Saturday, December 21, 2019

Tiếp cận giáo dục của trẻ em gái ở nhóm tách biệt xã hội về điều kiện sống

Trần Quý Long

Đề nghị trích dẫn: Trần Quý Long (2016). Tiếp cận giáo dục của trẻ em gái ở nhóm tách biệt xã hội về điều kiện sống. Võ Khánh Vinh và Nguyễn Hữu Minh (Đồng chủ biên). Các chiều cạnh giới của sự tách biệt xã hội hướng tới chính sách toàn diện hơn đối với phụ nữ. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 201-216.

1. Giới thiệu
Giáo dục khuyến khích phát triển sáng kiến, khả năng linh hoạt và thích ứng, giúp cho con người phát triền quyền năng hơn, thay đổi hành vi và tiếp cận những cơ hội to lớn trong cuộc sống. Tầm quan trọng của giáo dục đối với cá nhân, cộng đồng và đối với sự phát triển của một quốc gia được phản ánh trong việc thừa nhận nó như một quyền con người (Nhóm hành động chống đói nghèo, 2002). Quyền được tiếp cận giáo dục đã được quy định không chỉ trong Công ước về Quyền trẻ em mà còn cả trong Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc. Điều 28 của Công ước Quyền trẻ em công nhận quyền được học tập là một quyền cơ bản và nhấn mạnh rằng việc thực quyền phải đảm bảo từng bước và trên cơ sở những cơ hội bình đẳng (UNICEF Việt Nam, 2008).
Giáo dục cho trẻ em gái là rất quan trọng trong việc cải thiện triển vọng kinh tế của gia đình thông qua việc nâng cao trình độ và kĩ năng. Những trẻ em gái được giáo dục tốt hơn sẽ tham gia vào lực lượng lao động được trả công, gia đình sẽ có thu nhập cao hơn và tổng năng suất lao động cũng tăng lên. Tại những nền kinh tế nông nghiệp, học vấn của phụ nữ và trẻ em gái đồng nghĩa với sản lượng nông nghiệp cao hơn (UNFPA, 2005). Thực hiện thập kỷ biết chữ của Liên hợp quốc (2003-2012), cộng đồng quốc tế đã nhấn mạnh phương diện xã hội của biết chữ cho phụ nữ và công nhận rằng: “tạo ra các môi trường và xã hội biết chữ là một điều kiện cần thiết để đạt các mục tiêu về xóa nghèo khổ, giảm tỷ lệ tử vong trẻ em, hạn chế gia tăng dân số, đạt bình đẳng giới và bảo đảm phát triển bền vững, hòa bình và dân chủ” (United Nations, 2001). Thêm vào đó, dự án Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc nhận mạnh rằng, giáo dục trung học cơ sở hoặc cao hơn cho phụ nữ là một yếu tố mang tính chiến lược và điều này sẽ mang lại “hiệu quả lớn nhất cho việc trao quyền cho phụ nữ”.
Nhóm tách biệt xã hội về điều kiện sống trong nghiên cứu này được hiểu là những trường hợp mà hộ gia đình thuộc 40% thấp nhất trong phân loại về tình trạng kinh tế xã hội theo ngũ phân vị. Tình trạng kinh tế hộ gia đình được đo lường gián tiếp qua thông tin sở hữu về tài sản, vật dụng lâu bền, đặc điểm nhà ở, nước và vệ sinh và những đặc trưng khác liên quan đến mức độ giàu nghèo. Sau khi tính toán, tình trạng kinh tế hộ gia đình được xếp loại thành 5 nhóm (ngũ vị phân) theo thứ tự từ nhóm 20% nghèo nhất đến nhóm 20% giàu nhất.
Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm phân tích mức độ tiếp cận giáo dục của trẻ em gái ở nhóm tách biệt xã hội về điều kiện sống thông qua tỷ lệ không đi học tại thời điểm Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009 (gọi tắt là Tổng điều tra). Điều này có nghĩa là chỉ số tiếp cận giáo dục của trẻ em gái được xây dựng để nhận giá trị tiêu cực. Cụ thể, nghiên cứu không xem xét tỷ lệ trẻ em gái trong độ tuổi học phổ thông (7-18 tuổi) đang đi học mà dùng tỷ lệ không đi học (hay còn gọi là ở ngoài nhà trường) tại thời điểm Tổng điều tra. Có thể nói, xây dựng và tính toán theo chỉ số có giá trị tiêu cực là một điều kiện tiên quyết để có thể nắm bắt được tình trạng tiếp cận giáo dục của trẻ em nói chung và trẻ em gái ở nhóm tách biệt xã hội về điều kiện sống nói riêng. Nghiên cứu tập trung vào sự khác biệt mang tính xã hội cũng như tìm cách xác định mối liên hệ giữa những đặc trưng chung của hộ gia đình và tỷ lệ trẻ em gái ở nhóm tách biệt xã hội về điều kiện sống không được tiếp cận với giáo dục. Sau đó, nghiên cứu sử dụng mô hình hồi quy đa biến để đánh giá xem những đặc điểm này có mối liên hệ hoặc ảnh hưởng như thế nào đối với khả năng không đi học của trẻ em gái ở nhóm xã hội này.
