Trần Quý Long
Đề nghị trích dẫn: Trần Quý
Long (2015). Lao động xuyên biên giới của người dân ở một số địa phương vùng
biên khu vực Đông Bắc. Tạp chí Nghiên cứu
Gia đình và Giới, số 5, tr. 130-142.
Tóm tắt:
Lao động bên
kia biên giới là một thực tế phản ánh hệ quả tất yếu của tình trạng thiếu việc
làm cũng như nhu cầu nâng cao thu nhập của người dân ở khu vực biên giới Đông
Bắc Việt Nam. Cùng với đó là do địa hình có nhiều đường mòn hoặc lối mở nên cư dân sinh sống hai bên biên
giới có thể qua lại dễ dàng.
Trong số những thành
viên hộ gia đình từ 15 tuổi trở lên được khảo sát, nhóm đối tượng có khả năng
sang bên kia biên giới làm thuê nhiều hơn ở nam giới và tập trung chủ yếu vào
những đoàn hệ trẻ hơn. Người dân tộc Kinh và người có học vấn cao hơn có xác
suất lao động ở bên kia biên giới thấp hơn so với người dân tộc thiểu số và
người có học vấn thấp hơn. Thành viên ở hộ gia đình có mức sống khá nhất và tự
đánh giá là không thiếu đất sản xuất có khả năng đi lao động bên kia biên giới
thấp hơn so với những người khác. Nghiên cứu cho thấy, vấn đề lao động xuyên
biên giới của người dân cũng bộc lộ những vấn đề cấp bách trong quản lý xã hội.
Do đó, ngoài việc cung cấp thông tin và tuyên truyền, tiếp tục tăng cường công tác quản lý, hướng
dẫn cụ thể cho người dân khi đi lao động bên kia biên giới theo đúng quy định
là rất cần thiết.
Từ khóa: Lao động xuyên biên giới; Khu vực biên giới; Đông Bắc.
1. Giới thiệu
Lao động xuyên biên giới được xem là một chiến lược sống để
đối phó với tình trạng thiếu việc làm, đáp ứng nhu cầu nâng cao thu nhập của hộ
gia đình ở khu vực giáp biên. Một số nghiên cứu cho rằng, việc qua lại biên
giới quốc gia trong hoạt động kinh tế giữa các dân tộc đã diễn ra rất lâu đời
và vẫn được duy trì, thậm chí được tăng cường hơn trong giai đoạn hiện nay (Lý Hành Sơn, 2014). Làm thuê bên kia biên giới
là hoạt động thường thấy ở các dân tộc thiểu số tại vùng biên của nước ta, đặc
biệt là ở vùng biên giới Việt - Trung. Người dân tộc thiểu số ở vùng biên đã đi
sâu vào nội địa Trung Quốc từ vài chục đến vài trăm km để làm thuê cho đồng tộc
hoặc khác tộc với những công việc thường liên quan đến canh tác nông nghiệp như
trồng, chăm sóc và khai thác mía, chuối, dứa… hay khai phá ruộng nương (Vương Xuân Tình, 2010). Thời điểm đi lao động nhiều
nhất là vào những tháng cuối năm, lúc gặt hái xong. Khi đi, họ chỉ sử dụng giấy
thông hành với tính chất như đi thăm thân hay đi chợ. Nếu họ chưa biết nơi làm
thì qua cửa khẩu sẽ có người Trung Quốc tới đón (Bùi Xuân Đính, 2010).
Lao động
xuyên biên giới là một đòi hỏi tất yếu khách quan, biểu hiện rõ nét nhất của sự
phát triển không đồng đều giữa hai vùng lãnh thổ cạnh đường giáp biên. Những
khác biệt về mức sống, thu nhập, sức ép sinh kế giữa hai vùng biên giới của hai
quốc gia là nguyên nhân cơ bản tạo nên dòng lao động đặc thù này. Nguyên nhân
sâu xa của tình trạng làm thuê xuyên biên giới của người dân Việt Nam là do
vùng biên giới của Trung Quốc được chú trọng, ưu tiên với chính sách “hưng biên
phú dân” nên có bước phát triển mạnh về kinh tế, cần nguồn lao động lớn trong
khi lực lượng lao động tại chỗ của họ lại không đủ. Đối với các tộc người thiểu
số ở biên giới Việt Nam, sang bên Trung Quốc làm thuê được ưu tiên lựa chọn hơn
nơi khác bởi vì thu nhập cao hơn; địa bàn gần hơn và thành phần dân tộc, ngôn
ngữ tập quán tương đồng với nhau; làm các công việc quen thuộc và sống ở vùng
nông thôn phù hợp với cuộc sống của họ như ở quê nhà (Bùi Xuân Đính, 2010).
