Saturday, December 21, 2019

Mối liên hệ giữa các yếu tố nhân khẩu học - xã hội và tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở Việt Nam

Trần Quý Long


Đề nghị trích dẫn: Trần Quý Long (2016). Mối liên hệ giữa các yếu tố nhân khẩu học - xã hội và tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, số 1, tr. 61-72.

1. Đặt vấn đề
Tử vong trẻ em dưới 1 tuổi là một chỉ số đầu ra và là một trong những thước đo đặc biệt về tình hình chăm sóc sức khỏe ở một quốc gia bởi vì trẻ em rất nhạy cảm với các điều kiện vệ sinh nghèo nàn, suy dinh dưỡng, hoặc thiếu sự chăm sóc sức khỏe của cha mẹ. Việc giảm số trẻ em dưới 1 tuổi tử vong cũng thường được xem là cách hiệu quả nhất để tăng tuổi thọ bình quân từ khi sinh. Do đó, những hoạt động cụ thể chăm sóc sức khỏe để giảm tử vong trẻ em sẽ có tác dụng lâu dài, dẫn đến những kết quả tốt hơn về dinh dưỡng, giáo dục và sức khỏe sau này (Nhóm hành động chống đói nghèo, 2002). Vấn đề tử vong trẻ em không chỉ được quan tâm thực hiện trong Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ gần đây mà xa hơn đã được quy định trong Công ước quốc tế về Quyền trẻ em. Điều 24 của Công ước nêu rằng, các quốc gia thành viên phải theo đuổi việc thực hiện đầy đủ quyền của trẻ em được hưởng mức cao nhất có thể đạt được về sức khỏe và đặc biệt phải thực hiện những biện pháp thích hợp để giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em và trẻ em sơ sinh.
 Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng trong việc giảm tỉ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi trong những thập kỷ qua, đặc biệt là trong những năm thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Kế hoạch đặt ra cho việc thực hiện mục tiêu này là giảm 2/3 tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi trong khoảng từ 1990 đến 2015 và chỉ tiêu này của năm 2015 là 14,8‰. Có thể nói Việt Nam đã dần đạt được kế hoạch đặt ra của Mục tiêu thiên niên kỷ khi từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ tử vong trẻ em luôn đạt dưới 16‰.
Mục tiêu của nghiên cứu nhằm xem xét những yếu tố nhân khẩu học-xã hội có mối liên hệ với sự khác biệt tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở Việt Nam như thế nào thông qua việc sử dụng số liệu cấp tỉnh/ thành phố (gọi chung là tỉnh). Các mô hình hồi quy tuyến tính đơn biến và đa biến bằng thủ tục OLS (bình phương nhỏ nhất thông thường) sẽ được sử dụng để xác định khả năng và mức độ ảnh hưởng của các yếu tố nhân khẩu học-xã hội đối với tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi ở cấp tỉnh/ thành phố.
Tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi được tính dựa trên số trẻ em dưới 1 tuổi tử vong trên 1.000 trẻ em sinh sống trong thời kỳ nghiên cứu, thường là một năm. Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thời điểm 1/4/2013 (gọi tắt là Điều tra biến động dân số) đã ước tính IMR cho tất cả 63 tỉnh/ thành phố, các vùng địa lý, thành thị và nông thôn. Đối với các chỉ tiêu nhân khẩu học - xã hội, nghiên cứu sử dụng số liệu của Điều tra biến động dân số cùng với Niên giám Thống kê năm 2013 và Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009. Những nguồn số liệu này cung cấp thông tin ở cấp độ tỉnh/ thành phố về các chỉ tiêu như: tuổi kết hôn trung bình lần đầu (SMAM) của phụ nữ, tổng tỷ suất sinh (TFR), tỷ lệ biết đọc biết viết (biết chữ) của phụ nữ từ 15 tuổi trở lên, tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ dân tộc thiểu số.
2. Thực trạng tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở Việt Nam
Biểu đồ 1 trình bày quá trình thay đổi của tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ XXI đến thời điểm Điều tra biến động dân số năm 2013. Tính chung cả nước, tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi đã giảm từ 30‰ năm 2001 xuống còn 15,3‰ vào năm 2013.
Biểu đồ 1: Tử vong trẻ em dưới 1 tuổi qua các năm
Nguồn: Niên giám thống kê qua các năm.
Mặc dù mức tử vong trẻ em dưới 1 tuổi của Việt Nam đã có sự giảm dần nhưng vẫn có sự khác biệt khá lớn giữa các tỉnh/ thành phố. Tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi thấp nhất là 8,1‰ ở thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Ngược lại, ở những tỉnh nghèo hoặc có tỷ lệ dân tộc thiểu số cư trú cao có tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi cao như: Lai Châu (44‰), Điện Biên (35,5‰), Kon Tum (40‰), Hà Giang (35,3‰), Quảng Trị (33,5‰). Chênh lệch tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giữa tỉnh cao nhất (Lai Châu) và thấp nhất (TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai) là 5,43 lần.
