Sunday, December 1, 2019

Hành vi tìm kiếm sức khỏe cho trẻ em trong gia đình

Đề nghị trích dẫn: Trần Quý Long (2009). Hành vi chăm sóc sức khoẻ trẻ em trong gia đình hiện nay. Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, số 1, tr. 67-79.


1. Đặt vấn đề
Việt Nam là quốc gia luôn nhận thức sâu sắc rằng "Trẻ em là thế hệ tương lai của đất nước", Nhà nước và toàn xã hội có trách nhiệm đối với việc tăng cường đầu tư cho trẻ em, nhằm tạo ra những thế hệ thanh niên khỏe mạnh, đủ sức khỏe, có thể lực tốt, thông minh, hiểu biết và sáng tạo cho quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (Nguyễn Thị Bình Dương, 2008).
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Quốc tế Quyền Trẻ em vào năm 1990. Từ khi phê chuẩn Công ước, Chính phủ Việt Nam đã sửa đổi và ban hành một số luật và chính sách để thực hiện Công ước ở Việt Nam. Bên cạnh đó, công cuộc Đổi mới được tiến hành từ năm 1986 đã giúp cho nền kinh tế Việt Nam thóat khỏi tình trạng khủng hoảng và liên tục tăng trưởng.
 Trẻ em Việt Nam với tỷ lệ 36% trong cơ cấu dân số đã được hưởng nhiều lợi ích từ những thành tựu phát triển kinh tế của đất nước và từ khi nước ta phê chuẩn Công ước Quốc tế Quyền Trẻ em. Việt Nam đạt được một số mục tiêu quan trọng về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, được quốc tế đánh giá cao như: T lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi giảm đáng kể trong hai thập kỷ qua. Trong khoảng thời gian từ năm 1990 cho đến năm 2006, t lệ tử vong trẻ dưới năm tuổi giảm từ 58 xuống còn 27 trẻ trong 1.000 trẻ đẻ sống. Cũng trong thời gian này, t lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm từ 44 xuống còn 22 trẻ trong 1.000 trẻ đẻ sống.