Nghiên cứu
thực trạng lao động xuyên biên giới của người dân ở khu vực biên giới Đông Bắc
là vấn đề rất đáng quan tâm bởi vì chủ đề này không chỉ phản ánh thực tế tình
trạng lao động, việc làm mà còn cung cấp những thông tin quan trọng về đa dạng
hóa nghề nghiệp, biến động nhân khẩu học, di cư và cả vấn đề không ổn định liên
quan đến sử dụng đất đai ở khu vực biên giới. Mục đích của nghiên cứu này nhằm
xem xét thực trạng người dân ở khu vực biên giới Đông Bắc sang bên kia biên
giới lao động trong mối liên hệ với một số yếu tố đặc trưng của cá nhân và hộ
gia đìnhnhư thế nào. Trước hết, nghiên cứu trình bày thực trạng lao động xuyên
biên giới theo các đặc điểm cụ thể của cá nhân và hộ gia đình. Sau đó, nghiên
cứu sử dụng mô hình hồi quy đa biến để đánh giá xem những đặc điểm này có mối
liên hệ hoặc ảnh hưởng như thế nào đối với khả năng sang biên kia biên giớilao
động của người dân.
2. Số liệu, biến số và
kỹ thuật phân tích
2.1. Số liệu
Nghiên cứu được
dựa trên kết quả khảo sát của đề tài cấp nhà nước: “Hôn nhân xuyên biên giới
với phát triển xã hội của các tỉnh miền núi nước ta trong phát triển bền vững” (KX
02.21/11-15). Đề tài đã tiến hành khảo sát ở các xã khu vực biên giới Đông Bắc
của 4 tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng và Hà Giang. Nghiên cứu tiến hành
phân tích dựa trên số lượng mẫu là 3.701 người trong độ tuổi từ 15 trở lên của
1.068 hộ gia đình được khảo sát.
2.2. Biến số
Biến số phụ thuộc của
nghiên cứu là một biến số nhị phân với hai giá trị 0 hoặc 1 với ý nghĩa là
thành viên hộ gia đình từ 15 tuổi trở lên không hoặc đang hay đã từng lao động
ở quốc gia bên kia biên giới là Trung Quốc trong vòng 12 tháng trước cuộc khảo
sát.
Các biến số độc lập (biến số dự báo) đáng quan tâm trong nghiên cứu có thể có ảnh
hưởng đến việc sang bên kia biên giới lao động của các cá nhân là các biến số về nhân khẩu học,
kinh tế-xã hội ở cấp độ phân tích cá nhân và hộ gia đình như: giới tính, tuổi,
học vấn, thành phần dân tộc, điều kiện sống và tình trạng thiếu đất.
Giới tính của các cá nhân được xác định thông qua biến số nhị phân với hai
giá trị là nữ giới bằng 1 và nam giới bằng 0. Có sự cân bằng giới tính giữa nam và nữ trong mẫu phân tích với tỷ lệ là
49,8% và 50,2%. Tương tự, nếu một cá nhân thuộc dân tộc Kinh thì được mã hóa
bằng 1 và bằng 0 đối với những người dân tộc thiểu số. Trong mẫu phân tích, các
cá nhân là dân tộc Kinh chỉ chiếm 13,4%, số còn lại thuộc các dân tộc thiểu số
như Tày, Nùng, Thái, Hmông, Dao...
Tuổi và học vấn của các thành viên hộ gia đình là hai biến số mang tính
chất định lượng. Biến số tuổi của cá nhân được tính theo số năm từ khi sinh đến
thời điểm khảo sát và có khoảng giá trị phân phối từ 15 đến 100 với giá trị
trung bình là 38. Trình độ học vấn của cá nhân được thể hiện là số lớp học đã
hoàn thành với phân phối từ 0 (không đi học) đến 13 (hoàn thành bậc học từ cao
đẳng đại học trở lên). Kết quả phân tích cho thấy, những người không đi học
chiếm tỷ lệ cao nhất, 21,9%, tiếp theo là những người đã học xong lớp 9 và lớp 12 với tỷ lệ lần lượt là 14,8% và
12,3%.
Điều kiện sống hộ gia đình được đo lường gián tiếp qua thông tin về sở
hữu vật dụng lâu bền. Sau khi tính toán, biến số này được xếp loại thành 5 nhóm
(ngũ vị phân) theo thứ tự từ nhóm 20% nghèo nhất đến nhóm 20% khá nhất. Trong
kỹ thuật phân tích hồi quy đa biến, một nhóm sẽ không được đưa vào mô hình mà để dùng so
sánh với các nhóm khác. Vì thế, nhóm hộ gia đình có điều kiện sống nghèo nhất
sẽ được dùng để làm nhóm so sánh với các nhóm có điều kiện sống cao hơn.