2. Thực trạng tiếp cận giáo dục của trẻ em gái ở nhóm xã hội tách biệt về điều kiện sống
Kết quả phân tích số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009 cho thấy có sự khác biệt trong tỷ lệ trẻ em gái không đi học giữa hai nhóm xã hội. Theo đó, trẻ em gái ở nhóm tách biệt xã hội về điều kiện sống (NTBĐKS) có tỷ lệ không đi học cao hơn so với nhóm so sánh (NSS), 21,1% so với 11,3%. Có học vấn cao hơn sẽ giúp cho bước chuyển tiếp sang giai đoạn đi làm được thuận lợi hơn và dẫn đến nhiều thành công hơn trong cuộc sống, nếu không được đi học hoặc thôi học sớm sẽ không giúp trẻ em Việt Nam nói chung và trẻ em gái ở nhóm tách biệt xã hội về điều kiện sống nói riêng làm được điều đó. Đối với thanh thiếu niên, bỏ học quá sớm phải trả giá đắt bằng năng suất sau này. Thu nhập bị mất và thiếu tích lũy kỹ năng sẽ làm cho một người khó có thể thoát nghèo đói khi trưởng thành (Ngân hàng thế giới, 2007).
Chênh lệch theo độ tuổi
Chênh lệch về tỷ lệ không đi học ở từng độ tuổi của trẻ em gái theo đặc trưng nhóm xã hội được minh họa ở biểu đồ 1 từ số liệu Tổng Điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009. Đối với cả hai nhóm, tỷ lệ trẻ em gái không đến trường tại thời điểm Tổng điều tra tăng dần theo độ tuổi. Đường đồ thị thể hiện tỷ lệ không đi học của trẻ em gái ở nhóm tách biệt xã hội về điều kiện sống luôn cao hơn so với tỷ lệ không đi học của trẻ em gái ở nhóm so sánh và không có khác biệt nhiều ở nhóm tuổi phải đang học tiểu học. Hai đường đồ thị bắt đầu tách rời nhau ở độ tuổi 12 và có khoảng cách ngày càng lớn ở các độ tuổi còn lại. Trẻ em gái thuộc nhóm tách biệt về điều kiện sống có tỷ lệ không đi học ở độ tuổi 18 là 56,6% và của trẻ em gái ở nhóm so sánh 31,1%. Chênh lệch trong tỷ lệ không đi học của trẻ em gái ở độ tuổi phải học lớp cuối cùng của bậc học trung học phổ thông giữa hai nhóm là 1,8 lần.
Biểu đồ 1. Tỷ lệ trẻ em gái 7-18 tuổi không đi học theo tuổi và nhóm xã hội
Nguồn: Tính toán từ Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009.
Như vậy, tại thời điểm Tổng điều tra có hơn một nửa trẻ em gái của nhóm tách biệt xã hội về điều kiện sống ở độ tuổi phải đang học lớp cuối cùng bậc trung học phổ thông sẽ không bao giờ đạt được trình độ học vấn ở bậc học này. Qua đó cho thấy, trẻ em gái ở nhóm tách biệt xã hội về điều kiện sống rời nhà trường sớm khi chưa đến độ tuổi có thể vì nhiều lý do như chi phí cho việc đi học, phải giúp gia đình tăng thu nhập hay phải làm các công việc trong gia đình, môi trường học không thân thiện hay chất lượng giáo dục thấp.
Khác biệt theo thành phần dân tộc
Trẻ em gái thuộc thành phần dân tộc thiểu số có thể sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ các chương trình, chính sách giáo dục của quốc gia, tuy nhiên các em lại có ít khả năng tiếp cận các chương trình này nhất. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009, trẻ em gái thuộc thành phần dân tộc thiểu số có tỷ lệ không đi học tại thời điểm Tổng điều tra cao hơn trẻ em gái người Kinh ở cả hai nhóm tách biệt hay không tách biệt xã hội về điều kiện sống (Biểu đồ 2).