Có sự khác biệt rõ ràng trong tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giữa các vùng kinh tế - xã hội của đất nước. Tây Nguyên, trung du và miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ là ba vùng có tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi cao hơn số liệu trung bình của quốc gia, lần lượt là 26,1‰, 23,2‰ và 17‰. Qua đó cho thấy, những khác biệt đáng kể về tử vong trẻ em dưới 1 tuổi phản ánh sự cách biệt lớn giữa các vùng trong cả nước về mức độ phát triển kinh tế-xã hội cũng như tiếp cận với phúc lợi xã hội trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trẻ em. Thêm vào đó, mặc dù việt Nam đã đạt Mục tiêu thiên niên kỷ trong nỗ lực về giảm mức chết trẻ em dưới 1 tuổi xuống dưới 16‰ nhưng thực sự Nhà nước vẫn còn phải đầu tư nhiều hơn nữa cho các vùng khó khăn góp phần nâng cao chất lượng sống nơi đây (Tổng cục Thống kê, 2013).
3. Mối liên hệ giữa các yếu tố nhân khẩu - xã hội và tử vong trẻ em dưới 1 tuổi
3.1. Tuổi kết hôn lần đầu của phụ nữ
Tuổi kết hôn lần đầu là một yếu tố quan trọng phản ánh khả năng sinh học và chu trình sinh sản của người phụ nữ. Tuổi kết hôn lần đầu cũng quan trọng đối với cấu trúc hộ gia đình ở những xã hội khác nhau vì nó có tác động trực tiếp đến sự biến thiên của mức sinh. Việc sinh con sớm thường diễn ra khi có tuổi kết hôn lần đầu sớm. Sinh con sớm không những có ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ và trẻ em mà còn làm cho thời gian tham gia vào quá trình sinh sản của người mẹ kéo dài hơn và do đó số con sẽ nhiều hơn. Những biến chứng trong quá trình mang thai và sinh con là nguyên nhân gây tử vong 70.000 trường hợp mỗi năm ở người mẹ trong độ tuổi 15-19 (UNICEF, 2009).
Biểu đồ 2: Mối quan hệ giữa IMR và SMAM của phụ nữ ở cấp tỉnh
Nguồn: Tính toán từ Điều tra biến động dân số 2013.
Tuổi kết hôn trung bình lần đầu (SMAM-singulate mean age at marriage) được ước lượng gián tiếp từ tỷ lệ chưa từng kết hôn của các nhóm tuổi từ 15-19 đến 45-49. Nói cách khác, SMAM là số năm sống trung bình trước khi kết hôn lần đầu của những người kết hôn trước tuổi 50 (Tổng cục Thống kê, 2011b). Biểu đồ 2 minh họa mối quan hệ giữa SMAM của phụ nữ (được biểu diễn trên trục hoành) và IMR (được biểu diễn trên trục tung) của các tỉnh/ thành phố từ số liệu Điều tra biến động dân số năm 2013. Mối quan hệ giữa tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và SMAM của phụ nữ rất rõ ràng và nghịch biến, nghĩa là những tỉnh mà phụ nữ có SMAM cao hơn nhưng lại có tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi thấp hơn. Hệ số hồi quy giữa tuổi kết hôn lần đầu của phụ nữ và tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi là -4,1 cho biết rằng, khi tăng 1 điểm phần trăm ở SMAM của phụ nữ sẽ làm giảm 4,1 điểm phần trăm ở tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở các tỉnh. Hệ số của đường tuyến tính này là 0,39 nói lên sự biến thiên trong IMR của các tỉnh/ thành phố là khoảng 39% có thể được giải thích bằng sự biến thiên trong tuổi kết hôn lần đầu của phụ nữ ở các tỉnh/ thành phố của Việt Nam.
3.2. Tổng tỷ suất sinh
Tổng tỷ suất sinh (TFR) là một trong những thước đo chính phản ánh mức sinh và trực tiếp tác động đến quy mô hộ gia đình của dân số. TFR được hiểu là số con sinh sống bình quân của một người phụ nữ trong suốt cả cuộc đời, nếu người phụ nữ đó trong suốt thời kỳ sinh đẻ tuân theo tỷ suất sinh đặc trưng theo tuổi như quan sát được trong 12 tháng trước điều tra.
Biểu đồ 3: Mối quan hệ giữa IMR và TFR ở cấp tỉnh
Nguồn: Tính toán từ Điều tra biến động dân số 2013.
Kết quả phân tích cho thấy, mối quan hệ giữa tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và TFR của 63 tỉnh/ thành phố có tính chất đồng biến, nghĩa là các tỉnh có TFR cao hơn thì có tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi cao hơn (biểu đồ 3). Độ dốc của đường hồi quy giữa TFR và IMR cho biết, tăng 1 đơn vị của TFR sẽ làm tăng khoảng 17 điểm phần trăm của IMR. Trên biểu đồ, điểm giao thấp nhất giữa hai chỉ tiêu là của thành phố Hồ Chí Minh với TFR là 1,68 và IMR là 8,1‰.
Từ kết quả phân tích mối liên hệ giữa tổng tỷ suất sinh với tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở cấp tỉnh cho thấy rằng, phụ nữ có số lượng con ít hơn, tình trạng sung mãn và triển vọng phát triển của mỗi đứa trẻ nhìn chung được nâng cao hơn. Bởi vì, khi gia đình càng đông con thì khả năng đầu tư cho việc chăm sóc sức khỏe, nuôi dưỡng trẻ em càng hạn chế và do đó góp phần làm cho nguy cơ tử vong của trẻ em cao hơn.
3.3. Điều kiện kinh tế