Một biến số được đưa vào phân tích nhằm xem xét nó có ảnh hưởng đến tình
trạng lao động xuyên biên giới của các cá nhân hay không đó là gặp khó khăn về
vấn đề thiếu đất sản xuất của hộ gia đình. Bởi vì, đối với khu vực sản xuất
nông nghiệp, thiếu đất là một vấn đề nghiêm trọng và là lý do của sự bần cùng
hóa. Trong số lượng mẫu phân tích, có một phần ba (33,5%) cá nhân thuộc hộ gia
đình gặp khó khăn trong vấn đề thiếu đất sản xuất.
3. Thực trạng lao động xuyên biên giới và các yếu tố ảnh hưởng
Phân tích số liệu khảo sát cho
thấy, trong số 3.701 thành viên hộ gia đình ở độ tuổi lao động từ 15 tuổi trở
lên tại 16 xã được nghiên cứu ở khu vực biên giới Đông Bắc, có 12,3% đã và đang
rời địa phương sang Trung Quốc lao động trong vòng 1 năm trước cuộc khảo sát. Trong
số những người tham gia lao động xuyên biên giới, người có độ tuổi thấp nhất là
15 và lớn nhất là 70 tuổi.
Thông tin thu thập được từ thực
địa ở các xã được lựa chọn khảo sát dọc biên giới Đông Bắc cho thấy, những công
việc mà người dân ở khu vực biên giới sang làm ở bên kia biên giới rất đa dạng
nhưng không kém phần nặng nhọc và độc hại như bốc vác, vận chuyển hàng hoá; xây dựng; khai thác mỏ; làm việc ở các trang trại trồng cây lương
thực, cây ăn quả hoặc trong
các xưởng
thủ công… Thời gian đi lao động của người dân rất linh hoạt với nhiều hình thức
như có thể sáng đi tối về; đi định kỳ theo tuần, tháng, năm hoặc làm ăn theo
mùa vụ.
“Nói chung đất thiếu nhiều, vào lúc nông nhàn
một số bà con đi làm thuê ở Trung Quốc. Một số từ mồng 2 mồng 3 tết đã đi rồi,
lúc nào đủ tiền thì về, ngắn nhất thì đi 2-3 ngày, thích về thì về không thích
thì nó ở lại làm tiếp” [PVS cán bộ, xã Sà Phìn, tỉnh Hà Giang] .
“Xong mùa gặt, ruộng vườn xong hết rồi
thì ba con trong xã này đi sang Trung Quốc làm việc nhiều... Người ta
chỉ đi trong ngày thôi, có người đi 2-3 ngày, xã này trung bình một
tháng thì có khoảng 45-50 lượt người đi. Tháng ít nhất thì có
khoảng 40 lượt” [PVS cán bộ, xã Trùng Khánh, tỉnh Lạng Sơn] .
Rõ ràng, lao động xuyên biên giới là một trong
những cách thức mà những hộ gia đình ở khu vực biên giới Đông Bắc cố gắng tổ
chức lại nguồn lao động của họ hoặc nhằm đa dạng hóa nguồn thu nhập. Nhiều địa
phương ở khu vực biên giới mỗi năm chỉ có 1 vụ sản xuất nông nghiệp chính nên
người lao động thường thiếu việc làm vào thời gian nông nhàn. Cùng với đó là thiếu
quỹ đất canh tác cộng với phương thức lao động sản xuất của người dân ở khu vực
biên giới còn đơn giản, lạc hậu dẫn đến hiệu quả và năng suất lao động thấp trong
khi ngày công lao động của cùng một công việc khi đi làm ở Trung Quốc được trả
cao hơn. Thông qua hình thức lao động làm thuê bên kia biên giới, các thành
viên có thể tích lũy và đóng góp thu nhập của mình cho hộ gia đình. Qua đó cho
thấy, lượng tiền mặt mà người tham gia lao động xuyên biên giới mang về không
phải là sản phẩm ngẫu nhiên của họ mà là một phần không thể tách rời trong
chiến lược sống của cá nhân và hộ gia đình ở khu vực biên giới Đông Bắc.
“Dân
của mình mùa nông nhàn chẳng có việc gì làm, ngoài đồng ruộng ra làm xong không
có gì làm, thấy có tiền là cứ đi, còn lao động dưới miền xuôi ít nhất phải có
trình độ người ta mới tuyển” [PVS cán bộ, xã
Đàm Thủy, tỉnh Cao Bằng] .
“Nếu tính theo ngày lao động thì bên Trung
Quốc ra ngày công nhiều hơn. Một ngày 80 đồng chẳng hạn, 80 đồng là
ăn ca ngày 3 bữa rồi. Tính sang tiền Việt Nam là 250 nghìn rồi. Nhưng
ở bên mình kiếm được 250 nghìn cũng là cả một vấn đề” [PVS cán bộ, xã Trung
Khánh, tỉnh Lạng Sơn] .
