Trần Quý Long
Đề nghị trích dẫn: Trần Quý Long (2019). Tiếp cận điều kiện vui chơi giải trí của trẻ em trong độ tuổi mầm non. Trần Quý Long. Những nghiên cứu xã hội học về trẻ em Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
1. Đặt vấn đề
Những năm tháng đầu đời
là giai đoạn dễ bị tổn thương và cũng là giai đoạn có tiềm năng rất to lớn cho
trẻ em. Trong thời gian đó, sự chăm sóc và kích thích/ khích lệ đầy đủ là rất cần
thiết để tạo nền tảng cho sự phát triển và hạnh phúc của một đứa trẻ. Vui chơi
giải trí là một trong những hoạt động không thể thiếu trong giai đoạn trẻ thơ để
phát triển toàn diện về trí tuệ và sức khỏe, và được Công ước về quyền trẻ em
quy định là một nhu cầu và quyền cơ bản của trẻ em. Luật Bảo vệ, chăm sóc và
giáo dục trẻ em của Việt Nam cũng quy định rằng trẻ em có quyền tham gia vào
các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao và du lịch
(Bộ Lao động, Thương binh
và Xã hội và UNICEF Việt Nam, 2008).
Một chỉ số quan trọng đối với phát triển mầm non là việc
tiếp cận với sách/ truyện tranh. Được tiếp cận với sách trong những năm đầu đời
không chỉ cho trẻ khả năng nhận biết mặt chữ tốt hơn mà còn giúp trẻ có nhiều
cơ hội để phát triển chỉ số thông minh. Số sách có ở gia đình đã giúp quyết định sự phát
triển ngôn ngữ, kết quả về môn đọc và thành công ở nhà trường. Đối với hoạt
động chơi đồ chơi, người lớn trong gia đình có thể hướng dẫn trẻ em phát triển
những tính cách cần thiết của chủ nhân tương lai như tính độc lập, chủ động,
sáng tạo… Một nghiên cứu theo chiều dọc ở Vương quốc Anh trên quy mô lớn về trẻ
em cho thấy rằng, ảnh hưởng quan trọng đối với thành công trong việc học đọc
của trẻ em ở tiểu học là mức độ mà chúng được trực tiếp trải nghiệm các tài
liệu in trong những năm trước tiểu học (UNESCO, 2007). Đồ chơi cũng đóng một vai
trò quan trọng trong việc kích thích sự sáng tạo của trẻ em. Việc sẵn có đồ
chơi và các thiết bị, vật liệu để vẽ và chơi trong gia đình là một chỉ báo tốt
về điểm số cao về phát triển nhận thức trong số trẻ em từ 1-3 tuổi ở Moldova, bất
kể vị thế kinh tế - xã hội của gia đình (UNESCO, 2007). Trong khi trẻ nhỏ ở Kênia có ít đồ chơi và các vật dụng
khác được xem là của riêng chúng thì trẻ em ở Bắc Mỹ nhận được hàng loạt quà
tặng và đồ chơi khác nhau và tăng dần khi chúng lớn và được khuyến khích phát
triển các sở thích cá nhân. Do đó trẻ nhỏ ở Kênia không phát triển được ý thức
về cá nhân như trẻ nhỏ ở Bắc Mỹ (UNESCO, 2007).
Môi trường gia đình có tác động chủ yếu đến sự phát triển của đứa trẻ. Sự sẵn có các tài liệu đọc, các vật dụng để vẽ và về nghệ thuật và đồ chơi được xem là một chỉ số tốt về sự quan tâm và nhạy cảm của cha mẹ về vấn đề chơi và phát triển, và cũng là chất lượng của môi trường gia đình (UNESCO, 2007). Sử dụng số liệu của Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ năm 2011 (MICS 4), nghiên cứu sẽ tiến hành xây dựng một biến số về thực trạng tiếp cận những điều kiện vui chơi và giải trí của trẻ em dưới 5 tuổi thông qua hai chỉ số là số sách, truyện tranh từ 3 quyển trở lên và đồ chơi tự làm hoặc mua từ cửa hàng dành cho trẻ em. Sau đó, nghiên cứu sẽ tập trung vào phân tích thực trạng tiếp cận điều kiện vui chơi giải trí của trẻ dưới 5 tuổi theo một số đặc điểm của trẻ em và hộ gia đình. Cuối cùng, kỹ thuật phân tích hồi quy đa biến sẽ được áp dụng nhằm tìm hiểu những yếu tố nào có ảnh hưởng hoặc có mối quan hệ với khả năng tiếp cận những điều kiện vui chơi giải trí của trẻ em trong bối cảnh tính đến sự ảnh hưởng đồng thời của các yếu tố khác.