Biểu đồ 4 thể hiện mối quan hệ giữa tỷ lệ hộ nghèo và mức độ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi của 63 tỉnh/ thành phố. Mối quan hệ giữa tử vong trẻ em với nghèo đói rất rõ ràng, các tỉnh/ thành phố có tỷ lệ hộ nghèo cao hơn có tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi tử vong cao hơn. Hệ số hồi quy thể hiện mối quan hệ giữa hai yếu tố này là 0,7 chỉ ra rằng, cứ tăng mỗi 1% tỷ lệ hộ nghèo sẽ dẫn đến tăng 0,7 điểm phần trăm của IMR ở cấp tỉnh. Hệ số cho đường tuyến tính này là 0,72 nói lên rằng, khoảng 72% của biến thiên trong IMR có thể được giải thích bằng sự biến thiên trong tỷ lệ hộ nghèo của các tỉnh/ thành phố. Điểm ngoài cùng của trục hoành thể hiện tỷ lệ hộ nghèo cao và tương ứng với tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi cao là của các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, và Hà Giang. Kết quả này làm nổi bật nhu cầu cần tập trung nhiều hơn cho các tỉnh nghèo để người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống. Mặc dù Nhà nước đã tập trung đầu tư vào những tỉnh nghèo, vẫn đòi hỏi một sự cải thiện toàn diện hơn nữa về y tế, giáo dục và điều kiện sống trong vấn đề giảm tỷ lệ tử vong trẻ em.
Biểu đồ 4: Mối quan hệ giữa IMR và nghèo ở cấp tỉnh
Nguồn: Tính toán từ Điều tra biến động dân số 2013.
Kết quả phân tích thu được hoàn toàn phù hợp với những quan sát trong thực tế đời sống hàng ngày. Gia đình có tiềm năng kinh tế dồi dào hơn sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em. Một nghiên cứu phân tích tình hình tập trung vào tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em gần đây có nhận xét rằng, “từ năm 1992/1993 đã tồn tại một mức độ trung bình về sự chênh lệch trong tỉ lệ tử vong sơ sinh ở trẻ em Việt Nam thiên về có lợi cho những phụ nữ giàu có và con của họ” (UNICEF, 2008). Kết quả nghiên cứu đó còn cho thấy, các yếu tố góp phần tạo nên sự chênh lệch về tỉ lệ tử vong trẻ em cao hơn ở những gia đình nghèo bao gồm: trình độ học vấn (cả trình độ học vấn cao nhất của bất kỳ một thành viên là người lớn trong gia đình và còn tăng cao hơn khi xem xét đến trình độ học vấn của bản thân người phụ nữ), yếu tố dân tộc và các chỉ số về thu nhập kinh tế của gia đình.
3.4. Trình độ học vấn của phụ nữ
Một trong những yếu tố của người mẹ liên quan đến hoạt động chăm sóc sức khỏe cho trẻ em được nhìn nhận ở hầu hết các nghiên cứu là học vấn và kiến thức của người mẹ. Như nhiều nghiên cứu đã đề cập, ảnh hưởng của người mẹ đối với đứa con của mình bắt đầu từ khi còn mang thai và tiếp tục ảnh hưởng thông qua thời kỳ thời thơ ấu và đi học của trẻ em sau này. Nói một cách sâu xa hơn thì người mẹ quyết định việc khuyến khích sự thông minh và sự phát triển về thể lực trong những năm đầu đời của một đứa trẻ. Học vấn kém và phụ thuộc vào những người khác của người mẹ sẽ lấy đi sự hiểu biết và tự tin, làm suy yếu khả năng chăm sóc, tìm kiếm sức khỏe cho con cái của họ. Phụ nữ ít học thường làm cho họ hoàn toàn không hiểu hoặc hiểu biết rất ít về những rủi ro khi sinh con và những vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn tìm cách đến hệ thống y tế hoặc thương thuyết trong gia đình về việc chăm sóc kịp thời để có thể cứu mạng sống của người mẹ và đứa con sinh ra. Mỗi năm đi học của người mẹ tương ứng với tỉ lệ giảm 5-10% trong mức độ tử vong của trẻ em dưới năm tuổi (UNFPA, 2005). Ngoài việc đẩy lùi thời điểm sinh con, người mẹ được giáo dục có nhiều khả năng đảm bảo miễn dịch cho con, biết nhiều thông tin hơn về chế độ dinh dưỡng và sử dụng các biện pháp tránh thai để giãn khoảng cách giữa các lần sinh. Con cái của họ được nuôi dưỡng với chế độ dinh dưỡng tốt hơn và có tỷ lệ sống cao hơn (UNICEF, 2009).
Mối quan hệ giữa tỷ lệ biết đọc, biết viết (biết chữ) của phụ nữ từ 15 tuổi trở lên và tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở cấp tỉnh/ thành phố được minh họa ở biểu đồ 5. Theo kết quả phân tích, tỷ lệ biết chữ của phụ nữ trên 14 tuổi của các tỉnh/thành phố càng tăng thì tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi có xu hướng càng giảm. Điểm giao ngoài cùng giữa trục hoành và trục tung là của thành phố Hồ Chí Minh, đây là địa phương có tỷ lệ phụ nữ từ 15 tuổi trở lên biết chữ cao nhất cả nước, 97,6% và có tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi thấp nhất, 8,1‰. Ngược lại, tại điểm giao cao nhất giữa trục hoành là của tỉnh Lai Châu. Tỉnh này có tỷ lệ phụ nữ 15 tuổi trở lên biết chữ thấp nhất cả nước, 49,6% và tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi cũng cao nhất (44‰). 
Biểu đồ 5: Mối quan hệ giữa IMR và tỷ lệ biết chữ của phụ nữ >= 15 tuổi ở cấp tỉnh