Biểu đồ 2. Tỷ lệ trẻ em gái 7-18 tuổi không đi học theo dân tộc và nhóm xã hội
Nguồn: Tính toán từ Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009.
Tỷ lệ trẻ em gái người Kinh ở nhóm tách biệt xã hội về điều kiện sống không đi học là 17,3%, tỷ lệ này ở trẻ em gái người dân tộc thiểu số là 29,7%. Chênh lệch về tỷ lệ không đi học của trẻ em gái dân tộc thiểu số so với dân tộc Kinh ở nhóm tách biệt xã hội về điều kiện sống là 1,7 lần. Tương tự, tỷ lệ không đi học của trẻ em gái dân tộc Kinh thấp hơn so với trẻ em gái dân tộc thiểu số ở nhóm không tách biệt xã hội về điều kiện sống, 9,9% so với 22,9%. Kết quả phân tích còn cho thấy, cùng là thành phần dân tộc nhưng tỷ lệ không đi học của trẻ em gái ở nhóm tách biệt xã hội về điều kiện sống cao hơn so với trẻ em gái ở nhóm so sánh, 17,3% so với 9,9% đối với nhóm dân tộc Kinh và 29,7% so với 22,9% đối với nhóm dân tộc thiểu số. Như vậy, mặc dù có tỷ lệ không đi học cao hơn so với trẻ em gái dân tộc Kinh nhưng trẻ em gái thuộc thành phần dân tộc thiểu số ở nhóm tách biệt về điều kiện sống vẫn luôn có tỷ lệ không đi học cao hơn so với nhóm so sánh.
Khác biệt giữa các vùng
Có sự khác biệt giữa các vùng trong tỷ lệ trẻ em gái không đi học ở nhóm xã hội tách biệt cũng như ở nhóm xã hội không tách biệt về điều kiện sống (Bảng 1). Đối với nhóm tách biệt xã hội về điều kiện sống, kết quả phân tích cho thấy Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tỷ lệ trẻ em gái không đi học cao nhất, 27,1%. Tỷ lệ trẻ em gái không đi học cao thứ hai và thứ ba thuộc về Đông Nam Bộ và Trung du miền núi phía Bắc, 26% và 24,7%. Ngược lại, trẻ em gái không đi học của Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) có tỷ lệ thấp nhất, 11,2%. Khuôn mẫu này cũng gần như tương tự đối với nhóm xã hội không tách biệt về điều kiện sống.
Bảng 1. Tỷ lệ trẻ em gái 7-18 tuổi không đi học theo vùng và nhóm xã hội
Vùng
Nhóm TBĐKS
Nhóm so sánh
TDMNPB
24,7
14,4
ĐBSH
11,2
5,6
BTB&DHNTB
16,2
9,1
Tây Nguyên
23,7
8,9
Đông Nam Bộ
26,0
15,0
ĐBSCL
27,1
17,2
 Nguồn: Tính toán từ Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009.
Biểu đồ 3 trình bày sự phân bố tỷ lệ không đi học của trẻ em gái ở nhóm xã hội tách biệt về điều kiện sống theo các vùng địa lý qua việc sử dụng đường Lorenz từ số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009. Đây là một loại đồ thị dùng để biểu diễn mức độ thiếu đồng đều hoặc bất bình đẳng của một phân phối nào đó. Đường cong Lorenz càng lõm thì sự bất bình đẳng càng cao và ngược lại. Nếu tất cả trẻ em gái thuộc nhóm tách biệt xã hội về điều kiện sống ở các vùng có tỷ lệ không đi học bằng nhau, khi đó đường cong Lorenz sẽ trùng với đường nghiêng chéo thẳng được gọi là đường bình đẳng tuyệt đối.
Biểu đồ 3. Đường Lorenz phân phối tỷ lệ trẻ em gái 7-18 tuổi thuộc nhóm tách biệt xã hội về điều kiện sống không đi học theo vùng

Nguồn: Tính toán từ Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009.