Bên cạnh những thành quả đạt được, Việt Nam vẫn bị tụt hậu trong một số lĩnh vực chính liên quan tới sức khỏe trẻ em. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em còn quá cao (25% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng). Mặc dù có sự giảm đáng kể về thiếu hụt vitamin A, chủ yếu là kết quả của các hoạt động  phân phối viên nang vitamin A diện rộng, 12% trẻ em dưới 5 tuổi vẫn có mức vitamin A thấp trong máu, điều này làm giảm sức đề kháng của các em đối với bệnh tật, khoảng 50% bà mẹ đang nuôi con bú cũng có mức vitamin A thấp, làm họ có nguy cơ bị quáng gà và các cháu bé cũng không nhận được đủ vitamin A vào cơ thể qua sữa mẹ.
Sức khỏe rất quan trọng đối với sự an toàn của các cá nhân, vì vậy các hộ gia đình rất sẵn lòng dành nhiều thời gian và tiền của để duy trì và cải thiện tình trạng sức khỏe của các thành viên trong gia đình. Sức khỏe cũng là một yếu tố quan trọng trong môi trường công tác và trường học, bởi vì các cá nhân khỏe mạnh sẽ có khả năng làm việc và học tập nhiều hơn và hiệu quả hơn. 
Hành vi tìm kiếm sức khỏe đề cập tới “những công việc mà từng cá nhân và cả tập thể tiến hành để duy trì và khôi phục sức khỏe”. Duy trì và nâng cao trình độ giáo dục và y tế là chìa khóa cho sự phát triển liên tục. Bên cạnh những lợi ích trực tiếp có liên quan đến đầu tư vào vốn nhân lực, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng đầu tư vào giáo dục và y tế là vấn đề cốt lõi để thóat khỏi nghèo đói. Những người có sức khỏe và giáo dục cao có khả năng tạo thu nhập cao hơn từ lao động của họ và có thể sử dụng tốt hơn lợi ích từ thu nhập này (Indu Bhushan và cộng sự, 2001).
Hầu hết trẻ em được sinh ra, nuôi dạy và lớn lên cùng gia đình, trong môi trường giáo dưỡng quan trọng này, các em bị chi phối bởi hoạt động sống của hộ gia đình. Hành vi bảo vệ và chăm sóc trẻ em cũng không nằm ngoài quy luật đó. Chăm sóc sức khỏe là một nhu cầu cơ bản của con người, một mục tiêu lâu dài của sự nghiệp phát triển xã hội. Là tương lai của đất nước, sức khỏe và sức sống của trẻ em có ý nghĩa đặc biệt với sự trường tồn của mọi dân tộc. Thể trạng đau yếu của trẻ em ngày hôm nay sẽ để lại dấu ấn và hậu quả lâu dài cho xã hội mai sau (Đặng Nguyên Anh, 2000). Vậy thì, những yếu tố nào ảnh hưởng đến hành vi tìm kiếm sức khỏe cho trẻ em trong gia đình? Những đặc trưng nhân khẩu học xã hội của phụ nữ và trẻ em có ảnh hưởng đến hành vi tìm kiếm sức khỏe cho trẻ em không? Những yếu tố vĩ mô với các đặc điểm kinh tế - xã hội khác nhau tác động đến gia đình như thế nào trong hành vi chăm sóc, tìm kiếm sức khỏe cho trẻ em?
2. Điểm luận tài liệu
Chăm sóc sức khỏe là công việc đòi hỏi không chỉ tình thương yêu, lòng tận tuỵ, mà điều quan trọng là những hiểu biết cần thiết cho việc xử lý vấn đề trong quá trình phòng ngừa, chăm sóc, chữa trị cho các thành viên gia đình khi ốm đau. Một nghiên cứu chăm sóc sức khỏe ở nông thôn cho thấy, kiến thức của bà mẹ có ảnh hưởng trực tiếp nhất đến kết quả chăm sóc sức khỏe gia đình. Học vấn giúp cho việc nhận thức được các phương pháp hữu hiệu để phòng bệnh, phát hiện các dấu hiệu bệnh tật và xử lý các tình huống trong việc chăm sóc chữa trị bệnh (Trịnh Hòa Bình, 1998). Tương tự, từ việc phân tích số liệu VLSS 1998, Indu Bhushan và cộng sự (2001) cho thấy, trình độ học vấn và kiến thức của các thành viên hộ gia đình có vai trò quan trọng. Nếu những người lớn trong gia đình được hưởng sự giáo dục tốt, họ có khả năng am hiểu tốt hơn về cách thức tận dụng các dịch vụ y tế. Trình độ học vấn của người mẹ ngày càng trở thành trung điểm quan tâm nhằm cải thiện sức khỏe của trẻ em. Tại Việt Nam có thể thấy mối quan hệ giữa trình độ học vấn của bố mẹ và tình trạng dinh dưỡng của con cái (Dominique Houghton và Jonathan Houghton, 1999). Trình độ học vấn của người mẹ cũng liên quan mật thiết với tình trạng tiêm chủng của trẻ em (Nguyen Minh Thang et al, 2007; VNDHS, 2003).
Một nghiên cứu gần đây sử dụng số liệu DHS 1997 cho rằng, ảnh hưởng của khu vực địa lý là rất mạnh đến chăm sóc sức khỏe trẻ em. Trẻ em các tỉnh đồng bằng sông Hồng có điều kiện phòng chống bệnh tật tốt nhất, trẻ em người Kinh được tiêm chủng đầy đủ hơn trẻ em người dân tộc khác. Các đặc điểm cơ bản khác của trẻ em cũng có ảnh hưởng nhất định đến hành vi chăm sóc từ phía gia đình, trẻ em trong gia đình đông con được tiêm phòng ít hơn nhiều so với gia đình có hai con. Phù hợp với kết quả nghiên cứu quốc tế, nghiên cứu này cho thấy học vấn của người mẹ chi phối mạnh mẽ nhất đến phòng và chữa bệnh cho con cái. Nó có tác động thuận chiều của học vấn mẹ đến chăm sóc sức khỏe trẻ em từ tiêm phòng đến điều trị. Mối quan hệ này thể hiện rõ sự liên hệ tuyến tính tức là cấp học của mẹ càng cao thì đứa trẻ càng được chăm sóc bảo vệ tốt hơn (Đặng Nguyên Anh, 2000).