Nguồn: Tính toán từ Điều tra biến động dân số 2013.
 3.5. Thành phần dân tộc
Những người dân tộc thiểu số thường là những người nghèo nhất trong số những người nghèo. Họ thường không tiếp cận được đầy đủ với nguồn nước sạch và các nguồn lực khác, và có thể bị đẩy vào những hệ sinh thái kém hoặc bị xuống cấp. So với phần đông dân số trong nước, nhóm người này có tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh và bà mẹ cao hơn (UNFPA, 2005). Kết quả của Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009 cho thấy, có sự khác biệt rất rõ về tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giữa các dân tộc. Biểu đồ 6 trình bày tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi phân bố theo các dân tộc có dân số một triệu người trở lên. Ngoài dân tộc Kinh có tỷ suất tử vong trẻ em dưới một tuổi ở mức thấp nhất (13‰), các dân tộc khác đều có IMR cao hơn mức trung bình chung của cả nước. 
                  Biểu đồ 6: Tử vong trẻ em dưới 1 tuổi chia theo một số dân tộc (‰)

Nguồn: Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009 (Tổng cục Thống kê, 2011a).
Giữa các nhóm dân tộc thiểu số, tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi ở dân tộc Hmông cao nhất và cao gần gấp 3 lần so với mức chung của cả nước (46‰ so với 16‰). Cộng đồng người Hmông có quan điểm cho rằng phụ nữ thường dễ đẻ và ‘mất đứa trẻ này ta sẽ có đứa trẻ khác-đó là báu vật của Trời'. Nói chung người Hmông không sợ đứa bé sinh ra bị chết bởi vì họ tin rằng đây là sự hiện thân của thần linh (UNFPA, 2008). Quan điểm này là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tỷ lệ sinh và tỷ lệ tử vong trẻ em cao trong quần thể người Hmông. Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở 2009 cho biết, một số nhóm dân tộc thiểu số có tổng tỷ lệ sinh cao cũng là những nhóm có tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh cao, đặc biệt là người Hmông. Qua đó cho thấy, đông con, nghèo đói, học vấn thấp và tử vong trẻ em là cái vòng luẩn quẩn kìm hãm sự phát triển của đồng bào dân tộc ít người nói chung và của dân tộc Hmông nói riêng. Mặc dù đã có rất nhiều chương trình của chính phủ được thiết kế và thực hiện để hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số nhưng nơi đây vẫn còn là “lõi nghèo”, “túi nghèo” của cả nước (UNFPA, 2011).
Phân tích đa biến về các yếu tố nhân khẩu học - xã hội ảnh hưởng đến tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi
Để xác định các đặc điểm nhân khẩu học - xã hội có ảnh hưởng như thế nào đến tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở cấp tỉnh/ thành phố, nghiên cứu đã sử dụng phương pháp phân tích hồi quy đa biến. Do số lượng mẫu nhỏ và phân bố không thể hiện là một phân phối chuẩn vì thế các biến số được điều chỉnh cho phù hợp bằng hàm logarithm.
Kết quả phân tích ở bảng 1 cho thấy, hai biến số tuổi kết hôn trung bình lần đầu và tổng tỷ suất sinh của phụ nữ có sự ảnh hưởng đối với tử vong trẻ em dưới 1 tuổi theo hai chiều trái ngược nhau và rất có ý nghĩa thống kê (mô hình 2). Tương tự với phân tích hồi quy đơn biến, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của phụ nữ càng cao thì tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở các tỉnh càng giảm. Ngược lại, tổng tỷ suất sinh của phụ nữ tăng làm cho tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi cũng tăng theo.
Mô hình 3 xem xét ảnh hưởng của biến số tỷ lệ biết chữ của phụ nữ từ 15 tuổi trở lên khi tính đến ảnh hưởng của tuổi kết hôn lần đầu và tổng tỷ suất sinh của phụ nữ. Ba biến số này có thể giải thích 70% sự biến thiên trong tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi của các tỉnh/ thành phố. Theo kết quả phân tích, tỷ lệ phụ nữ từ 15 tuổi trở lên biết chữ của các tỉnh càng tăng thì tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi càng giảm.
Bảng 1: Mô hình hồi quy về tác động của các yếu tố nhân khẩu học - xã hội đối với tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở cấp tỉnh
Yếu tố
Mô hình
1
2
3
4
5
SMAM của phụ nữ (logarithm)
-,225***
-,170***
-,095***
-,038
-,014
TFR

