Wednesday, December 18, 2019

Nhập học của trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo

Trần Quý Long


Đề nghị trích dẫn: Trần Quý Long (2019). Nhập học của trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo. Trần Quý Long. Những nghiên cứu xã hội học về trẻ em Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.


1. Giới thiệu
Trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo tham gia học đường sẽ được thúc đẩy sự phát triển tình cảm cũng như các kỹ năng về ngôn ngữ, nhận thức và thể lực. Chính những kỹ năng tiếp thu được qua các chương trình chăm sóc giáo dục ở giai đoạn mẫu giáo sẽ là nền tảng cho hoạt động học tập sau này của trẻ em. Những lợi ích rộng lớn hơn cho xã hội của giáo dục trước tiểu học có thể còn bao gồm tăng năng suất và thu nhập, cải thiện sức khỏe và các cơ hội bình đẳng hơn (UNESCO, 2007). Các chương trình mẫu giáo và giáo dục tiền học đường tập trung hơn vào việc hòa nhập trẻ em vào xã hội và môi trường học tập. Chương trình tiền học đường có mục đích cụ thể là tạo ra một chương trình chuẩn bị để tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em vào học tiểu học. Mục đích là làm cho những dịch vụ này phổ biến hơn cho càng nhiều trẻ em càng tốt và cung cấp các cơ hội bổ sung về phát triển xã hội và giáo dục ngoài gia đình (Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 2003).
Nhập học giáo dục mầm non (GDMN) ở trong bất kỳ chương trình học nào dù chính thức hay không chính thức đều rất quan trọng. Nhập học là yếu tố cơ bản nhất biểu hiện của sự tham gia học đường và nó cũng là chỉ số dễ đo nhất của tiến độ đạt được phổ cập giáo dục mầm non. Tỷ lệ nhập học đúng tuổi (NER) được sử dụng để đánh giá các mức độ tham gia vào chương trình chăm sóc giáo dục mầm non. Tỷ lệ nhập học ròng chỉ xem xét những trẻ em đã nhập học thuộc độ tuổi chính thức học một bậc học nào đó mà không xét đến việc trẻ em ít tuổi hơn hoặc nhiều tuổi hơn cũng được nhập học. Nghiên cứu sử dụng tỷ lệ nhập học đúng tuổi nhằm xem xét những trẻ em đang nhập học mẫu giáo nằm trong khoảng tuổi 3-5 mà không xét đến việc trẻ em ít tuổi hơn hay nhiều tuổi hơn cũng được nhập học mẫu giáo, vì thế nó không thể vượt quá 100%. Với tư cách là một phương tiện đo mức độ trẻ em trong một độ tuổi chính thức gắn với một cấp học nhất định, NER có thể gần như là một chỉ số của chất lượng học đường.
2. Tình hình nghiên cứu tiếp cận giáo dục mầm non ở Việt Nam
Nghiên cứu về giáo dục mầm non đã được tiến hành ở Việt Nam trong những năm qua với quy mô và cấp độ khác nhau. Tùy theo mục đích của các cuộc nghiên cứu mà số liệu thu thập, phân tích về chương trình chăm sóc hay thực trạng các cơ sở chăm sóc trẻ em… Nhìn chung, các nghiên cứu đều có chung một nhận xét, tỉ lệ trẻ em đến trường mầm non vẫn chủ yếu tập trung ở lứa tuổi mẫu giáo, trong đó tỉ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi là cao nhất (Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 2003). Một báo cáo tham khảo tài liệu của Vụ Giáo dục mầm non năm học 2007-2008 cho thấy, khoảng 71% trẻ em từ 3-5 tuổi đi học ở các nhà trẻ hoặc ở các trường mẫu giáo (UNICEF Việt Nam, 2008). Còn số liệu của Điều tra đa mục tiêu về phụ nữ và trẻ em (MICS) năm 2006 ước tính tổng thể chỉ có 57,1% trẻ em ở độ tuổi từ 36-59 tháng là đi học mẫu giáo/ nhà trẻ ưu tiên cho trẻ 5 tuổi (Tổng cục Thống kê, 2006).
Trên phạm vi toàn quốc, không có sự phân biệt giới đáng kể về khía cạnh cơ hội tiếp cận GDMN giữa trẻ em trai và trẻ em gái ở các nhà trẻ và trường mẫu giáo (Nguyễn Văn Hùng, 2005). Bình đẳng giới trong giáo dục trẻ em không ngừng được cải thiện. Học sinh nam, nữ ở mọi loại trường và mọi cấp học đều học chung một lớp, chung một giáo trình với các điều kiện học tập, học bổng, trợ cấp như nhau. Về cơ bản, trong giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông đã đạt được bình đẳng giới (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, 2008).
Trình độ giáo dục của người mẹ có ảnh hưởng đến việc đứa trẻ tham gia học mầm non trước khi bước vào lớp một (Nguyễn Văn Hùng, 2005). Điều tra nhân khẩu học và sức khỏe năm 2002 cho biết, trong số phụ nữ có con dưới 6 tuổi, những người có trình độ học vấn cao hơn thường gửi con vào nhà trẻ/mẫu giáo nhiều hơn phụ nữ có trình độ học vấn thấp hoặc phụ nữ chưa đi học. Phụ nữ học vấn thấp thường giao cho chị gái, anh trai đứa trẻ hoặc người thân khác trông nom khi người mẹ đi làm (Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em, 2003).
Liên quan đến các yếu tố khác của người mẹ, Điều tra nhân khẩu học và sức khỏe năm 2002 cho thấy, chỉ có 23% trẻ em có mẹ đi làm tham gia các loại hình giáo dục mầm non, trong đó ở thành thị là 40,9% và ở nông thôn là 19,5%. Kết quả này hàm ý rằng, phụ nữ không đi làm thì tỷ lệ trẻ em không tham gia các lớp học mầm non còn thấp hơn nhiều (Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em, 2003). Nghề nghiệp của bố mẹ cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến tuổi bắt đầu đi học của trẻ em, với bố mẹ là nông nghiệp và nghề tự do thì trẻ có xu hướng đi học muộn hơn, ngược lại, trẻ em có bố mẹ là công chức viên chức, kinh doanh dịch vụ và công nhân thì thường bắt đầu đi học sớm hơn, trong độ tuổi từ 1-2 (Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, 2008).
Khả năng kinh tế của gia đình có mối liên hệ với việc tiếp cận giáo dục mầm non của trẻ em. Tỷ lệ tham gia vào các chương trình trước tiểu học của trẻ em thuộc các gia đình khá giả cao hơn so với trẻ em thuộc các gia đình nghèo. Những khác biệt lớn nhất về tỷ lệ tham dự giữa những trẻ em thuộc các gia đình giàu và nghèo có thể thấy ở Cộng hòa Đôminica, Mônđôva, và Việt Nam. Các chi phí trực tiếp và gián tiếp của các hộ gia đình bao gồm cả việc trẻ em phải lao động để phụ thêm thu nhập cho gia đình và học phí ở các cơ sở chăm sóc GDMN vẫn là một trở ngại chính đối với việc tiếp cận học sớm và các chương trình học tiếp theo của trẻ em nghèo ở nhiều quốc gia (UNESCO, 2007). Kết quả điều tra 10 huyện nghèo năm 2001 cho thấy sự chênh lệch giữa các nhóm thu nhập rất lớn trong tỷ lệ đi học mẫu giáo, 23,02% của nhóm 1 so với 66% của nhóm 5. Nhóm nghèo nhất có tỷ lệ tiếp cận mẫu giáo thấp nhất và tình trạng này cũng đúng với các nhóm trẻ em dân tộc thiểu số (Nguyễn Văn Hùng, 2005), hơn 80% trẻ em ở các gia đình khá giả hơn được đi học mẫu giáo (Tổng cục Thống kê, 2006). Tuy nhiên, nghiên cứu của Plan (2008) nhận xét rằng, trẻ em chưa được tiếp cận sớm với giáo dục mầm non không phải vì lý do kinh tế là chính mà là do nhận thức của người dân và một phần do chưa có cơ sở vật chất để trẻ em có thể được đến trường (Plan Việt Nam, 2008).
Mặc dù Chính phủ đã đạt được thành công lớn trong việc tăng tỷ lệ trẻ 5 tuổi tham gia giáo dục mầm non, song có sự chênh lệch giữa các nhóm, tỉnh và vùng, đặc biệt tỷ lệ này rất thấp ở các nhóm, tỉnh, vùng khó khăn và đối với trẻ em 5 tuổi chuẩn bị bước vào lớp 1. Phạm vi bao quát lớn nhất là ở vùng thành thị và vùng có điều kiện kinh tế khá và thấp nhất là đối với trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em thuộc gia đình có thu nhập thấp và trẻ em vùng khó khăn, đáng chú ý là ở đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên (Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 2003).
3. Số liệu
Nghiên cứu sử dụng số liệu từ cuộc Điều tra đánh giá các mục tiêu về trẻ em và phụ nữ Việt Nam lần thứ 3 vào năm 2006 (MICS 3) và lần thứ 4 vào năm 2011 (MICS 4). Đây là cuộc điều tra lặp lại được thiết kế nhằm cung cấp các ước lượng tin cậy cho nhiều chỉ tiêu phản ánh tình hình trẻ em và phụ nữ ở cấp quốc gia, thành thị và nông thôn và 6 vùng ở Việt Nam.
Mẫu điều tra MICS 3 đã được chọn từ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999 với 250 địa bàn được thực hiện ở 8 vùng và 61 tỉnh/thành trên cả nước. Tiếp theo, MICS 3 chọn 8.356 hộ gia đình để phỏng vấn, trong đó 8.355 hộ gia đình đã được phỏng vấn thành công, do đó tỷ lệ trả lời của hộ gia đình là gần 100%. Trong các hộ gia đình được phỏng vấn, có 10.063 phụ nữ 15-49 tuổi và 9.347 phụ nữ được phỏng vấn thành công, chiếm tỷ lệ 94,1%. Có 2.707 trẻ em dưới 5 tuổi được liệt kê trong danh sách hộ gia đình, trong đó có 2.680 trẻ được hoàn thành bảng hỏi với tỷ lệ trả lời tương ứng 99% (Tổng cục Thống kê, 2006).
Mẫu điều tra MICS 4 bao gồm 12.000 hộ gia đình đã được chọn dựa trên các địa bàn của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009. Trong số những hộ gia đình được chọn, 11.642 hộ gia đình đã có mặt trong thời gian điều tra và 11.614 hộ gia đình đã được phỏng vấn thành công, đạt tỷ lệ hộ trả lời 99,8%. Trong số những hộ gia đình được phỏng vấn có 12.115 phụ nữ có độ tuổi từ 15-49, trong đó 11.663 phụ nữ được phỏng vấn thành công. Có 3.729 trẻ em dưới 5 tuổi được liệt kê trong bảng câu hỏi hộ gia đình và 3.678 trường hợp đã được phỏng vấn thành công thông qua người mẹ hoặc người chăm sóc chính với tỷ lệ tương ứng là 98,6% (Tổng cục Thống kê, 2011b).
4. Thực trạng nhập học mẫu giáo của trẻ em
Các hoạt động ở trường mẫu giáo nhằm giúp chuẩn bị cho trẻ em sẵn sàng bước vào lớp một sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục không những ở cấp tiểu học mà còn ở các cấp học cao hơn. Hai cuộc điều tra đánh giá các mục tiêu về trẻ em và phụ nữ Việt Nam năm 2006 (MICS 3) và năm 2011 (MICS 4) cho thấy, tỷ lệ đi học mẫu giáo của trẻ em từ 36-59 tháng tuổi là 57,1% vào năm 2006, tỷ lệ này đã tăng lên 71,9% sau 5 năm vào năm 2011. Tỷ lệ đi học mẫu giáo của trẻ em giữa hai kỳ khảo sát đã tăng lên 20,2 điểm phần trăm. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2012 - 2013, toàn quốc có 13.741 trường mầm non, trong đó công lập là 12.098 trường. Tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường ở tất cả các độ tuổi đều tăng so với năm học trước, trong đó trẻ nhà trẻ đạt tỷ lệ 23%; trẻ mẫu giáo đạt tỷ lệ 86,5%. Riêng trẻ mẫu giáo năm tuổi đến trường đạt tỷ lệ 99,7%, tăng 1,1% so với năm học trước (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2013).

Bảng 1: Đi học mẫu giáo của trẻ em 3-5 tuổi ở một số quốc gia và Việt Nam (2010)


Quốc gia
GNP
GER
NER
Hàn Quốc
19.890
119
85
Đức
43.110
114
---
Pháp
42.390
109
100
Thái Lan
4.150
100
93
Nhật Bản
41.850
88
88
Việt Nam
1.160
82
65
Mỹ
47.390
69
64
Malaysia
7.760
67
58
Ấn Độ
1.330
55
---
Trung Quốc
4.270
54
---
Philippines
2.060
51
39
Inđônêxia
2.500
43
31
Lào
1.050
22
21
Cămpuchia
750
13
13
Myanmar
---
10
10
Ghi chú: --- không có số liệu
Nguồn: UNESCO (2012).

Mặc dù Nhà nước vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc mở rộng và cải thiện các chương trình giáo dục mầm non, song một môi trường chính sách thuận lợi hơn đang được hình thành. Nhà nước có thể giúp hình thành môi trường này bằng cách đảm bảo có đầy đủ nguồn lực, bao gồm cả ngân sách công. Nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các chính sách quốc gia vững chắc, tăng cường điều phối hoạt động của các ngành và các đối tượng có liên quan, giám sát và kiểm soát chất lượng và phối hợp các nỗ lực để tiếp cận trẻ em thiệt thòi và những trẻ em ít có cơ hội tiếp cận với giáo dục mầm non.
Bảng 1 minh họa cho đánh giá chung về những nỗ lực của Việt Nam trong việc mở rộng sự tiếp cận giáo dục mầm non cho trẻ em khi so sánh với một số quốc gia khác. Chúng ta có thể ghi nhận một thành tựu khả quan của Việt Nam khi so với các quốc gia có mức tổng sản phẩm quốc nội tính theo đầu người cao hơn nhưng những tỷ lệ nhập học của trẻ em trong độ tuổi mầm non không nhiều hơn Việt Nam, thậm chí ở một số nước còn thấp hơn. Tỷ lệ nhập học ròng (NER) của Việt Nam chỉ thấp sau Thái Lan ở khu Đông Nam Á, trong khi GNP của Việt Nam lại đứng thứ 5.
Khác biệt giới
Tỷ lệ đi học mẫu giáo của trẻ em gái cao hơn một chút so với trẻ em trai và khoảng cách này được rút ngắn giữa hai cuộc khảo sát MICS. Nếu như ở MICS 3, chênh lệch giữa nhóm nữ và nam trong tỷ lệ đi học mẫu giáo của trẻ em khoảng 8 điểm phần trăm thì ở MICS 4 chỉ còn 2,3 điểm phần trăm. Như vậy, ở giai đoạn trước tiểu học hầu như không có sự khác biệt giới trong việc tiếp cận giáo dục của trẻ em. Tham gia các chương trình học mẫu giáo có thể giảm bớt bất bình đẳng giới ở bậc học cao hơn, bởi vì trẻ em gái tham gia vào các chương trình này có nhiều khả năng đi học đúng độ tuổi và hoàn thành giáo dục tiểu học hơn.
Nơi cư trú
Tỷ lệ trẻ em đi học mẫu giáo ở khu vực thành thị hầu như không có sự tiến triển giữa hai đợt khảo sát. Ngược lại, tỷ lệ trẻ em ở khu vực nông thôn có sự tham gia đi học mẫu giáo tăng lên đáng kể so với đợt khảo sát năm 2006, từ 51,4% lên mức 70,5% (tăng gần 20 điểm phần trăm). Sự tăng lên trong tỷ lệ đi học mẫu giáo của trẻ em ở khu vực nông thôn đã góp phần làm cho khoảng cách được thu hẹp lại khá gần so với khu vực đô thị. Chênh lệch giữa hai khu vực trong tỷ lệ đi học mẫu giáo của trẻ em giảm từ 23,3 xuống còn 5,3 điểm phần trăm, 70,5% so với 75,8%.

Biểu đồ 1: Tỷ lệ trẻ em 3-5 tuổi đi học mẫu giáo chia theo vùng
 Nguồn: Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ, 2006 và 2011.


Có một sự chênh lệch về vị trí địa lý rất lớn trong tỷ lệ tiếp cận giáo dục mẫu giáo của trẻ em giữa các vùng (Biểu đồ 1). Tỷ lệ đi học mẫu giáo của trẻ em ở MICS 4 được cho thấy là cao nhất ở hai vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và trung du và miền núi phía bắc (TD&MNPB), khoảng 90%. Trong khi đó tỷ lệ đi học mẫu giáo của trẻ em ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là thấp nhất, 47,2%, thấp hơn so với hai vùng cao nhất khoảng 43 điểm phần trăm. Sở dĩ vùng Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ trẻ em đi học mẫu giáo cao là do giữa hai thời điểm khảo sát, tỷ lệ này tăng vọt 43,2 điểm phần trăm từ 46% lên 89,2%. Các vùng khác cũng có sự thay đổi về tỷ lệ đi học mẫu giáo của trẻ em giữa hai thời điểm khảo sát nhưng với mức độ vừa phải, thậm chí hầu như không thay đổi ở vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (BTB&DHMT).
Sự khác biệt về tỷ lệ đi học mẫu giáo giữa các vùng là vấn đề khá phức tạp. ‘Thái độ kỷ luật’ là đặc trưng của đa số những người sinh sống ở một số vùng, cả nông thôn lẫn thành thị. Loại thái độ này cho thấy mối quan tâm của họ tới tương lai như thế nào - người dân nghĩ tới tương lai của con em ngay từ khi còn ở tuổi ấu thơ - và tính kỷ luật được duy trì trong suốt hành trình học vấn. Đối với một số gia đình, tính kỷ luật học đường thể hiện trước tiên bằng việc ghi danh vào học đường được đánh dấu bằng một thời kỳ trước tiểu học. Kỷ luật học đường được thể hiện bằng cách cho trẻ em được tiếp cận với giáo dục sớm, đảm bảo duy trì hành trình học đường của trẻ em. Những vùng có thái độ ‘kỷ luật’ là những vùng đã đạt những thành công trong thời kỳ xã hội chủ nghĩa, các tư tưởng tập thể và các giá trị của giáo dục đi vào nội tâm ở mức tối đa và thái độ với học đường là những nét đặc trưng, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Hồng (Nolwen Henaff và Jean Yves Martin, 2001).
Thành phần dân tộc


Biểu đồ 2 trình bày kết quả khảo sát tỷ lệ nhập học mẫu giáo của trẻ em 36-59 tháng tuổi theo thành phần dân tộc từ hai cuộc khảo sát. Trẻ em là người Kinh có tỷ lệ đi học mẫu giáo cao hơn trẻ em dân tộc thiểu số ở cả hai thời điểm khảo sát, 60,9% so với 39,6% (MICS 3) và 72,6% so với 67,5% (MICS 4). Chênh lệch giữa nhóm người Kinh và nhóm dân tộc thiểu số trong tỷ lệ đi học mẫu giáo của trẻ em tại hai thời điểm khảo sát là 21,3 và 5,1 điểm phần trăm. Qua đó cho thấy, khoảng cách chênh lệch giữa hai nhóm dân tộc trong tỷ lệ đi học mẫu giáo của trẻ em đã được rút ngắn nhưng vẫn duy trì khoảng cách một cách đáng kể. 
Biểu đồ 2: Trẻ em 3-5 tuổi đi học mẫu giáo chia theo thành phần dân tộc


Nguồn: Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ, 2006 và 2011.


Các nhóm dân tộc thiểu số nhiều nhưng nói chung không đông, gắn bó lâu đời về mặt địa lý và ở những vùng đôi khi hẻo lánh, rất gắn bó về văn hóa và ngôn ngữ, trong phân công lao động của họ trẻ em có những nhiệm vụ đặc trưng. Mỗi nhóm là một thực thể văn hóa trong đó các thành viên đều chăm lo bảo vệ, bảo tồn. Tất cả điều đó giải thích cho chúng ta vì sao những tình cảm quốc gia, trong đó có cả vấn đề đi học lại khó thấm nhuần. Mặc dù các cấp chính quyền đã có nhiều cố gắng đề hòa nhập các nhóm dân tộc thiểu số này vào xu thế chung, kể cả việc miễn học phí cũng như việc lập các trường nội trú, nhưng việc đi học vẫn ở mức thấp. Mối quan tâm gìn giữ phương thức sản xuất và các định hướng văn hóa đã duy trì thái độ né tránh giáo dục của các nhóm dân tộc thiểu số (Nolwen Henaff và Jean Yves Martin, 2001). Thêm vào đó, việc không có một chương trình giáo dục bằng tiếng mẹ đẻ, ít nhất như một phần của các chương trình học trước của trẻ em ở các lớp mẫu giáo cũng là một yếu tố khiến trẻ em dân tộc thiểu số không muốn đến trường (Nhóm hành động chống đói nghèo, 2002). Đối với hầu hết trẻ em dân tộc thiểu số, trường mẫu giáo giống như là môi trường nước ngoài và khó hiểu (UNICEF Việt Nam, 2008). 
Học vấn của người mẹ
Trình độ học vấn của người mẹ đóng vai trò quyết định trong việc cho con đi học mẫu giáo, và người mẹ ở nhóm học vấn cao hơn thì con cái được đi học với tỷ lệ cao hơn được thể ở cả hai đợt khảo sát MICS (Biểu đồ 3). Tỷ lệ đi học mẫu giáo của trẻ em trong nhóm mẹ không có bằng cấp ở MICS 4 là 38,4% và ở nhóm có mẹ học hết tiểu học là 53,3%. Ngược lại, tỷ lệ nhập học mẫu giáo của trẻ em có mẹ học hết trung học cơ sở là 73,8% và ở nhóm mẹ có học vấn từ trung học phổ thông trở lên là 88,4%. Tỷ số chênh lệch giữa hai nhóm trẻ em đi học mẫu giáo có mẹ ở nhóm có trình độ học vấn cao nhất và thấp nhất là 2,3 lần. Điều này hàm ý rằng, phụ nữ có học vấn cao thường có nghề nghiệp đa dạng, do đó nó góp phần vào xu hướng chuyển trách nhiệm chăm sóc, giáo dục trẻ em từ phía gia đình sang các thiết chế xã hội khác. 
Biểu đồ 3: Trẻ em 3-5 tuổi học mẫu giáo chia theo học vấn mẹ

Nguồn: Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ, 2006 và 2011.
Kết quả phân tích 3 biến bằng số liệu MICS 4 ở bảng 2 cho thấy, học vấn của người mẹ vẫn là yếu tố có mối quan hệ với việc nhập học mẫu giáo của trẻ em khi xét theo yếu tố nơi cư trú và thành phần dân tộc. Đối với khu vực thành thị, chỉ có 10% trẻ em 36-59 tháng tuổi được nhập học mẫu giáo ở nhóm người mẹ không có bằng cấp, tỷ lệ này ở nhóm tiểu học là 49%, nhóm trung học cơ sở (THCS) là 70,6% và ở nhóm trung học phổ thông trở lên (THPT+) là 88,6%.


Bảng 2: Trẻ em đi học mẫu giáo chia theo học vấn mẹ và nơi cư trú, dân tộc (%)

Không bằng cấp
Tiểu học
THCS
THPT+
Chung
Thành thị***
10,0
49,0
70,6
88,6
75,5
Nông thôn***
41,4
54,2
74,4
87,9
70,5
DTTS***
49,2
70,0
80,0
92,0
67,8
Kinh***
17,6
48,9
73,3
88,2
72,5


Ghi chú: Mức ý nghĩa thống kê: *** p<0,001.
Nguồn: Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ, 2011.
Tương tự, có 41,4% trẻ em 36-59 tháng tuổi được nhập học mẫu giáo trong nhóm người mẹ nông thôn không có bằng cấp. Tỷ lệ này tăng lên 33 điểm phần trăm ở nhóm người mẹ học xong THCS (74,4%) và đạt mức 87,9% ở nhóm người mẹ có học vấn từ THPT trở lên. Đối với yếu tố dân tộc, kết quả phân tích cho thấy người mẹ có học vấn cao hơn thì tỷ lệ trẻ em 36-59 tháng tuổi nhập học mẫu giáo cao hơn ở cả hai nhóm dân tộc Kinh và dân tộc thiểu số (DTTS).
Điều kiện sống của gia đình
Điều kiện sống của gia đình có mối quan hệ với khả năng đi học mẫu giáo của trẻ em và mối quan hệ này là đồng biến. Trẻ em trong gia đình có mức sống khá giả hơn có tỷ lệ đi học mẫu giáo cao hơn, ngược lại tỷ lệ đi học mẫu giáo của trẻ em thấp hơn trong gia đình có mức sống thấp hơn ở cả hai cuộc khảo sát. Theo kết quả khảo sát, trẻ em đi học mẫu giáo ở MICS 3 của nhóm có mức sống thấp nhất và nhóm có mức sống cao nhất lần lượt là 35,7% và 80,7%. Tương tự, tỷ lệ trẻ em trong gia đình thuộc nhóm giàu nhất đi học mẫu giáo với tỷ lệ rất cao ở MICS 4, gần 91%, trong khi đó tỷ lệ này ở nhóm trẻ em có mức sống nghèo nhất là 58,8% (Biểu đồ 4).
Kết quả phân tích còn cho thấy, sự tham gia đi học mẫu giáo của trẻ em trong gia đình nghèo nhất đã được cải thiện, sau 5 năm tỷ lệ đi học của trẻ em thuộc nhóm nghèo nhất đã tăng từ 35,7% lên 58,8%. Vì thế, chênh lệch trong tỷ lệ đi học mẫu giáo giữa hai nhóm có mức sống giàu nhất và nghèo nhất giảm từ 45 điểm phần trăm xuống 32 điểm phần trăm giữa hai đợt khảo sát.
Biểu đồ 4: Trẻ em 3-5 tuổi đi học mẫu giáo chia theo mức sống
Nguồn: Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ, 2006 và 2011.


Phân tích ba biến ở bảng 3 làm rõ hơn về sự bất lợi mà trẻ em ở những gia đình có mức sống thấp gặp phải khi tiếp cận dịch vụ GDMN. Kết quả phân tích MICS 4 cho thấy, trẻ em trong những gia đình có mức sống khá hơn có tỷ lệ được tiếp cận với mẫu giáo cao hơn, cho dù là sống ở khu vực thành thị hay nông thôn, kiểm định thống kê cho thấy mối quan hệ này rất có ý nghĩa. Cụ thể, trẻ em 36-59 tháng tuổi trong gia đình có mức sống nghèo nhất ở khu vực thành thị được nhập học mẫu giáo chỉ là 35,3%, trong khi tỷ lệ này ở nhóm có mức sống cao nhất là 91,2%. Tương tự, hai tỷ lệ này ở khu vực nông thôn lần lượt là 60,1% và 88,9%.
Bảng 3: Nhập học mẫu giáo của trẻ em chia theo mức sống và nơi cư trú (%)

Nghèo nhất
Cận nghèo
Trung bình
Khá giàu
Giàu nhất
Chung
Thành thị ***
35,3
50,0
58,7
69,6
91,2
75,6
Nông thôn***
60,1
64,6
76,2
80,4
88,9
70,5

Ghi chú: Mức ý nghĩa thống kê: *** p<0,001.
Nguồn: Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ, 2011.
Nguyên lý cơ bản để giải thích tỷ lệ trẻ em đi học ở mẫu giáo không đồng đều dựa vào yếu tố mức sống là một số gia đình có khả năng chi trả nhiều hơn cho việc đi học của con cái so với các gia đình khác. Các chi phí đã tăng lên đáng kể đối với tất cả các bậc học trong đó có giáo dục mầm non. Cũng như các bậc học phổ thông, giáo dục là không miễn phí ở bậc học này và mức học phí chính thức do chính quyền địa phương ban hành. Tuy nhiên, trên thực tế, học phí chỉ là một phần chi phí bằng tiền liên quan đến học tập mà gia đình phải đóng vì học sinh được yêu cầu phải đóng góp rất nhiều quỹ khác nhau và phải chịu rất nhiều chi phí khác như tiền xây dựng cơ sở vật chất, đi lại, bán trú, sách báo và đồ dùng học tập, các khoản phí hàng tháng để chi trả một số dịch vụ… Với những gia đình có mức sống thấp thì chi phí đi học mẫu giáo của trẻ em có thể là một trở ngại lớn mặc dù đây là giai đoạn tiền đề quan trọng cho việc sẵn sàng đi học phổ thông. Thêm vào đó, số lượng trường công lập vẫn chưa thể nói là đã đáp ứng đủ nhu cầu nhập học của trẻ em, vì thế một bộ phận dân cư phải gửi con cái đi học mẫu giáo ở trường dân lập hoặc tư thục với học phí và các chi phí cao hơn nhiều so với trường công lập. Điều này đã cản trở trẻ em trong các gia đình nghèo hơn tiếp cận với loại hình giáo dục mầm non. Thay vì đến trường, trẻ em trong những gia đình có mức sống nghèo hơn có thể phải ở nhà do người lớn hoặc những đứa trẻ lớn tuổi hơn trông nom.
Biểu đồ 5: Chi bình quân cho giáo dục mẫu giáo chia theo nhóm thu nhập (nghìn đồng)


Nguồn: Kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2010.
 Biểu đồ 5 trình bày mức chi đầu người cho bậc học nhà trẻ/mẫu giáo chia theo nhóm thu nhập từ Khảo sát mức sống dân cư năm 2010 (Tổng cục Thống kê, 2011a). Đây là mức chi phí trực tiếp gồm các khoản thu chính thức do Nhà nước ban hành và những chi phí không chính thức khác. Số liệu thu thập được cho thấy, mức chi cho trẻ em đi học mẫu giáo tỷ lệ thuận với mức sống của gia đình. Qua đó, cho thấy mặc dù cùng được nhập học ở bậc nhà trẻ, mẫu giáo nhưng trẻ em ở các hộ gia đình nghèo hơn phải chịu thiệt thòi hơn khi không được bố mẹ cung cấp các chi phí nhằm hỗ trợ cho việc học tập, ví dụ như tiền học bán trú, mua dụng cụ học tập…
5. Thảo luậnkết luận
Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ trong việc mở rộng và cải thiện mức độ tiếp cận giáo dục cho trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo. Thực tế số lượng trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được tiếp cận với giáo dục ngày một tăng trong những thập niên qua cho thấy, Nhà nước và gia đình có vai trò to lớn trong lĩnh vực giáo dục này. Nhà nước đã chứng tỏ khả năng lãnh đạo và quyết tâm về mặt chính trị và đã đạt được những thành tựu to lớn trong lĩnh vực giáo dục mầm non. Nhà nước và bản thân các hộ gia đình đã nhận thức được rằng, việc cung cấp một loạt các hoạt động và cơ hội học tập cho trẻ em trong độ tuổi trước tiểu học sẽ đổi lại sự cải thiện trong việc sẵn sàng đi học; làm cho việc tuyển sinh vào lớp đầu cấp tiểu học có nhiều khả năng hơn; giảm số học sinh nhập học muộn, bỏ học và lưu ban; gia tăng việc hoàn thành cấp học và thành tích học tập cũng như để có được những cá nhân phát triển ngôn ngữ, kỹ năng xã hội, có năng lực và ý chí.
Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên-xã hội của từng vùng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc tiếp cận giáo dục mẫu giáo của trẻ em có sự chênh lệch giữa các vùng. Có lẽ nó không chỉ phản ánh các điều kiện địa lý, cơ cấu kinh tế-xã hội, thái độ đối với việc đi học của người dân ở các cộng đồng khác nhau mà còn phản ánh thực trạng của hệ thống cơ sở giáo dục. Việc nhập học mẫu giáo có sự chênh lệch giữa các vùng còn cho thấy dịch vụ này có chất lượng thấp ở những vùng khó khăn. Vấn đề đạt được các mục tiêu về tỷ lệ đi học mẫu giáo của trẻ em ở Việt Nam sẽ phụ thuộc chủ yếu vào khả năng của Nhà nước trong việc mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ của loại hình giáo dục này ở các vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa.
Sự tương quan giữa tỷ lệ nhập học mẫu giáo của trẻ em và trình độ học vấn của người mẹ cho thấy những người mẹ có học vấn sẵn sàng cho con cái đi học mẫu giáo hơn những người mẹ có trình độ học vấn hạn chế hơn và họ cũng hiểu rõ tầm quan trọng của việc tiếp cận giáo dục mầm non hơn. Ngoài ra, một phần quan trọng nữa của mối liên hệ này rõ ràng là phụ nữ có học vấn sẽ có nhiều khả năng có được thu nhập cao hơn hoặc sống ở các vùng thành thị, nơi có cơ sở vật chất về dịch vụ giáo dục. Học vấn còn quyết định về nghề nghiệp, các mô hình lịch sử trên thế giới cho thấy những người mẹ làm việc trong khu vực không chính thức hoặc nắm ít quyền lực kinh tế đều phải dựa vào người thân chăm sóc hoặc trông nom hộ con cái trong khi tham gia làm việc. Ngược lại những bà mẹ có việc làm trong khu vực chính quy, có nhiều khả năng biết và sử dụng nhiều lựa chọn để đảm bảo phúc lợi cho các con nhỏ của họ. Họ cũng có nhiều khả năng sử dụng dịch vụ giáo dục mầm non được cấu trúc hóa và đối xử bình đẳng với con trai và con gái (UNESCO, 2007).
Việc đơn giản là có đưa con cái của mình đến trường hay không, sau đó có duy trì việc con cái tiếp tục đến trường và cả việc kéo dài hành trình học đường hay không đều phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh kinh tế-xã hội của gia đình. Mặc dù ngân sách công cho giáo dục mầm non tăng lên, nhưng hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non vẫn dựa vào sự đóng góp của người dân là chính. Do đó, những thách thức mà trẻ em nghèo phải vượt qua để được tiếp cận giáo dục mầm non vẫn lớn hơn những thách thức đối với trẻ em xuất thân từ những gia đình khá giả. Trong khi giáo dục tiểu học hiện được miễn phí, thì trẻ em tại các cơ sở mẫu giáo công lập vẫn phải đóng học phí và đóng góp cho việc nuôi dưỡng cũng như những khoản chi phí gián tiếp khác. Khác biệt về mức sống trong tiếp cận giáo dục mẫu giáo của trẻ em còn cho thấy, chi phí cơ hội tìm kiếm các dịch vụ là rất cao đối với người nghèo và là rào cản lớn cho việc sử dụng dịch vụ giáo dục mầm non cho trẻ em. Vì người nghèo thường làm việc trong các khu vực không chính thức - khu vực được biết đến là thu nhập thấp, tốn nhiều công sức - vì thế gây khó khăn cho người nghèo khi bỏ thời gian đầu tư giáo dục mầm non cho trẻ em.
Mặc dù Nhà nước đã thực hiện những chính sách nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho việc học hành của trẻ em nhưng thực tế các hộ gia đình vẫn phải đóng góp đáng kể cho giáo dục của con cái và vì thế hạn chế khả năng tiếp cận bậc học mẫu giáo của trẻ em ở những hộ gia đình nghèo nhất. Việc đạt được các mục tiêu quốc gia rõ ràng sẽ phụ thuộc vào năng lực của Nhà nước trong việc làm giảm những bất bình đẳng về khả năng tiếp cận các dịch vụ giáo dục mẫu giáo và với tới người nghèo.
Các chương trình giáo dục mầm non nói chung và mẫu giáo nói riêng cung cấp cho trẻ em những kinh nghiệm hoàn toàn khác với những phương thức chăm sóc tại gia đình và cộng đồng. Đặc biệt, chương trình tiền học đường có mục đích cụ thể là tạo ra một môi trường thuận lợi cho trẻ em chuẩn bị bước vào học tiểu học. Mặc dù đã đạt được những thành tích cao về số nhập học, nhiều trẻ em vẫn chưa được nhập học mẫu giáo, con số này ước tính khoảng 30% số trẻ em trong độ tuổi 3-5 ở MICS 4. Đó là những trẻ em khó tiếp cận nhất xét về các khía cạnh cả về kinh tế, xã hội, và dân tộc cũng như khoảng cách địa lý lẫn khả năng học tập. Vì vậy, đến được với những phần trăm cuối cùng trẻ em chưa được đi học mẫu giáo đòi hỏi hàng loạt những biện pháp đặc biệt mang tính trọng tâm và cũng có thể là tốn kém hơn nhằm cung cấp cho những trẻ em này cơ hội công bằng để có thể bắt đầu và hoàn thành chu trình đầy đủ giáo dục mầm non.