Hộ gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành hành vi tìm kiếm và tích luỹ vốn nhân lực cho trẻ em, trong đó có vấn đề sức khỏe. Và những đặc điểm gia đình cũng được coi là người quyết định trung tâm trong quá trình tích luỹ vốn nhân lực. Chính các hộ gia đình đã tính toán để đưa ra các quyết định có ảnh hưởng sâu sắc đến tình trạng sức khỏe và giáo dục của các thành viên trong gia đình. Nhìn chung các hộ gia đình coi cả hai loại dịch vụ này đều là “cơ bản”. Rất nhiều hộ gia đình sẵn sàng sử dụng phần lớn thu nhập cho y tế và giáo dục cho con cái mình. Ví dụ, ở Việt Nam các hộ gia đình dành trung bình 20% tổng chi phí ngoài lương thực thực phẩm cho y tế và giáo dục (Indu Bhushan và cộng sự, 2001).
Thu nhập đóng một vai trò quan trọng, đơn giản là người nghèo không thể có được tất cả các loại dịch vụ mà người không nghèo có. Một hộ gia đình nghèo có lẽ chỉ biết dựa vào việc sử dụng thuốc tự chữa trị một bệnh nào đó, trong khi một hộ khá giả có thể đến bác sĩ chữa bệnh. Người nghèo ít có khả năng đầu tư vào vốn nhân lực hơn so với người giàu. Thu nhập khiêm tốn của họ thậm chí không đủ khả năng để duy trì những bữa ăn nghèo dinh dưỡng, nên càng không thể đủ tiền chữa bệnh hoặc cho con đi học. Những gia đình khá giả hơn có đủ khả năng tài chính không chỉ về thức ăn, chỗ ở, quần áo cho các thành viên trong gia đình mà còn có thể cho con học đại học và trả cho các dịch vụ y tế hiện đại (Indu Bhushan và cộng sự, 2001). Sự chấm dứt chế độ bao cấp về y tế, sự cạnh tranh trong kinh tế thị trường với hậu quả phân hóa ngày càng gay gắt về thu nhập và mức sống đã tạo ra sự cách biệt ngày càng lớn trong khả năng chăm sóc sức khỏe của mỗi gia đình (Trịnh Hòa Bình, 1998). 
Bằng cách rà soát các nghiên cứu có liên quan, một tài liệu cho thấy nhóm dân tộc của phụ nữ là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy hành vi tìm kiếm sức khỏe cho trẻ em, phụ nữ dân tộc thiểu số hiếm có hành vi tìm kiếm sức khỏe cho trẻ em hơn (Julia Samueison và cộng sự, 1995).
Tác động của địa bàn cư trú (nông thôn hay thành thị) được tác giả Đặng Nguyên Anh (2000) xem xét thông qua biến số di dân. Kết quả phân tích cho thấy trẻ nhập cư có xác suất tiêm phòng uốn ván cao nhưng lại không được tiêm vắcxin đầy đủ. Đúng như nhận xét của tác giả, do không thuộc diện quản lý trong các chương trình chăm sóc sức khỏe tại địa bàn đô thị nên trẻ em di cư sẽ bị thiệt thòi.  
Trẻ em thuộc khu vực thành thị có tỷ lệ được tiêm chủng đầy đủ cao hơn so với khu vực nông thôn (Nguyen Minh Thang et al, 2007). Những khác biệt lớn nhất về số phần trăm trẻ em được tiêm chủng đầy đủ là theo nơi cư trú, tỷ lệ tiêm chủng cao nhất ở đồng bằng sông Hồng và thấp nhất ở miền núi - Trung du Bắc B(VNDHS, 2003).
3. Giả thuyết, số liệu, phương pháp phân tích
3.1. Giả thuyết
- Tuổi của phụ nữ càng cao càng quan tâm đến việc tìm kiếm sức khỏe cho con.
- Những phụ nữ có học vấn cao hơn, hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp có hành vi tìm kiếm sức khỏe cho trẻ em tích cực hơn những phụ nữ khác.
- Trẻ em trai nhận được sự chăm sóc sức khỏe nhiều hơn trẻ em gái.
- Trẻ em trong những gia đình có nhiều con dưới 5 tuổi thì gặp bất lợi hơn trong việc tiếp cận điều kiện chăm sóc sức khỏe.
- Những gia đình có mức sống cao hơn, thuộc nhóm dân tộc Kinh/Hoa, cư trú ở thành thị có thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm sức khỏe cho trẻ em.
- Có sự khác biệt giữa các vùng trong việc tìm kiếm sức khỏe cho trẻ em, những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển hơn thì trẻ em nhận được nhiều điều kiện chăm sóc sức khỏe hơn.
3.1.1. Biến số phụ thuộc
Sức khỏe liên quan đến nhiều khía cạnh và không có một thước đo đơn lẻ nào đối với tình trạng sức khỏe. Hành vi tìm kiếm sức khỏe cho trẻ em có thể được nghiên cứu với nhiều chỉ tiêu. Trong nghiên cứu này, hành vi tìm kiếm sức khỏe cho trẻ em sẽ được tập trung phân tích 2 lĩnh vực sau đây:
Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em: Tiêm chủng là một trong hai biến số có quan hệ tương hỗ mạnh nhất với mức độ tử vong của trẻ em, gần 25% trẻ em không tiêm chủng đã chết ngay trong năm đầu tiên, trong khi 7% tử vong vào thời kỳ tiếp theo tính từ khi đầy năm đến lúc tròn 4 tuổi. Ngược lại các tỷ lệ này đều thấp hơn tỷ lệ tử vong ở nhóm trẻ được tiêm chủng, khoảng 1% trẻ em chết trong năm đầu và chỉ có 0,8% trẻ em chết trong thời gian từ cuối 12 tháng đến 48 tháng. Vì hầu hết các mũi tiêm chủng được tiến hành vào năm đầu tiên, kết quả cho thấy tiêm chủng là một biện pháp hữu hiệu góp phần hạ thấp mức độ tử vong trẻ em (Tổng cục Thống kê, 1996).
Tiêm chủng đầy đủ là trẻ em phải được nhận 6 loại kháng nguyên phòng 6 bệnh: 1 mũi BCG để phòng lao, 3 mũi DPT để phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván; 3 liều phòng bại liệt và 1 mũi phòng sởi cho trẻ em 9 tháng tuổi. Biến số tiêm chủng đầy đủ bằng 1 nếu trẻ em nhận/uống các loại kháng nguyên trong 8 lần và bằng 0 nếu ngược lại.