2. Số liệu, biến
số và kỹ
thuật phân tích
2.1.
Số liệu
Nghiên cứu được tiến hành dựa
trên số liệu từ cuộc Điều tra đánh giá các mục tiêu về trẻ em và phụ nữ Việt
Nam lần thứ 4 vào năm 2011 (MICS 4). Cuộc điều tra này được thiết kế nhằm cung
cấp các ước lượng tin cậy cho nhiều chỉ tiêu phản ánh tình hình trẻ em và phụ
nữ ở cấp quốc gia, thành thị và nông thôn và 6 vùng địa lý tự nhiên, kinh tế-xã
hội. Trẻ em dưới 5 tuổi được liệt kê trong bảng câu hỏi hộ gia đình và 3.678
trường hợp đã được phỏng vấn thành công thông qua người mẹ hoặc người chăm sóc
chính với tỷ lệ tương ứng là 98,6% (Tổng cục Thống kê, 2011). Mẹ/người chăm sóc của trẻ
em dưới 5 tuổi được hỏi về số quyển sách hoặc sách tranh, đồ vật trong nhà hoặc
bên ngoài nhà, đồ chơi tự làm hoặc đồ chơi mua từ cửa hàng mà trẻ em có được.
2.2. Biến số phụ thuộc
Sách và đồ chơi đóng vai trò quan trọng, kích thích sự
sáng tạo và phát triển chỉ số thông minh của trẻ em và là một trong số ít các vật
dụng trong gia đình dành riêng cho trẻ em. Một biến số được xây dựng để xem xét
liệu trẻ em có được tiếp cận đầy đủ với các điều kiện vui chơi giải trí hay
không được dựa trên hai chỉ số: 1) Trẻ em có đồ chơi do gia đình tự làm hoặc
mua ngoài cửa hàng; và 2) Trẻ em có từ 3 quyển truyện thiếu nhi hoặc truyện
tranh trở lên. Nếu một trẻ em sở hữu một trong hai chỉ số vừa nêu thì được xem
là đã tiếp cận được với điều kiện vui chơi giải trí và đây cũng là biến số phụ
thuộc của nghiên cứu này.
Kết quả phân tích cho thấy, chỉ có
19,6% trẻ em từ 0-59 tháng tuổi đang sống trong hộ gia đình có ít nhất 3 quyển
sách dành cho trẻ. Đồ chơi tự làm hoặc mua từ cửa hàng là tiêu chí phù hợp để đánh giá tình
hình của một trẻ em về phương diện giải trí. Có
21,9% trẻ em có đồ chơi tự làm và 75,6% có đồ chơi mua từ cửa hàng; tính gộp lại,
có 79,7% trẻ em có một hoặc cả hai loại đồ chơi tự làm hoặc mua từ cửa hàng. Chỉ
số tổng hợp cuối cùng về việc được tiếp cận điều kiện vui chơi giải trí của trẻ
em có tỷ lệ khá cao, 77,6% trẻ em dưới 5 tuổi có từ 3 quyển sách trở lên hoặc
có đồ chơi tự làm hoặc mua từ cửa hàng.
2.3. Biến số độc lập
Được sở hữu những đồ chơi hoặc sách, truyện ở một mức độ
nào đó có thể phụ thuộc vào những đặc điểm nhân khẩu học của trẻ em. Vì thế, biến
số tuổi, giới tính, và thành phần dân tộc của trẻ em được đưa vào mô hình phân
tích. Tuổi của trẻ em là biến số định lượng và được xác định vào thời điểm khảo
sát. Tuổi là biến số quan trọng vì khả năng, nhu cầu tiếp nhận những thứ để vui
chơi giải trí rất khác nhau đối với nhóm trẻ ở những độ tuổi khác nhau. Ngược lại,
biến số thành phần dân tộc của trẻ em là một biến số lưỡng phân với hai giá trị
là dân tộc Kinh/Hoa và dân tộc thiểu số.
Khả năng được tiếp cận với
điều kiện vui chơi giải trí của trẻ em có khác biệt theo học vấn người mẹ hay
không là một khía cạnh cần được xem xét. Vì thế, biến số này sẽ được đưa vào
phân tích với 5 nhóm giá trị: không bằng cấp, tiểu học, trung học cơ sở, trung
học phổ thông, và trung học chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng (THCN, TCN,
CĐ) trở lên.
