEF Việt Nam (2012), Phân tích tình hình trẻ em tỉnh An Giang. 
12. Tỉnh Điện Biên và UNICEF Việt Nam (2010), Phân tích tình hình trẻ em tỉnh Điện Biên. 
13. Tổng cục Thống kê (2011), Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam 2009Giáo dục ở Việt Nam: Phân tích các chỉ số chủ yếu, Tổng cục thống kê và Quỹ Dân số LHQ tại Việt Nam, Hà Nội. 
14. Tổng cục Thống kê (2015), Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ thời điểm 1/4/2014: Các kết quả chủ yếu, Nxb. Thống kê, Hà Nội. 
15. Tổng cục Thống kê và UNICEF (2015), Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2014, Báo cáo cuối cùng, Hà Nội. 
16. Tổng cục Thống kê (2017), Kết quả chủ yếu Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thời điểm 1/4/2016, Nxb. Thống kê, Hà Nội. 
17. Tổng cục Thống kê (2018), Kết quả Khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2016, Nxb. Thống kê, Hà Nội. 
18. UNESCO (2008), “Báo cáo giám sát toàn cầu giáo dục cho mọi người: Giáo dục cho mọi người mục tiêu có đạt được vào năm 2015?” (Báo cáo tóm tắt), Paris. 
19. UNICEF (2011), The State of the World’s Children 2011: AdolescenceAn Age of Opportunity, New York. 
20. Ủy ban Dân tộc, UNDP, Irish Aid (2017), Tổng quan thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số (Dựa trên kết quả phân tích số liệu điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2015), Hà Nội. 
21. UBND tỉnh Kon Tum và UNICEF Việt Nam (2015), Phân tích tình hình trẻ em và phụ nữ tỉnh Kon Tum. 22. UBND tỉnh Lào Cai và UNICEF Việt Nam (2016), Phân tích tình hình trẻ em tỉnh Lào Cai, Hà Nội. 
23. Nguyễn Đức Vinh (2009), “Tác động của các yếu tố cá nhân và gia đình đến tình trạng đi học của của trẻ em và thanh niên ở nông thôn”, Tạp chí Xã hội học, số 4, tr. 26-43.   
24. Young Lives (2011), Báo cáo điều tra vòng 3: Trẻ em lớn lên như thế nào trong thiên niên kỷ mới? Những kết quả ban đầu của Việt Nam, Hà Nội.


(*) ThS., Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; 
Email: tranquylong@gmail.com

No comments:

Post a Comment