Biểu đồ 1 trình
bày phân tích hai biến về mối quan hệ giữa các biến số độc lập và tỷ lệ lao
động bên kia biên giới của các thành viên trong hộ gia đình. Xét theo giới
tính, kết quả phân tích cho thấy tỷ lệ đã và đang lao động xuyên biên giới
trong vòng 1 năm trước cuộc khảo sát của nam giới cao gấp đôi so với phụ nữ,
16,3% so với 8,3%. Có sự khác biệt khá lớn về tỷ lệ tham gia lao động biên kia
biên giới giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số (3,2% so với 13,7%).
Biểu đồ 1. Tỷ lệ lao động
xuyên biên giới chia theo một số đặc trưng
Đối với điều kiện sống của hộ gia đình, mối quan hệ giữa yếu tố này với
tỷ lệ tham gia lao động bên kia biên giới của người dân mang tính chất hình
sin. Theo đó, tỷ lệ lao động xuyên biên giới của nhóm có điều kiện sống nghèo
nhất chiếm 14%. Tỷ lệ này giảm xuống 13,1% ở nhóm nghèo và tăng lên 17% sau đó
lại giảm xuống còn ở mức 5,3% ở nhóm có điều kiện sống khá nhất.
Nghiên cứu đã tiến hành phân tích hồi quy đơn biến giữa các biến số mang
tính chất định lượng như tuổi và số lớp học của các cá nhân với khả năng tham gia lao động xuyên biên giới của họ
(không trình bày kết quả). Kết quả phân tích cho thấy cả hai biến số này đều
có ảnh hưởng đến xác suất tham gia lao động bên kia biên giới của người dân
theo chiều hướng nghịch biến. Nghĩa là khi số tuổi và số lớp học của cá nhân
tăng lên thì xác suất tham gia lao động xuyên biên giới lại giảm và sự ảnh
hưởng này rất có ý nghĩa thống kê.
Phân
tích đa biến
Để đánh giá vai
trò của các yếu tố đối với khả năng lao động xuyên biên giới của thành viên hộ
gia đình trong điều kiện có tác động của nhiều yếu tố khác nhau, mô hình phân
tích đa biến đã được thực hiện. Các phân tích sau đây đánh giá tương quan/ ảnh
hưởng của từng biến số độc lập đến khả năng lao động xuyên biên giới của cá
nhân với giả thiết là các biến số độc lập khác trong mô hình hồi quy được giữ
nguyên không đổi.
Bảng 1 trình bày
kết quả ước lượng bằng mô hình hồi quy logistic nhằm tìm hiểu xác suất sang bên
kia biên giới làm việc của các thành viên từ 15 tuổi trở lên của các hộ gia
đình được khảo sát. Các yếu tố tiềm năng có thể ảnh hưởng đến xác suất lao động
xuyên biên giới được thể hiện ở cột thứ nhất. Cột thứ hai của bảng thể hiện các
hệ số hồi quy (Odds Ratio)
thu được thông qua quá trình tính toán. Hệ số hồi quy được dùng để so sánh về xác
suất lao động xuyên biên giới giữa nhóm nghiên cứu với nhóm được dùng làm tham
khảo của mỗi biến số độc lập trong điều kiện tính đến sự ảnh hưởng của các biến
số độc lập khác có trong mô hình. Nếu hệ số nhỏ hơn 1 cho biết nhóm cá nhân với
đặc trưng đang xem xét có xác suất lao động xuyên biên giới thấp hơn so với
nhóm so sánh. Ngược lại, giá trị của hệ số lớn hơn 1 cho biết rằng nhóm cá nhân
với đặc trưng đang xem xét có xác suất tham gia lao động xuyên biên giới lớn
hơn so với nhóm so sánh. Những cột tiếp theo thể hiện sai số chuẩn, giá trị z
và mức ý nghĩa thống kê (P> | z |). Các mức ý nghĩa thống kê được xem xét là
95%, 99% và 99,9% độ tin cậy. Hai cột cuối cùng của bảng thể hiện giá trị cận
trên và cận dưới của khoảng tin cậy 95%.
Theo kết quả phân
tích ở bảng 1, ước lượng xác suất về khả năng làm việc bên kia biên giới của nữ
giới chỉ bằng 0,47 lần so với nam giới. Nói cách khác, nữ giới có khả năng lao
động xuyên biên giới thấp hơn nam giới 53% khi tính đến tác động đồng thời của
những biến số độc lập khác có trong mô hình và sự khác biệt này rất có ý nghĩa
thống kê (Odds Ratio = 0,47; P> | z | = 0,000). Điều này cho thấy vai trò giới đã tác động đến việc thể hiện và thực thi
vai trò trụ cột gia đình của nam giới bằng cách phải sang bên kia biên giới lao
động để tìm kiếm thêm thu nhập mặc dù phải rời xa gia đình và cộng đồng.