Trong mô hình phân tích,
biến số điều kiện kinh tế hộ gia đình được sử dụng để đo lường ảnh hưởng có thể
có đối với việc sở hữu đồ chơi hoặc sách, truyện tranh của trẻ em. Biến số này
được xây dựng bằng phương pháp dựa trên những thông tin về sở hữu tài sản và vật
dụng của hộ gia đình. Kết quả cuối cùng là các gia đình được chia thành 5 nhóm
có quy mô bằng nhau và được xếp loại từ nhóm 20% nghèo nhất tới nhóm 20% giàu
nhất. Biến số này không nhằm cung cấp thông tin về nghèo đói tuyệt đối, thu nhập
hoặc mức chi tiêu tại thời điểm khảo sát của gia đình (Tổng cục Thống
kê, 2011). Trong mô hình phân tích
đa biến, gia đình ở nhóm có mức sống nghèo nhất được đưa ra để làm giá trị so
sánh với các nhóm còn lại. Với các điều kiện khác như nhau, nghiên cứu dự đoán
các hộ gia đình khá giả hơn sẽ có khả năng đầu tư, trang bị cho trẻ em những thứ
vui chơi giải trí nhiều hơn.
Các biến số mang đặc điểm
từng vùng và nông thôn được sử dụng để đánh giá sự khác biệt có thể có giữa các
vùng và nông thôn-đô thị trong việc tiếp cận điều kiện vui chơi, giải trí của
trẻ em. Trong số các vùng địa lý, đồng bằng sông Hồng được lựa chọn
làm vùng so sánh/ tham chiếu.
2.4. Kỹ thuật phân tích
Xác suất một trẻ em có được tiếp cận với điều kiện vui
chơi giải trí phù hợp hay không là biến số phụ thuộc trong mô hình ước lượng
hồi quy đa biến của nghiên cứu này, các yếu tố có thể ảnh hưởng đến biến số phụ
thuộc này là các biến số độc lập và biến số trung gian. Trong quá trình kiểm
định xác suất của một kết quả nhị nguyên của biến số phụ thuộc như vậy, một mô
hình hồi quy dựa vào phương pháp logistic là phù hợp. Thông tin ở cột ‘giá trị
P’ cho thấy mức ý nghĩa thống kê, nếu giá trị này nhỏ hơn 0,05 thì mối quan hệ
giữa biến số độc lập và biến số phụ thuộc mới được xem là ‘đáng kể về mặt thống
kê’ hoặc ‘có ý nghĩa về mặt thống kê’. Mức ý nghĩa thống kê càng nhỏ thì mối
quan hệ giữa biến số độc lập và biến số phụ thuộc càng mạnh.
3. Kết quả nghiên cứu
Một số đặc trưng mẫu nghiên cứu
Trong số 3.678 trẻ em tham gia vào mẫu phân tích, số lượng
trẻ em trai và trẻ em gái gần như tương đương nhau, 51% và 49%. Tuổi trung bình của
trẻ là 29,5 tháng và có phân bố trong khoảng từ 0 đến 59 tháng với độ lệch chuẩn
16,7. Trẻ em người Kinh trong mẫu phân tích chiếm đa số với tỷ lệ 80%. Đối với
học vấn người mẹ trong mẫu nghiên cứu, 7,9% không có bằng cấp và cao nhất là tốt
nghiệp trung học cơ sở với 37,5%, ba nhóm trình độ học vấn còn lại bao gồm tiểu
học, trung học phổ thông, và trung học chuyên nghiệp, cao đẳng trở lên có tỷ lệ
tương đương nhau ở tỷ lệ 18%. Trẻ em sống trong hộ gia đình có mức sống thấp nhất
chiếm tỷ lệ cao nhất với 26,7%, số trẻ em sống trong các nhóm gia đình có mức sống
khác dao động từ 16 đến 20%.
Đối với khu vực cư trú, có 61,4% trẻ em trong mẫu phân
tích sống ở khu vực nông thôn, ngược lại tỷ lệ trẻ em sống ở khu vực đô thị là
38,6%. Hai khu vực Trung du
và miền núi phía Bắc (MNPB) và Tây Nguyên có số lượng
trẻ em tham gia trong mẫu nghiên cứu khoảng 20%, những vùng còn lại đều có tỷ lệ
khoảng 15%.
Phân tích nhị biến
Kết quả phân tích bảng hai chiều cho thấy các đặc điểm của
trẻ em có mối liên hệ với tỷ lệ được tiếp cận với điều kiện vui chơi giải trí
do gia đình cung cấp bao gồm sách từ 3 quyển sách trở lên và đồ chơi mua từ cửa
hàng hoặc tự làm. Trong đó, trẻ em ở nhóm tuổi lớn hơn, nam giới và dân tộc Kinh/
Hoa có tỷ lệ được tiếp cận với những thứ để vui chơi giải trí cao hơn. Ví dụ,
so với trẻ em người dân tộc thiểu số, trẻ em người Kinh/ Hoa có tỷ lệ được tiếp
cận những điều kiện vui chơi giải trí cao hơn 37,8 điểm phần trăm. Thực tế đây
không chỉ đơn thuần là chênh lệch trong việc được hưởng phúc lợi gia đình trong
lĩnh vực chăm sóc phát triển của trẻ em ở nhóm dân tộc Kinh/ Hoa và dân tộc thiểu
số mà còn là sự khác biệt về mức sống, khu vực địa lý bởi vì nhóm dân tộc thiểu
số thường có mức sống thấp hơn và sinh sống ở những vùng sâu, vùng xa.
Về học vấn của người mẹ, có mối liên hệ tuyến tính giữa yếu
tố này với tỷ lệ trẻ em được sở hữu từ 3 quyển sách trở lên và đồ chơi tự làm
hoặc mua từ cửa hàng. Theo đó, chỉ có 35% trẻ em trong gia đình mà người mẹ
không có bằng cấp được tiếp cận với những điều kiện vui chơi, giải trí trong
khi tỷ lệ này ở nhóm trẻ em mà người mẹ có học vấn trung học chuyên nghiệp,
trung cấp nghề hoặc cao đẳng trở lên là 89,5% (p<0,001). Qua đó, có thể dự
báo trình độ học vấn của người mẹ sẽ làm giảm nguy cơ không được tiếp cận với
điều kiện vui chơi giải trí của trẻ em.
Kinh tế hộ gia đình được nhìn thấy là có mối quan hệ với
khả năng tiếp cận điều kiện vui chơi giải trí của trẻ em. Nhóm trẻ em ở gia
đình có mức sống cao hơn có tỷ lệ được tiếp cận với 3 quyển sách, truyện trở
lên và đồ chơi mua từ cửa hàng hoặc tự làm nhiều hơn. Nếu như trẻ em ở trong hộ
gia đình có mức sống thấp nhất được trang bị đồ chơi và sách với tỷ lệ là 52,8%
thì tỷ lệ này ở hộ gia đình có mức sống cao nhất là 94,2% (p<0,001). Kết quả
này cho thấy, điều kiện kinh tế hộ gia đình có vẻ như có tác động lớn đến việc
trẻ em được sở hữu những thứ để vui chơi giải trí.
Trong mối liên quan với nơi cư trú thì trẻ em ở khu vực
nông thôn có tỷ lệ được tiếp cận với những điều kiện vui chơi giải trí thấp hơn
trẻ em ở khu vực thành thị, 71,6% so với 86,8% (p<0,001). Giữa các vùng địa
lý cũng có sự khác nhau trong mối liên quan với tỷ lệ tiếp cận sách, truyện hoặc
đồ chơi của trẻ em. Vùng có tỷ lệ trẻ em được gia đình trang bị cho 3 quyển
sách trở lên và đồ chơi tự làm hoặc mua từ cửa hàng cao nhất là Đông Nam Bộ,
91,5%, sau đó là vùng đồng bằng sông Hồng, 86,1%. Miền núi phía Bắc là vùng có
tỷ lệ trẻ em được tiếp cận những điều kiện vui chơi giải trí thấp nhất, 65,2%
(p<0,001).
Phân tích số liệu thống kê nhị biến cung cấp cái nhìn ban
đầu về những yếu tố có thể có mối quan hệ/tác động đến khả năng một trẻ em được
tiếp cận với điều kiện vui chơi, giải trí. Có thể dự đoán rằng, những đặc trưng
cá nhân trẻ em có mối quan hệ rõ ràng với việc được hưởng phúc lợi gia đình
trong lĩnh vực vui chơi giải trí. Ngoài ra, những đặc trưng khác của gia đình
cũng cho thấy có ảnh hưởng rõ ràng đến việc được nhận những thứ vui chơi giải
trí của trẻ em. Đặc biệt, sự khác biệt lớn về số liệu ước lượng tỷ lệ trẻ em được
tiếp cận với số sách, truyện và đồ chơi theo các mức độ học vấn của người mẹ lại
cho thấy đây là một yếu tố quan trọng trong việc xác định khả năng được tiếp cận
điều kiện vui chơi giải trí của trẻ em.