Bổ sung vitamin A cho trẻ em: Vitamin A là một vi chất dinh dưỡng quan trọng đối với sức khỏe. Thiếu vitamin A không chỉ gây hậu quả trầm trọng là khô mắt dẫn đến mù lòa mà còn dẫn đến suy giảm chức năng miễn dịch, tăng nguy cơ tử vong lên 30% (UNICEF, 1994). Những tổn thương mắt xảy ra khi dự trữ vitamin A bị cạn kiệt và tỷ lệ cao của những tổn thương này cho thấy là tỷ lệ trẻ em có nguy cơ thiếu vitamin A. Thiếu vitamin A tiền lâm sàng là nguyên nhân làm tăng cao tỷ lệ mắc bệnh, tử vong và làm chậm phát triển trí tuệ ở trẻ, đồng thời làm tăng nguy cơ tai biến sản khoa và tử vong với bà mẹ mang thai.
Chỉ tiêu sử dụng để phân tích là tỷ lệ trẻ em dưới 60 tháng tuổi được uống bổ sung ít nhất 1 lần vitamin A liều cao. Biến số này bằng 1 nếu trẻ đã từng uống vitamin A ít nhất 1 lần và bằng 0 nếu ngược lại.
3.1.2. Biến số độc lập
Sau khi rà soát những nghiên cứu trước đây, chiến lược của nghiên cứu này tiếp tục khẳng định và bổ sung thêm những phân tích thống kê về những yếu tố tác động đến hành vi tìm kiếm sức khỏe cho trẻ em. Những yếu tố có thể ảnh hưởng đến hành vi này bao gồm:
+ Các đặc điểm nhân khẩu học của phụ nữ và trẻ em:
- Tuổi của mẹ: được phân chia thành 4 nhóm: dưới 25 tuổi, 25-29 tuổi, 30-34 tuổi, và từ 35 tuổi trở lên.
- Trình độ học vấn mẹ: được phân chia thành 4 nhóm: không bằng cấp, tốt nghiệp tiểu học, tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) và tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên (THPT+).
- Nghề nghiệp mẹ: được xây dựng thành biến số nhị phân với hai giá trị: nông nghiệp và phi nông nghiệp.
- Giới tính trẻ: biến nhị phân có 2 giá trị nam và nữ.
+ Các yếu tố đặc điểm gia đình:
- Số trẻ dưới 5 tuổi: chia thành các nhóm: 1, 2, 3-4 trẻ.
- Mức sống: được chia theo 5 nhóm: nghèo nhất, cận nghèo, trung bình, khá, và giàu.
- Nhóm dân tộc: được chia thành 2 nhóm: dân tộc Kinh/Hoa và dân tộc ít người.
+ Các yếu tố vĩ mô:
- Khu vực cư trú: bao gồm thành thị và nông thôn.
- Vùng địa lý: được chia theo 8 vùng sinh thái bao gồm: Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ (NTB), Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
3.2. Số liệu
Nghiên cứu này sử dụng số liệu từ cuộc Điều tra đánh giá các mục tiêu về trẻ em và phụ nữ Việt Nam năm 2006 (MICS 3). Cuộc điều tra này được thiết kế nhằm cung cấp các ước lượng tin cậy cho nhiều chỉ tiêu phản ánh tình hình trẻ em và phụ nữ ở cấp quốc gia. Có 3 loại bảng câu hỏi được sử dụng trong cuộc điều tra: 1) Bảng câu hỏi hộ gia đình được sử dụng để thu thập thông tin chung về hộ gia đình và tất cả các thành viên hộ gia đình; 2) Bảng câu hỏi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 15-49 tuổi; và 3) Bảng câu hỏi trẻ em dưới 5 tuổi.
Mẫu điều tra đã được chọn từ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999 với 250 địa bàn được thực hiện ở 8 vùng và 61 tỉnh/thành trên cả nước. Tiếp theo, MICS 3 chọn 8.356 hộ gia đình để phỏng vấn, trong đó 8.355 hộ gia đình đã được phỏng vấn thành công, do đó tỷ lệ trả lời của hộ gia đình là gần 100%. Trong các hộ gia đình được phỏng vấn, có 10.063 phụ nữ 15-49 tuổi và 9.347 phụ nữ được phỏng vấn thành công, chiếm tỷ lệ 94,1%. Có 2.707 trẻ em dưới 5 tuổi được liệt kê trong danh sách hộ gia đình, trong đó có 2.680 trẻ được hoàn thành bảng hỏi với tỷ lệ trả lời tương ứng 99% (Tổng cục Thống kê, 2006).
3.3. Phương pháp phân tích
Kỹ thuật phân tích mô tả mặc dù thông dụng nhưng không cho phép lý giải chính xác phát hiện thu được và nhất là không loại trừ ảnh hưởng của các yếu tố khác. Phân tích đa biến sẽ cho thấy tác động của từng biến số độc lập đầy đủ hơn khi đã tính đến tác động của các biến số khác. Bởi vì các biến phụ thuộc là biến nhị phân, do đó sử dụng mô hình hồi quy logistic là phù hợp với loại hình phân tích này.
4. Hành vi tìm kiếm sức khỏe cho trẻ em
4.1. Tiêm chủng
Một trong những mục tiêu của chương trình tiêm chủng quốc gia là tiêm chủng đầy đủ các liều vắcxin cho trẻ em, vì vậy ở phần này sẽ tập trung nghiên cứu về các yếu tố tác động lên việc trẻ nhận đầy đủ các liều vắcxin theo quy định. Kết quả phân tích số liệu cuộc khảo sát MICS 3 ở bảng dưới cho thấy tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ của trẻ em dưới 5 tuổi không cao lắm, chỉ có khoảng 65,4% (Bảng 1).
Sử dụng mô hình hồi quy đa biến bằng thủ tục logistic cho thấy, có sự bình đẳng giữa trẻ em traigái trong việc được tiêm chủng đầy đủ. Khi tính đồng thời tác động của các biến số khác, biến số trẻ em là nam không có ảnh hưởng đến việc được tiêm chủng cao hơn trẻ em gái vì không có ý nghĩa thống kê (Bảng 1). Những đứa trẻ có thêm anh chị em dưới 5 tuổi thì xác suất được tiêm chủng càng ít hơn (p<0,01). Nếu như trẻ có thêm 1 anh chị em thì xác suất được tiêm chủng giảm xuống 59% so với xác suất 65,4% ban đầu và nếu có thêm 2 anh chị em thì xác suất tiếp tục giảm xuống còn 52%. Rõ ràng là việc đẻ dày, đẻ nhiều con đã ảnh hưởng rất lớn đến phúc lợi trẻ em trong gia đình.
Bảng 1: Mô hình hồi quy logistic về các yếu tố tác động đến

tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 5 tuổi

Yếu tố


Biến số


Hệ số

Hệ số Exp(B)
Xác suất ước tính tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em ban đầu là 0,65
Giới tính trẻ
Nam (có=1)
-,030
,970
0,65
Số trẻ < 5
1 (ref.)



tuổi
2
-,267
,766**
0,59

3 - 4
-,547
,579**
0,52
Tuổi mẹ
< 25 (ref.)




25 - 29
,418
1,519***
0,74

30 - 34
,702
2,017***
0,79

35 +
,571
1,770***
0,77
Trình độ
Không bằng cấp (ref.)



học vấn mẹ
Tốt nghiệp tiểu học
,488
1,629***
0,75

Tốt nghiệp THCS
,462
1,588**
0,75

Tốt nghiệp THPT+
,488
1,629**
0,75
Nghề nghiệp
Nông nghiệp (có=1)
,032
1,033
0,66
Dân tộc
Kinh + Hoa (có=1)
,490
1,632***
0,76
Mức sống
Nghèo nhất (ref.)




Cận nghèo
,089
1,093
0,67

Trung bình
,222
1,249**
0,70

Khá
,223
1,250**
0,70

Giàu
,445
1,560***
0,75
Khu vực
Nông thôn  (có=1)
,126
1,135
0,68
Vùng
ĐBSH (ref.)




Tây Bắc
-,052
,949
0,64

Đông Bắc
-,388
,678**
0,56

Bắc Trung Bộ
-,129
,879
0,62

Duyên hải NTB
-,484
,617**
0,54

Tây Nguyên
,236
1,266*
0,71

Đông Nam Bộ
-,124
,884
0,63

ĐBSCL
-,337
,714**
0,57
 Hằng số

,329
1,390***
0,72
N=2.680. Nagelkerke R Square=0,114
Ghi chú: Mức ý nghĩa thống kê *p<0,05; **p<0,01; ***p<0,001.

(ref.) dùng để làm nhóm so sánh.