Trên đồ thị, trục hoành biểu thị tỷ lệ phần trăm cộng dồn từ 0% đến 100% của 6 nhóm trẻ em gái cư trú ở 6 vùng địa lý tự nhiên, kinh tế-xã hội của đất nước và trục tung biểu thị tỷ lệ phần trăm cộng dồn tỷ lệ không đi học từ 0% đến 100% của nhóm dân số trẻ em gái trong độ tuổi 7-18. Kết quả phân tích cho thấy, giữa các vùng trong cả nước có sự bất bình đẳng trong tỷ lệ không đi học của trẻ em gái ở nhóm xã hội tách biệt về điều kiện sống. Đường cong phải bên dưới của đường thẳng chéo biểu thị sự phân bố bất công bằng và có lợi hơn cho vùng có tỷ lệ trẻ em không đi học thấp hơn. Trên đồ thị, chúng ta có thể thấy hai vùng đầu tiên là Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ chiếm 34,3% dân số nhưng chỉ có 13,8% trẻ em gái không đi học. Trong khi đó, ở đoạn cuối cùng trên đường phân phối biểu thị vùng Trung du và miền núi phía Bắc có số lượng dân số trẻ em gái là 13,9% nhưng chiếm đến 22,8% trong tổng số trẻ em gái không đi học của cả nước.
3. Các yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng không đi học của trẻ em gái ở nhóm xã hội tách biệt về điều kiện sống
Để đánh giá vai trò của các yếu tố đối với khả năng không đi học của trẻ em gái trong độ tuổi 7-18 ở nhóm tách biệt xã hội về điều kiện sống trong điều kiện có tác động của nhiều yếu tố khác nhau, mô hình phân tích đa biến đã được thực hiện. Mặc dù gọi là các biến số độc lập và biến số phụ thuộc nhưng mô hình hồi quy không nhất thiết phản ánh mối quan hệ nhân quả. Các phân tích sau đây đánh giá tương quan/ ảnh hưởng của từng biến số độc lập đến khả năng không đi học của trẻ em gái với giả thiết là các biến số độc lập khác trong mô hình hồi quy được giữ nguyên không đổi. Thủ tục chuẩn để phân tích đa biến là mô hình hồi quy logistic, bởi vì biến phụ thuộc được xây dựng thành một biến nhị phân với giá trị bằng 1 nếu xảy ra sự kiện trẻ em gái trong độ tuổi học phổ thông không đi học; ngược lại giá trị bằng 0 nếu không xảy ra sự kiện đó.
Các yếu tố được đưa vào phân tích trong mô hình bao gồm đặc điểm của trẻ em gái như tuổi, thành phần dân tộc; cùng với đó là các yếu tố gia đình như quy mô hộ gia đình, tình trạng di cư. Từ góc độ điều kiện địa lý, tự nhiên, kinh tế-xã hội, nghiên cứu sử dụng các yếu tố tổng hợp sự khác biệt giữa các vùng của Việt Nam cũng như sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn về khả năng không đi học của trẻ em gái thuộc nhóm tách biệt về điều kiện sống.
Bảng 2. Tác động của các yếu tố đối với khả năng không đi học của trẻ em gái ở nhóm tách biệt xã hội về điều kiện sống (Mô hình logistic)
Các yếu tố
Exp(B)
Std. Error
Sig.
Tuổi
1.49
0.00
0.000
Dân tộc (Kinh=1)
2.85
0.01
0.000
Quy mô hộ gia đình
1.21
0.00
0.000
Di cư (có=1)
3.12
0.02
0.000
Nơi cư trú (nông thôn=1)
1.01
0.01
0.322
Vùng địa lý



Đồng bằng sông Hồng
0.37
0.01
0.000
Trung du và Miền núi phía bắc
0.29
0.02
0.000
Bắc Trung bộ và DHNTB
0.35
0.01
0.000
Tây Nguyên
0.39
0.01
0.000
Đông Nam Bộ
0.70
0.02
0.000
Đồng bằng sông Cửu Long (nhóm s/sánh)
1



Nguồn: Tính toán từ Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009.
Kết quả phân tích đa biến từ số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009 ở bảng 2 cho thấy, tuổi có mối liên hệ với khả năng không đi học của trẻ em gái thuộc nhóm tách biệt xã hội về điều kiện sống trong độ tuổi từ 7 đến 18. Sau khi tính đến sự ảnh hưởng của các biến số độc lập khác có trong mô hình, biến số tuổi vẫn có ảnh hưởng đến xác suất không đi học của trẻ em gái và rất có ý nghĩa thống kê. Hệ số của mô hình hồi quy khẳng định, trong cùng điều kiện xác định bởi các biến số độc lập khác trong mô hình, khi tăng thêm một tuổi thì xác suất không đi học của trẻ em gái trong độ tuổi 7-18 lại tăng lên 1,49 lần. Điều này cho thấy, thời gian của trẻ em gái ở nhóm tách biệt xã hội về điều kiện sống có giá trị hơn khi mỗi năm qua đi, vì thời gian đó có thể được sử dụng để làm việc tạo thu nhập, giúp đỡ việc trong nhà hoặc thậm chí có thể lập gia đình.  
Kiểm nghiệm về tác động của yếu tố thành phần dân tộc đối với xác suất ngoài nhà trường của trẻ em gái ở nhóm tách biệt xã hội về điều kiện sống được khẳng định trong mô hình hồi quy đa biến. Sau khi cố định sự tác động của các biến số độc lập khác trong mô hình, kết quả phân tích thấy trẻ em gái người Kinh có xác suất không đi học cao 2,85 lần so với trẻ em gái người dân tộc thiểu số. Kết quả này phản ánh thực tế là mặc dù cùng ở nhóm tách biệt xã hội về điều kiện sống nhưng trẻ em gái dân tộc thiểu số vẫn gặp nhiều bất lợi hơn trong cuộc sống và bị dồn đẩy vào sự tham gia lao động sớm hơn so với trẻ em gái dân tộc Kinh. Qua đó làm nổi bật nhu cầu cần tập trung nhiều hơn trong việc cung cấp giáo dục cho trẻ em gái dân tộc thiểu số thuộc nhóm tách biệt về điều kiện sống.
Số lượng thành viên trong hộ gia đình là một yếu tố quan trọng có ảnh hưởng đến nguy cơ không đi học của trẻ em gái trong độ tuổi đi học phổ thông ở nhóm tách biệt xã hội về điều kiện sống khi tính đến ảnh hưởng của các biến số độc lập khác trong mô hình. Theo kết quả phân tích ở bảng 2, trẻ em gái có nguy cơ không đi học tăng 21% nếu trong gia đình có thêm một thành viên và tác động của biến số này rất có ý nghĩa thống kê. Điều này hàm ý rằng, gia đình với quy mô lớn sẽ có tác động đến việc trẻ em gái phải ở ngoài nhà trường do nhu cầu về chi tiêu, trang trải cho cuộc sống và lao động của gia đình.
Sự thay đổi nơi ở (không cùng xã) so với 5 năm trước cuộc Tổng điều tra có ảnh hưởng đến xác suất không đi học của trẻ em gái ở độ tuổi 7-18 thuộc nhóm tách biệt xã hội về điều kiện sống. So với nhóm trẻ em gái không di cư, xác suất không đi học của nhóm trẻ em gái di cư cao hơn đáng kể với hệ số chênh lệch là 3,12. Qua đó cho thấy, những trẻ em gái trong độ tuổi học phổ thông không được đi học một phần là do phải di cư để kiếm sống, làm việc. Cũng có thể những rào cản về pháp lý đối với người di cư trong lĩnh vực giáo dục vẫn còn tồn tại. Về khía cạnh pháp lý, vẫn cần phải có hộ khẩu hoặc giấy khai sinh để đăng ký nhập học và do đó đã phủ nhận phần nào việc tiếp cận giáo dục của trẻ em gái di cư khi không đáp ứng được các loại giấy tờ liên quan.  
Không có sự khác biệt về xác suất không đi học của trẻ em gái ở nông thôn và trẻ em gái ở thành thị khi tính đến sự ảnh hưởng của các biến số độc lập khác có trong mô hình vì tác động của biến số ‘nông thôn’ không có ý nghĩa thống kê. Tuy nhiên, khu vực cư trú có mối quan hệ với khả năng không đi học của trẻ em gái đang ở trong độ tuổi học phổ thông thuộc nhóm tách biệt xã hội về điều kiện sống. Trẻ em gái sống ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có xác suất không đi học cao hơn so với trẻ em gái sống ở những vùng khác của đất nước. Có lẽ tác động này không chỉ phản ánh các điều kiện địa lý, mà còn phản ánh cơ cấu kinh tế xã hội, hệ thống giáo dục và thái độ đối với việc đi học của trẻ em gái ở nhóm thấp nhất về điều kiện sống. Vì thế, việc giảm sự khác biệt trong tiếp cận giáo dục của trẻ em ở nhóm tách biệt xã hội về điều kiện sống giữa các vùng là cần thiết nhằm tránh xuất hiện các khoảng cách trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội.