Tác động của
biến số ‘dân tộc Kinh’ đến xác suất lao động xuyên biên giới của các thành viên
hộ gia đình rất có ý nghĩa thống kê. Nó chỉ ra khả năng sang bên kia biên giới
lao động giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số có sự khác biệt rất rõ ràng.
Khi kiểm soát tác động của các biến số độc lập khác có trong mô hình, xác suất
lao động xuyên biên giới của người Kinh thấp hơn 64% so với người dân tộc thiểu
số.
Bảng 1. Mô hình hồi quy đa biến về tác động của các
yếu tố đối với xác suất tham gia lao động xuyên biên giới của người dân (thủ
tục logistic)
|
||||||
Các
yếu tố
|
Odds Ratio
|
Std.
Err.
|
z
|
P> | z |
|
||
Giới tính (Nam=1)
|
0,47
|
0,05
|
-6,94
|
0,000
|
0,381
|
0,583
|
Dân tộc
Kinh (có =1)
|
0,36
|
0,10
|
-3,78
|
0,000
|
0,208
|
0,608
|
Tuổi (tính
theo năm)
|
0,97
|
0,00
|
-8,20
|
0,000
|
0,958
|
0,974
|
Học vấn
(tính theo lớp)
|
0,95
|
0,01
|
-3,95
|
0,000
|
0,920
|
0,972
|
Mức sống
gia đình
|
||||||
Nghèo nhất(nhóm s/sánh)
|
||||||
Nghèo
|
0,93
|
0,17
|
-0,38
|
0,701
|
0,652
|
1,334
|
Trung
bình
|
1,42
|
0,24
|
2,10
|
0,036
|
1,024
|
1,981
|
Khá
|
1,12
|
0,19
|
0,64
|
0,524
|
0,795
|
1,569
|
Khá
nhất
|
0,59
|
0,13
|
-2,46
|
0,014
|
0,383
|
0,897
|
Khó khăn
(Thiếu đất = 1)
|
1,24
|
0,13
|
1,99
|
0,046
|
1,004
|
1,526
|
Number
of obs = 3.701
|
Kết quả phân
tích cho thấy biến số tuổi có ảnh hưởng đến khả năng lao động bên kia biên giới
của các thành viên hộ gia đình theo tính chất nghịch biến và mối quan hệ này
rất có ý nghĩa thống kê (Odds
Ratio = 0,97; P> | z | = 0,000). Nghĩa là, xác
suất lao động xuyên biên giới của cá nhân giảm đi khi tuổi của họ tăng lên.
Tương tự, học vấn cũng có ảnh hưởng đến khả năng lao động xuyên biên giới của
các thành viên hộ gia đình theo xu hướng nghịch biến. Khi một cá nhân có thêm 1
lớp đi học thì xác suất sang bên kia biên giới làm việc của họ giảm xuống 5% và
sự ảnh hưởng này rất có ý nghĩa thống kê (Odds Ratio = 0,95; P> | z | = 0,000). Điều này gợi ý rằng có thể giáo dục đóng vai trò nhất định để giúp cá
nhân có một việc làm ổn định trong nước mà không phải đi làm thuê bên kia biên
giới.
Tương tự như
phân tích hai biến ban đầu, ảnh hưởng của yếu tố điều kiện sống hộ gia đình với
khả năng lao động xuyên biên giới của các cá nhân vẫn mang tính chất hình sin
trong mô hình phân tích hồi quy đa biến. So với nhóm nghèo nhất, khả năng lao
động xuyên biên giới của cá nhân ở hộ gia đình có điều kiện sống trung bình cao
hơn 1,4 lần. Tuy nhiên, xác suất này giảm xuống đối với những người mà hộ gia
đình của họ có điều kiện sống khá và khá giả nhất. Nếu như hộ gia đình có điều
kiện sống khá giả nhất thì xác suất lao động xuyên biên giới của thành viên chỉ
bằng 0,59 so với những người có mức sống nghèo nhất. Có thể nhận thấy rằng,
những đặc trưng như neo đơn, ít nguồn lực có thể phần nào hạn chế khả năng lao
động xuyên biên giới đối với những hộ gia đình nghèo nhất so với những hộ gia
đình có mức sống trung bình và khá. Ngược lại, những hộ gia đình khá giả nhất
có thể đảm bảo được khả năng tài chính cũng như việc làm cho nên các thành viên
của hộ không nhất thiết phải sang bên kia biên giới để làm thuê.
Khi tính đến
tác động của các biến số khác có trong mô hình phân tích, kết quả cho thấy,
những hộ gia đình nào mà người đại diện cho rằng hiện đang gặp khó khăn về
thiếu đất sản xuất có ảnh hưởng đến khả năng lao động xuyên biên giới của các
thành viên. So với những cá nhân của hộ không gặp khó khăn về thiếu đất sản
xuất, xác suất sang bên kia biên giới để làm thuê đối với các thành viên của hộ
thiếu đất cao hơn 1,24 lần. Thực tế này phản ánh rằng, hoạt động sản xuất của
người dân chủ yếu làm theo thời vụ dẫn đến thiếu việc làm, dư thừa sức lao
động, vì thế khi hộ gia đình thiếu đất sản xuất cũng chính là động lực thúc đẩy
các thành viên sang bên kia biên giới lao động tìm kiếm thu nhập.