Phân tích đa biến
Trong
phần trước, nghiên cứu đã phân tích một số yếu tố có tương quan đến việc được
tiếp cận sách hoặc đồ chơi của trẻ em dưới 5 tuổi. Tiếp theo, nghiên cứu xem
xét tầm quan trọng về tác động khác nhau của các yếu tố này khi tính đến sự ảnh
hưởng của các yếu tố khác có trong mô hình. Kết quả phân tích hồi quy đa biến
được trình bày ở bảng 1 với biến phụ thuộc là xác suất
một trẻ em được tiếp cận với điều kiện vui chơi giải trí. Trong bảng 1, cột đầu tiên trình bày các biến số độc lập
có thể tác động đến việc tiếp cận với điều kiện vui chơi giải trí của trẻ em. Hệ
số của phương trình hồi quy được thể hiện ở cột thứ hai. Nếu tác động của biến
số độc lập thuận chiều với biến số phụ thuộc thì sẽ không có dấu âm (-). Ngược
lại, biến số độc lập có tác động nghịch đảo với biến số phụ thuộc thì hệ số sẽ
mang dấu âm. Cột thứ ba thể hiện thông tin của ‘giá
trị P’ và P càng nhỏ thì sự tác động của biến số độc lập đối với biến số phụ
thuộc càng có ý nghĩa thống kê. Cột cuối cùng là xác suất trẻ em được tiếp cận
với điều kiện vui chơi giải trí (xác suất giả định ban đầu là 77,6%) khi thay đổi
1 đơn vị của biến số độc lập.
Các kết quả hồi quy được
trình bày trong bảng 1 cho thấy hầu hết
các hệ số có ý nghĩa thống kê cao và phương trình khá thích hợp với số liệu khi
hệ số R bình phương bằng 0,411. Điều này nói lên rằng, 41,1% sự biến thiên
trong tỷ lệ tiếp cận với điều kiện vui chơi giải trí của trẻ em được giải thích
bởi các biến số độc lập đưa vào trong mô hình phân tích.
Những khác biệt về các đặc
trưng nhân khẩu học của trẻ em như tuổi, giới tính, thành phần dân tộc giải
thích một phần lớn những khác biệt về việc trẻ em được tiếp cận với những điều
kiện vui chơi giải trí. Khi cố định các biến số độc lập khác trong mô hình, tuổi
theo tháng của trẻ em vẫn có tác động đến khả năng được tiếp cận với những điều
kiện vui chơi giải trí và trẻ em càng lớn tuổi hơn thì khả năng được tiếp cận
càng lớn hơn. Xác suất được tiếp cận điều kiện vui chơi giải trí của trẻ em trai cao hơn trẻ em gái; nếu một trẻ em gái có xác suất tiếp cận với sách hoặc đồ
chơi là 77,6% thì một trẻ em trai tương đương có xác suất
là 81%. Qua đó cho thấy, có sự phân biệt giới tính trong việc được hưởng phúc lợi
gia đình ở khía cạnh vui chơi giải trí khi trẻ em trai có xác suất sở hữu đồ chơi hoặc sách, truyện cao
hơn.
Bảng 1: Kết quả phân tích đa biến về tác động của các biến số
đến khả năng tiếp cận điều kiện vui chơi giải trí của trẻ em
|
|||
Các biến số
|
Hệ số
|
Giá trị P
|
Xác suất trẻ em được tiếp
cận với điều kiện vui chơi giải trí ban đầu là 77,6%
|
Tuổi trẻ
em (tháng)
|
0,064
|
0,000
|
78,6
|
Giới tính
(nam=1)
|
0,205
|
0,055
|
80,7
|
Dân tộc
Kinh/ Hoa (có=1)
|
0,602
|
0,000
|
88,4
|
Học vấn
người mẹ
|
|||
Tiểu học
|
1,079
|
0,000
|
89,3
|
Trung học cơ sở
|
1,977
|
0,000
|
95,2
|
Trung học phổ thông
|
1,802
|
0,000
|
95,0
|
THCN, TCN, CĐ trở lên
|
2,084
|
0,000
|
95,8
|
Mức sống
|
|||
Nghèo
|
0,605
|
0,000
|
86,3
|
Trung bình
|
0,872
|
0,000
|
89,0
|
Giàu
|
1,546
|
0,000
|
93,8
|
Giàu nhất
|
1,874
|
0,000
|
95,7
|
Nông thôn
(có=1)
|
-0,052
|
0,625
|
76,5
|
Vùng
|
|||
Trung du và MNPB
|
0,039
|
0,518
|
79,8
|
Bắc Trung Bộ và DHMT
|
-0,461
|
0,012
|
68,4
|
Tây Nguyên
|
-0,074
|
0,767
|
78,6
|
Đông
|
0,352
|
0,022
|
85,3
|
ĐB sông Cửu Long
|
0,654
|
0,001
|
87,1
|
Ghi chú: Dựa trên 3.729 quan sát. Nagelkerke R
Square=0,411. Các giá trị so sánh: Trình độ học vấn người mẹ không có bằng
cấp, mức sống nghèo nhất, vùng đồng bằng sông Hồng.
|
Nguồn: Tính toán từ Điều tra đánh giá các mục tiêu
trẻ em và phụ nữ, 2011.