5. Thảo luận và Kết luận
Toàn bộ quá trình giáo dục phổ thông là một môi trường xã hội hóa chính yếu. Trong các xã hội phát triển và phân hóa cao, có vô số những kỹ năng và kiến thức mà bất kỳ ai cũng cũng sẽ phải thấy rằng nếu chỉ dựa vào các phương tiện xã hội hóa không chính thức thì hoàn toàn không đủ. Xã hội càng cần có nhiều kỹ năng bao nhiêu thì trẻ em càng cần phải được tiếp cận với những thiết chế được lập ra một cách có chủ định bấy nhiêu – các cơ sở giáo dục như trường học (Tony Bilton và cộng sự, 1993). Mặc dù đạt được những tiến bộ về giáo dục phổ thông trong những thập niên qua nhưng kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009 vẫn cho thấy, có một số lượng nhất định trẻ em gái thuộc nhóm tách biệt xã hội về điều kiện sống đang trong độ tuổi học phổ thông nhưng không đến trường tại thời điểm Tổng điều tra. Điều này cho thấy ở nhóm có điều kiện sống thấp nhất, việc trẻ em gái được đến trường có thể bị coi là không phù hợp, nhất là sau khi cân nhắc những đóng góp của trẻ em gái cho việc nhà, chăm sóc em hoặc chăm sóc người lớn tuổi, đóng góp thu nhập cho gia đình.
Nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ em dân tộc thiểu số ít đi học hơn trẻ em người Kinh là những rào cản về nghèo đói, phải làm việc, cơ sở vật chất nhà trường thiếu thốn và chất lượng dạy học thấp. Hầu hết dân tộc thiểu số sinh sống ở các vùng nông thôn tương đối sâu và xa, rất ít người tìm được việc làm trong các ngành công nghiệp và ở vùng đô thị và rất nhiều bậc phụ huynh không thấy được giá trị của giáo dục trên mức biết đọc và biết viết, nếu con cái của họ chỉ là để theo họ tham gia vào những công việc đồng áng để đủ sống về cơ bản (Geoffrey B. Hainsworth, 2001). Mối quan tâm gìn giữ phương thức sản xuất và các định hướng văn hóa đã duy trì thái độ né tránh giáo dục của các nhóm dân tộc thiểu số (Nolwen Henaff và Jean Yves Martin, 2001). Kết quả phân tích của nghiên cứu khẳng định rằng, ở nhóm tách biệt xã hội về điều kiện sống trẻ em gái người dân tộc thiểu số có mức độ tiếp cận giáo dục thấp hơn so với trẻ em gái người Kinh. Qua đó cho thấy, dân tộc thiểu số vẫn là một nhóm xã hội chịu nhiều thiệt thòi và rất cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa về mặt chính sách trong lĩnh vực giáo dục (Trần Quý Long, 2013).
Mối quan hệ giữa quy mô hộ gia đình và khả năng không đi học của trẻ em gái ở nhóm tách biệt xã hội về điều kiện sống là rất rõ ràng. Qua đó nó thể hiện hàm ý rằng, quy mô và cấu trúc gia đình ảnh hưởng đến việc tiếp cận giáo dục của trẻ em gái thông qua ảnh hưởng của tình trạng đông người, do đó các gia đình cần phải cắt giảm chi phí học tập và huy động trẻ em tham gia làm việc nhằm phát sinh thêm thu nhập. Trong những gia đình có nhiều con ở độ tuổi đến trường, thường sẽ có một số trẻ em phải hy sinh quyền lợi được đi học của mình cho những đứa trẻ khác, vấn đề này càng nổi bật hơn đối với trẻ em gái trong những gia đình bị tách biệt xã hội về điều kiện sống.
Quá trình gián đoạn học hành của trẻ em gái ở nhóm tách biệt xã hội về điều kiện sống được nhìn nhận là đi kèm với di cư. Trẻ em thuộc diện di cư có khả năng không đi học cao hơn nhóm trẻ em không di cư, đây có thể là hệ quả của việc từ bỏ học đường để đi làm việc, kiếm sống hoặc do rào cản về mặt pháp lý khi trẻ em không có những giấy tờ để đăng ký nhập học tại nơi đến (Trần Quý Long, 2014). Một số nghiên cứu cho biết, trẻ em nhập cư ở các khu vực thành thị không có đăng ký hộ khẩu thường là những công dân “vô hình” và không xuất hiện trong các số liệu và thống kê hành chính. Thiếu giấy tờ chứng minh tình trạng cư trú khiến cho những trẻ em này không tiếp cận được với các dịch vụ công thiết yếu như giáo dục (UNICEF, 2010). Việc nhà trường yêu cầu phải có hộ khẩu cũng làm cho trẻ em diện di cư không thể hoặc rất khó xin vào học ở trường công lập. Vì không có hộ khẩu hoặc đăng ký tạm trú, trẻ em diện di cư không có cách nào khác ngoài trả tiền học trái tuyến để được đến trường hoặc chấp nhận từ bỏ quyền được đi học của mình (Nhóm hành động chống đói nghèo, 2002). Ngoài ra, chi phí giáo dục đã tăng lên đáng kể, đặc biệt ở các khu vực thành thị và điều này có thể hạn chế việc tiếp cận với giáo dục của con cái ở những gia đình di cư thuộc tầng lớp thấp nhất về điều kiện sống (UNDP, 2011).
Không có sự khác biệt giữa nông thôn và thành thị về khả năng không đi học của trẻ em gái ở nhóm tách biệt xã hội về điều kiện sống cho thấy có nhiều ý nghĩa xung quanh vấn đề này. Mặc dù được coi là có nhiều ưu đãi so với khu vực nông thôn nhưng bên trong các khu vực thành thị cũng tồn tại những bất bình đẳng đáng kể. Một nhóm tác giả nhận xét rằng, những tầng lớp xã hội rất nghèo ở các thành phố là những tầng lớp thiếu công cụ sản xuất và chỉ có sức lao động của chính mình để đảm bảo thu nhập, ưu tiên của các thành viên của các nhóm này là kiếm sống qua ngày chứ không phải là vấn đề đi học của con em (Nolwen Henaff và Jean Yves Martin, 2001). Ngược lại, mặc dù chi phí cơ hội bị mất đi do trẻ em gái không làm việc mà đi học nhưng những gia đình thuộc nhóm tách biệt xã hội về điều kiện sống ở nông thôn vẫn nhận thức được giáo dục là một sự đầu tư có hiệu quả, là một phương thức giảm nghèo vì thế đã tích cực đầu tư vào nguồn vốn nhân lực cho con cái.
Tương tự như một số nghiên cứu về tiếp cận giáo dục của các nhóm trẻ em khác, sự khác nhau về nơi cư trú đối với khả năng không đi học của trẻ em gái thuộc nhóm tách biệt xã hội về điều kiện sống đã được xác nhận trong nghiên cứu này. Theo phân tích của UNICEF (1994), những vùng có tỷ lệ trẻ em đi học thấp là do dân cư sống rải rác và ít trường học nên các gia đình và trẻ em cảm thấy làm việc nhà và tại đồng ruộng còn dễ chịu hơn là đi học. Tỷ lệ trẻ em đi học trung học cơ sở thấp hơn tại các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa và giảm dần theo các vùng từ Bắc vào Nam là do thói quen, truyền thống, tâm lý và tập quán (Trương Thị Kim Chuyên và cộng sự, 1999). Những vùng có thái độ kỷ luật đối với giáo dục là những vùng đã đạt những thành công trong thời kỳ xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Hồng. Các tư tưởng tập thể và các giá trị của giáo dục đi vào nội tâm ở mức tối đa và thái độ với học đường là những nét đặc trưng. Cao nguyên miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long là những vùng có nề nếp học đường kém hơn cả. Mức độ thấp kém, sa sút về giáo dục cũng đã ăn sâu vào những vùng này từ lâu (Nolwen Henaff và Jean Yves Martin, 2001).
Có thể thấy sự phân bố các lợi ích trong lĩnh vực giáo dục phổ thông cho trẻ em gái ở nhóm tách biệt xã hội về điều kiện sống là không công bằng do cách thức đầu tư giáo dục xuất phát từ nguồn gốc bất bình đẳng về mức sống, địa vị và cấu trúc kinh tế - xã hội. Việc không tạo cơ hội cho mọi người được quyền tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng sẽ hạn chế những nỗ lực phấn đấu cải thiện sức khỏe và phúc lợi, tăng thêm những cơ hội vươn tới một cuộc sống hữu ích hơn và thúc đẩy xã hội phát triển thành một xã hội đoàn kết, dân chủ, có những quyền công dân tối thiểu khác (Nhóm hành động chống đói nghèo, 2002). Nếu Nhà nước thấy được tầm quan trọng của giáo dục cho trẻ em gái ở nhóm tách biệt xã hội về điều kiện sống trong việc giảm đói nghèo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì cần phải giải quyết một số rào cản. Một trong những rào cản đó là chi phí trực tiếp mà các gia đình phải trả cho việc tiếp cận giáo dục của trẻ em. Những chi phí này cao hơn ở bậc học phổ thông và đã được chứng minh là làm cản trở trẻ em ở vùng sâu vùng xa và con em của các gia đình thuộc nhóm yếu thế đến trường. Nhiều quốc gia miễn phí cho cả bậc học trung học phổ thông vì người ta tin rằng không chỉ các cá nhân mà toàn bộ quốc gia sẽ hưởng lợi khi mà hầu hết các công dân của họ biết chữ và tham gia đầy đủ vào đời sống xã hội của quốc gia đó (Tatyana P. Soubbotina, 2005).
Nghiên cứu này cho thấy bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục của trẻ em gái ở nhóm tách biệt xã hội về điều kiện sống mang tính nhiều mặt trong khi lĩnh vực này rất quan trọng để đảm bảo tăng trưởng kinh tế và phúc lợi cho từng cá nhân. Trẻ em gái sống trong hộ gia đình có quy mô lớn, là người dân tộc thiểu số, người di cư có khả năng tiếp cận giáo dục thấp hơn trẻ em gái có đặc trưng khác. Qua đó có thể khẳng định rằng, trẻ em gái vừa thuộc nhóm tách biệt xã hội về điều kiện sống vừa thuộc nhóm yếu thế phải đối mặt với tình trạng ‘bất lợi kép’ trong tiếp cận giáo dục. Có thể nói, xóa bỏ tình trạng tách biệt xã hội về điều kiện sống sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc thực hiện đầy đủ quyền giáo dục của trẻ em gái thông qua những cơ hội, lựa chọn và năng lực được mở rộng.

Tài liệu tham khảo
1. Geoffrey B. Hainsworth (2001). Phát triển nguồn nhân lực. Nolwen Henaff và Jean Yves Martin (Chủ biên). Lao động, việc làm và nguồn nhân lực ở Việt Nam 15 năm Đổi mới. Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội.
2. Ngân hàng thế giới (2007). Báo cáo phát triển thế giới 2007: Phát triển và thế hệ kế cận. Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
3. Nhóm hành động chống đói nghèo (2002). Cung cấp giáo dục cơ bản có chất lượng cho mọi người. Báo cáo chung của các nhà tài trợ, Hà Nội.
4. Nolwen Henaff và Jean Yves Martin (2001). Tổ chức lại nền kinh tế và cơ cấu lại xã hội. Nolwen Henaff và Jean Yves Martin (Chủ biên). Lao động, việc làm và nguồn nhân lực ở Việt Nam 15 năm Đổi mới. Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội.
5. Tatyana P. Soubbotina (2005). Không chỉ là tăng trưởng kinh tế-Nhập môn về phát triển bền vững. Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, Hà Nội.
6. Tony Bilton, Kenvin Bonnett, Philip Jones, Michelle Stanworth, Ken Shear và Andrew Webster (1993). Nhập môn xã hội học. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
7. Trần Quý Long (2013). Các yếu tố gia đình ảnh hưởng đến tuổi thôi học của thanh thiếu niên Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, (số 2), tr. 29-42.
8. Trần Quý Long (2014). Tiếp cận giáo dục của trẻ em Việt Nam và các yếu tố ảnh hưởng. Tạp chí Nghiên cứu Con người, (số 4), tr. 48-58.
9. Trương Thị Kim Chuyên, Thái Thị Ngọc Dung và Bạch Hồng Việt (1999). Yếu tố ảnh hưởng đến đi học cấp II. Dominique Haughton, Jonathan Haughton, Sarah Bales, Trương Thị Kim Chuyên, Nguyễn Nguyệt Nga và Hoàng Văn Kình (Chủ biên). Hộ gia đình Việt Nam nhìn qua phân tích định lượng. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.
10. UNDP (2011). Báo cáo quốc gia về phát triển con người năm 2011: Dịch vụ xã hội phục vụ phát triển con người. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc.
11. UNFPA (2005). Tình trạng dân số thế giới 2005-Lời hứa về công bằng, bình đẳng giới, sức khỏe sinh sản và các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.
12. UNICEF (2010). Báo cáo phân tích tình hình trẻ em tại Việt Nam, Hà Nội.
13. UNICEF Việt Nam (2008). Phân tích tình hình trẻ em ở Việt Nam sử dụng cách tiếp cận dựa vào quyền, Hà Nội.
14. United Nations (2001). United Nations Literacy Decade: education for all (A/RES/56/116). 88th plenary meeting.

No comments:

Post a Comment