Tuổi của người mẹ tác động đến việc trẻ em được tiêm chủng đầy đủ các loại vắcxin, so với nhóm dưới 25 tuổi, các nhóm tuổi cao hơn có xác suất đưa con đi tiêm phòng cao hơn, hệ số Exp(B) có ý nghĩa thống kê (p<0,001) lần lượt là 1,5; 2,0 và 1,7 đối với các nhóm 25-29 tuổi, 30-34 tuổi và 35 tuổi trở lên. Mối quan hệ thuận chiều giữa giáo dục của người mẹ và tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ phòng bệnh cho trẻ em đã được chứng minh qua khảo sát MICS 3. Xác suất trẻ em được tiêm chủng lớn hơn khi người mẹ được học đến các bậc học cao hơn so với những người mẹ không bằng cấp.
Nghề nghiệp của mẹ lại không có ảnh hưởng đến hành vi tiêm chủng cho trẻ em, nghĩa là người mẹ làm nông nghiệp hay không thì trẻ em vẫn được tiêm chủng đầy đủ như nhau. Qua đó, chúng ta thấy không có sự sao nhãng trong chăm sóc sức khỏe cho trẻ em giữa những phụ nữ có nghề nghiệp khác nhau. Tiềm lực kinh tế hay địa vị xã hội có thể là khác nhau nhưng tình yêu thương dành cho con thì giống nhau giữa các bà mẹ.
Tác động của yếu tố dân tộc vẫn không thay đổi khi đưa các yếu vào cùng một lúc để phân tích, nếu như một người phụ nữ di chuyển từ nhóm dân tộc thiểu số sang nhóm người Kinh và Hoa thì xác suất trẻ em được tiêm chủng tăng lên 76% (p<0,001). Trình độ học vấn thấp, sự không thông thạo tiếng Kinh của nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số khiến cho việc tiếp cận các kiến thức về tiêm chủng hạn chế có lẽ đã tạo ra sự khác biệt này.
Mức sống của gia đình có tác động khá mạnh đến hành vi tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em. Hệ số chênh lệch Exp(B) tăng dần ở các nhóm có mức sống cao hơn và có ý nghĩa thống kê. So với nhóm nghèo nhất có xác suất tiêm chủng cho trẻ em là 65,4% thì nhóm giàu nhất là 75% (p<0,001).
Không có sự khác nhau giữa người thành thị và nông thôn trong việc tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em, thậm chí ở nông thôn đã có xu hướng tiêm chủng cao hơn thành thị, tuy nhiên sự tác động này không chắc chắn vì không có ý nghĩa thống kê. Điều đó cho thấy hiệu quả của hoạt động tuyên truyền phổ biến về lợi ích của tiêm chủng đã làm thay đổi nhận thức của người dân ở nông thôn.
Mặc dù không rõ nét, nhưng kết quả ước lượng hồi quy cho thấy các vùng địa lý khác có xác suất tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em thấp hơn đồng bằng sông Hồng. Khi chuyển từ vùng đồng bằng sông Hồng sang các vùng khác thì xác suất trẻ được tiêm chủng đầy đủ giảm xuống (vì các hệ số của các vùng khác mang dấu âm (-)), ngoại trừ vùng Tây Nguyên. Điều này chứng tỏ đồng bằng sông Hồng có xu hướng chú trọng tới việc tiêm chủng đầy đủ hơn các vùng khác. Sở dĩ đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em cao hơn có thể là do được tiếp nhận vắcxin ngay từ những năm 1960 nên người dân hiểu rõ hơn tác dụng quan trọng của tiêm chủng (DHS 1997, 2000).
4.2. Bổ sung vitamin A
Tương tự như tiêm chủng, không có sự khác biệt giữa trẻ em trai và trẻ em gái trong việc nhận bổ sung vitamin A, kết quả ước lượng hồi quy logistic cho thấy, trẻ em traigái đều được bổ sung vitamin A như nhau (Bảng 2). Tuy nhiên những trẻ có thêm anh chị em từ 5 tuổi trở xuống thì lại có xác suất uống vitamin A thấp hơn. Nếu trong gia đình có 2 đứa trẻ dưới 5 tuổi thì xác suất đứa bé được uống vitamin A giảm xuống còn 75% so với 87% và nếu như trong gia đình có 3-4 đứa trẻ thì xác suất tiếp tục giảm xuống còn 56% (p<0,001).
Tuổi của người mẹ tác động mạnh mẽ đến hành vi bổ sung vitamin A cho trẻ em. Khi tính đến tác động của các biến số khác, tác động của tuổi mẹ vẫn không thay đổi với mức ý nghĩa thống kê (p<0,001). Điều này cho thấy kinh nghiệm nuôi con là rất quan trọng, khi lớn tuổi hơn (và có thêm con) những người mẹ có khả năng nhận thức được thế nào là một đứa trẻ thiếu vitamin A và chủ động bổ sung viên nang này cho con cái.
Học vấn của mẹ tác động tương đối mạnh mẽ đến hành vi của họ trong việc cho con uống bổ sung vitamin A. So với những người không bằng cấp, hệ số Exp(B) của những người tốt nghiệp tiểu học và trung học cơ sở cao hơn 1,4 lần (p<0,001) và những người có bằng trung học phổ thông trở lên cao hơn gần 1,1 lần (p<0,01).
Khi tất cả các biến được kiểm soát, tác động của nghề nghiệp người mẹ có sự thay đổi. Trẻ em có mẹ làm nông nghiệp lại có xu hướng được uống vitamin A cao hơn trẻ có mẹ làm nghề phi nông. Điều đó chưa được khẳng định qua mô hình phân tích, nhưng nó cũng chỉ ra xu hướng là việc được bổ sung vitamin A không phụ thuộc vào nghề nghiệp của người mẹ.
Phù hợp với giả thuyết, trẻ em người Kinh/Hoa được bổ sung uống vitamin A nhiều hơn trẻ dân tộc ít người. Hệ số Exp(B) đặc biệt cao và đạt mức ý nghĩa thống kê (p<0,001).
Bảng 2: Mô hình hồi quy logistic về các yếu tố tác động đến
bổ sung vitamin A cho trẻ em dưới 5 tuổi


Yếu tố


Biến số


Hệ số

Hệ số
Exp(B)
Xác suất ước tính ban đầu là 0,80
Giới tính trẻ
Nam (có=1)
,014
1,014
0,81
Số trẻ < 5
1 (ref.)

1

tuổi
2
-,342
,710**
0,75

3 - 4
-1,198
,302***
0,56
Tuổi mẹ
< 25 (ref.)

1


25 – 29
,475
1,608***
0,87

30 – 34
,650
1,916***
0,89

35 +
,727
2,069***
0,90
Trình độ
Không bằng cấp (ref.)

1

học vấn mẹ
Tốt nghiệp tiểu học
,369
1,446***
0,86

Tốt nghiệp THCS
,401
1,494***
0,86

Tốt nghiệp THPT+
,010
1,010*
0,81
Nghề nghiệp
Nông nghiệp (có=1)
,216
1,242
0,84
Dân tộc
Kinh + Hoa (có=1)
1,069
2,914***
0,92
Mức sống
Nghèo nhất (ref.)