Kết quả phân tích trong bảng 1 cho thấy tác động của biến số ‘dân tộc
Kinh’ rất có ý nghĩa thống kê, điều này có nghĩa là trẻ em dân tộc Kinh được tiếp
cận với điều kiện vui chơi giải trí cao hơn trẻ em dân tộc thiểu số. Nếu một trẻ
em dân tộc thiểu số có khả năng được tiếp cận với 3 quyển sách trở lên hoặc có ít nhất một đồ chơi mua từ cửa hàng hoặc tự
làm là 77,6% thì xác suất này ở trẻ em người Kinh là 88,4%. Như vậy, khi tính
đến đồng thời tác động của các yếu tố khác có trong mô hình hồi quy, trẻ em dân
tộc thiểu số vẫn có khả năng tiếp cận với điều kiện vui chơi giải trí thấp hơn
trẻ em người Kinh.
Đúng như dự đoán, biến số học vấn người mẹ có tác động mạnh và nhất quán đến
khả năng được tiếp cận với 3 quyển sách, truyện trở lên hoặc đồ chơi mua hay tự
làm của trẻ em. Nhóm trình độ học vấn của người mẹ bỏ qua không tính là ‘không
có bằng cấp’ ảnh hưởng đến khả năng trẻ em được tiếp cận điều kiện vui chơi giải
trí thấp nhất ngay cả khi các tác động của các yếu tố khác không thay đổi. Trẻ
em trong gia đình có người mẹ với học vấn từ trung học chuyên nghiệp,
cao đẳng trở lên có khả năng tiếp cận điều kiện vui chơi giải trí cao nhất và
phù hợp với kết quả phân tích từ bảng hai chiều. Xác suất được tiếp cận với điều
kiện vui chơi giải trí của trẻ em cao hơn 6,5 điểm phần trăm khi so sánh giữa
hai nhóm có mẹ với trình độ học vấn cao nhất và không có bằng cấp.
Tương đồng với kết quả
phân tích nhị biến ban đầu, tình trạng kinh tế của hộ gia đình càng cao, trẻ em
càng có khả năng được tiếp cận với những điều kiện vui chơi giải trí nhiều hơn.
Một trẻ em ở trong hộ gia đình có điều kiện kinh tế thấp nhất có xác suất tiếp
cận các điều kiện vui chơi giải trí là 77,6% sẽ có xác suất ước lượng tăng lên ở
mức 95,7% nếu trẻ em đó thuộc vào nhóm hộ gia đình có điều kiện sống cao nhất. Điều này là hợp lý, những gia đình có mức sống khá giả
hơn thì việc đầu tư, trang bị cho con cái về những thứ như sách truyện và đồ chơi
có phần đơn giản hơn. Ngược lại, có khả năng là ở những hộ gia đình có mức sống thấp
hơn, các bậc cha mẹ không chú trọng đến việc trẻ em có những thứ để vui chơi,
giải trí như sách hoặc đồ chơi bởi vì chúng được cho là không phù hợp trong việc
cân nhắc đến những nhu cầu khác quan trọng hơn đối với sự phát triển trong giai
đoạn đầu đời của trẻ em.
Một
khi các biến số độc lập khác được giữ nguyên, tác động của biến số nông thôn đối
với xác suất được tiếp cận điều kiện vui chơi giải trí của trẻ em không có ý
nghĩa về mặt thống kê. Kết quả này không được phát hiện nếu không có mô hình hồi
quy, vì cách phân tích hai biến đơn giản cho thấy giữa trẻ em thành thị và nông
thôn có sự khác nhau trong tỷ lệ tiếp cận với sách hoặc đồ chơi của trẻ em
nhưng rõ ràng là nó đã bao hàm tác động của các biến số thích hợp khác. Tuy
nhiên, hệ số hồi quy của biến số nông thôn mang dấu âm nói lên rằng, trẻ em ở
khu vực nông thôn có xu hướng được tiếp cận với điều kiện vui chơi giải trí thấp
hơn so với trẻ em ở khu vực thành thị.
Các tác động vùng cho thấy,
tiếp cận điều kiện vui chơi giải trí của trẻ em ở hai khu vực phía Nam là đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ cao hơn khu
vực phía Bắc. Nếu như một trẻ em ở đồng bằng sông Hồng có xác suất được tiếp cận với điều kiện
vui chơi giải trí là 77,6% thì một trẻ em tương đương ở đồng bằng sông Cửu Long có xác suất là 87% và của
trẻ em ở khu vực Đông Nam Bộ là 85,3%. Kết quả này có thể là hợp lý, bởi vì hai
vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long ở
khu vực phía Nam có điều kiện kinh tế phát triển và thịnh vượng hơn các vùng ở
khu vực phía Bắc. Đối với những vùng còn lại, xác suất được tiếp cận với điều
kiện vui chơi giải trí của trẻ em ở Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thấp
hơn so với trẻ em ở đồng bằng sông Hồng. Trong
khi đó, không có sự khác biệt về xác suất được tiếp cận với điều kiện vui chơi
giải trí của trẻ em ở đồng bằng sông Hồng với trẻ
em ở hai khu vực còn lại.
Dựa trên kết quả của phân
tích hồi quy đa biến, chúng ta có thể đưa ra một số nhận định mang tính chất kết
luận về một số yếu tố trong mối liên hệ với xác suất được tiếp cận với điều kiện
vui chơi giải trí của trẻ em. Các kết quả ước lượng đều thể hiện rằng có mối
quan hệ chặt chẽ giữa các đặc điểm nhân khẩu học của trẻ em với xác suất được
tiếp cận với các điều kiện vui chơi giải trí, đặc biệt là hai yếu tố tuổi theo
tháng và thành phần dân tộc của trẻ em. Học vấn của người mẹ cao hơn thì khả
năng được tiếp cận với đồ chơi hoặc sách của trẻ em cao hơn. Điều kiện kinh tế
của gia đình càng cao thì xác suất được tiếp cận với những thứ để vui chơi giải
trí của trẻ em càng cao. Xác suất được tiếp cận với điều kiện vui chơi giải trí
của trẻ em ở khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thấp hơn so với trẻ em ở đồng bằng
sông Hồng trong khi xác suất này ở hai khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long lại cao hơn. Tuy nhiên, kết
quả ước lượng lại thể hiện không có mối quan hệ giữa nơi cư trú thành thị-nông
thôn với xác suất được tiếp cận điều kiện vui chơi giải trí của trẻ em.
4. Thảo luận và kết luận
Những nghiên cứu về
phát triển con người nhấn mạnh rằng trẻ em trong giai đoạn mầm non có những nhu
cầu riêng biệt về vui chơi, giải trí và mức độ các nhu cầu này được đáp ứng ảnh
hưởng đến kết quả phát triển thành thanh thiếu niên và người lớn của chúng.
Nghiên cứu này áp dụng một mô hình phân tích đa biến đơn giản để xác định những
yếu tố giải thích cho việc được tiếp cận với các điều kiện vui chơi giải trí
của trẻ em trong độ tuổi mầm non thông qua tỷ lệ được sở hữu ít nhất 3 quyển
sách trở lên hoặc đồ chơi tự làm hoặc mua từ cửa hàng. Kết quả phân tích cho
thấy rằng, không chỉ những đặc điểm nhân khẩu học của trẻ em có tầm quan trọng,
mà những đặc điểm của bố mẹ và những chiều cạnh khác của hộ gia đình cũng là
yếu tố quan trọng trong việc tác động đến khả năng được sở hữu đồ chơi hoặc
sách, truyện của trẻ em.
Tầm quan trọng của
biến số tuổi theo tháng của trẻ em làm nổi bật sự chăm sóc, đầu tư các điều
kiện vui chơi, giải trí của gia đình dành cho trẻ em khi lớn lên. Bên cạnh đó,
yếu tố giới tính của trẻ em cũng cho thấy có một số ý nghĩa xung quanh yếu tố
này khi kết quả phân tích cho thấy trẻ em trai có khả năng được tiếp cận với điều kiện vui chơi giải
trí cao hơn trẻ em gái.
Việt Nam là một
quốc gia đa dân tộc với nhiều nhóm dân tộc vẫn còn lưu giữ ngôn ngữ và văn hóa
đặc trưng riêng của mình. Có những khác biệt rõ rệt về văn hóa, kinh tế và sự
tham gia vào xã hội hiện đại trong số các nhóm dân tộc thiểu số. Hầu hết trẻ em
dân tộc thiểu số không được tiếp cận với bất kỳ tài liệu học tập và vui chơi
nào bằng tiếng mẹ đẻ của các em. Kết quả phân tích từ mô hình hồi quy cung cấp
bằng chứng khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa thành phần dân tộc và tỷ lệ
tiếp cận điều kiện vui chơi, giải trí của trẻ em. Một trẻ em nếu thuộc dân tộc
Kinh có xác suất được sở hữu những thứ như đồ chơi hoặc sách, truyện cao hơn 11
điểm phần trăm so với trẻ em dân tộc thiểu số. Điều này đưa đến một gợi ý là
cần phải làm đa dạng thêm ảnh hưởng của chính sách đến phân phối những điều
kiện vui chơi, giải trí nhằm thu hẹp khoảng cách giữa trẻ em các dân tộc thiểu
số và dân tộc Kinh, đặc biệt là các sản phẩm văn hóa, cũng như sách/ truyện nên
được in ấn bằng tiếng mẹ đẻ dành cho trẻ em dân tộc thiểu số.
Tác động của học vấn người mẹ đến khả năng được tiếp cận
với điều kiện vui chơi giải trí của trẻ em là rõ ràng và có tính chất đồng
biến. Nghĩa là, khả năng trẻ em được sở hữu sách, truyện hoặc đồ chơi cao hơn
khi người mẹ có học vấn cao hơn. Điều này có thể đưa đến một nhận xét, để có thể cải
thiện và phát huy tiềm năng trí tuệ cũng như sức khỏe của trẻ em trong giai đoạn
tuổi mầm non, cần phải nâng cao hơn nữa sự hiểu biết và nhận thức của những người
chăm sóc trẻ em, đặc biệt là người mẹ về tầm quan trọng của các điều kiện vui
chơi giải trí dành cho trẻ em.
Điều gây ngạc nhiên
là nông thôn-thành thị không phải là một yếu tố tác động chủ yếu đến việc trẻ
em được tiếp cận với những điều kiện vui chơi giải trí khi xem xét đến tác động
của các yếu tố khác có trong mô hình như tuổi, giới tính, thành phần dân tộc, học vấn của
người mẹ và vùng cư trú. Có thể do trẻ em ở khu vực nông thôn có tỷ lệ sở hữu đồ
chơi tự làm cao hơn trẻ em thành thị nên dẫn đến việc nâng cao tỷ lệ được tiếp
cận với điều kiện vui chơi giải trí. Tuy nhiên, trên thực tế trình độ giáo dục của các bậc cha mẹ và điều kiện
kinh tế-xã hội thấp hơn ở những vùng nông thôn vẫn cho thấy đây là yếu tố tiềm
tàng gây bất lợi cho trẻ em trong việc tiếp cận với những điều kiện vui chơi
giải trí.
Điều kiện sống của
hộ gia đình cũng là một yếu tố quan trọng, dường như chỉ sau yếu tố học vấn của
người mẹ, có ảnh hưởng rất rõ ràng đến việc trẻ em được tiếp cận với các loại
đồ chơi hoặc sách, truyện. Điều này thể hiện việc được tiếp cận với sách, đồ
chơi không chỉ phản ánh vấn đề được thụ hưởng phúc lợi mà còn thể hiện sự quan
tâm trong việc đầu tư cho tương lai của trẻ em từ phía hộ gia đình có điều kiện
sống khá giả hơn.
Cuối cùng, nếu so
sánh với vùng đồng
bằng sông Hồng, sống ở vùng Đông Nam Bộ hoặc đồng bằng sông Cửu Long làm tăng khả năng được sở hữu đồ
chơi hoặc sách, truyện của trẻ em; ngược lại, trẻ em sống ở khu vực Bắc Trung Bộ
và duyên hải miền Trung lại có khả năng tiếp cận với những
thứ để vui chơi, giải trí thấp hơn. Để có thể thúc đẩy sự phát triển của trẻ
em, tầm quan trọng của các hoạt động vui chơi giải trí đối với trẻ em ở những
vùng khó khăn cũng cần phải được nâng cao trong nhận thức và hành vi của các
bậc cha mẹ và các thành viên gia đình.
Vui chơi giải trí là điều kiện không thể thiếu để trẻ em được phát triển
toàn diện và hài hòa về trí tuệ, sức khỏe và nhân cách. Các lợi ích có được từ
việc đầu tư vào những điều kiện vui chơi giải trí như sách, truyện hoặc đồ chơi
là rất tích cực, và nhìn chung cao hơn những lợi ích có được từ các can thiệp
giáo dục khác. Hơn nữa, các kỹ năng mà trẻ em nhận được thông qua các hoạt động
vui chơi giải trí còn là nền tảng cho việc học tập sau này. Bởi vì vui chơi
giải trí để trải nghiệm và học tập là mối quan hệ khoa học và logic trong giai
đoạn phát triển mầm non.
Tài
liệu tham khảo
1. Bộ Lao động,
Thương binh và Xã hội và UNICEF Việt Nam (2008), Trẻ em nghèo Việt Nam sống ở đâu? Xây dựng và áp dụng cách tiếp cận đa
chiều về nghèo trẻ em.
2. Tổng cục Thống
kê (2011), Việt Nam-Điều tra đánh giá các
mục tiêu trẻ em và phụ nữ, Nxb. Thống kê, Hà Nội.
3. UNESCO (2007), Báo cáo giám sát toàn cầu về giáo dục cho
mọi người: Nền tảng vững chắc - Chăm sóc và giáo dục mầm non, UNESCO,
Paris.
No comments:
Post a Comment