Tài liệu tham khảo
1.   Bộ Giáo dục và Đào tạo (2013), Hội nghị tổng kết năm học 2012 - 2013 và Hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục mầm non năm học 2013 - 2014, http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/thieu-hon-27500-giao-vien-mam-non-770266.htm.
2.   Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (2008), Báo cáo quốc gia lần thứ ba và lần thứ tư: Việt Nam thực hiện công ước quốc tế quyền trẻ em giai đoạn 2002-2007, Hà Nội.
3.   Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2003), Kế hoạch hành động quốc gia giáo dục cho mọi người 2003-2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội.
4.   Nguyễn Văn Hùng (2005), Báo cáo tổng quan tình hình giáo dục và chăm sóc trẻ thơ, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Việt Nam và Ngân hàng Phát triển châu Á, Hà Nội.
5.   Nhóm hành động chống đói nghèo (2002), Cung cấp giáo dục cơ bản có chất lượng cho mọi người, Báo cáo chung của các nhà tài trợ, Hà Nội.
6.   Nolwen Henaff và Jean Yves Martin (2001), "Tổ chức lại nền kinh tế và cơ cấu lại xã hội", Nolwen Henaff và Jean Yves Martin (Chủ biên), Lao động, việc làm và nguồn nhân lực ở Việt Nam 15 năm Đổi mới, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
7.   Plan Việt Nam (2008), Nghiên cứu thực trạng giáo dục mầm non ở xóm Đồng Quan xã Bàn Đạt tỉnh Thái Nguyên, Báo cáo nghiên cứu.
8.   Tổng cục Thống kê (2006), Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2006 (MICS 3), Nxb. Thống kê, Hà Nội.
9.   Tổng cục Thống kê (2011a), Kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2010, Nxb. Thống kê, Hà Nội.
10. Tổng cục Thống kê (2011b), Việt Nam-Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ, Nxb. Thống kê, Hà Nội.
11. Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (2008), Thực trạng và nhu cầu gửi trẻ dưới 36 tháng tuổi-Một số gợi ý chính sách, Hà Nội.
12. UNESCO (2007), Báo cáo giám sát toàn cầu về giáo dục cho mọi người: Nền tảng vững chắc - Chăm sóc và giáo dục mầm non, UNESCO, Paris.
13. UNESCO (2012), Education For All Global Monitoring Report: Youth anh Skills-Putting education to work, UNESCO.
14. UNICEF Việt Nam (2008), Phân tích tình hình trẻ em ở Việt Nam sử dụng cách tiếp cận dựa vào quyền, Hà Nội.
15. Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em (2003), Điều tra nhân khẩu học và Sức khỏe 2002, Nxb. Thống kê, Hà Nội.

No comments:

Post a Comment