,641***
,566***
,508***
,268**
Tỷ lệ biết chữ của phụ nữ >= 15 tuổi


-,016***
-,010**
-,014***
Tỷ lệ dân tộc thiểu số (logarithm)



,059***
,035**
Tỷ lệ hộ nghèo (logarithm)



,072**
,061**
Khu vực địa lý





ĐB sông Hồng (so sánh)




0
Miền núi phía Bắc




,076
Bắc Trung Bộ & DHMT




,020
Tây Nguyên




,303**
Đông Nam Bộ




-,173
ĐB sông Cửu Long




-,201**
Adj-R2
0,44
0,63
0,70
0,79
0,85
Nguồn: Tính toán từ Điều tra biến động dân số 2013 và Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009.
Khi đưa thêm hai biến số tỷ lệ dân tộc thiểu số và tỷ lệ hộ nghèo vào phân tích thì làm cho tác động của biến số tuổi kết hôn lần đầu không còn có ý nghĩa thống kê (mô hình 4). Kết quả này là do giữa ba biến số có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Những tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo hoặc tỷ lệ dân tộc thiểu số cao thì đồng thời tuổi kết hôn trung bình lần đầu của phụ nữ cũng cao. Tác động của hai biến số tỷ lệ dân tộc thiểu số và tỷ lệ hộ nghèo đối với tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi mang tính chất đồng biến và có ý nghĩa thống kê. Nghĩa là tỷ lệ dân tộc thiểu số và tỷ lệ hộ nghèo của các tỉnh càng cao thì tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi cao càng cao.Mô hình cuối cùng (mô hình 5) đưa biến số vùng địa lý vào nhằm kiểm nghiệm sự ảnh hưởng của các biến số nhân khẩu học - xã hội đối với tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và kết quả cho thấy không có sự thay đổi đáng kể so với mô hình trước. Mặc dù là biến kiểm soát nhưng kết quả phân tích gợi ý rằng, cùng có những đặc trưng nhân khẩu học - xã hội như nhau nhưng khu vực Tây Nguyên có tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi cao hơn so với đồng bằng sông Hồng. Kết quả này một lần nữa khẳng định, Tây Nguyên là khu vực cần được chú ý nhất trong công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em nói chung và giảm tỷ lệ trẻ em tử vong nói riêng.
5. Thảo luận và kết luận
Mặc dù tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở Việt Nam đã giảm dần trong những thập kỷ qua và có tỷ lệ tương đối thấp nhưng Điều tra biến động dân số năm 2013 cho thấy vẫn có những khác biệt giữa các tỉnh/ thành phố. Kết quả phân tích của nghiên cứu khẳng định mối quan hệ giữa một số yếu tố nhân khẩu học-xã hội với tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi đã tạo nên những khác biệt đó.
Tuổi kết hôn lần đầu của phụ nữ là một yếu tố có mối liên hệ nghịch đảo với tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở cấp tỉnh/ thành phố. Một điều rõ ràng là tuổi kết hôn càng sớm thì mức sinh càng cao, vì khả năng sinh sản của người phụ nữ biểu thị cao nhất vào đầu những năm 20 tuổi và kéo dài cho đến cuối thời kỳ thanh xuân. Vì thế, ngoài việc tránh mang thai khi còn rất trẻ, có số lần mang thai không định trước ít hơn và đặt khoảng cách giữa các lần sinh sẽ ngăn ngừa được tình trạng kiệt sức của người mẹ và giảm rủi ro tử vong ở cả người mẹ và trẻ em.