4. Những vấn đề xã hội của lao động xuyên biên giới
Người dân ở khu
vực biên giới Đông Bắc đi lao động ở bên kia đường biên quốc gia là một thực
tế, phản ánh nhu cầu chính đáng về tìm việc làm, tìm kiếm thu nhập của
họ. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực thì vấn đề lao động xuyên biên
giới của người dân cũng bộc lộ những vấn đề xã hội cấp bách. Nhiều người phải làm việc trong điều kiện không đảm
bảo, thậm chí là hết sức tồi tệ. Đặc biệt đã một số trường hợp bị tử vong gây
thiệt hại cho bản thân người lao động và gia đình vì thủ tục giấy tờ đưa người bị
nạn về nước gặp rất nhiều khó khăn.
“Còn một trường hợp nữa ở Đàm Thủy, Lý Văn H.
năm 2011 đi sang Trung Quốc làm thuê bên Quảng Đông, bị rơi giáo trên tầng 6
xuống chết luôn, nó không cho mang xác về, gia đình không được một đồng nào. Vợ
ở nhà còn trẻ (sinh năm 82,83) có 2 đứa con, phụ nữ không có chồng lại có ông
bố chồng còn trẻ ở nhà, cuộc sống có nhiều bất cập lắm nên cô lại bỏ sang Trung
Quốc lấy chồng, tự nhiên gia đình tan nát, gà trống nuôi cháu” [PVS cán bộ, xã Đàm
Thủy, tỉnh Cao Bằng] .
Để đổi lấy những
đồng tiền công tương đương 200.000-300.000đ/ ngày, người dân phải làm việc cật lực mỗi
ngày phải trên 10 giờ và
phải ở các lán trại tạm bợ tại bìa rừng hoặc công xưởng với sự
quản lý chặt chẽ, không được đi lại, bị giữ giấy tờ tùy thân và tiền công, thậm
chí còn bị đe dọa bạo lực và bạo lực. Mặc dù phải lao động trong điều kiện cực
nhọc nhưng nhiều người không dám bỏ trốn vì trong người không có tiền, bất đồng
ngôn ngữ, một thân một mình, có trốn được thì cũng không biết đường đi về. Vì
thế, họ bắt buộc phải ở lại lao động cho đến khi không đủ sức khỏe để làm được nữa và bị đẩy về nước. Việc nhận tiền công lao động không phải lúc
nào cũng suôn sẻ, nhiều người bị chủ quỵt hoặc trừ bớt với nhiều lý do.
“Chủ muốn bùng tiền, tạo cớ gọi công an đến
kiểm tra hộ khẩu, nó bắt nhốt mấy tháng rồi trả về đây. Thế là nó chả mất đồng
nào, chỉ mất một ít tiền gọi công an đến làm việc thôi. Một số chủ là như thế,
ở xã này năm vừa rồi cũng bị mấy trường hợp” [PVS cán bộ, xã Đàm Thủy, tỉnh Cao
Bằng] .
“Dân đi lại tự do khá nhiều, vụ nông nhàn của
mình bà con không sản xuất nữa, bỏ ruộng hoang sang bên kia làm thuê bốc vác,
làm cho các công ty tư nhân của họ. Đó là vấn đề hết sức nan giải, chúng tôi đã
cố gắng giải quyết nhiều lắm rồi. Nhiều trường hợp đi làm được một cục tiền về
đến gần biên giới thì bị trấn lột sạch” [TLN cán bộ, xã Thanh
Long, tỉnh Lạng Sơn] .
Hình thức đi lao
động bên kia biên giới của người dân chủ yếu là xuất nhập cảnh
trái phép qua đường mòn, lối mở, sông suối và lúc đi họ thường không đăng ký
tạm vắng với chính quyền địa phương do sợ không được đi hoặc là không có thói
quen. Khi đi lao động người dân cũng thường không làm giấy thông hành hay hộ chiếu là vì theo họ xuất nhập cảnh hợp pháp qua các cửa khẩu sẽ không đảm bảo thời gian làm
thuê; phải chịu nhiều chi phí về thời gian và tiền bạc khi làm giấy tờ, thủ
tục; không được chủ người Trung Quốc chấp nhận và giao việc để làm. Với tình
trạng không có giấy tờ hợp pháp khi đi lao động, người dân luôn phải đối mặt
với việc bị chính quyền nước sở tại xử phạt hành chính, giam giữ, phạt lao động
công ích, trục xuất về nước trong cảnh trắng tay, túng thiếu và nợ nần.
“Người
ta đi quản lí cũng khó, vì họ đi họ chẳng báo cáo gì, chằng quan
tâm đến ai, nên xã muốn kiểm soát cũng không kiểm soát được. Mà
người ta đi cũng tránh trường hợp cán bộ xã với cán bộ thôn biết” [PVS cán bộ, xã Trung
Khánh, tỉnh Lạng Sơn] .
“Đi là đi chui, bị phát hiện, bắt được là bị nhốt. Có người
bị bắt tầm 4-5 ngày” [PVS cán bộ, xã Cao Lâu, tỉnh Lạng Sơn] .
Thông qua việc lao
động bên kia biên giới, vấn đề hôn nhân xuyên biên giới của người dân cũng đã
được hình thành hoặc bằng hình thức tự nguyện hoặc bị bắt cóc, lừa bán. Theo
báo cáo của Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang, lợi dụng số phụ nữ Việt Nam sang
Trung Quốc làm thuê, các đối tượng tội phạm đã tổ chức phục bắt cóc hoặc giả
danh công an Trung Quốc yêu cầu kiểm tra giấy tờ rồi bất ngờ không chế, bắt cóc
đưa sâu vào nội địa để bán. Thêm vào đó, đã có những cuộc hôn nhân bị tan vỡ do
người vợ đi lao động bên kia biên giới và kết hôn với người ở đó.
“Ở bên này chưa có chồng, đi làm rồi quan hệ với nhau sau thành lấy
chồng bên đấy. Cũng có trường hợp có chồng rồi, xin phép nhà chồng đi làm thuê
rồi quen nhau bên đấy cũng bỏ chồng con bên này” [PVS cán bộ, xã Cô Ba,
tỉnh Cao Bằng] .
“Một số tự giác đi làm thuê, chặt mía… sau quen
bên kia rồi lấy chồng bên đấy cũng nhiều” [PVS cán bộ, xã Cao
Lâu, tỉnh Lạng Sơn] .
Có thể nói, mặc
dù chính quyền ở các địa phương đã có sự quan tâm, nỗ lực trong một số hoạt
động nhằm hạn chế việc người dân xuất cảnh trái phép lao động ở bên kia biên
giới nhưng rõ ràng vấn đề này vẫn hết sức là nan giải và đặt ra những vấn đề xã
hội cần phải giải quyết. Vì thế, các giải pháp khả thi cần tiếp tục được nghiên
cứu và triển khai đồng bộ trên cơ sở luận cứ khoa học và phù hợp với thực tiễn
của từng địa phương.
5. Kết luận và Thảo luận
Đi lao động làm
thuê bên kia biên giới là một thực tế đối với người dân cư trú ở khu vực biên
giới Đông Bắc Việt Nam, nó thể hiện quy luật cơ bản trong phát triển kinh tế và
trong bối cảnh kinh tế thị trường càng được thúc đẩy. Cụ thể hơn, lao động
xuyên biên giới của người dân ở khu vực biên giới Đông Bắc là sự phản ánh hệ
quả tất yếu của tình trạng thiếu việc làm và nhu cầu nâng cao thu nhập. Cùng
với đó là do địa hình giữa
Việt Nam và Trung Quốc có nhiều đường mòn hoặc lối mở, cư dân sinh
sống hai bên biên giới có khoảng cách địa lý gần nhau và có thể qua lại dễ dàng. Trong bối cảnh hiện tại, với sự ảnh
hưởng của kinh tế thị trường cùng với sự thuận lợi của giao thông, thông tin
liên lạc, có thể nói tình trạng người dân ở khu vực biên giới sang lao động bên
kia biên giới để tìm kiếm thu nhập càng có cơ hội gia tăng.
Với những
thành quả đã đạt được về kinh tế-xã hội, khu vực biên giới Đông Bắc đang trên
đường thoát khỏi nghèo đói nhưng đồng thời những khác biệt giữa các nhóm xã
hội, vùng miền sẽ tiếp tục gia tăng. Những khác biệt này cùng với việc nảy sinh
và gia tăng vấn đề lao động xuyên biên giới sẽ tạo ra sự đa dạng trong nhu cầu
quản lý xã hội ở khu vực biên giới Đông Bắc. Kết quả phân tích cho thấy, trong
số những thành viên hộ gia đình từ 15 tuổi trở lên, nhóm đối tượng có khả năng
sang bên kia biên giới làm thuê tự do nhiều hơn ở nam giới và tập trung chủ yếu
vào những đoàn hệ trẻ hơn, trong đó có một số trẻ em dưới 18 tuổi. Những người
dân tộc Kinh và người có học vấn cao hơn có khả năng không phải sang lao động ở
bên kia biên giới cao hơn so với người dân tộc thiểu số và người có học vấn thấp
hơn. Thành viên ở hộ gia đình có điều kiện sống khá nhất và tự đánh giá là
không thiếu đất sản xuất có khả năng đi lao động bên kia biên giới thấp hơn so
với những hộ gia đình có điều kiện sống thấp hơn và tự đánh giá là thiếu đất
sản xuất.