1


Cận nghèo
,205
1,228***
0,84

Trung bình
,512
1,669***
0,87

Khá
,285
1,330***
0,85

Giàu
,810
2,249***
0,90
Khu vực
Nông thôn  (có=1)
-,133
,876
0,79
Vùng
ĐBSH (ref.)

1


Tây Bắc
-1,589
,204***
0,46

Đông Bắc
-,911
,402***
0,63

Bắc Trung Bộ
-1,358
,257***
0,52

Duyên hải NTB
-1,321
,267***
0,53

Tây Nguyên
-1,277
,279***
0,54

Đông Nam Bộ
-1,572
,208***
0,46

ĐBSCL
-1,753
,173***
0,42
Hằng số

1,001
2,720***
0,92
Ghi chú: Mức ý nghĩa thống kê *p<0,05; **p<0,01; ***p<0,001.
 (ref.): Nhóm so sánh. N=2641. Nagelkerke R Square=0.143
Có thể nói rằng những khía cạnh khác nhau của gia đình có ảnh hưởng đến việc bổ sung vitamin A cho trẻ em. Nhìn chung, những gia đình có mức sống cao hơn trẻ em được uống bổ sung vitamin A nhiều hơn. Xác suất trẻ em nhận được vitamin A cao hơn khi gia đình có mức sống cao hơn, so với nhóm gia đình có mức sống nghèo nhất, nhóm gia đình có mức sống giàu nhất có xác suất bổ sung vitamin A cho trẻ em tăng lên 90% so với 80,7%. Kết quả thu được hoàn toàn phù hợp với những quan sát trong thực tế đời sống hàng ngày, gia đình có tiềm năng kinh tế dồi dào sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm sức khỏe cho trẻ em.
Trẻ em ở vùng nông thôn được bổ sung vitamin A ngang bằng với trẻ em thành thị, bởi vì tác động của biến số thành thị không có ý nghĩa thống kê. Điều đó cho thấy trẻ em được xã hội và gia đình quan tâm rất lớn về mặt phòng ngừa bệnh tật; mặt khác cũng chứng tỏ là phong trào bổ sung vitamin A cho trẻ em thực sự được trải rộng trên địa bàn thành thị lẫn nông thôn.
Tác động của khu vực địa lý là rất mạnh đến hành vi bổ sung vitamin A cho trẻ em. Trẻ em ở đồng bằng sông Hồng có điều kiện được uống vitamin A nhiều hơn các vùng khác, kết quả phân tích đưa ra khẳng định xác suất được uống vitamin A ở các vùng khác thấp hơn đồng bằng sồng Hồng, sự khác biệt này rất có ý nghĩa thống kê (p<0,001).
 5. Kết luận
Sự ra đời của đứa trẻ, một thành viên mới trong gia đình, không chỉ là biểu trưng của hạnh phúc mà còn là niềm tự hào của gia tộc. Sự khỏe mạnh và chất lượng cuộc sống của trẻ là mục đích cuối cùng của gia đình. Ngay từ khi chưa ra đời, trẻ em phụ đã phụ thuộc vào sự chăm sóc và tìm kiếm sức khỏe của người mẹ
Phân tích bằng mô hình hồi quy đa biến khẳng định giả thuyết, học vấn của người mẹ chi phối mạnh mẽ nhất đến hành vi tìm kiếm sức khỏe cho trẻ em, kết quả nghiên cứu cho thấy tác động thuận chiều của học vấn người mẹ đối với vấn đề tiêm chủng và bổ sung vitamin A cho trẻ em. Mối quan hệ này thể hiện rất rõ sự tuyến tính, tức là cấp học của mẹ càng cao thì trẻ em càng được chăm sóc bảo vệ tốt hơn. Nhưng điều quan trọng là vẫn tiếp tục cung cấp giáo dục và thông tin để trang bị cho các bà mẹ khả năng nhận thức và thay đổi hành vi trong việc tìm kiếm sức khỏe cho trẻ em. 
Không có bằng chứng về sự thiên vị giới tính chống lại con gái trong hành vi tìm kiếm sức khỏe, mặc dù con trai thường được ưa chuộng hơn con gái, nhưng tất cả các cháu bé thì đều được yêu quý như nhau. Tuy nhiên, việc đẻ dày đẻ nhiều con là một bất lợi đối với phúc lợi trẻ em.
Tiềm lực kinh tế và địa vị xã hội của người mẹ là quan trọng song kết quả phân tích cho thấy yếu tố kinh tế không phải điều kiện quyết định hành vi tìm kiếm sức khỏe cho trẻ em, những yếu tố phi kinh tế có tầm quan trọng không kém, được thể hiện rõ nét trong việc tiêm chủng đầy đủ và bổ sung vitamin A cho trẻ em. Điều đó được chứng minh qua nghề nghiệp của người mẹ, dù làm nông nghiệp hay là những người hoạt động trong lĩnh vực phi nông, những người mẹ đều có chung một quan điểm là quan tâm tìm kiếm chăm sóc sức khỏe cho con một cách chu đáo.
Với chủ trương xã hội hóa của Chính phủ, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em ngày nay không chỉ là bổn phận của từng gia đình mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội, song trong mối tương quan đó, gia đình vẫn là yếu tố chủ đạo. Có thể nói rằng những khía cạnh khác nhau của gia đình có ảnh hưởng đến việc tìm kiếm sức khỏe cho trẻ em. Nhìn chung những gia đình có mức sống cao hơn trẻ em được chăm sóc sức khỏe nhiều hơn. Kết quả thu được hoàn toàn phù hợp với giả thuyết và những quan sát trong thực tế đời sống hàng ngày.
Nghiên cứu này một lần nữa khẳng định sự bất lợi của những trẻ em người dân tộc khi tiếp nhận hành vi tìm kiếm và chăm sóc sức khỏe từ phía gia đình và cộng đồng. Nhiều kết quả nghiên cứu ở nước ta cho thấy trẻ em dân tộc thiểu số có tỷ lệ suy dinh dưỡng, bệnh tật, tử vong cao hơn trẻ em người Kinh/Hoa là xuất phát từ những khác biệt này.
Việt Nam có truyền thống xây dựng được một chương trình rất mạnh dịch vụ y tế cấp cơ sở cấp xã về theo dõi, quản lý và chăm sóc trẻ em. Kết qủa phân tích cho thấy, nông thôn đã tiến kịp thành thị trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở lĩnh vực tiêm chủng và bổ sung vitamin A. Vì thế giả thuyết cho rằng trẻ em ở thành thị được chăm sóc, tìm kiếm sức khỏe nhiều hơn nông thôn đã bị bác bỏ.
Tác động vùng địa lý tương đối mạnh, có lẽ nó không chỉ phản ánh các điều kiện địa lý mà còn phản ánh cơ cấu kinh tế - xã hội, hệ thống y tế và thái độ đối với hành vi tìm kiếm sức khỏe cho trẻ em. Cần phải có chú ý đặc biệt đối với những vùng kém phát triển để phát hiện hành vi tìm kiếm sức khỏe cho trẻ em thấp là do thói quen, phong tục tập quán hay là do nhận thức. Chính phủ vẫn phải tiếp tục đầu tư cho công tác tuyên truyền giáo dục về hành vi tìm kiếm sức khỏe cho trẻ em trong các gia đình, đặc biệt là phụ nữ cũng như cung cấp các nguồn lực về cơ sở hạ tầng, thuốc men, đội ngũ nhân viên y tế cho những vùng sâu, vùng xa, vùng kém phát triển. Trên phương diện vĩ mô, những nỗ lực nhằm nâng cao tỷ lệ tiêm phòng đầy đủ và bổ sung vitamin A kịp thời, đặc biệt đối với trẻ em dân tộc, ở vùng sâu vùng xa… chắc chắn sẽ góp phần hạ thấp tỷ lệ tai biến, bệnh tật và tử vong của trẻ em.