Tổng tỷ suất sinh của phụ nữ có mối quan hệ tiêu cực với tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở cấp tỉnh/ thành phố của Việt Nam. Thực ra, đây là mối quan hệ hai chiều, tổng tỷ suất sinh cao có ảnh hưởng tới tử vong trẻ em, ngược lại mức tử vong trẻ em cao cũng sẽ làm tăng tỷ suất sinh. Nếu các gia đình có lý do để tin rằng một vài đứa con của họ sẽ chết trước khi có khả năng đóng góp cho gia đình và xã hội thì họ sẽ có ý định sinh thêm con và sẽ miễn cưỡng tăng đầu tư vào vốn nhân lực cho con cái của họ (Gary Stanley Becker, 1991). Việc có ít hơn những lần sinh con không chủ định trước có thể tạo điều kiện cho các bà mẹ tham gia vào lực lượng lao động, giúp cho các cặp vợ chồng đạt được quy mô gia đình mong muốn. Thông qua cả giảm tỷ lệ tử vong của trẻ em lẫn qua kế hoạch sinh đẻ sẽ làm tăng sự đầu tư của cha mẹ vào giáo dục, dinh dưỡng và sức khỏe cho con cái của mình (Ngân hàng Thế giới, 2007). Vì thế, nghiên cứu này thiết lập cơ sở mạnh mẽ cho việc tăng cường hạn chế hoặc giãn khoảng cách số lần sinh thông qua các chương trình kế hoạch hóa gia đình. Bên cạnh những tác động trực tiếp đến tử vong trẻ em, việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình còn góp phần hạ thấp nguy cơ tử vong của người mẹ bằng sự giảm bớt số lần mang thai, sinh đẻ dày và sinh đẻ quá sớm (Đặng Nguyên Anh và Quan Lệ Nga, 1996).
Sự nghèo khổ gắn liền với tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở Việt Nam. Phân tích của Nhóm hành động chống đói nghèo (2002) cho biết, việc giảm nghèo khổ ở Việt Nam có khả năng mang lại kết quả khả quan trong việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi. Vì thế, việc đạt các mục tiêu về tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở Việt Nam sẽ phụ thuộc chủ yếu vào tiến bộ trong việc giảm nghèo đói và khả năng của Chính phủ trong việc mở rộng dịch vụ và chất lượng dịch vụ y tế ở các vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa.
Học vấn của phụ nữ là một chỉ báo mạnh qua đó có thể dự đoán được triển vọng sống của trẻ em ở cấp tỉnh/ thành phố. Nhiều nghiên cứu cho thấy giáo dục của người mẹ là thước đo tương đối ổn định nhất của tình trạng kinh tế - xã hội và là yếu tố kinh tế - xã hội có khả năng lớn nhất trong dự đoán tình trạng sức khỏe của trẻ em. Phần lớn các nghiên cứu ở mọi cấp độ đều cho thấy trình độ giáo dục cao hơn luôn gắn với một tỷ lệ tử vong trẻ em thấp hơn. Nghiên cứu của John C. Caldwell cho biết, trong toàn bộ số liệu của thế giới thứ ba đương thời, có sự tác động đáng kể vào mức chết của trẻ em là từ học vấn bố mẹ và phần nhiều ảnh hưởng này vượt qua việc kiểm soát đối với thu nhập (John C. Caldwell, 1994).
Thực hiện thập kỷ biết chữ của Liên hợp quốc (2003-2012), cộng đồng quốc tế đã nhấn mạnh phương diện xã hội của biết chữ và công nhận rằng “tạo ra các môi trường và xã hội biết chữ là một điều kiện cần thiết để đạt các mục tiêu về xóa nghèo khổ, giảm tỷ lệ tử vong trẻ em, hạn chế gia tăng dân số, đạt bình đẳng giới và bảo đảm phát triển bền vững, hòa bình và dân chủ” (United Nations, 2001). Thêm vào đó, dự án Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc nhn mạnh rằng, giáo dục trung học cơ sở hoặc cao hơn cho phụ nữ là một yếu tố mang tính chiến lược và điều này sẽ mang lại “hiệu quả lớn nhất trong việc trao quyền cho phụ nữ”. Giáo dục mang lại hiệu quả cho nữ giới nhiều hơn nam giới vì phụ nữ có học sẽ tăng cường sử dụng các dịch vụ sức khỏe bà mẹ và kế hoạch hóa gia đình, đồng thời thay đổi thái độ của họ đối với các hủ tục (UNFPA, 2005). Tỷ lệ biết chữ của Việt Nam đã được nâng lên rõ rệt và không có sự chênh lệch nhiều về giới trong việc hưởng thụ thành quả của giáo dục. Tuy nhiên, vẫn có sự chênh lệch về trình độ học vấn đạt được giữa các vùng trong nước và giữa các tầng lớp giàu, nghèo trong xã hội. Đối với người dân tộc thiểu số, vấn đề không biết tiếng phổ thông vẫn còn là một trở ngại cho việc nâng cao trình độ học vấn của phụ nữ và hạn chế phần nào khả năng chăm sóc sức khỏe cho trẻ em.