Những kết quả
phân tích trong bài viết cùng với những thông tin thu được từ thực địa gợi ý
sâu xa hơn rằng mặc dù phụ nữ có xác suất thấp hơn nam giới trong lĩnh vực lao
động xuyên biên giới nhưng vấn đề đặt ra cần quan tâm là phụ nữ đi làm thuê bên
kia biên giới có thể trở thành nạn nhân của sự bóc lột, đối xử tàn tệ, phải làm
việc trong những điều kiện như nô lệ và cuối cùng có thể là nạn nhân của tình
trạng xâm hại tình dục, bị bắt cóc hoặc buôn bán người. Do đó, việc cung cấp
thông tin và tuyên truyền cho những đối tượng sang bên kia biên giới lao động
nói chung và phụ nữ nói riêng về các nguy cơ và cách phòng ngừa, đối phó với
những tình huống xâm hại là rất cần thiết. Mỗi gia đình nên cân nhắc, lựa chọn
giữa lợi ích trước mắt và lâu dài để có kế hoạch tập trung cho lao động sản
xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình chính đáng ngay trên quê hương của mình, tránh
đi lao động trái phép ở bên kia biên giới để chịu những rủi ro đáng tiếc.
Theo nguyên
tắc quản lý đường biên giới và an ninh quốc gia, người dân của hai bên biên
giới khi đi sang lãnh thổ của nước khác đều phải đăng ký họ tên, nơi đến, thời
gian ở lại với đồn biên phòng cửa khẩu của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, vấn đề này
lại gây cản trở trong việc tìm kiếm thêm thu nhập ở bên kia biên giới cho nên
rất nhiều trường hợp, người dân thường đi thẳng qua đường mòn, lối mở dân sinh
mà không khai báo với lực lượng an ninh biên phòng. Việc người dân ở khu vực
biên giới khi sang bên kia biên giới lao động tự do không có giấy tờ hợp pháp,
không được ký hợp đồng lao động thường dẫn đến không có cơ sở pháp lý để đấu
tranh quyền lợi nếu xảy ra những tranh chấp, tai nạn về lao động. Bài học nhận
thấy ở đây trong công tác quản lý xã hội ở khu vực biên giới là chính quyền địa
phương cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý hộ khẩu, hộ tịch, tạm trú, tạm
vắng, nắm bắt tình hình người dân đi làm việc bên kia biên giới; hướng dẫn cụ
thể cho người dân đăng ký và chuẩn bị các giấy tờ khi sang Trung Quốc làm việc theo
đúng quy định (giấy thông hành, hộ chiếu...). Tích cực tuyên truyền, giải thích
chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý đường biên cũng như giúp người
dân nhận thức được việc xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động là vi
phạm pháp luật, sẽ bị xử lý theo pháp luật của chính quyền nước sở tại khi bị phát hiện.
Để có thể
cải thiện điều kiện sống của mình, người dân ở khu vực biên giới Đông Bắc vẫn tiếp
tục lựa chọn hình thức lao động bên kia biên giới và dù cho những khó khăn trở
ngại đến mức nào cũng không đủ để làm chùn bước chân của họ. Vì thế, cách thức
hạn chế làn sóng người dân ở các địa bàn khu vực biên giới Đông Bắc đi lao động
làm thuê ở Trung Quốc trái phép phải được tiến hành bằng việc đẩy mạnh thực
hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, ứng
dụng các mô hình hoạt động kinh tế vừa và nhỏ, tạo điều kiện công ăn việc làm
mang tính ổn định, bền vững và có thu nhập chính đáng./.
Tài liệu tham khảo
1. Bùi Xuân Đính (2010). Một số vấn đề về quan hệ dân tộc liên biên
giới ở vùng Đông Bắc hiện nay. Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí
Minh (Chủ biên). Quan hệ tộc người và phát triển xã hội ở Việt Nam hiện nay.
Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Lý Hành Sơn (2014). Quan hệ dân tộc
xuyên biên giới trong hoạt động kinh tế ở một số tộc người vùng miền núi phía
Bắc. Tạp chí Dân tộc học, (số 4), tr.
25-37.
3. Vương Xuân Tình (2010). Một số vấn đề cơ bản về dân tộc dưới tác
động của sự phát triển vùng biên giới Việt - Trung (Nghiên cứu về người Hà Nhì
ở một làng của tỉnh Lào Cai, Việt Nam và một làng thuộc châu Hồng Hà, tỉnh Vân
Nam, Trung Quốc). Báo cáo đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ. Viện
Dân tộc học, Hà Nội.
No comments:
Post a Comment