Tài liệu tham khảo

1.   Đặng Nguyên Anh (2000), "Cấu trúc hộ gia đình và sức khỏe trẻ em: những phát hiện qua khảo sát nhân khẩu học và sức khỏe 1997", Tạp chí Xã hội học, số 4, tr. 61-74.
2.   DHS 1997 (2000), Tiêm chủng trẻ em, Nxb. Thống kê, Hà Nội.
3.   Dominique Houghton và Jonathan Houghton (1999), Sở thích con trai, Dominique Haughton, Jonathan Haughton, Sarah Bales, Trương Thị Kim Chuyên, Nguyễn Nguyệt Nga và Hoàng Văn Kình (chủ biên), Hộ gia đình Việt Nam nhìn qua phân tích định lượng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
4.   Indu Bhushan, Erik Bloom, Nguyễn Minh Thắng và Nguyễn Hải Hữu (2001), Vốn nhân lực của người nghèo ở Việt Nam: Tình hình và các lựa chọn về chính sách, Nxb. Lao động - Xã hội, Hà Nội.
5.   Julia Samueison và cộng sự (1995), Tình trạng sức khỏe phụ nữ ở Việt Nam, Uỷ ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, Hà Nội.
6.   Nguyen Minh Thang et al (2007), Child imunization in Vietnam: Situation and barriers to coverage, Journal of Biosoc.Sci., (39), tr. 41-58.
7.   Nguyễn Thị Bình Dương (2008), "Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho phát triển", Tạp chí Cộng sản, số 10.
8.   Tổng cục Thống kê (1996), Điều tra nhân khẩu học giữa kỳ 1994: Khoảng cách sinh và tử vong của trẻ em Việt Nam, Nxb. Thống kê, Hà Nội.
9.   Tổng cục Thống kê (2006), Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2006 (MICS 3), Nxb. Thống kê, Hà Nội.
10. Trịnh Hòa Bình (1998), Gia đình nông thôn và vấn đề chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
11. UNICEF (1994), Phân tích tình hình phụ nữ và trẻ em, Hà Nội.
12. VNDHS (2003), Điều tra nhân khẩu học và sức khỏe 2002, Nxb. Thống kê, Hà Nội.

No comments:

Post a Comment