Kết quả phân tích từ các mô hình hồi quy cung cấp những bằng chứng khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa yếu tố dân tộc và tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi. Những tỉnh có tỷ lệ dân tộc thiểu số cao hơn có tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi cao hơn. Có thể khẳng định rằng phong tục tập quán, niềm tin đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe trẻ em của phụ nữ dân tộc thiểu số. Ví dụ, theo quan niệm của người Thái và người Hmông, nếu có những triệu chứng/ vấn đề như tai biến sản khoa, sinh con dị tật xảy ra là do “ma dữ nhập vào bụng mẹ”, “hồn vía đứa trẻ không hợp với hồn vía của mẹ”. Những quan niệm này có thể khiến họ chậm trễ trong quyết định tìm kiếm dịch vụ y tế. Thậm chí có trường hợp tai biến nặng, họ để cho phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh tử vong mà không chạy chữa vì cho rằng “trời bắt vậy” (UNFPA, 2010). Có thể nói, sự khác biệt vẫn tiếp tục tồn tại trong tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số.
Việt Nam có một mạng lưới chăm sóc y tế rộng khắp với một đội ngũ nhân viên y tế đông đảo và các chương trình y tế công cộng được tổ chức tốt. Tuy nhiên, mức độ tiếp cận và chất lượng dịch vụ ở các vùng nghèo và vùng xa xôi vẫn gặp những cản trở do đó việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ em trong những vùng này vẫn còn những hạn chế nhất định. Những dịch vụ cung cấp cho người nghèo thường không đạt tiêu chuẩn, và thái độ phân biệt đối xử cũng như trình độ điều trị kém có thể khiến những người nghèo không quay lại sử dụng các dịch vụ đó nữa (UNFPA, 2005). Do vậy, trước hết cần phải ưu tiên cải thiện mạng lưới và cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu nói chung và chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em nói riêng (bao gồm cả thiết bị và nhân lực có chuyên môn thích hợp) ở khu vực nông thôn, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vì chăm sóc sức khỏe sinh sản là yếu tố quan trọng nhất trong các yếu tố quyết định mức độ chết trẻ em và tăng tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh (Tổng cục Thống kê, 2011a).
Trên phương diện quốc gia, những nỗ lực nhằm nâng cao tỷ lệ chăm sóc sức khỏe trẻ em giai đoạn thai sản và giai đoạn nuôi dưỡng, đặc biệt đối với trẻ em dân tộc thiểu số, ở vùng sâu vùng xa… chắc chắn sẽ góp phần hạ thấp tỷ lệ tai biến, bệnh tật và tử vong trẻ em ở Việt Nam. Con cái của phụ nữ nghèo và phụ nữ có trình độ giáo dục thấp có nhiều khả năng bị chết yểu hơn. Bởi vì hai nhóm phụ nữ này có nhu cầu thấp về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và chăm sóc sức khỏe trẻ em. Do đó, cần phải tiến hành các hoạt động truyền thông có trọng điểm và thích hợp về văn hóa để làm thay đổi thói quen nhằm gia tăng nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ em (Nhóm hành động chống đói nghèo, 2002). Cần cung cấp cho cộng đồng những thông tin đầy đủ, hỗ trợ cho các gia đình và người chăm sóc trẻ em những phương thức xử lý đúng lúc và kịp thời (Trần Quý Long, 2009). Các dịch vụ cần được hướng đến các vùng khó khăn nơi phụ nữ có trình độ học vấn thấp hơn. Đồng thời, các chương trình thông tin, giáo dục và truyền thông rất cần được thiết kế theo cách hữu hiệu đến được với những phụ nữ có học vấn thấp hoặc không có học vấn, phải được coi là mục tiêu ưu tiên chính.

Tài liệu tham khảo

1. Đặng Nguyên Anh và Quan Lệ Nga (1996), "Ảnh hưởng của các biến số trung gian đến tử vong ở Việt Nam". Tạp chí Xã hội học, số 3, tr. 34-51.
2. Gary Stanley Becker (1991), A Treatise on the Family-Enlarged Edition. Harvard University Press., Cambridge, MA.
3. John C. Caldwell (1994), "Những nhân tố xã hội và văn hóa ảnh hưởng mức chết ở các nước đang phát triển". John Knodel, Phạm Bích San, Peter Donaldson và Charles Hirschman (chủ biên). Tuyển tập các công trình chọn lọc trong dân số học xã hội, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
4. Ngân hàng thế giới (2007), Báo cáo phát triển thế giới 2007: Phát triển và thế hệ kế cận, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
5. Nhóm hành động chống đói nghèo (2002), Cải thiện tình trạng sức khỏe và giảm bớt những bất bình đẳng, Báo cáo chung của các nhà tài trợ, Hà Nội.
6. Tổng cục Thống kê (2011a), Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009-Mức sinh và mức chết ở Việt Nam: Thực trạng, xu hướng và những khác biệt, Tổng cục Thống kê và Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, Hà Nội.
7. Tổng cục Thống kê (2011b), Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009: Cấu trúc tuổi-giới tính và tình trạng hôn nhân của dân số Việt Nam, Tổng cục thống kê và Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, Hà Nội.
8. Tổng cục Thống kê (2013), Điều tra biến động dân số và Kế hoạch hóa gia đình thời điểm 1/4/2013: Các kết quả chủ yếu, Hà Nội.
9. Trần Quý Long (2009), "Hành vi chăm sóc sức khỏe cho trẻ em trong gia đình hiện nay", Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, số 1, tr. 67-79.
10. UNFPA (2005), Tình trạng dân số thế giới 2005-Lời hứa về công bằng, bình đẳng giới, sức khỏe sinh sản và các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.
11. UNFPA (2008), Sức khỏe sinh sản của đồng bào Hmông tỉnh Hà Giang - Nghiên cứu nhân học y tế, Nxb. Y học, Hà Nội.
12. UNFPA (2010), Nghiên cứu về sức khỏe sinh sản tại Việt Nam: Báo cáo rà soát các nghiên cứu sức khỏe sinh sản cho đồng bào dân tộc ít người từ năm 2000 đến 2007.
13. UNFPA (2011), Các dân tộc ở Việt Nam: Phân tích các chỉ tiêu chính từ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, Hà Nội.
14. UNICEF (2008), Công bằng y tế ở Việt Nam: Phân tích thực trạng tập trung vào tử vong bà mẹ và trẻ em, Hà Nội.
15. UNICEF (2009), The State of the World's Children 2009: Maternal and Newborn Health, New York.
16. United Nations (2001), United Nations Literacy Decade: education for all (A/RES/56/116), 88th plenary meeting.















2 comments: